Cơ quan báo chí đã nhận thức rõ tầm quan trọng của công cuộc chuyển đổi số, đa dạng hóa nguồn thu
Tại Hội nghị, ông Trần Thanh Lâm - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại, cũng là năm dịch COVID-19 hoành hành, tác động sâu sắc đến các lĩnh vực của đời sống. Trong bối cảnh đó, công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, hoạt động báo chí tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần quan trọng vào thành công chung trong công tác tuyên giáo của Đảng, nhất là đối với thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2021, báo chí đã tuyên truyền nhanh nhạy, kịp thời, chính xác, hiệu quả về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống; về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; về các hoạt động đối ngoại cấp cao; các hội nghị toàn quốc về nội chính, xây dựng Đảng, đối ngoại, văn hóa; các ngày lễ, kỷ niệm… Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 rất rõ nét, kịp thời, công bằng, phù hợp, có tính định hướng về diễn biến tình hình, các quan điểm, chỉ đạo, giải pháp chống dịch của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống COVID-19; chú trọng nhiều hơn đến tuyên truyền nêu gương người tốt, việc tốt, các mô hình phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế hiệu quả, nhất là tinh thần vượt khó khăn, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm; quan tâm hơn đến nhu cầu thông tin, giải trí, đáp ứng phần nào nhu cầu văn hóa, tinh thần của người dân trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Cũng trong năm 2021, dù kinh tế báo chí tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, cùng với sự chi phối, cạnh tranh của các nền tảng xuyên biên giới, mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới. Song, về cơ bản, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tạo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và chế độ; là diễn đàn tin cậy của nhân dân, báo chí đã chủ động, kịp thời, thông tin hiệu quả về những vấn đề lớn của đất nước, có nội dung thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội.
Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái tiếp tục được tăng cường với nhiều hình thức, nội dung thông tin phong phú. Số lượng, chất lượng các chuyên mục, chương trình, tin bài đã tăng lên đáng kể. Nhiều bài viết, chương trình có hiệu ứng tốt trong xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đón nhận. Công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý thông tin trên báo chí, việc tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí có nhiều đổi mới và chủ động bám sát với tình hình thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ để đo đếm, đánh giá, lượng hóa xu hướng thông tin, từ đó có sự điều chỉnh kịp thời, phù hợp trong chỉ đạo, quản lý báo chí, truyền thông.
Toàn cảnh hội nghị.
Trước những diễn biến khó lường trong năm 2021, các cơ quan báo chí và quản lý báo chí đã kịp thời ban hành các đề án, kế hoạch, hướng dẫn tuyên truyền đối với các sự kiện chính trị, hoạt động đối ngoại quan trọng của đất nước; chủ động phối hợp các bộ, ngành liên quan cung cấp thông tin cho báo chí định hướng dư luận đối với những vấn đề dư luận quan tâm; bám sát cơ sở để nắm bắt, phối hợp chỉ đạo định hướng thông tin trên báo chí, nhất là đối với công tác tuyên truyền, phòng chống dịch COVID-19.
Công tác rà soát, chấn chỉnh hoạt động của cơ quan báo chí, văn phòng đại diện, phóng viên, cộng tác viên được tăng cường; xử lý nghiêm các trường hợp cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật, tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử; chấn chỉnh tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, hoạt động trái pháp luật….
Điểm nổi bật trong năm 2021 là nhiều cơ quan báo chí đã bắt đầu thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), thay đổi phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, thực hiện các mô hình kinh doanh báo chí mới để đa dạng hóa nguồn thu, giảm lệ thuộc vào các nền tảng xuyên biên giới, vào doanh thu quảng cáo. Nhận thức về chuyển đổi số báo chí đã chuyển biến rõ rệt, thể hiện bằng việc ban hành các kế hoạch, chiến lược chuyển đổi số.
Việc thực hiện 10 điều Qui định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam được các cấp hội quan tâm, triển khai đến từng chi hội, hội viên, góp phần nâng cao nhận thức của người làm báo về vai trò, trách nhiệm chính trị, sứ mệnh của báo chí cách mạng; góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và bảo vệ đạo đức nghề nghiệp và uy tín của người làm báo Việt Nam.
Cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 Quy hoạch quản lý báo chí
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn đã tình bày Báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (gọi tắt là Quy hoạch báo chí).
