Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Lan tỏa một chuyên mục báo chí
Ngày cập nhật 01/07/2015
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh năm 1989. Ảnh: Tư liệu

Năm nay, chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 - 1/7/2015), người đứng đầu Đảng ta trong nhiệm kỳ Đại hội lịch sử lần thứ VI (1986-1991) của Đảng, chính thức mở ra thời kỳ đổi mới đất nước. Tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Văn Linh, giới báo chí có niềm tự hào riêng - chính cố Tổng Bí thư là người đã mở một chuyên mục trên báo Nhân Dân, trở thành sự kiện lớn của báo chí trong những năm đầu đổi mới.

Ngày 25/5/1987, trang nhất báo Nhân Dân xuất hiện chuyên mục mang tên Những việc cần làm ngay. Bài viết ngắn, chỉ khoảng 400 từ, ký tên là N.V.L. Chuyên mục xuất hiện đều đặn, cùng với những bài viết ngắn, cùng một tác giả, nêu lên những hiện tượng tham ô, lãng phí, cửa quyền…trong xã hội ta và yêu cầu phải xử lý, khắc phục. Từ ngỡ ngàng đến thích thú, bạn đọc toàn quốc đón nhận chuyên mục với niềm phấn khởi vì các vụ việc chuyên mục nêu đều được những người có trách nhiệm khẩn trương giải quyết. Một câu hỏi: N.V.L là ai mà dám vạch ra những tiêu cực ở các ngành, địa phương, đơn vị và yêu cầu phải xử lý và đưa tin công khai lên báo? Dư luận cứ đoán già đoán non: N.V.L là “Nhảy vào lửa”, là “Nói và Làm”…

Khi được biết loạt bài ký tên N.V.L là của đồng chí Nguyễn Văn Linh thì mọi người vỡ òa trong niềm tin và phấn khởi! Sau đó ít lâu, ông cho biết: bút danh N.V.L có nghĩa là “ Nói và Làm”. Đối với giới báo chí, chuyên mục Những việc cần làm ngay, đã tạo nên sinh khí mới, cổ vũ, tiếp sức cho báo chí dám thẳng thắn công khai nêu lên những yếu kém, khuyết điểm của những người có chức, có quyền. Cùng với báo chí của cả nước, báo chí tỉnh Bình Trị Thiên lúc đó đã góp phần tích cực, nối tiếp “những việc làm ngay” ở địa phương. Có thể nói vụ: “Vịt Anh Đào” là vụ mở đầu tạo nên dư luận lớn. Chính quyền một huyện phía bắc tỉnh, với tư tưởng “ngăn sông cấm chợ”, quan liêu, đã cho làm thịt đàn vịt giống quý hiếm, không được chuyển vào Huế để nuôi.

Phóng viên Anh Trang thường trú báo Nhân Dân đã cho đăng bài lên báo, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh cùng “hiệp đồng” lên tiếng. Dư luận phản đối mạnh mẽ. Chính quyền huyện nọ đã thấy sai nhưng không thể khắc phục vì đàn vịt giống đã bị làm thịt. Bà Phó Chủ tịch UBND huyện, người chịu trách nhiệm về vụ việc này... lăn ra ốm nặng. Đến nỗi, lo cho sức khỏe của bà, theo đề nghị của huyện, nhà báo Anh Trang nửa đêm theo xe của huyện ra trực tiếp động viên. Một vụ nổi đình nổi đám khác cũng trên lĩnh vực phân phối lưu thông liên quan đến Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Huế cũng được báo phanh phui. Có thể kể thêm một số vụ khác mà báo chí trên địa bàn tỉnh đề cập như: Lãng phí trong việc xây dựng khu nhà 11 Nguyễn Huệ (Huế), Tham ô ở Công ty Xăng dầu tỉnh, “Tiêu cực ở Nhà khách tỉnh”… Nổi lên trong cuộc đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực là các cây bút phóng viên hay cộng tác viên của cơ quan báo chí như: Anh Trang, Thanh Ba, Quý Doãn, Thế Tường, Nguyễn Quang Hà, Diệu Hiền, Trọng Dụng, Ngọc Quỳnh, Kim Cương, Văn Lợi… Nhà thơ Văn Lợi hiện nay ở Đồng Hới (Quảng Bình) có một chuyện vui vui liên quan đến ba chữ viết tắt N.V.L. Năm 1987, báo Văn hóa và Đời sống của Ty Văn hóa thông tin tỉnh, nơi nhà thơ công tác, đăng bài tiêu cực ở Nhà khách của tỉnh. Báo vừa ra thì có điện thoại từ Văn phòng UBND tỉnh gọi về đòi gặp Tổng biên tập. Sau đây là tóm tắt cuộc “điện đàm” giữa cán bộ Văn phòng UBND tỉnh với nhà thơ Văn Lợi:

“- Tôi muốn gặp Tổng biên tập để truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh: Từ nay không viết bài về Nhà khách tỉnh nửa!

- Chủ tịch có lệnh cấm bằng văn bản hay bằng miệng?

- Anh là ai mà hỏi lệnh của Chủ tịch tỉnh?

- Tôi là N.V.L đây!

- Anh là ai mà dám xưng N.V.L?

- Tôi là Nguyễn Văn Lợi, thế viết tắt không phải là N.V.L thì là gì”.

Nghe xong cán bộ Văn phòng UBND tỉnh bỏ máy. Nhà thơ nghĩ sắp tới chắc sẽ “căng” đây. Không ngờ mấy hôm sau, người cán bộ Văn phòng đến Báo với thái độ vui vẻ, đồng tình với bài báo phê phán đó. Nhà thơ Văn Lợi còn đọc thơ và ngụ ngôn chống tiêu cực cho đồng chí cán bộ Văn phòng UBND tỉnh nghe, và cả hai đều tâm đắc.

Sự nghiệp đổi mới của đất nước ta đã thu được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Cùng với đất nước, báo chí cũng đã có những bước tiến dài. Báo chí đã làm tốt hơn chức năng thông tin đa chiều, công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, đoàn thể; là diễn đàn của quần chúng Nhân dân và là kênh dư luận xã hội quan trọng… Tuy nhiên cuộc đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực của xã hội ta trong đó có tham ô vẫn còn tiếp diễn và quyết liệt. Hình ảnh người đứng đầu Đảng ta tuyên chiến với giặc “nội xâm” trên mặt báo, mãi là tấm gương và niềm cổ vũ cho báo chí chúng ta noi theo. Cuộc đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực của xã hội vẫn còn tiếp diễn và quyết liệt. Những vấn đề mà chuyên mục Những việc cần làm ngay của N.V.L năm nào vẫn còn nguyên tính thời sự. Các “hiện tượng tiêu cực” vẫn còn đó. Tệ nạn tham ô, lãng phí vẫn chưa ngăn chặn được, nhiều vụ việc vẫn xảy ra với mức độ rất lớn, còn nghiêm trọng hơn những gì mà chuyên mục Những việc cần làm ngay và báo chí lúc đó nêu lên. Bút danh N.V.L là “Nói và Làm” hàm ý của người đứng đầu Đảng ta đòi hỏi cán bộ đảng viên nói phải đi đôi với làm, cũng là đòi hỏi bức thiết đối với cán bộ, đảng viên hiện nay.

theo baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.339.591
Hiện tại 498 khách