Sáng ngày 14/12/2016, tại Hà Nội, Cục Báo chí, Cục Thông tin đối ngoại, Vụ Thông tin cơ sở, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Khối Thông tin thuộc Bộ TT&TT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2016, triển khai kế hoạch công tác năm 2017. Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT và Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ, cùng lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc 4 đơn vị trong Khối Thông tin.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn biểu dương và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của các đơn vị trong Khối Thông tin trong năm vừa qua. Cụ thể, năm 2016 vừa qua có rất nhiều sự kiện quan trọng của đất nước như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, chuyển giao thế hệ lãnh đạọ... dù có nhiều biến động như vậy, nhưng các đơn vị trong Khối Thông tin đã cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình đã đề ra trong năm 2016.
Việc xây dựng thể chế, chính sách và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đã được các đơn vị trong Khối thực hiện quyết liệt. Trong đó có những văn bản luật quan trọng như Luật Báo chí, Đề án Quy hoạch báo chí bổ sung, tham gia xây dựng các đề án quy hoạch phát triển hệ thống thông tin đối ngoại khu vực cửa khẩu quốc tế phục vụ thông tin đối ngoại đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị của Ban Bí thư về đẩy mạnh thông tin cơ sở; Đề án của Chính phủ về thông tin cơ sở...
Công tác chỉ đạo điều hành quản lý Nhà nước được đẩy mạnh trên các lĩnh vực đã thể hiện rõ vai trò quản lý nhà nước của Bộ, từ chỉ đạo điều hành hoạt động báo chí, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở, nhất là trên lĩnh vực báo chí. Như việc tuyên truyền Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, việc xử lý khủng hoảng truyền thông từ sự cố môi trường biển ở miền Trung và vụ nước mắm nhiễm asen.
Toàn cảnh hội nghị
Bộ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian tới, việc cần phải làm mạnh, làm quyết liệt hơn nữa là phát hiện và xử lý các sai phạm của báo chí, đồng thời đề nghị không lấy việc phạt sai phạm làm thành tích mà lấy việc ổn định của báo chí, phát triển đúng định hướng làm thành tích, báo chí phải hoạt động trong khuôn khổ đúng pháp luật và được xã hội ghi nhận, đó mới là điều quan trọng nhất.
Bên cạnh đó, công tác thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở đã phối hợp tốt hơn với các Bộ, ngành; chủ động trong công tác định hướng tuyên truyền, đưa thông tin về cơ sở… Việc thực hiện các chức năng theo từng đơn vị được thực hiện bài bản hơn, đi vào nền nếp hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh việc ghi nhận, biểu dương thành tích của các đơn vị, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế của Khối Thông tin trong thời gian qua. Theo đó, về vai trò quản lý nhà nước làm chưa thực sự mạnh, chưa tăng cường, chưa chủ động. Bộ trưởng yêu cầu, các đơn vị trong Khối Thông tin phải chủ động tham mưu, đề xuất để tăng cường vai trò quản lý nhà nước của Bộ.
Tiếp đó là sự phối hợp các đơn vị trong Khối và trong Bộ chưa tốt. Lề lối làm việc các đơn vị cũng cần chấn chỉnh trong thời gian tới.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu các đơn vị căn cứ chức năng nhiệm vụ, phương hướng của Bộ sắp tới, trên cơ sở nhiệm vụ tổng kết để thực hiện thành chương trình hành động năm 2017, tập trung nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong năm 2017.
Bộ trưởng đề nghị các đơn vị tăng cường vai trò quản lý nhà nước của mình, đặc biệt là lĩnh vực báo chí, xuất bản; chủ động đề xuất lãnh đạo Bộ về quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực. Đi đôi với đó là bảo vệ quyền lợi người làm báo chân chính, khen thưởng kịp thời cơ quan báo chí có thành tích.
Cùng với đó là triển khai thực hiện Luật Báo chí, có hiệu lực từ 1/1/2017, triển khai Đề án Quy hoạch báo chí một cách quyết liệt, khẩn trương. Các hoạt động thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở phải đi vào nền nếp hơn. Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu tăng cường phối hợp các đơn vị trong Bộ, trong Khối Thông tin để tránh chồng chéo. Đổi mới cải cách hành chính, lề lối làm việc, siết chặt lại kỷ cương, đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, không gây phiền hà, sắp xếp bộ máy tinh gọn hiệu quả...
Theo báo cáo của Cục Báo chí, năm 2016, Cục đã cấp và đổi Thẻ nhà báo giai đoạn 2016 - 2020 cho hơn 18.600 nhà báo tại các cơ quan báo chí trong cả nước. Tính đến hết tháng 11, Cục đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 79 trường hợp… Về công tác thanh tra, đã phát hiện ra một số sai phạm của cơ quan báo chí như chưa thực hiện đúng các quy định trong giấy phép hoạt động báo chí, vi phạm về nội dung thông tin, vi phạm về quảng cáo...
Cũng tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc cũng nêu ra một số hạn chế đó là công tác chỉ đạo thông tin còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ của báo chí vẫn diễn ra. Một số cơ quan báo chí đưa tin nặng về khai thác, thông tin những vụ việc tiêu cực, một số báo còn chạy theo việc đưa tin giật gân, câu khách, thậm chí thông tin sai sự thật...
Báo cáo của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, hiện nay cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình T.Ư và địa phương, 76 kênh truyền hình trả tiền trong nước, 44 kênh chương trình nước ngoài được cấp phép, biên tập, biên dịch, 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Số lượng trang TTĐT tổng hợp được cấp phép là 56 trang, 111 trang mạng xã hội... Cũng trong năm 2016, đơn vị đã kịp thời, chủ động phát hiện, nhắc nhở, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm của các Đài và các trang TTĐT tổng hợp, đặc biệt là những sai phạm về nội dung thông tin.
Với Cục Thông tin đối ngoại, năm 2016, kết quả đạt được của Cục như công tác tuyên truyền biển, đảo đã tạo điểm nhấn quan trọng, góp thêm tiếng nói và hành động của Bộ TT&TT. Đồng thời công tác nhân quyền cũng tạo được dấu ấn là tổ chức thành công Hội nghị cung cấp thông tin nhân quyền định kỳ hằng tháng cho báo chí từ tháng 5/2016.
Tuy nhiên, công tác thông tin còn một số hạn chế như các thông tin tiêu cực, bất lợi về Việt Nam còn xuất hiện nhiều, thường xuyên và liên tục làm ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh đất nước. Chính vì vậy, yêu cầu với công tác thông tin đối ngoại ngày càng cao và nhiệm vụ càng khó khăn...
Đối với hoạt động của Vụ Thông tin cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực. Vụ đã tổ chức sản xuất 24 chương trình truyền hình và 40 chương trình tuyên truyền về biển, đảo. Đơn vị cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 29 cuộc Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý"...
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh thêm một số nội dung cụ thể: Các đơn vị trong Khối Thông tin cần đăng ký chương trình công tác của đơn vị bám sát chương trình, kế hoạch của Bộ; tăng cường phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; cần thống nhất trong việc trình các nội dung về thông tin để tránh bị trùng lặp. Cần tăng cường hoạt động phối hợp trong nước và nước ngoài trong các lĩnh vực mình phụ trách. Cần đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT để giải quyết dịch vụ công, giảm bớt thủ tục rườm rà. Đặc biệt, phối hợp chặt các đơn vị trong Bộ để truyền thông những vấn đề liên quan tới lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, chủ động tham mưu đề xuất Bộ những vấn đề mới để xem xét xử lý kịp thời…