Tầm nhìn biển của vua Minh Mạng - kỳ 2
Ngày cập nhật 24/06/2021

Là người đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền lãnh hải, vua Minh Mạng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách giúp ổn định tình hình biển Đông, trong đó, tập trung vào bốn nhóm nhiệm vụ chính là: xây dựng lực lượng thủy quân tinh nhuệ; hiện đại hóa các phương tiện di chuyển trên biển, tăng cường tuần tra, kiểm soát và cắm mốc chủ quyền; đánh đuổi cướp biển. Tổng thể những nhiệm vụ và nỗ lực thực hiện chúng đã đem lại cho vùng lãnh hải một giai đoạn bình yên, thịnh trị.

 

Xây dựng lực lượng thủy quân tinh nhuệ:

 Thực ra, vua Minh Mạng không phải là người đầu tiên đề ra chiến lược bảo vệ và giữ gìn biển đảo mà vị vua đầu tiên của vương triều Nguyễn hướng tầm nhìn ra biển là vua Gia Long. Trong gần 20 năm trị vị, vua Gia Long đã thực hiện nhiều cải cách, nhiều chính sách nhằm khai thác, bảo vệ lãnh hải. Tuy nhiên, sau khi Minh Mạng lên ngôi, vị vua này đã nâng tầm và thực hiện một cách hiệu quả, đem lại nhiều thành tựu mang tính cột mốc trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền lãnh hải nước ta. Việc xây dựng một lực lượng thủy quân tinh nhuệ cũng vậy, người đầu tiên chú trọng phát triển thủy quân là vua Gia Long. Ngay từ khi cuộc chiến giữa nhà Tây Sơn và chúa Nguyễn còn chưa kết thúc, Nguyễn Ánh mà sau này là vua Gia Long đã đặc biệt chú trọng phát triển lực lượng thủy quân, coi đó là lợi thế so sánh của mình. Sau này, khi đã lập ra vương triều Nguyễn, vua Gia Long đã chia quân đội thành 4 binh chủng chính là bộ binh, pháo binh, tượng binh và thủy binh. Trong đó, bộ binh và thủy binh là hai đơn vị tác chiến độc lập và được chú trọng đầu tư để trở thành hai lực lượng đặc biệt tinh nhuệ.

Thuyền chiến thời Nguyễn - Tranh vẽ của Nguyễn Thứ, họa sỹ cung đình triều Nguyễn

Đầu thế kỷ XIX, thủy quân nhà Nguyễn được trang bị nhiều thuyền chiến có khả năng hoạt động trên biển. Còn ở các cửa biển đều có một cơ lính thủy và đặt súng để phòng thủ và trông giữ việc đi lại của tàu nước ngoài. Năm 1816, thủy quân của vua Gia Long đã kiểm soát toàn bộ vùng biển Việt Nam, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau khi nối ngôi, dù đã được kế thừa một lực lượng thủy quân mạnh nhưng vua Minh Mạng vẫn tiếp tục ban hành những chủ trương nhằm nâng cao năng lực chiến đấu hơn nữa. Theo Đại Nam thực lục (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tập 4, tr.324), dưới triều Minh Mạng,vua đã định phép thao diễn thủy sư như một cuộc tập bắn trên biển. Đây là việc chưa từng có trong lịch sử phát triển thủy quân vì thời các vua trước, lực lượng thủy quân thao diễn, luyện tập thường chỉ là phép dàn trận, tấn công, tiến, lui… mà thôi. Về tổng thể, vua Minh Mạng đã ban dụ rằng “Binh lính là để giữ nước. Lúc vô sự, phải cho tập luyện thành thuộc để phòng lúc hữu sự”. Những chủ trương ấy đã giúp Đại Nam có được một lực lượng hải quân tinh nhuệ bậc nhất khu vực lúc bấy giờ.

