Bên cạnh đó, việc biên tập xuất bản phẩm mà không chú ý đúng mức đến chất lượng văn hóa của sản phẩm, đến tính đặc thù của hoạt động xuất bản tiếp tục tăng, tạo ra những hệ lụy lớn, trước hết là hiện tượng tăng tỷ lệ sách sai phạm, xuống cấp về chất lượng ở các sản phẩm sách liên kết, tạo nên sự hỗn loạn, cạnh tranh thiếu lành mạnh của thị trường xuất bản.
Mặt khác, sự phát triển không ngừng của các phương tiện thông tin điện tử, mạng Internet trở thành nguồn cung cấp thông tin khổng lồ nhưng rất khó để kiểm soát được tính đúng, sai, và chất lượng của thông tin được phản ánh.
“Trước tình hình đó, để đáp ứng và theo kịp được xu thế phát triển cũng như những biến động của đời sống xã hội, đòi hỏi ngành Xuất bản phải có một đội ngũ biên tập viên chuyên nghiệp, đa năng và lành nghề. Biên tập viên phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn cũng như bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp để có thể chọn lọc được thông tin, cũng như loại bỏ ra khỏi xuất bản phẩm những thông tin trái chiều, chưa chính xác hoặc chưa được kiểm chứng”, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh.
Hội nghị tập huấn về công tác biên tập xuất bản trong giai đoạn hiện nay được tổ chức với mục đích tạo một diễn đàn để các biên tập viên trao đổi kinh nghiệm kiên thức, kỹ năng biên tập cần thiết, giúp cho công tác biên tập xuất bản ngày càng hiệu quả và đạt chất lượng cao, để các biên tập viên xứng đáng được coi là “bà đỡ” của xuất bản phẩm.
4 chuyên đề chính tại hội nghị gồm: Đường lối văn hóa, văn nghệ và quan điểm chỉ đạo của Đảng về xuất bản; Vai trò của công tác xuất bản trong giai đoạn hiện nay; Định hướng tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản trong giai đoạn hiện nay; Những vấn đề cần lưu ý trong công tác biên tập xuất bản trong giai đoạn hiện nay.
|