South China Sea là thuật ngữ phổ biến nhất trong tiếng Anh để chỉ vùng biển này, và tên trong đa số các ngôn ngữ Châu Âu khác cũng như vậy, nhưng các nước xung quanh thì gọi nó bằng nhiều tên khác nhau, thường phản ánh chủ quyền lịch sử của họ đối với quyền bá chủ vùng biển.
Trung Quốc thường hay gọi tắt biển này là Nam Hải. Trong ngành xuất bản hiện nay của Trung Quốc, nó thường được gọi là Nam Trung Quốc Hải, và cái tên này cũng thường được dùng trong các bản đồ bằng tiếng Anh do Trung Quốc ấn hành. Philippines gọi là biển Luzón theo tên hòn đảo lớn Luzon của Philippine.
Tại Việt Nam, hầu hết lãnh thổ hướng chính ra biển là hướng đông, do đó tên tiếng Việt của biển này hàm nghĩa là vùng biển Đông Việt Nam. Ở đồng bằng sông Cửu Long có thể ra biển về hướng tây (vịnh Thái Lan) về phía các nước Campuchia và Thái Lan. Biển Đông Việt Nam còn ghi dấu ấn của mình vào văn hóa và lịch sử Việt Nam, thể hiện qua câu tục ngữ "thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn; Thuận bè, thuận bạn tát cạn biển Đông", hay thành ngữ "dã tràng xe cát biển Đông". Người Trung Quốc ở đảo Hải Nam thì có câu "phúc như Đông hải, thọ tỉ Nam sơn"[1]. Trong các tài liệu cổ về hàng hải của Bồ Đào Nha vào thế kỉ 15-16 còn có tên là Biển Chăm Pa.
Ngoài ra còn có East China Sea (tên quốc tế của biển này) ở phía bắc so với biển Đông Việt Nam, Trung Quốc gọi tắt là Đông Hải, khi tra cứu những tài liệu của Trung Quốc hoặc của nước khác tham khảo tài liệu Trung Quốc, chú ý không nhầm lẫn hai biển Đông này.
Tên gọi quốc tế của biển Đông ra đời từ nhiều thế kỷ trước, là biển Nam Trung Hoa vì thời bấy giờ Trung Quốc là nước rộng lớn nhất, phát triển nhất, nổi tiếng nhất trong khu vực và đã có giao thương với phương Tây qua con đường tơ lụa. Tên gọi nhiều biển, đại dương vốn căn cứ vào vị trí của chúng so với các vùng đất gần đó cho dễ tra cứu, không có ý nói về chủ quyền. Có thể kể ra các thí dụ là Ấn Độ Dương, là đại dương ở phía nam Ấn Độ, giáp nhiều nước ở châu Á và châu Phi, không phải là của riêng nước Ấn Độ; hay biển Nhật Bản, được bao quanh bởi Nga, Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc và Nhật Bản.