Thủy quân Nhà Nguyễn

Hiện đại hóa các phương tiện di chuyển trên biển

Không chỉ tập trung xây dựng lực lượng hải quân giầu sức chiến đấu, vua Gia Long còn đặc biệt chú trọng nâng cấp các phương tiện di chuyển trên biển, làm nền tảng cho một lực lượng thủy binh tinh nhuệ. Một mặt, vua Gia Long tiếp tục duy trì các xưởng đóng tàu thuyền cỡ lớn ở Gia Định, một mặt liên tục mở ra và nâng cấp các công xưởng đóng thuyền mới ở kinh đô Huế với lý do: “Trong nước tuy đã yên ổn, nhưng không thể quên được việc chiến tranh. Quân ta rất giỏi thủy chiến mà số thuyền ghe hiện không có mấy, nên đã đóng sẵn trước để phòng khi dùng đến. Bèn sai Gia Định lấy gỗ nộp về kinh, hạ lệnh cho các quan theo mẫu mà đóng. Tổng cộng ở kinh có đến 255 sở đóng sửa, đậu thuyền các loại, trừ các hạng thuyền lớn bọc đồng hiệu đại, trung đậu ở dưới nước nên tùy tiện che đậy và các hạng thuyền nhỏ cũng cần để phụ không có xưởng”. Đến thời vua Minh Mạng, để xây dựng thủy quân hùng mạnh, phát triển hàng hải bảo đảm vận tải đường biển và bảo vệ vùng biển của đất nước, vua đặc biệt chú trọng đến việc đóng tàu các loại và nâng cao kỹ thuật hàng hải. Vua dụ rằng sự phát triển của thủy quân trước hết phải nhờ vào những con tàu đắc lực và để vận hành thứ đó phải có những thủy thủ quen thuộc kỹ thuật. Ông từng dụ cho Bộ Công rằng việc lớn của thủy quân là tàu thuyền, trong đó việc chỉ hướng, trắc thủy và đo giờ là những nhân tố đặc biệt quan trọng cho việc hàng hải. Kết quả của nỗ lực hiện đại hóa tầu thuyền đó đã được thể hiện trên trên Cửu đỉnh đặt trước Thế miếu ngày nay. Có tổng cộng bảy loại tàu thuyền được đúc nổi trên Cửu đỉnh là: Đa sách thuyền trên Cao đỉnh là loại thuyền ba cột buồm kiểu phương Tây, thường trang bị súng lớn, dùng để đi theo sông lớn, đi biển dài ngày và có khả năng đi xa, vượt cả đại dương, là loại thuyền thể hiện trình độ cao về kỹ thuật đóng thuyền buồm của Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn; Lâu thuyền trên Nhân đỉnh là loại thuyền lớn đóng bằng gỗ tốt có tầng lầu rất đẹp, thường chỉ được dùng cho nhà vua và hoàng gia, các quan đại thần và binh sĩ hộ giá đi lại trên sông Hương hoặc xa lắm cũng chỉ ra đến vùng Quảng Trị, Quảng Bình hoặc vào Quảng Nam; đây là một trong các thành tựu nổi bật nhất của ngành đóng tàu thuyền dưới thời nhà Nguyễn ở thế kỷ 19; Mông đồng thuyền trên Chương đỉnh là loại thuyền có đáy nông, thường có tám cặp chèo, trang bị nỏ mạnh, có mái gỗ để che tên đạn, là loại thuyền chiến cơ động, thường được sử dụng ở sông lớn và ven biển; Hải đạo thuyền trên Nghị đỉnh là loại thuyền chèo rất linh hoạt phục vụ hoạt động chiến đấu trên biển, trong một đơn vị thủy binh ngày trước, hải đạo được tổ chức từng nhóm hàng chục chiếc một, khi chiến đấu thì cơ động nhanh, lúc tuần tiễu thì đi theo hàng để tiện bề hỗ trợ cho nhau; Đỉnh thuyền trên Thuần đỉnh là loại thuyền thon nhỏ, nhiều tay chèo, vừa dùng để đua trong các lễ cầu mưa, các ngày lễ hội, vừa dùng trong chiến đấu, ưu điểm là có tốc độ rất nhanh, hoạt động thuận tiện trên tất cả các loại hình đường thủy; Lê thuyền trên Tuyên đỉnh là loại thuyền có 12 tay chèo, được sản xuất khá nhiều dưới thời vua Minh Mạng và đến năm 1835, dùng thuyền này cho Viện Cơ mật để làm thuyền hộ giá khi vua đi tuần đường thủy. Chắc rằng bảy loại tàu thuyền nêu trên được coi là những thành tựu rất lớn của ngành đóng thuyền dưới triều vua Minh Mạng và đã được sử dụng rộng rãi nên mới được chọn đúc trên Cửu đỉnh. Ngoài các loại thuyền truyền thống hoặc được cải tiến dựa trên thuyền truyền thống, vua Minh Mạng cũng đặc biệt chú ý đến việc học hỏi kỹ thuật đóng thuyền, vận hành thuyền theo lối châu Âu. Năm 1822, vua cho mua một chiếc thuyền bọc đồng của Pháp để làm mẫu cho các xưởng đóng thuyền ở Huế học theo và cải tiến cho phù hợp với điều kiện Việt Nam. Chiếc thuyền bọc đồng đầu tiên của triều Minh Mạng được đặt tên là Thụy Long và sau khi thử nghiệm thành công, vua ra lệnh triển khai đóng hàng loạt thuyền bọc đồng để trang bị cho thủy quân, đặt tên là thuyền Tuần Dương, phân cho các tỉnh dọc theo bờ biển mỗi tỉnh hai chiếc, tỉnh nào mặt biển rộng thì làm ba, bốn chiếc.

