Tầm nhìn hướng biển của vua Minh Mạng
Ngày cập nhật 24/06/2021

Trong số 13 vị vua triều Nguyễn, Minh Mạng là vị vua để lại nhiều văn bản ghi chép, châu phê, châu điểm về vấn đề khai thác, bảo vệ Hoàng Sa nói riêng và biển đảo nói chung nhiều nhất. Không chỉ có vậy, tầm nhìn, sự quan tâm và ý thức gìn giữ biển đảo của ông còn được thể hiện trên nhiều bình diện khác nhau như chiến lược bảo vệ biển đảo, quyết tâm đầu tư nâng cấp lực lượng hải quân hay đưa ý thức biển đảo vào trong các tác phẩm nghệ thuật mà tiêu biểu nhất là Cửu đỉnh.

 

Vị vua hùng lược

Vua Minh Mạng tên thật là Nguyễn Phúc Đảm, là con trai thứ tư của vua Gia Long và Thuận Thiên Cao hoàng hậu Trần Thị Đang. Ông sinh vào tháng tư năm Tân Hợi (1791) tại làng Tân Lộc, gần Sài Gòn (nay thuộc quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh), giữa lúc cuộc chiến giữa nhà Tây Sơn với các chúa Nguyễn đang hồi căng thẳng. Đầu năm Kỷ Mão (1820), vua Gia Long mất, thái tử Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi, đặt hiệu là Minh Mạng.

Chân dung vua Minh Mạng trong sách của John Crawford

Vua Minh Mạng được xem là vị vua năng động và quyết đoán, nhiều cải cách từ nội trị đến ngoại giao. Về nội trị, ông cho lập thêm Nội các và Cơ mật viện ở kinh đô Huế, bãi bỏ chức tổng trấn Bắc thành và Gia Định thành, đổi trấn thành tỉnh, củng cố chế độ lưu quan ở miền núi. Dưới thời ông, quân đội nhà Nguyễn được tổ chức lại, chia thành bộ binh, thủy binh, tượng binh, kị binh và pháo thủ binh. Minh Mạng còn cử quan ra chỉ đạo khai hoang ở ven biển Bắc kỳ và Nam kỳ. Là người tinh thông Nho học và sùng đạo Khổng Mạnh, Minh Mạng rất quan tâm đến việc học tập và củng cố thi cử, tuyển chọn nhân tài. Về đối ngoại, ông đổi tên nước từ Việt Nam thành Đại Nam và có nhiều chiến lược, hành động nhằm biến Đại Nam thành một quốc gia hùng cường. Kết quả, lãnh thổ nước ta dưới thời vua Minh Mạng rộng lớn hơn tất cả các đời vua Việt Nam trước đây. Không chỉ quan tâm mở rộng lãnh thổ mà việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải cũng được đặc biệt chú trọng. Kết quả là trong suốt thời gian vua Minh Mạng trị vì, biển đảo của Việt Nam thực sự bình yên, không bị các nước lân bang hay cướp biển quấy nhiễu.

Tầm nhìn biển đảo trên châu bản, châu phê, châu điểm

Trong văn khố, châu bản triều Nguyễn còn lưu giữ đến ngày nay đã cho biết vua Minh Mạng là người chủ tâm vươn ra biển đảo, trực tiếp kiểm tra giám sát việc thực hiện chủ trương ấy một cách sát sao, cụ thể với hàng trăm bản châu phê chỉ đạo việc đo vẽ bản đồ, cắm mốc hải giới, trồng cây, xây miếu thờ trên Hoàng Sa nhằm khẳng định chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của đất nước. Như Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 104, năm Minh Mạng thứ mười bốn (1833) ghi: “Vua chỉ dụ Bộ Công rằng: Trong hải phận Quảng Ngãi, có một dải Hoàng Sa, xa trông trời nước một màu, không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây, thuyền buôn thường bị nạn. Nay nên dự bị thuyền mành, đến sang năm sẽ phái người tới đó dựng miếu, lập bia và trồng cây cối. Ngày sau cây cối to lớn xanh tốt, người dễ nhận biết, ngõ hầu tránh khỏi được nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời”. Vua cũng chỉ đạo rất sát sao, chi tiết việc cắm mốc chủ quyền các đảo: “Hằng năm cử người ra Hoàng Sa, Trường Sa ngoài việc đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ và còn cắm cột mốc, dựng bia. Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ dài 4 đến 5 thước, rộng 5 tấc. Thuyền đi đến đâu cắm mốc đến đó…”.

