Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, xuất phát từ vai trò quan trọng của các đô thị đối với việc phát triển kinh tế-xã hội cả nước, cần chú trọng giải quyết các vấn đề của đô thị. Trong đó, việc xây dựng các hệ thống thông minh để phát triển các đô thị thông minh là một giải pháp quan trọng.
“Đô thị thông minh là vấn đề mà thế giới đã làm từ lâu”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết và nhấn mạnh, Việt Nam đi sau, rất cần nhanh chóng triển khai để bắt tay vào việc xây dựng các hệ thống thông minh.
Ưu điểm của mô hình đô thị thông minh là chính quyền có khả năng dự phòng, dự báo khủng hoảng, ách tắc chứ không chỉ đi giải quyết sự vụ. Đây là điều Việt Nam đang cần hoàn thiện. Cùng với đó, người dân được coi là “cảm biến xã hội”, thông qua công cụ quản lý là công nghệ thông tin.
Lấy ví dụ về việc sân bay Tân Sơn Nhất mới sửa đã quá tải hay cảng Hải Phòng dù đã dự báo công suất đến năm 2020 từ khi xây dựng nhưng hiện nay đã quá tải, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng đó là do dự báo kém, trong khi quản lý đô thị thông minh đề cao khả năng dự báo.
“Chúng ta cần dự báo dài hơi hơn, quy hoạch có tầm nhìn hơn. Tương tự, như việc dự báo tới đây dân số Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng già hóa, nên cần sớm điều chỉnh chính sách dân số”, ông Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề.
Để xây dựng đô thị thông minh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần thực hiện song song hai việc. Thứ nhất là quy hoạch thành phố phát triển bền vững, trong đó phải xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và quy hoạch thông minh, giám sát các tiêu chí phát triển bền vững.
Cùng với đó là quản lý ngành thông minh, công dân thông minh, doanh nghiệp thông minh (quản lý xây dựng thông minh; giao thông thông minh; môi trường thông minh; chính quyền thông minh-doanh nghiệp thông minh; chính quyền thông minh-công dân thông minh; chính quyền thông minh-dịch vụ thông minh như giáo dục, y tế, khu đô thị, điện, nước, du lịch, vận tải; nông nghiệp thông minh; quản lý trật tự-trị an thông minh).
Vấn đề thứ hai là tùy điều kiện và tình hình của đô thị, có thể chọn bất cứ nhiệm vụ nào trong số các nhiệm vụ (quản lý xây dựng thông minh, giao thông thông minh, dịch vụ thông minh…) để ưu tiên triển khai trước. Hiện nay, các thành phố gồm Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế), Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ, Hải Phòng đã bắt đầu triển khai xây dựng đề án thành phố thông minh.
“Nói đến đô thị thông minh là nói đến việc xử lý thông tin ngày càng thông minh, hiện đại hơn, có ứng dụng công nghệ thông tin. Cùng với đó các chủ thể khác gồm công dân, doanh nghiệp cũng trở lên thông minh hơn khi họ có đủ thông tin, công cụ để tương tác với chính quyền”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ.
Tại buổi làm việc, từ thực tiễn đặt ra trong việc xây dựng đô thị thông minh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ TT&TT vào cuộc quyết liệt trong việc xây dựng chính phủ điện tử, tiến đến chính phủ thông minh. Cùng với đó giao cho các doanh nghiệp trong ngành xây dựng phương án mẫu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để “chào hàng” tới các địa phương.
Ngoài ra, Bộ cần tập trung tuyên truyền phản ánh nỗ lực xây dựng đô thị thông minh của các địa phương để Việt Nam có thể là một trong những quốc gia đầu tiên của ASEAN thành công trong việc xây dựng đô thị thông minh.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định, với trách nhiệm của Bộ, sẽ tích cực vào cuộc trong việc xây dựng chính phủ điện tử, cũng như tăng cường truyền thông về đô thị thông minh.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung đánh giá tình hình ứng dụng đầy đủ công nghệ thông tin tại các thành phố lớn; xây dựng khung các tiêu chí tiêu chuẩn ứng dụng công nghệ thông tin tại các thành phố để xây dựng đô thị thông minh.
Bộ cũng sẽ đặt hàng các doanh nghiệp lớn trong ngành đầu tư sớm về công nghệ để đáp ứng các yêu cầu, sớm triển khai cơ sở dữ liệu dùng chung quốc gia để có cơ chế kết nối thuận lợi và rõ ràng hơn.