Những cơ sở pháp lý rõ ràng và thuyết phục về Chủ quyền biển đảo Việt Nam
Ngày cập nhật 28/12/2020

Chủ quyền biển đảo Việt Nam- Minh chứng lịch sử và và cơ sở pháp lý là cuốn sách thứ năm về chủ quyền biển đảo Việt Nam của Hội khoa học lịch sử  Thừa Thiên Huế( do PGS TS Đỗ Bang chủ biên) vừa mới được nhà xuất bản tri thức cho ra mắt bạn đọc. Khác với những cuốn sách trước ( nội dung phần lớn tập trung minh chứng lịch sử Chủ quyền biển đảo Việt Nam thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn thế kỷ XIX); Cuốn sách lần này có độ dài lịch sử dài hơn, dòng chảy liên tục và thông suốt hơn( thời Lê thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, thời Nguyễn và Tây Sơn, Triều Nguyễn, … từ năm 1975 đến nay), cơ sở pháp lý rõ ràng và thuyết phục hơn.

Cuốn sách là tập hợp thành tựu nghiên cứu của 29 tác giả trong và ngoài nước được công bố tại hội thảo khoa học Chủ quyền biển đảo Việt Nam- Minh chứng lịch sử và cơ sở pháp lý do Hội khoa học lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức và chủ trì. Nội dung cuốn sách được bố cục theo 5 vấn đề chính: về lịch sử Chủ quyền; Tiếp cận so sánh và lên án hành vi xâm phạm Chủ quyền đối với Việt Nam; Những vấn đề thống nhất cao; Vấn đề cần trao đổi; Khuyến nghị.

 Về lịch sử chủ quyền. Với ý thức trách nhiệm, đam mê nghiên cứu khoa học, bằng nhiều phương pháp và cách tiếp cận linh hoạt từ nhiều nguồn tư liệu tin cậy trong và ngoài nước diễn ra và tồn tại cùng thời, cùng với kết quả khảo sát thực địa ( gia đình dòng họ, di tích) các tác giả đã minh chứng hùng hồn Chủ quyền biển đảo Việt Nam có từ lâu đời và được thực hiện liên tục( điểm nhấn chủ yếu và xuyên suốt là Chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa). Kế thừa Chủ quyền của người Chăm trước đó, đến thời Lê( thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI)  Hoàng Sa, Trường Sa, và một số đảo ven bờ khác “chính thức được đưa vào Hồng Đức Bản đồ, bản đồ quốc gia với tên gọi Bải Cát Vàng”. Với việc thành lập Đội Hoàng Sa(đời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên 1613-1635)“ để quản lý và khái thác tài nguyên vùng đảo này”; Đội Hoàng Sa đã lập một ngôi miếu thờ tại đây, như “ một cứ liệu minh chứng Hoàng Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc từ lâu đời”. Đầu thế kỷ XVIII, “ Chúa Nguyễn Phúc Chu đã cử quan chức đo đạc Trường Sa và thành lập đội Bắc Hải”. Từ phân tích và tổng hợp tư liệu chính thống, PGS.TS Đỗ Bang đã khẳng định“ đối chiếu với các tiêu chí về xác lập chủ quyền biển đảo với tư cách là chủ quyền thuộc về nhà nước, chúa Nguyễn là chủ thể duy nhất, nhà nước duy nhất, người lao động Việt Nam là chủ nhân chân chính và là lực lượng duy nhất thực thi nhiệm vụ khai thác và bảo vệ  chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với hai đơn vị thực thi nhiệm vụ mang thương hiệu của nhà nước đối với vùng biển đặc thù của Việt Nam là Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải mang tính xuyên suốt trong lịch sử chủ quyền Việt Nam tại biển Đông thời  chúa Nguyễn”. Đến thời Tây Sơn, thành tựu về chủ quyền biển đảo thời chúa Nguyễn vẫn tiếp tục được duy trì.