Không chỉ khuyến khích dân binh ra với vạn lý Hoàng Sa, mà vua Minh Mạng còn đưa ra chính sách thưởng phạt rất nghiêm khắc đối với những ai không hoàn thành nhiệm vụ. Tờ châu bản số 092, Stt 070, quyển 054 năm Minh Mạng 16 (1835) ghi: “Việc sai phái quân đội ra Hoàng Sa đo đạc và vẽ bản đồ nhưng vẽ chưa được rõ ràng là các Giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiện và Nguyễn Văn Hoằng đều đánh 80 gậy chuẩn cho thả tất cả. Hai tên hướng dẫn là Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Sinh đều thưởng cho 3 mai tiền bằng bạc hạng nhỏ. Các binh thợ tham gia đều thưởng cho mỗi người 1 quan tiền.”

Chính vì sự quan tâm đặc biệt của nhà vua về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nên dưới thời vua Minh Mạng cũng đã đào tạo, tôi luyện nên nhiều chỉ huy đội hùng binh Hoàng Sa nổi tiếng để lại dấu ấn trong lịch sử xây dựng và bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của triều Nguyễn, như Cai đội thuyền Phạm Văn Nguyên năm Minh Mạng thứ mười sáu (1835), Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật năm Minh Mạng thứ mười bảy (1836), Thủy sư suất đội Phạm Văn Biện năm Minh Mạng thứ mười tám (1837)…

Ý thức giữ gìn biển đảo trên Cửu đỉnh

Năm Ất Mùi (1835), vua Minh Mạng lệnh cho nội các và bộ Công đúc Cửu đỉnh, là chín chiếc đỉnh bằng đồng đặt trước sân Thế miếu mà chúng ta thấy ngày nay, và đến năm Đinh Đậu (1837) thì hoàn thành. Chín cái đỉnh đồng này tượng trưng cho quyền lực của thiên tử (con trời) cai quản xã tắc và được đặt tên lần lượt là Cao, Nhân, Chương, Anh, Nghị, Thuần, Tuyên, Dụ, Huyền – một tên riêng ứng với một thuỵ hiệu của mỗi vị hoàng đế triều Nguyễn. Trên mỗi đỉnh chạm khắc 17 bức họa tiết có ghi chú và 1 bức họa thư, gồm các chủ đề về vũ trụ, núi sông, chim thú, sản vật, vũ khí,...tập hợp thành bức tranh toàn cảnh của đất nước Việt Nam thống nhất thời nhà Nguyễn. Cửu đỉnh chính là một tác phẩm nghệ thuật đúc đồng đỉnh cao của Việt Nam nhưng ngoài giá trị nghệ thuật đó, Cửu đỉnh còn truyền tải nhiều thông tin, quan điểm cũng như chủ trương bảo tồn, phát triển đất nước dưới thời vua Minh Mạng mà trong đó, quan điểm và ý thức biển đảo là nổi bật. Theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, có ít nhất 5 cụm hình ttiêu biểu cho tầm nhìn và ý thức bảo vệ biển đảo của vua Minh Mạng là:

                           

                                                                                                                    Hình ảnh Đông hải trên Cao đỉnh                                                                                           Hình ảnh Tây Hải trên Chương Đỉnh

Nam hải trên Nhân đỉnh

Hình ảnh Đông hải trên Cao đỉnh, Tây hải trên Chương đỉnh và Nam hải trên Nhân đỉnh: Căn cứ trên các tài liệu biển đảo để lại, có thể đoán định Đông Hải, tức Biển Đông kéo dài từ Vịnh Bắc bộ cho đến Bình Thuận, bao gồm cả dải cát vàng Hoàng Sa, Trường Sa hay còn gọi là Vạn lý Ba Bình. Biển Nam bao gồm từ Bình Thuận đến Hà Tiên có nhiều hòn đảo như Đại Kim, Mảnh Hảo, Nội Trức, Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Châu... tiếp giáp với hải phận của các nước Malaysia, Indonesia… Biển Tây là vùng biển giáp với vịnh Thái Lan ngày nay.

Hình ảnh Thuận An hải khẩu trên Nghị đỉnh

Hình ảnh Thuận An hải khẩu trên Nghị đỉnh. Thuận An hải khẩu chính là cửa biển Thuân An, hay dân gian còn gọi đơn giản là cửa Thuận, nằm cách trung tâm thành phố Huế ngày nay chỉ chừng 13km đường bộ hay chỉ hơn 10km đường sông. Khi mới hình thành cách đây chừng 600 năm, cửa biển này có tên gọi là cửa Eo, còn sách sử thì ghi là Yên Hải môn. Mãi đến thời vua Gia Long, năm 1819, nơi này mới đổi tên là cửa Thuận An với ý nghĩa cầu mong mọi tầu thuyền ra vào đều được bình an, thuận buồm xuôi gió. Tuy nhiên, trong 600 năm tồn tại đến ngày nay, cửa Thuận An đã trải qua 4 chu kỳ mở ra, lấp vào, thay đổi diện mạo, phần nhiều là do thiên nhiên tác động nhưng cũng có phần do con người tác động. Dẫu vậy thì cửa biển này vẫn giữ một vị trí quan trọng về giao thông vận tải, an ninh quốc phòng và là một thắng cảnh tiêu biểu của xứ Huế xưa. Thời vua Gia Long đã cho dựng nơi cửa biển này một pháo đài phòng thủ đặt tên là Trấn Hải đài; đến năm 1834 thì nâng cấp thành Trấn Hải thành, xây thêm lầu Quan Hải và duy trì một ngọn đèn lồng đường kính đến 3m làm hải đăng, vừa để hỗ trợ thuyền bè ra vào an toàn, vừa gia tăng khả năng phòng thủ quân sự cho tòa thành.

Hình ảnh Cần Giờ hải khẩu trên Thuần đỉnh

Hình ảnh Cần Giờ hải khẩu tức cửa biển Cần Giờ trên Thuần đỉnh. Cửa biển Cần Giờ nay thuộc địa phận Thành phố Hồ Chí Minh. Vua Minh Mạng rất quan tâm đến công tác an ninh, an sinh tại cửa biển này, sách Đại Nam thực lục chép: “Đổi cửa biển Cần Giờ thuộc Trấn Biên cho thuộc về Phiên Trấn; lấy Khâm sai thuộc nội cai đội Phan Văn Đồng làm Thủ ngự đánh thuế cảng các thuyền buôn. Rồi ra lệnh dự trữ lương thực, phàm có người cùng dân Bình Thuận trở ra đến Thuận Hóa đáp thuyền buôn đến thì lượng cấp cho” (NXB Giáo dục, 2002, tập 1, trang 36). Ngoài ra, vua cũng hướng đến việc biến Cần Giờ trở thành một cửa biển chiến lược, là cửa ngõ giao lưu buôn bán với các nước phương Tây và để đảm bảo an ninh cho cửa biển này, vua đã cho hình thành một đội quân gọi là “Bình Hải” có nhiệm vụ tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, tàu thuyền đắm thì cho người trục vớt và có nhiều chính sách đối với người đi biển có công và có chính sách truy tặng.

