Tốn kém cho hoạt động cải cách hành chính tại sao dân vẫn kêu?
Là ĐBQH duy nhất trình sáng kiến luật trong Quốc hội khóa XIII, điều gì thôi thúc bà dấn thân vào làm dự án luật Hành chính công này?
Tôi vốn là người được đào tạo về luật, nhiều năm trước tôi tham gia quản lý công tác văn bản quy phạm pháp luật ở Thủ đô Hà Nội, nên khi nắm tình hình về thi hành pháp luật, tôi dễ thấy những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn để có thể đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Vào Quốc hội tôi có điều kiện nắm bắt được tình hình cũng như những vướng mắc trong thực thi pháp luật trên nhiều lĩnh vực rõ ràng hơn.
Khởi đầu của ý tưởng xây dựng dự án luật Hành chính công là khi Quốc hội họp bàn xem xét trách nhiệm để xảy ra các vụ Vinalines và Vinashin. Có ĐB nói rằng, để xảy ra vụ việc đến mức độ đó, cũng có lỗi của Quốc hội vì đã không có hành lang pháp lý trong vấn đề quản trị công, thiếu sự công khai, minh bạch trong quản lý điều hành. Từ các ý kiến đó và bản thân tôi cũng hay nghiên cứu các báo cáo của Chính phủ, các bộ, nghành, địa phương, thấy chỗ nào nói về khó khăn, vướng mắc trong thực thi pháp luật, tôi thường đánh dấu lại để đối chiếu, so sánh. Cứ như thế lâu dần, tôi thấy rõ nhiều điều luật này vênh với nhiều điều luật khác, rất khó thi hành trong thực tiễn.
Tại sao bà lại chọn đề xuất dự án luật Hành chính công mà không phải luật nào khác?
Trước đây, tôi cũng đã đề xuất xây dựng luật Hòa giải ở cơ sở, luật Phổ biến giáo dục pháp luật, luật Thủ đô đã được bộ Tư pháp quan tâm đưa vào Chương trình đề nghị của Chính phủ rồi được Quốc hội xem xét thông qua. Thực tiễn, hàng ngày báo chí vẫn nêu “các luật chồng chéo làm khổ người dân và doanh nghiệp”, hoặc nơi này, nơi kia không công khai, minh bạch trong việc giải quyết khiếu nại của dân…Trong khi đó, việc quản lý, cải cách nền hành chính vẫn rất tốn kém. Người dân và doanh nghiệp vẫn rất bức xúc vì thủ tục “hành là chính”.
Tôi gặp, trao đổi với thầy Phan Chí Hiếu (lúc ấy là Hiệu trưởng trường ĐH Luật Hà Nội, nay là Thứ trưởng bộ Tư pháp), thầy Hoàng Văn Sao (ĐH Luật Hà Nội) và nhiều thầy cô trong trường ĐH Luật Hà Nội, khoa Luật ĐH Quốc Gia, Học viện Hành chính Quốc gia… mọi người đều ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ, giúp tôi xây dựng dự án luật Hành chính công.
Tôi lên kế hoạch đi tiếp xúc cử tri kết hợp giám sát việc thực hiện luật Công nghệ thông tin, luật Giao dịch điện tử gắn với cải cách hành chính ở một số địa phương có mô hình Trung tâm dịch vụ hành chính công, “một cửa”, “một cửa liên thông”…để xem các quy định của hai luật này vào cuộc sống như thế nào. Tôi trao đổi với nhiều ĐBQH khác, họ rất ủng hộ và cùng đi. Bộ TT&TT đã ủng hộ và chỉ đạo các sở TT&TT chuẩn bị báo cáo về việc thực hiện hai luật trên còn vướng mắc khó khăn gì. Càng đi vào thực tiễn, suy nghĩ về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật hành chính công càng lớn dần. Từ năm 2013 đến nay, tôi liên tục đề xuất xây dựng luật Hành chính/luật Hành chính công.
Cho đến kỳ họp thứ 9, QH khóa XIII (tháng 5/2015), lần đầu tiên Quốc hội ban hành Nghị quyết giao cho viện Nghiên cứu lập pháp, Văn phòng Quốc hội hỗ trợ cho ĐB chuẩn bị hồ sơ trình sáng kiến luật theo quy định. Phải nói, Quốc hội khóa XIII có sự đổi mới rất lớn về công tác lập pháp.
Trong quá trình làm dự án Luật, khó khăn nhất với bà là gì?
