Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Xây dựng thành phố thông minh: Đi chậm nhưng chắc
Ngày cập nhật 07/03/2017

Quan trọng nhất trong xây dựng thành phố thông minh (smart city) chính là cần có một quy hoạch hợp lý. Điều này có thể giúp Việt Nam dù đi sau các nước nhưng có thể rút ngắn thời gian xây dựng thành phố thông minh.

Xu thế tất yếu
 
Nếu như nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Tây Ban Nha, Thụy Điển, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đã có thành phố thông minh của riêng mình với sự ứng dụng hoàn hảo nhiều nguồn lực, trong đó có sức mạnh của công nghệ thông tin, thì tại Việt Nam, khái niệm này mới được nhắc đến nhiều vài năm gần đây. Đó là khi nhiều thành phố lớn trên cả nước bắt đầu có những động thái và lên kế hoạch xây dựng thành phố thông minh.
 
Trung tâm điều hành, giám sát
 
Chẳng hạn, Đà Nẵng đã ban hành Quyết định 1797/QĐ-UBND ngày 25/3/2014 phê duyệt Đề án Xây dựng thành phố thông minh hơn tại Đà Nẵng giai đoạn 2014-2020. TP. Hồ Chí Minh đã có Quyết định số 4693/QĐ-UBND ngày 8/9/2016 về thành lập Ban Điều hành thực hiện Đề án “Xây dựng TP.Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh”. Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (Koica) xây dựng dự án quy hoạch chung thành phố thông minh. Hay Hải Phòng ngày 5/8/2016 đã công bố đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 xây dựng Cát Hải thành “đảo thông minh”….
 
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT cho biết, chúng ta đang ở những bước đầu tiên để triển khai smart city tại Việt Nam. Nếu như trước đây, chúng ta nói nhiều về chính quyền điện tử - trái tim của smart city, thì bây giờ khi chính quyền điện tử đã đạt được những thành tựu nhất định, chúng ta bước sang giai đoạn mới là triển khai smart city vào các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, môi trường…. Tôi nghĩ, nếu không triển khai smart city thì Việt Nam tiếp tục tụt hậu. Đây là cách duy nhất có thể thay đổi bộ mặt của Việt Nam, thu hút được đầu tư và nâng tầm người dân Việt Nam.
 
Tiến sĩ Phạm Nhật Quang, Phó chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) cho hay, thành phố thông minh là một trong 4 trụ cột của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Lý do rất đơn giản, với quá trình đô thị hóa hiện nay, con người sẽ sống ở đô thị nhiều hơn ở vùng nông thôn, cho nên để tạo lập môi trường sống lành mạnh, tốt, an toàn cho con người, việc xây dựng thành phố thông minh là tất yếu.
 
Nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh Lê Thái Hỷ bày tỏ, TP. Hồ Chí Minh cùng lúc phải giải quyết bài toán tăng trưởng kinh tế, kết cấu hạ tầng, đảm bảo an sinh, ổn định xã hội và chống biến đổi khí hậu. Giải pháp tối ưu là dùng công nghệ thông tin và truyền thông để kết nối các hệ thống thông tin khi giải quyết những vấn đề đặt ra nêu trên, vượt qua thách thức để hướng tới quản trị đô thị thông minh hơn. "Đô thị thông minh là giải pháp thích hợp và là xu thế của các đô thị trên thế giới. TP. Hồ Chí Minh sẽ học tập, tiếp thu những kinh nghiệm quý báu để đến năm 2025 trở thành đô thị đáng sống và phát triển bền vững hướng đến phục vụ người dân”, ông Hỷ nhấn mạnh.
 
Xây dựng quy hoạch
 
Ông Phạm Minh Tuấn cho rằng, Singapore phải mất 30 năm để xây dựng thành phố thông minh, Việt Nam đi sau có thể rút ngắn được 1/3 thời gian. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào nội lực. Khi nội lực chưa đủ, chúng ta không thể tiếp nhận được. Nội lực ở đây là hạ tầng, con người, cơ chế chính sách. Để quá trình đầu tư xây dựng thành phố thông minh có hiệu quả nhanh nhất, điều quan trọng đầu tiên là phải xây dựng quy hoạch khung mang tính định hướng, để xác định sẽ đi theo mô hình smart city nào cho phù hợp. Thứ hai, có lộ trình làm gì trước, làm gì sau, việc này không phải giống nhau giữa các địa phương, mỗi địa phương có thể khác. Hà Nội có thể quan tâm đến lĩnh vực giao thông thông minh, nhưng các tỉnh khác không xảy ra tình trạng tắc đường có thể quan tâm về y tế hay vệ sinh an toàn thực phẩm....
 
Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Ái Việt, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, từ nghiên cứu các nước trên thế giới, tôi thấy họ làm smart city dựa trên những vấn đề nổi cộm ở từng thành phố. Ví dụ, nước Áo quan tâm đến vấn đề nước sạch, hay Hàn Quốc quan tâm đến sử dụng năng lượng thông minh…. Đối với Việt Nam, trước tiên chúng ta phải có kiến trúc chung, xác định mục tiêu, điều tra hiện trạng để biết chúng ta muốn gì, những vấn đề gì nổi cộm nhất. Trong đó, phải xác định thống nhất thành phố thông minh đối với chúng ta là như thế nào, chúng ta đang ở đâu, giai đoạn nào để đặt mục tiêu tới đó.
 
“Đặc biệt, trong quá trình triển khai xây dựng thành phố thông minh, chúng ta đừng coi smart city chỉ như một dự án công nghệ thông tin đơn thuần, là việc chỉ của các sở thông tin và truyền thông. Đây là vấn đề liên ngành, tất cả các ngành đều phải vào cuộc, do đó cần có một cơ chế phối hợp. Thành phố thông minh sẽ thất bại nếu chúng ta chỉ thiên về công nghệ”, ông Việt nhấn mạnh.
 
Theo các chuyên gia, thành phố thông minh được hiểu là thành phố sử dụng công nghệ điện toán đám mây và công nghệ thông tin thế hệ mới trong việc quy hoạch và vận hành đô thị. Thành phố thông minh có những hệ thống đồng bộ kết nối quản trị đô thị theo từng lĩnh vực một cách thông minh như năng lượng thông minh, môi trường thông minh, giao thông thông minh, công nghệ thông minh, toà nhà thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh…. Việt Nam đang có nhiều lợi thế để triển khai xây dựng thành phố thông minh. Các đô thị Việt Nam đang phát triển theo hướng tiếp cận mô hình tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế, tạo ra nhiều tiền đề về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin để phát triển đô thị thông minh. Tỉ lệ người sử dụng internet tại Việt Nam hiện đạt 43,8% - cao hơn tỉ lệ của thế giới là 42,2% và châu Á là 34,8%. Bên cạnh đó, công nghệ thông tin đã được ứng dụng nhiều vào hoạt động quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực như quản lý ngân sách và kho bạc, quản lý thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, giao thông.… “Tôi tin rằng, Việt Nam sẽ ứng dụng thành công smart city trong tương lai gần vì quyết tâm rất lớn của các thành phố cũng như toàn xã hội”, ông Tuấn khẳng định.
http://kinhtevn.com.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.326.792
Hiện tại 2.379 khách