Tại TPHCM, Sở TT&TT cũng đã mời 3 nghệ sĩ là Đàm Vĩnh Hưng, Cát Phượng, Ngô Thanh Vân đến làm việc do đưa thông tin sai lệch, gây hoang mang trên mạng xã hội giữa lúc dịch nCoV đang lây lan. Sở TT&TT cũng đang củng cố hồ sơ để xử lý 14 trang Facebook cá nhân khác tung tin sai sự thật về bệnh dịch.
Các DN công nghệ hỗ trợ đơn vị chức năng của Bộ Y tế trong việc nâng cấp trang/cổng thông tin điện tử chính thống về dịch bệnh, bảo đảm tính sẵn sàng về băng thông, đường truyền, tối ưu hóa hiệu ứng tuyên truyền. Viettel đã lắp đặt 21 cầu truyền hình tại 21 bệnh viện lớn trên cả nước để đảm bảo công tác giao ban điều hành phòng chống dịch bệnh.
Với hệ thống giao ban trực tuyến gồm 22 điểm cầu, trong đó 21 bệnh viện, Bộ Y tế đã trực tiếp hỗ trợ chuyên môn kịp thời trong quá trình điều trị. Các nhà mạng như VinaPhone, MobiFone, Viettel cũng đã miễn cước cho thuê bao gọi tới đường dây nóng phòng chống dịch 19003228 của Bộ Y tế.
Chatbot, e-learning… cũng không đứng ngoài
MobiFone vừa quyết định sẽ miễn cước phí data cho tất cả mọi thuê bao MobiFone truy cập vào cổng thông tin điện tử Bộ Y tế www.moh.gov.vn để tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận tốt nhất với các thông tin phòng chống dịch.
Trước đó, khi hệ thống tổng đài hotline 19003228 liên quan đến dịch nCoV quá tải, Bộ Y tế đã có công văn đề xuất chuyển hướng toàn bộ các cuộc gọi đến hotline 19003228 sang tổng đài đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095 do Viettel vận hành, Viettel đã triển khai nhanh trong 24 giờ để đường dây nóng được thông suốt.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các DN ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn, chủ động báo cáo, khuyến nghị, đề xuất với cơ quan chức năng có thẩm quyền về các giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh dựa trên kết quả phân tích.
|
Các DN công nghệ đã xác định việc chung tay tham gia phòng chống dịch nCoV là trách nhiệm đối với xã hội, khẩn trương vào cuộc, đưa ra những giải pháp, ứng dụng công nghệ số sáng tạo vào cuộc sống.
Phía FPT cho hay đang tích cực nghiên cứu và tìm cách phối hợp với các bên liên quan (như Bộ Y tế) để ứng dụng công nghệ hỗ trợ cộng đồng: xây dựng Chatbot để tư vấn, trả lời tự động thông tin liên quan đến dịch bệnh, hay hỗ trợ các trường học từ xa thông qua VioEdu.
Chatbot này sẽ giúp người dân trả lời những câu hỏi, thông tin liên quan đến dịch bệnh như cách phòng tránh, những dấu hiệu chứng tỏ đã bị nhiễm dịch nCoV , số người lây nhiễm, các ổ dịch... một cách nhanh chóng và chính thống, từ các nguồn tin cậy, thay vì để người dân phải tự tìm kiếm thông tin.
Bên cạnh đó, FPT cũng cung cấp giải pháp VioEdu - trợ lý học tập sử dụng AI, đang hỗ trợ khá hiệu quả cho các trường, thầy cô và học sinh vì có thể học và làm bài tập online trong thời gian học sinh nghỉ học vì dịch nCoV. Như tại Trường Tiểu học - THCS Pascal, học sinh vẫn có thể học tập bình thường tại nhà qua bài giảng online trực tuyến từ giáo viên với hệ thống phần mềm dữ liệu bài giảng điện tử của nhà trường, thông qua hệ thống vio.edu.vn. Hiện ở Hà Nội đang có khoảng 25 trường sử dụng Vioedu.
Với VNPT, ông Ngô Diên Hy, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT-IT), cho biết VNPT đã đưa ra chương trình miễn phí e-learning cho tất cả các trường học, giúp thầy trò có thể dạy và học từ xa, trao đổi sách vở bài giảng, giao bài tập và chấm điểm cho học sinh… VNPT-IT đang nghiên cứu thêm giải pháp công nghệ khác để chung tay cùng cả nước chống dịch.