Tôi thấy vấn đề kinh phí không phải khó khăn lắm vì Quốc hội đã có Nghị quyết giao cho Văn phòng Quốc hội, viện Nghiên cứu lập pháp hỗ trợ ĐB. Khó khăn nhất tôi cho là vấn đề nhận thức. Thứ nhất, có người cho rằng không cần thiết phải làm luật này vì đã có rất nhiều luật chuyên ngành rồi! Thứ hai, có người cho rằng ĐBQH chỉ nên đề xuất sửa, đổi vài điều của luật này, luật kia thôi vì không thể tự mình soạn thảo dự án luật to lớn, đồ sộ được. Thứ ba, từ trước đến nay vẫn có tư duy làm luật thường là do cơ quan Chính phủ thực hiện vì khi điều hành, khó vấn đề gì thì họ sẽ đề xuất Quốc hội. Đó là những nhận thức rất khác nhau dễ làm ĐBQH chùn bước. Nhưng với tư cách là ĐBQH, là “con nhà luật”, được cử tri tin tưởng, tôi nghĩ mình đã nhìn thấy rõ vấn đề đó, tại sao không làm?
Góp phần yên dân từ mỗi địa phương
Đại biểu đã có rất nhiều chất vấn gay gắt về vấn đề tiêu cực, về các hủ tục văn hóa… có khi nào bà cảm thấy “ngại ngần” với các cơ quan quản lý?
Giữa nghị trường Quốc hội, việc chất vấn phải thẳng thắn để thấy rõ được trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Mục tiêu cuối cùng là để các vị được chất vấn thấy rõ trách nhiệm của họ trong quản lý điều hành và phải có đổi mới. Đại biểu chất vấn mà như khen, nói vòng vo thì làm sao họ thấy được. Khi chất vấn, tôi xác định phải nói tiếng nói của nhân dân, chứ không phải ý kiến của cá nhân, nên tôi không ngại.
Tuy nhiên, khi chất vấn người đứng đầu Chính phủ, tôi thường chuẩn bị rất kỹ lưỡng, phải cắt giảm tối đa các từ ngữ thừa, dài dòng, không xác đáng. Có lần để chuẩn bị chất vấn Thủ tướng Chính phủ về kỷ cương, kỷ luật hành chính, tôi phải chuẩn bị câu chất vấn đến tận 3h sáng. Nếu không chuẩn bị kỹ câu hỏi, Đại biểu có thể sẽ làm mất thì giờ của Quốc hội hoặc không phản ánh được đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Thực sự cử tri rất mong muốn người đứng đầu Chính phủ thể hiện rõ hơn vai trò và các quyết sách mạnh mẽ trong xử lý cán bộ cấp dưới có hành vi sai trái, xâm phạm quyền và lợi ích của công dân.
14 năm làm ĐBQH, chắc chắn bà có rất nhiều cuộc tiếp xúc cử tri và nhân dân. Kỷ niệm nào tiếp xúc cử tri để lại ấn tượng sâu đậm với bà?
Nhiều lắm! Càng đi nhiều, gặp nhiều, lắng nghe nhiều, tôi càng có nhiều dấu ấn, kỷ niệm khó quên trong quá trình làm ĐBQH. Nhưng có một cuộc gặp vô tình, vào thời điểm đặc biệt khiến tôi khó có thể quên. Đó là vào một buổi chiều muộn ngày 31/12, mọi người đang hối hả trở về nhà vì hôm sau là nghỉ Tết Dương lịch. Đi ngang qua ngã sáu Cửa Nam, tôi bắt gặp một bà cụ đi chân đất, áo quần phong phanh, dáng xiêu xiêu, cầm chiếc nón mê rách và cái túi du lịch cũ nát. Tôi bỗng chạnh lòng và đi theo cụ. Tôi hỏi cụ: “Cụ ơi! Cụ đi đâu mà phong phanh thế này?” Cụ trả lời chắc nịch: “Tôi đi gặp Thủ tướng”.
Qua câu chuyện tôi mới biết cụ đi từ miền Tây Nam Bộ ra Hà Nội để khiếu kiện vì địa phương không giải quyết thỏa đáng việc bồi thường đất đai theo quy định. Tôi đọc các tài liệu cụ mang theo bỗng giật mình khi biết cụ là thương binh, vợ liệt sỹ, cả hai cụ đều được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hạng Nhất. Cụ một mình lặn lội đường xa nên đã bị kẻ xấu lừa lấy hết tiền, trong túi chỉ còn đúng 14 ngàn đồng. Được sự đồng ý của cụ, tôi nhờ thầy trụ trì chùa Kim Liên giúp và mời cụ về ở tạm. Sau khi “trang bị” thêm cho cụ một số đồ dùng chống lạnh, thực phẩm, vật dụng khác… tôi đưa cụ lên chùa. Sau đó, tôi lập tức gọi điện trao đổi với lãnh đạo đoàn ĐBQH của tỉnh, Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ đề nghị quan tâm giải quyết việc của bà cụ…
Thực sự, nếu lãnh đạo các địa phương và các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương chủ động phối hợp với nhau giải quyết thấu đáo các vụ việc khiếu kiện của người dân thì chắc sẽ không xảy ra những điểm nóng, những vụ khiếu kiện phức tạp, góp phần làm yên dân từ mỗi địa phương.
Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi !