Đại diện Thường trực Văn phòng Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam cho biết, theo kết luận của Trưởng Ban chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 13, 8 tỉnh sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất từ ngày 31/12/2017 bao gồm: Khánh Hòa (thuộc Nhóm II) và 7 tỉnh thuộc Nhóm III gồm Bình Phước, Tây Ninh, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.
Về tình hình phủ sóng truyền hình số mặt đất tại 8 tỉnh nêu trên, VTV đã triển khai máy phát sóng tại Khánh Hòa, Bình Phước, Tây Ninh, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang. Cần khẩn trương triển khai tại Cà Mau.
Công ty TNHH Truyền hình kỹ thuật số Miền Nam (SDTV) đã triển khai hai máy phát sóng DVB-T2 tại Nha Trang, Cam Ranh (Khánh Hòa). Cần sớm triển khai phát sóng DVB-T2 tại Cà Mau, Tây Ninh để đảm bảo tiến độ ngừng phát sóng truyền hình mặt đất tại các tỉnh này trước 31/12/2017.
Theo đại diện RTB, công ty này đã hoàn thành phát sóng truyền hình mặt đất tại 14 tỉnh tính đến 15/8/2017 theo đúng lộ trình. So với vùng phủ analogue, còn 10% chưa được phủ sóng truyền hình mặt đất. Năm 2018, RTB sẽ thực hiện mạng đơn tần.
Còn AVG đã triển khai 32 trạm phát sóng DVB-T2 gồm 13 trạm lớn và 19 trạm nhỏ. Sang năm 2018, AVG chưa mở rộng vùng phủ sóng mà tập trung chuyển đổi tần số theo quy hoạch.
Riêng đối với tỉnh Bình Phước, đại diện Thường trực Văn phòng Ban chỉ đạo Đề án số hóa cho biết, Đài PTTH tỉnh Bình Phước và VTV đã tắt sóng analogue. Tuy nhiên, trước đây, các máy phát sóng analogue của VTV và Đài PTTH Bình Phước được phát sóng từ đỉnh núi Bà Rá nên vùng phủ sóng bao trùm toàn bộ tỉnh. Nay do tỉnh chủ trương phát triển dịch vụ văn hóa, du lịch tại Bà Rá nên VTV đang triển khai máy phát sóng DVB-T2 tại thị xã Đồng Xoài. Do vị trí phát sóng thay đổi, độ cao anten phát thấp hơn nên vùng phủ DVB-T2 nhỏ hơn vùng phủ sóng truyền hình analogue đặt tại núi Bà Rá. Khoảng 10 nghìn hộ nghèo, cận nghèo nằm trong vùng lõm sóng truyền hình mặt đất, theo số liệu của đại diện tỉnh Bình Phước.
Đối với tỉnh Tây Ninh, VTV đang triển khai máy phát sóng DVB-T2 tại thành phố Tây Ninh, vùng phủ sóng DVB-T2 nhỏ hơn vùng phủ sóng analogue khi phát sóng tại núi Bà Đen. SDTV sẽ triển khai thêm hai trạm phát lại truyền hình số mặt đất tại Tân Hòa (Tây Ninh) và Bù Gia Mập (Bình Phước) bên cạnh hai trạm phát sóng chính tại Đồng Xoài và thành phố Tây Ninh để bù lõm vùng phủ sóng tại các tỉnh này. Còn VTV chưa có kế hoạch phủ sóng vùng lõm tại Bình Phước và Tây Ninh.
Để đảm bảo tiến độ ngừng phát sóng truyền hình analogue tại hai tỉnh này, Cục Tần số vô tuyến điện đề xuất Tiểu ban giúp việc xem xét hai phương án: Đối với địa bàn thuộc vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất của trạm phát sóng chính sẽ thực hiện hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện. Đối với các địa bàn còn lại, thực hiện thí điểm hỗ trợ đầu thu truyền hình số qua vệ tinh cho các hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện thuộc vùng phủ truyền hình analogue trước đây.
Thứ trưởng Phạm Hồng Hải phát biểu kết luận phiên họp
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị tốt cho công tác ngừng phát sóng truyền hình analogue tại 8 tỉnh từ ngày 31/12/2017.
Thứ trưởng hoan nghênh SDTV đã triển khai tốt việc lắp đặt thêm 2 trạm phát lại truyền hình số mặt đất để bù lõm vùng phủ sóng tại tỉnh Bình Phước và Tây Ninh.
Thứ trưởng chỉ đạo VTV cần có kế hoạch phủ sóng truyền hình số mặt đất tại các tỉnh trước đây đã được phủ sóng truyền hình analogue. Lẽ ra đối với các vùng lõm, VTV phải ở vị trí dẫn đầu.
Đối với 8 tỉnh trong lần tắt sóng truyền hình analogue ngày 31/12/2017, riêng Tây Ninh sẽ tự ra quyết định sẽ tắt sóng analogue giống Bình Phước hay tiếp tục phát song song cả analogue và truyền hình số mặt đất. Tỉnh tự ra quyết định và chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương./.