               

             Đa sách thuyền trên Cao Đỉnh                                                           Lân thuyền trên Nhân đỉnh                                                     Ô thuyền trên Dụ đỉnh                                          

Tuần tra trên biển và cắm mốc chủ quyền tại Hoàng Sa

Dưới thời vua Gia Long, việc bố phòng bờ biển, tuần tra và kiểm soát vùng biển đã được triển khai mạnh mẽ. Đến thời vua Minh Mạng, việc tuần tra, phòng thủ bờ biển được chính quy hóa ở mức độ cao nhất. Theo đó, việc tuần tra kiểm soát vùng biển nói chung trên cả nước được giao cho quân đội chính quy, nhưng ở các địa phương giáp biển thì được giao cho địa phương quyền chủ động. Thủy quân của triều đình sẽ tuần tra trên biển từ tháng hai đến tháng bảy hoặc tháng tám, dinh thủy quân cử hai đội gồm nhiều thuyền lớn đi tuần theo hai hướng bắc và nam. Các đội thủy quân của địa phương cùng với thủy quân của triều đình đóng tại địa phương phối hợp tuần tiễu trên biển từ tháng tư đến tháng mười. Thông thường, các tàu thuyền đi tuần tiễu được trang bị các đại bác, súng trường, hỏa pháo, pháo thăng thiên, câu liêm, kính thiên lý... để sẵn sàng đối phó với cướp biển hoặc thuyền gian trên biển. Trước mùa tuần biển, quân thủy do triều đình phái đi được ứng trước ba đến bốn tháng lương thực và quân địa phường được ứng trước từ một đến hai tháng lương thực để sử dụng trong những ngày thực thi nhiệm vụ trên biển. Đến năm 1836, vua Minh Mạng phê chuẩn thí điểm về trang bị tuần biển của các đồn, trấn thuộc bờ biển phủ Thừa Thiên. Theo đó, mỗi đồn biển được trang bị 2 chiến thuyền và 3 chiếc thuyền nhẹ chia lượt thành hai ban thay nhau đi tuần thám trên biển. Đến năm 1838, quy định về tuần biển của các đồn trấn thủ ven biển đã được vua Minh Mạng chuẩn cho thi hành trên tất cả các địa phương ven biển. Ngoài ra, vua cũng cho chế tạo các loại thuyền tuần biển phù hợp với điều kiện biển cũng như ấn định số lượng thuyền, số lượng người tham gia tuần biển, từ cấp trung ương đến cấp địa phương. Đến năm 1838, vua lại ban dụ: “Trước đây trẫm đã giáng lời dụ hàng năm binh thuyền đi tuần ngoài bể cứ tháng hai ra đi. Nay tháng giêng trời đã sáng tỏ mà đường đi thuận tiện, chính là thời kỳ thuyền buồm đi về, thời nên phái đi tuần tiễu ngay để yên vùng bể”“Đặc biệt ở nhiều vùng biển có nhiều hải tặc thì không kể mùa nào bởi trấn thủ sở tại vốn có trách nhiệm tuần phòng...”. Như vậy, từ năm 1839 trở đi, hoạt động tuần biển của thủy quân các cấp kéo dài quanh năm nhằm đảm bảo an ninh và khẳng định chủ quyền biên giới biển.

Hải đội Hoàng Sa

Đặc biệt, vào năm 1836, bộ Công tấu vua hằng năm cho cử người ra Hoàng Sa dựng bia chủ quyền, cắm cột mốc và đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ. Về sự kiện này, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, chép rằng vua Minh Mạng đã y theo lời tâu của bộ Công sai Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi, đem theo 10 bài gỗ làm dấu mốc. Mặt bài khắc chữ: "Minh Mạng thập thất niên Bính Thân thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương độ chí thử lưu chí đẳng tự" (dịch nghĩa: Năm Minh Mạng thứ mười bảy, năm Bính Thân, Chánh thủy quân suất đội trưởng Phạm Hữu Nhật vâng mệnh ra Hoàng Sa xem xét đo đạc, đến đây lưu dấu để ghi nhớ).

Phòng chống hải tặc ở vùng biển Đông Bắc

Trong bài nghiên cứu CHÍNH SÁCH BẢO VỆ VÙNG BIỂN ĐÔNG BẮC VIỆT NAM CỦA VUA GIA LONG VÀ VUA MINH MẠNG (1802 - 1840), hai tác giả Nguyễn Thị Phương Chi và Nguyễn Kỳ Nam cho biết vua Minh Mạng dụ rằng: “Miền đất duyên hải Hải Dương và Quảng Yên thuộc hạt Bắc Thành, phần nhiều là nơi đầm vực để cho giặc biển ẩn nấp, mà trong đó Đồ Sơn lại càng xung yếu, trẫm từng hạ lệnh cho thành thần chọn đất đặt đồn, đó là muốn trừ tuyệt giặc giã để dân ở yên. Rồi vì việc bắt giặc hơi thư nên lại đình chỉ, nay hai trấn ấy tăng thêm ngạch thuyền, đủ để tuần phòng, nên dụ sai thành thần phái người đi xem trên dải Đồ Sơn, chỗ nào nên đặt pháo đài thì đem binh đến đóng giữ để trấn áp bờ bể, đất Quảng Yên chỗ nào nên đặt đồn tấn giữ thì bàn tâu một thể”.  Như vậy, ngoài việc rất chú trọng việc đánh dẹp giặc biển như thời vua Gia Long đã làm khi dẹp giặc Tề Ngôi vào các năm 1803,1804, 1808 thì vua Minh Mạng cũng chú ý tăng cường phòng bị bằng cách dựng nhiều đồn lũy phòng thủ đường biển.

Chiến thuyền nhà Nguyễn

Như vậy, với một tầm nhìn chiến lược và sự quan tâm đặc biệt tới vấn đề biển đảo, vua Minh Mạng đã triển khai hàng loạt các chính sách từ văn hóa, chính trị, quân sự để đảm bảo giữ vững chủ quyền lãnh hải nước ta. Thông qua những chính sách và những hoạt động tiêu biểu đã nêu, Minh Mạng đã để lại cho hậu thế một trong những bằng chứng không thể chối cãi, về sự hiện diện thật sự Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Là người đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền lãnh hải, vua Minh Mạng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách giúp ổn định tình hình biển Đông, trong đó, tập trung vào bốn nhóm...
 
Trong số 13 vị vua triều Nguyễn, Minh Mạng là vị vua để lại nhiều văn bản ghi chép, châu phê, châu điểm về vấn đề khai thác, bảo vệ Hoàng Sa nói riêng và biển đảo nói chung nhiều nhất. Không chỉ có vậy, tầm nhìn,...
Giữa biển trời Lý Sơn lồng lộng, trên bãi cát trắng dài, có những ngôi mộ lặng lẽ nằm hướng mặt ra biển. Trải suốt trăm năm, ngày càng nhiều những ngôi mộ lặng lẽ hướng biển như thế. Trong cái không gian bát ngát...
 
Dưới góc nhìn chính sử, họ là lực lượng chính quy đầu tiên xứ Đằng Trong đảm nhận nhiệm vụ tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Con đường ra Hoàng Sa của họ chưa bao giờ là dễ dàng nhưng họ vẫn luôn sẵn sàng thực hiện nghĩa...
Trong hơn ba thế kỷ dòng họ Nguyễn trấn giữ xứ Đằng Trong, cửa biển Thuận An đóng một vai trò hết sức đặc biệt. Không chỉ là một thắng cảnh của đất thần kinh mà cửa biển này còn chính là điểm khởi đầu của con đương thủy dài...
 
Trấn Hải thành là chốt chặn tiền tiêu, là công trình phòng thủ quân sự quan trọng nhất trên con đường thủy từ biển Đông tiến thẳng vào kinh đô Huế. Không chỉ là công trình quân sự, nơi đây...
Tìm kiếm
Lượt truy cập - trang truyền thông
Truy câp tổng 976.124
Truy câp hiện tại 245