Hình ảnh Đà Nẵng hải khẩu trên Dụ đỉnh

Hình ảnh Đà Nẵng hải khẩu hay cửa Hàn, tức cửa biển Đà Nẵng, trên Dụ đỉnh. Cửa biển Đà Nẵng được xem là cửa ngõ mặt Nam của kinh đô Huế nên triều Nguyễn cũng đặc biệt chú ý đến vấn đề phòng thủ cửa biển này. Từ đó, nhà Nguyễn đã cho xây dựng hai thành trì Điện Hải và An Hải ở hai bên cửa biển Đà Nẵng nhằm canh giữ, phòng thủ, bảo vệ an ninh biên giới biển cho vùng đất này. Sách sử ghi chép lại cho biết đây là hai cụm pháo đài, thành lũy đặc biệt quan trọng của vùng đất phía nam Hải Vân quan. Trong Minh Mệnh chính yếu có chép, khi Nguyễn Tri Phương nhận chức Tuần phủ tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, vua đã chỉ dụ rằng: “Cửa biển Đà Nẵng là chỗ xung yếu ở vùng biển, vì thuyền bè đi lại là phải qua cửa ấy. Ngươi có chức trách về địa phương ấy nên thân hành xem kỹ hai đồn An Hải, Điện Hải và pháo đài Phòng Hải, mà đem tâm tu chỉnh, thời bọn giặc dù muốn nhòm nom cũng không thể thừa được sơ hở của ta, đó là kế hoạch rất lớn, ràng rịt cửa tổ ngay từ lúc chưa mưa, để giữ vững bờ cõi của mình”

Có thể nói, dưới thời vua Minh Mạng, việc mở mang, xác định chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải được đặc biệt chú trọng. Nhờ đó mà nước ta dưới thời vua Minh Mạng trở thành một nước tương đối hùng cường trong mắt các quốc gia lân cận, bất chấp việc còn rất nhiều những cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại các chính sách sai lầm của vương triều Nguyễn. Và cũng chính nhờ việc đặc biệt quan tâm đến vấn đề chủ quyền biển đảo của vua Minh Mạng và sự thể hiện chủ quyền đó qua sách vở, qua các tác phẩm nghệ thuật mang tính bền vững đó mà ngày nay, thế hệ chúng ta có thêm rất nhiều tư liệu hữu ích để tiếp tục công tác đấu tranh, gìn giữ biển đảo quê hương.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Là người đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền lãnh hải, vua Minh Mạng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách giúp ổn định tình hình biển Đông, trong đó, tập trung vào bốn nhóm...
 
Trong số 13 vị vua triều Nguyễn, Minh Mạng là vị vua để lại nhiều văn bản ghi chép, châu phê, châu điểm về vấn đề khai thác, bảo vệ Hoàng Sa nói riêng và biển đảo nói chung nhiều nhất. Không chỉ có vậy, tầm nhìn,...
Giữa biển trời Lý Sơn lồng lộng, trên bãi cát trắng dài, có những ngôi mộ lặng lẽ nằm hướng mặt ra biển. Trải suốt trăm năm, ngày càng nhiều những ngôi mộ lặng lẽ hướng biển như thế. Trong cái không gian bát ngát...
 
Dưới góc nhìn chính sử, họ là lực lượng chính quy đầu tiên xứ Đằng Trong đảm nhận nhiệm vụ tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Con đường ra Hoàng Sa của họ chưa bao giờ là dễ dàng nhưng họ vẫn luôn sẵn sàng thực hiện nghĩa...
Trong hơn ba thế kỷ dòng họ Nguyễn trấn giữ xứ Đằng Trong, cửa biển Thuận An đóng một vai trò hết sức đặc biệt. Không chỉ là một thắng cảnh của đất thần kinh mà cửa biển này còn chính là điểm khởi đầu của con đương thủy dài...
 
Trấn Hải thành là chốt chặn tiền tiêu, là công trình phòng thủ quân sự quan trọng nhất trên con đường thủy từ biển Đông tiến thẳng vào kinh đô Huế. Không chỉ là công trình quân sự, nơi đây...
Tìm kiếm
Lượt truy cập - trang truyền thông
Truy câp tổng 976.124
Truy câp hiện tại 248