Trong thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, Thừa Thiên Huế đang từng bước khẳng định mình là một địa phương đủ tầm và lực để trở thành một tỉnh phát triển mạnh về CNTT trong cả nước, nhiều dịch vụ đô thị thông minh đã được triển khai hiệu quả. Lấy nền tảng xây dựng kiến trúc ICT đô thị thông minh trên cơ sở nâng cấp nền tảng tích hợp, chia sẻ, liên thông tỉnh LGSP đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm thu hút sự tham gia của xã hội vào xây dựng và phát triển dịch vụ đô thị thông minh một cách thuận lợi, theo quy chuẩn thống nhất và tạo ra sự công khai, minh bạch, bình đẳng cho các thành phần tham gia. Đồng thời triển khai các nền tảng di động ứng dụng dịch vụ đô thị thông minh nhằm đảm bảo cung cấp các dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh trên nền tảng ứng dụng di động duy nhất. Bên cạnh đó, việc nâng cấp hạ tầng dùng chung của tỉnh đảm bảo sẵn sàng cho việc lưu trữ và vận hành các dịch vụ đô thị thông minh tỉnh. Tiến tới tập trung xây dựng kho dữ liệu số, hình thành hệ thống dữ liệu mở trên cơ sở số hóa, chuẩn hóa, chuyển đổi dữ liệu một số lĩnh vực ưu tiên theo đề án phát triển dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh: Y tế, Giáo dục, Văn hóa, Du lịch, Giao thông, Môi trường.
Bảng xếp hạng chỉ số tổng thể ứng dụng CNTT 2019
Với trái tim là Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai các dịch vụ đô thị thông minh có hiệu quả, nâng cao việc ứng dụng Công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Trung tâm đã triển khai 10 dịch vụ đô thị thông minh từ khi mới thành lập (Trên cơ sở hợp nhất 02 trung tâm trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông). Trong đó, Cổng thông tin dịch vụ đô thị thông minh là cổng thông tin duy nhất để kết nối, cung cấp dịch vụ đô thị thông minh và giải quyết mối quan hệ toàn diện giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, công dân trong dịch vụ đô thị thông minh, tại địa chỉ: https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn. Ngoài ra, còn được hỗ trợ các kênh tương tác khác trên nền tảng Intenet như: Fanpage: https://facebook.com/HueIOC; Zalo: Dịch vụ đô thị thông minh (0941260505); Email: dttm@thuathienhue.gov.vn; Đường dây nóng: 0815751575. Ngoài ra, xây dựng Ứng dụng dịch vụ đô thị thông minh trên nền tảng di động phục vụ cho xã hội Hue-S, được tích hợp toàn diện, cung cấp dịch vụ đô thị thông minh trên nền tảng di động. Ứng dụng được kết nối đồng bộ với Cổng thông tin dịch vụ đô thị thông minh. Song song đó, tỉnh cũng đã xây dựng ứng dụng trên nền tảng di động phục vụ cho công chức, viên chức, cơ quan nhà nước vận hành hệ thống dịch vụ đô thị thông minh HueG là ứng dụng duy nhất trên nền tảng di động, được tích hợp tất cả các quy trình xử lý thuộc thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ của cơ quan nhà nước trong tất cả các dịch vụ đô thị thông minh.
Ngày 31 tháng 7 năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 1957/QĐ-UBND phê duyệt chương trình Chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế với mục tiêu chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế là phát triển chính quyền số, xây dựng xã hội số, phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực trên tinh thần: “Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao. Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á (Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, định hướng đến 2045).
Cùng với những kết quả của năm 2019, và những quyết sách về ứng dụng CNTT trong năm 2020 chính là hoạt động thúc đẩy ngành Thông tin và Truyền thông lên một tầm cao mới. Thừa Thiên Huế tiếp tục xây dựng và hoàn các quy định về ứng dụng, phát triển CNTT tuân thủ các quy định của pháp luật về CNTT, phù hợp với thực tế tại địa phương, đảm bảo quản lý theo kịp sự phát triển; xây dựng các chính sách hỗ trợ đầu tư, nghiên cứu - phát triển, sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ CNTT; hoàn thiện hạ tầng CNTT tập trung của tỉnh, có khả năng dự phòng, đáp ứng các dịch vụ hạ tầng cơ bản; phát triển nguồn nhân lực CNTT, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, tiếp thu, làm chủ và sáng tạo công nghệ mới; đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra hết sức phức tạp, nhiều giải pháp hiệu quả mà Thừa Thiên Huế đang triển khai nhằm đáp ứng các nhiệm vụ triển khai trong công tác phòng, chống dịch COVID-19: Thiết lập tổng đài phản ánh hiện trường và hỏi đáp về dịch COVID-19 tại đường dây nóng 19001075; Hệ thống đăng ký tái khám và tư vấn khám chữa bệnh trực tuyến, Hệ thống khai báo lưu trú, Hệ thống khai báo y tế, Hệ thống đăng ký trực tuyến cho người và xe vào, ra tỉnh Thừa Thiên Huế.