Chủ quyền biển đảo Việt Nam dưới triều Nguyễn được tiếp tục thể hiện qua các tư liệu chính thống của nhà nước như Châu bản, các bộ quốc sử đương thời, nỗi bật là việc cắm mốc chủ quyền tại Hoàng Sa dưới triều Minh Mạng( trong Đại Nam thực lục)“ Mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc. Mặt bài khắc dòng chữ “ Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân, Thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phan Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”, đồng thời vua còn cho lập miếu thờ, dựng bia và trồng cây trên đảo. Theo dòng lịch sử, nữa đầu thế kỷ XX Chính quyền Pháp – Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền bằng việc cho dựng bia chủ quyền trên đảo Hoàng Sa( Cộng hòa Pháp- Vương quốc An Nam- Quần đảo Hoàng Sa 1816- Đảo Hoàng Sa 1938). Từ năm 1954-1975, bảo vệ chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam được chính quyền thực thi bới“ Việt Nam Cộng hòa là một quốc gia được Liên hiẹp quốc công nhận, là nhà nước kế thừa của chính phủ Quốc gia Việt Nam trước đó”( Lưu Anh Rô). Bất chấp sự thật hiển nhiên đó, với giả tâm độc chiếm biển Đông, nhà cầm quyền Trung Quốc đã trắng trợn chiếm đóng đảo Phú Lâm- đảo   lớn nhất  quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam( ngày 30-5-1956), rồi sau đó dùng vũ lực để đánh chiếm Hoàng Sa( vào ngày 19-01-1974). Chính quyền Việt Nam cộng hòa(VNCH) đã lên án hành động xâm chiếm bất hợp pháp đó của Trung Quốc, đồng thời ra tuyên bố tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cùng với việc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, chính quyền VNCH đã ban hành nhiều văn bản xác nhận chủ quyền của  Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Theo nhà nghiên cứu Lưu Anh Rô“ việc thành lập xã Định Hải trên cơ sở toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần đất liền nơi có nhiều ngư dân đánh cá tại xã Hòa Long, thuộc huyện Hòa Vang, cho thấy ý đồ từng bước“ dân sự hóa” việc khai thác, bảo vệ Hoàng Sa của chính quyền VNCH. Đây chủ trương đúng đắn trong việc tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa theo quy định Công ước Quốc tế lúc bấy giờ và cả sau này”. Từ năm 1975 đến nay, Trung Quốc liên tiếp xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam ở biển Đông, bất chấp phản đối mạnh mẽ của Việt Nam, và công ước quốc tế; Đó là: ngày 14-3-1988, Trung Quốc cho quân đánh chiếm đảo Gạc Ma( thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, tàn sát 64 chiến sĩ công binh đang làm nhiệm vụ; Ngày 02-5-2014, đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến đảo Tri Tôn về phía nam quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của nước ta, và “ nằm lỳ” trái phép ở đó 45 ngày mới rút; Ngày 10-6-2019, Trung Quốc đưa dàn khoan Hải Dương 982 thuộc thế hệ mới, hiện đại xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam cách Đà Nẵng 110 hải lý về phía Đông Bắc. Trong những năm gần đây, Trung Quốc  liên tục vi phạm chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa như thành lập các đơn vị hành chính, xây dựng các căn cứ quân sự, sân bay, đảo nhân tạo, khai thác du lịch, khiêu khích và cản trở việc khai thác hợp pháp của ngư dân Việt Nam…; Trước sự tranh chấp tại biển Đông,  mà Việt Nam là quốc gia có chủ quyền lâu đời và liên tục nhất, có không gian lãnh hải rộng lớn nhất, là vấn đề sống còn của dân tộc, TS Lê Nhị Hòa đề xuất“ kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong cuộc đấu tranh  bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”

Bằng các minh chứng lịch sử và cơ sở pháp lý, được tiếp cận so sánh một cách khách quan, các tác giả đã thống nhất cao trong viêc khẳng định“ chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được kế thừa từ thời Chămpa, chính thức được xác lập từ thời chúa Nguyễn, liên tục qua các vương triều Tây Sơn, Nguyễn và cho đến ngày nay”; đồng thời lên án hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc là trắng trợn và bất chấp pháp lý; Từ đó đưa ra những khuyến nghị hàm chứa tính khoa học và thực tiễn về việc đấu tránh bảo vệ chủ quyền biển đảo“ chính sách quốc gia về biển phải thực sự đi vào cuộc sống, được sự đồng  thuận của toàn dân, lấy dân là chủ đề trung tâm để từ đó có sự đầu tư, có chính sách khuyến khích nhân dân thực hiện  chính sách quốc gia về biển( Trung tướng GS,TS Nguyễn Đình Chiến), cần“ xây dựng chiến lược thông tin đối ngoại đúng đắn, tăng cường công tác thông tin, trưng bày, triển lảm các hình ảnh, tư liệu, bản đồ, hiện vật để nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Trung Quốc có cái nhìn khách quan về sự thật không thể phủ nhận là từ lâu đời các nhà nước Việt Nam đã xác lập thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với các quy định liên quan của pháp luật quốc tế ;  lãnh thổ Trung Quốc từ bao đời nay chỉ kết thúc ở đảo Hải Nam, không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa( TS, Lê Nhị Hòa);“Nhà nước cần phải thực hiện chính sách bồi dưỡng nhân tài nghiên cứu về biển đảo một cách toàn diện, trong bối cảnh hiện nay các bộ, ban ngành cần đưa ra kế hoạch giáo dục tuyên truyền mọi người dân Việt Nam ý thức về tầm quan trọng của biển đảo”( Trung tướng GS.TS Nguyễn Đình Chiến). Đó là những đóng góp tâm huyết và trách nhiệm của các nhà khoa học đối với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam trong bối cảnh hiện nay; cũng là những điểm sáng và mới mà cuốn sách mang lại.,.

 

D.Q
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
 "Quá trình xác lập chủ quyền của Nhà nước Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" là cuốn sách chuyên khảo do Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế biên soạn, với sự tham gia của 16 chuyên gia sử học...
 
Chủ quyền biển đảo Việt Nam- Minh chứng lịch sử và và cơ sở pháp lý là cuốn sách thứ năm về chủ quyền biển đảo Việt Nam của Hội khoa học lịch sử  Thừa Thiên Huế( do PGS TS Đỗ Bang chủ biên) vừa mới được nhà xuất bản tri thức cho ra...
Sách “Chủ quyền biển đảo Việt Nam trong lịch sử”, Tác giả là Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, do PGS Đỗ Bang (Chủ biên) “Chủ quyền biển đảo Việt Nam trong lịch sử “ tập hợp 28 bài viết của các nhà nghiên...
 
Sách Biển Đông trong “Chính sách hướng Á” của Australia từ góc nhìn cường quốc tầm trung của tác giả Huỳnh Tâm Sáng góp phần làm sáng tỏ thêm những vấn đề: “Chính sách hướng...
“Biển đảo Việt Nam: Lịch sử - Chủ quyền - Kinh tế - Văn hóa” tuyển chọn những bài nghiên cứu trên Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng (Viện Nghiên cứu Phát triển - Kinh tế Xã hội Đà...
 
“Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt Việt Nam”. Bởi lẽ đó là hai quần đảo giàu đẹp, mĩ lệ và thiêng liêng mà cha ông ta đã đổ biết bao nhiêu mồ hôi, công sức, xương máu...
Tìm kiếm
Lượt truy cập - trang truyền thông
Truy câp tổng 976.124
Truy câp hiện tại 303