Chỉ đạo tại Phiên họp 12 Ban chỉ đạo số hóa truyền hình mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn yêu cầu Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử ra văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp, đồng thời làm việc với các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng để bố trí dung lượng, bắt buộc phải truyền dẫn các kênh truyền hình thiết yếu của nhà nước theo đúng quy định.
Theo Thông tư số 18/2016/TT-BTTTT quy định về danh mục kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và của địa phương, cả nước có 70 kênh chương trình truyền hình thiết yếu. Bao gồm, 7 kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia: VTV1, VTC1, Vnews, ANTV, QPVN, QHVN và Nhân dân.
Danh mục các kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của địa phương bao gồm 63 kênh thời sự - chính trị tổng hợp của 63 đài PT-TH trực thuộc 63 tỉnh, thành phố. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động truyền hình, các đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình.
Đối với các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình số DVB-T2, tại Phiên họp Ban chỉ đạo lần thứ 7 và lần thứ 10, Ban Chỉ đạo Số hóa truyền hình Việt Nam đã nhất trí việc phân công truyền dẫn, phát sóng các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị của Trung ương và địa phương giữa các mạng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất của các đơn vị, doanh nghiệp để tránh chồng chéo. Ban chỉ đạo Số hóa truyền hình Việt Nam đã giao Cục Phát thanh và Truyền hình và Thông tin điện tử nghiên cứu, đề xuất việc phân công truyền tải kênh thiết yếu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã đề xuất phân công phát sóng các kênh thiết yếu tại khu vực đồng bằng Bắc bộ và Nam Bộ như sau: VTV phát sóng các kênh truyền hình của VTV; Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC phát sóng các kênh truyền hình thiết yếu của VTC; Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) phát sóng không khóa mã các kênh thiết yếu quốc gia; Công ty CP Truyền dẫn phát sóng truyền hình số đồng bằng Sông Hồng (RTB) phát sóng các kênh thiết yếu của các tỉnh, thành phố tại khu vực đồng bằng Sông Hồng; Công ty Truyền hình kỹ thuật số miền Nam (SDTV) phát sóng các kênh thiết yếu của các tỉnh, thành phố tại khu vực đồng bằng Nam Bộ.
Theo Quyết định 2451 của Thủ tướng Chính phủ, cả nước có 3 đơn vị được cấp phép thiết lập mạng truyền dẫn và phát sóng truyền hình số toàn quốc là VTV, VTC và AVG. Đồng thời nhà nước cũng xem xét để cấp phép cho các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng khu vực và hiện đã có hai doanh nghiệp được cấp phép.
Nhưng đến thời điểm này, khi Đề án số hóa truyền hình đã hoàn thành giai đoạn 1 thì trong số các đơn vị truyền dẫn phát sóng vẫn còn có cả đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp. Hiện nay, VTV và VTC vẫn chưa thành lập doanh nghiệp trực thuộc để kinh doanh dịch vụ truyền dẫn phát sóng theo quy định của Thủ tướng. Ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, tuy VTV và VTC không thành lập doanh nghiệp nhưng sử dụng số lượng kênh tần số lớn là không thực hiện đúng quy định của Thủ tướng.
Đối với AVG, điều kiện cần khi được cấp giấy phép truyền hình trả tiền là AVG phải truyền dẫn các kênh thiết yếu Trung ương, địa phương trên hệ thống, khi cần thì nhà nước có thể yêu cầu AVG mở khóa các kênh truyền hình thiết yếu.
Đối với RTB và SDTV là 2 doanh nghiệp được cấp phép thiết lập mạng viễn thông ở hai vùng miền, khi hai doanh nghiệp này làm Đề án xin cấp phép đã có kế hoạch truyền dẫn phát sóng các kênh truyền hình thiết yếu của các đài PT-TH trong khu vực, do đó hai doanh nghiệp này phải làm đúng cam kết khi xin cấp phép.
Cũng theo quy định của nhà nước về quản lý dịch vụ truyền hình trả tiền, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền bắt buộc phải truyền dẫn các kênh truyền hình thiết yếu trung ương trên toàn quốc và khi cung cấp dịch vụ ở địa phương nào thì bắt buộc phải truyền dẫn kênh truyền hình thiết yếu của địa phương đó. Việc truyền dẫn các kênh truyền hình thiết yếu không bắt buộc phải có thỏa thuận về bản quyền.