Theo đánh giá, Quy hoạch báo chí là chủ trương đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhằm sắp xếp lại hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, bảo đảm cho các cơ quan báo chí có định hướng rõ ràng, có nguồn lực phát triển đúng hướng, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, làm tốt sứ mệnh bảo vệ chế độ, bảo vệ thành quả công cuộc đổi mới, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ trương này đã được Chính phủ cụ thể hoá bằng Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch báo chí, và đã được cơ quan quản lý nhà nước về báo chí là Bộ TT&TT triển khai bài bản, cơ bản đúng tiến độ, đúng quy định, có kết quả bước đầu tích cực, tạo tiền đề cho giai đoạn 2, giai đoạn thúc đẩy phát triển báo chí cách mạng.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn trình bày Báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn chia sẻ: Với quyết tâm chính trị, Bộ TT&TT đã phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với Ban Tuyên giáo Trung ương, cùng các cơ quan liên quan tổ chức triển khai việc sắp xếp theo đúng phương án của Quy hoạch báo chí. Đối với các cơ quan báo chí in, báo điện tử. Đến nay, việc sắp xếp đã cơ bản hoàn thành tại 29/29 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 33/33 tổ chức Hội ở Trung ương và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; 31/31 địa phương (chỉ còn Báo Tuổi trẻ vẫn đang trực thuộc Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh). Hệ thống báo chí có sự thay đổi rõ rệt về cơ cấu, cách thức thông tin, thể hiện sự phân vai giữa báo và tạp chí.
Thực hiện quy hoạch đã giảm 39 cơ quan báo thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tổ chức Hội ở Trung ương; giảm 31 cơ quan báo thuộc các địa phương. So với năm 2019 (có 195 cơ quan báo) thì tới năm 2021 đã giảm 70 cơ quan báo (giảm 36%). Trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ đã cấp phép chặt chẽ, tôn chỉ mục đích của các tạp chí rõ ràng, tập trung thể hiện tính chuyên sâu, chuyên ngành và đăng tải các nghiên cứu khoa học, tham gia tư vấn phản biện chính sách về lĩnh vực theo chức năng nhiệm vụ của cơ quan chủ quản.
Đối với khối phát thanh, truyền hình (báo nói, báo hình) đã hoàn thành việc sắp xếp. Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã thực hiện xong việc sắp xếp các kênh truyền hình khu vực của các Trung tâm Truyền hình khu vực của Đài, hình thành 02 kênh truyền hình quốc gia VTV8 (trên cơ sở sắp xếp kênh VTV Huế, VTV Đà Nẵng, VTV Phú Yên) và VTV9 (trên cơ sở sắp xếp kênh khu vực Đông Nam Bộ VTV9 và VTV Cần Thơ 1); thực hiện sắp xếp 03 đơn vị hoạt động truyền hình (sản xuất chương trình để phát sóng trên Đài VTV) của Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội, Bộ Công thương và Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam. Mỗi Đài PTTH địa phương có 01 kênh phát thanh thời sự chính trị tổng hợp, 01 kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu (gọi tắt là kênh thiết yếu) của địa phương. Riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mặc dù trong Quy hoạch nêu mỗi đài có tối đa 02 kênh phát thanh, 02 kênh truyền hình thiết yếu, tuy nhiên, đến thời điểm này, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh và Đài PTTH Hà Nội vẫn chỉ duy trì mỗi đài có 01 kênh truyền hình thiết yếu; Đài Tiếng nói nhân dân TP.Hồ Chí Minh (VOH) và Đài PTTH Hà Nội vẫn chỉ có 01 kênh phát thanh thời sự - chính trị tổng hợp (là kênh gắn liền với giấy phép hoạt động phát thanh).
Bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cũng thẳng thắn chỉ rõ báo chí cả nước vẫn còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót cần khắc phục như: Khi có vấn đề “nóng” xảy ra, việc cung cấp thông tin cho báo chí còn lúng túng, chưa kịp thời, thiếu thống nhất gây ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền trên báo chí. Việc xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, nhất là đối với các tạp chí điện tử trực thuộc Hội đã đạt được kết quả cụ thể nhưng đây vẫn còn là vấn đề gây dư luận không tốt trong xã hội và báo giới. Một số định mức kinh tế kỹ thuật về báo chí và cơ chế đặt hàng báo chí chưa được tháo gỡ triệt để; nhiều nơi còn lúng túng và gặp khó khăn trong việc áp dụng vào thực tế. Một số Hội Nhà báo các cấp chưa thực sự chủ động trong việc đưa ra những phán quyết về chuyên môn nghiệp vụ và xử lý kỷ luật hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, do đó chưa có tác dụng răn đe, ngăn ngừa, cảnh tỉnh những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản trong công tác báo chí có lúc, có nơi còn chưa chủ động, kịp thời. Một số cơ quan chủ quản chưa thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình; chưa nắm chắc các quy định để chỉ đạo, định hướng, quản lý cơ quan báo chí trực thuộc; chưa coi trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; vẫn để xảy ra tình trạng một số cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích. Tình trạng vi phạm quy định quảng cáo vẫn diễn ra...
Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại
Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót trên, tạo điều kiện để “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, năm 2022, báo chí cả nước cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công tác báo chí. Quan tâm và thực hiện nghiêm Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; xây dựng lộ trình tự chủ của các cơ quan báo chí phù hợp với Quy hoạch; chú trọng công tác xây dựng Đảng trong cơ quan báo chí, đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí.
Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội.
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng cám ơn báo giới đã đồng hành, góp phần rất quan trọng, không thể thiếu để giúp Chính phủ hoàn thành nhiệm vụ của mình trong năm vừa qua với nhiều sự kiện lớn, trong tình hình đại dịch rất phức tạp, gây những tổn thất rất to lớn về người, về của.
Phó Thủ tướng chia sẻ: Nhìn lại 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn kiểm soát được dịch bệnh, kinh tế vẫn tăng trưởng thuộc nhóm khá trên thế giới. Lòng tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là trong chống dịch, được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao. Kể cả trong những thời khắc dịch bệnh bùng phát ở TPHCM, gây quá tải hệ thống y tế, để xảy ra tử vong nhiều người, thì tỷ lệ người dân tin tưởng vào Đảng, Nhà nước vẫn cao nhất thế giới. “Có được điều đó trước hết là truyền thống của dân tộc Việt Nam, sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, và có sự đóng góp rất quan trọng của công tác thông tin, truyền thông, trong đó có báo chí, hệ thống tuyên giáo. Các nhà báo thực sự là những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch kịp thời phản ánh những tấm gương, hành động, nghĩa cử, giá trị cực kỳ cao quý, nhân văn của người dân Việt Nam. Có những nhà báo, đằng sau là cả gia đình họ, đã chịu nhiều vất vả trực tiếp, nhiều người bị nhiễm bệnh”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Chia sẻ về một số vấn đề trong quản lý, phát triển báo chí, Phó Thủ tướng cho rằng công tác quy hoạch, sắp xếp báo chí thực hiện được một bước, và cần có quá trình để tạo chuyển biến thực chất bên trong, “không thể nóng vội”.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Mục đích quy hoạch báo chí để báo chí phát triển, không chỉ là tiếng nói của từng cơ quan chủ quản mà còn của nhân dân. Việc thực hiện cơ chế, chính sách quản lý phải nghiêm, thực chất, kiến nghị, bổ sung, điều chỉnh những gì không phù hợp. Tránh tình trạng thực tế không như văn bản. Năm 2022, với tinh thần nhìn thẳng sự thật, chúng ta phải đánh giá việc thực hiện quy hoạch báo chí xem những gì phù hợp, chưa phù hợp nhằm giúp báo chí phát triển, tránh xu hướng chạy theo thị trường quá mức, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, làm lệch lạc trong hoạt động thông tin báo chí”. Phó Thủ tướng lưu ý, muốn báo chí tự chủ được thì phải có “cơ chế đặt hàng” đủ mạnh. Bộ TT&TT phải là đầu mối của các cơ quan báo chí làm việc với các cơ quan phụ trách về tài chính, các bộ ngành để giao nhiệm vụ, “đặt hàng” báo chí tuyên truyền, vận động trước, trong và sau khi ban hành chính sách. Đó không nhất thiết là những cơ quan báo chí lớn, có uy tín mà quan trọng là phải có những nhóm độc giả mà chính sách cần tác động.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam
trao Bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2021.
Trước sự cạnh tranh của thông tin trên mạng xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng báo chí cần được thông tin minh bạch một cách nhanh nhất có thể về những “điểm nóng” hay sự cố vừa phát sinh. Qua theo dõi, quản lý thông tin trên báo chí, mạng xã hội, Bộ TT&TT cần phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam để chủ động hơn trong dự báo, cảnh báo, và phối hợp, đề nghị các bộ, ngành cung cấp thông tin sớm nhất, chính xác cho báo chí về những vấn đề mà dư luận, xã hội quan tâm. “Khi báo chí chính thống minh bạch được thông tin một cách sớm nhất thì nhân dân, công luận sẽ nghe theo”.
Về thực hiện chuyển đổi số trong báo chí, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cùng với hình thành cơ sở dữ liệu, mỗi cơ quan báo chí cần quan tâm đến năng lực xử lý dữ liệu của đơn vị mình mà còn liên quan đến các ngành khác. Các tác phẩm báo chí “nói có sách, mách có chứng” bằng số liệu, thậm chí là những số liệu qua phân tích nhiều dữ liệu khác mới định hướng, trả lời được mong mỏi của công luận. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam có chương trình hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số, xây dựng và xử lý cơ sở dữ liệu.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời tiết chuyển mùa Đông - Xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus, nhất là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2022 sắp tới… Phó Thủ tướng mong muốn báo chí bám sát, phản ánh đúng thực tế, động viên nhân dân chống dịch tốt, chuẩn bị đón Tết đầm ấm trong bối cảnh dịch bệnh…