Đến dự chương trình có các ông: Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Nam Tiến, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế 2023 gồm hơn 50 hoạt động chính và gần 100 hoạt động hưởng ứng, diễn ra liên tục trong năm theo định hướng bốn mùa: “Xuân Cố đô”, mùa hạ “Kinh thành tỏa sáng”, “Huế vào thu” và “Mùa đông xứ Huế” do các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế thực hiện, tiêu biểu cho bản sắc văn hóa vùng miền, quốc gia nhằm tôn vinh, quảng bá những nét văn hóa đặc thù của vùng đất Cố đô văn hiến với 7 di sản được UNESCO vinh danh.
Trong đó, điểm nhấn quan trọng là các hoạt động kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, 20 năm Nhã nhạc được công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và tuần lễ Festival Nghề truyền thống Huế.
Festival Huế 2023 sẽ tiếp tục khai thác các hình thái lễ hội dân gian, lễ hội cung đình, lễ hội tôn giáo, lễ hội truyền thống hiện có; đồng thời, từng bước xây dựng các chương trình lễ hội mới, phù hợp với xu thế, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của công chúng, phát triển trở thành sản phẩm du lịch lễ hội.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho hay, Festival Huế 2023 tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới, đa dạng hóa các loại hình tổ chức lễ hội, hướng đến sự tham gia của cộng đồng Nhân dân; tăng cường đẩy mạnh xã hội hóa công tác tổ chức các lễ hội trong Festival Huế, gắn hoạt động lễ hội với các sản phẩm du lịch, góp phần giới thiệu tinh hoa văn hóa Huế, tạo động lực xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
* Sáng cùng ngày, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức tái hiện lễ Ban sóc, mở đầu cho chuỗi hoạt động của Festival Huế 2023.
Ban Sóc là lễ phát lịch ngày xưa của triều Nguyễn, được tổ chức định kỳ vào cuối năm âm lịch. Người Việt xưa lấy kinh tế nông nghiệp làm trọng, nên quyển lịch đối với đời sống con người có ý nghĩa rất đặc biệt: xem lịch để theo dõi thời gian, thời tiết mà làm nông vụ; xem lịch để ứng phó, phòng tránh thiên tai.
Lễ Ban Sóc được tổ chức quy mô vào đầu triều Minh Mạng. Hằng năm, sau khi nha Khâm Thiên Giám soạn lịch xong, triều đình tổ chức lễ Ban Sóc dưới sự điều hành của các viên ở bộ Lễ và Khâm Thiên Giám. Lịch được tiến vào Hoàng cung để Hoàng gia dùng, được phát cho các quan ở Kinh thành, ở các địa phương và phân phát lại trong dân chúng sử dụng.
Năm nay, lễ Ban Sóc được tái hiện qua hình thức sân khấu hóa tại Ngọ Môn với những trình thức, nghi tiết thuở xưa... Tái hiện lễ Ban Sóc là tái hiện tinh thần nhân văn của người xưa và là dịp để du khách, người dân cùng trải nghiệm với di sản Cố đô Huế trong ngày đầu năm mới.