Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Hồi đáp báo chí bằng hành động chứ không chỉ bằng văn bản
Ngày cập nhật 16/06/2015

Đó là khẳng định của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao trong cuộc trò chuyện với PV Báo Thừa Thiên Huế nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao

“Chúng tôi đánh giá cao những đóng góp của báo chí, nhất là các lực lượng báo chí trên địa bàn đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương cũng như xây dựng quê hương Thừa Thiên Huế”. Ông nói.

UBND tỉnh đã ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí nhưng thời gian qua, vẫn có một số quy định “con” của địa phương, ban ngành… khiến việc tác nghiệp cũng như trao đổi thông tin giữa các bên chưa được thuận tiện? Ông nghĩ thế nào về điều này?

Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện rất tốt quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí với quan điểm hợp tác, cởi mở, chia sẻ và minh bạch thông tin. Tuy nhiên, một số ít cơ quan, địa phương, cá nhân chưa thực sự làm đúng theo quy định. Đó có thể là do họ ngại tiếp xúc với báo chí vì thông tin nhạy cảm hay vụ việc đó có nhiều vướng mắc trong khi một số phóng viên chưa đồng cảm, sẻ chia, chỉ quan tâm những mặt tiêu cực mà chưa thấy hết nguyên nhân bản chất sự việc. Hơn nữa, có phóng viên khi tiếp cận vấn đề cố tình nhìn sai lệch sự việc, không thông tin nội dung trọn vẹn để người đọc hiểu được vấn đề, vô tình tạo ra sự không thống nhất giữa hai bên… Đối với cấp sở, cơ bản chấp hành nghiêm quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Trước đây, một sở có văn bản đưa ra quy định riêng cho các đơn vị trực thuộc phát ngôn cho báo chí chưa hợp lý, sau khi nghe phản ánh, chúng tôi chấn chỉnh ngay. Cần nói thêm rằng, một số lãnh đạo, cá nhân có những cách tiếp cận riêng, chia sẻ thông tin riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí tác nghiệp. Trong quá trình thực hiện quy chế, tôi nghĩ, nếu có những vấn đề phát sinh, chúng ta nên trao đổi và tìm cách khắc phục.

Tính phản biện là điều cần thiết trong báo chí, tuy nhiên, ở báo chí địa phương, tính phản biện chưa cao, nhất là những vấn đề nhạy cảm, dễ đụng chạm. Ông có thể chia sẻ quan điểm cá nhân về vấn đề nói trên?

Chủ trương của tỉnh là luôn mở rộng lắng nghe thông qua nhiều hình thức phản biện xã hội như qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, qua các hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp, qua doanh nghiệp, tất cả người dân… nhưng kênh phản biện của báo chí được đánh giá khá cao vì báo chí có nhiều thông tin kịp thời, khảo sát được nhiều đối tượng để đưa ra nhận xét. Những phản biện đó giúp các cơ quan ban ngành quyết định chính sách, xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch thực hiện công việc một cách hiệu quả. Trong quá trình phản biện, báo chí cần trung thực, khách quan. Cũng có khi phản biện có sự chủ quan của từng người do cách nhìn nhận vấn đề chưa thấu đáo nhưng tôi nghĩ, không nên áp đặt sự chủ quan lên những lĩnh vực mình nắm không vững làm hạn chế giá trị của phản biện.

Thời gian qua, tỉnh đã có sự phản hồi kịp thời trước những thông tin nóng báo chí nêu. Ông có thể nói gì về sự “phản ứng nhanh” này?

Nhiệm vụ đặt ra cho chúng tôi là phải giải quyết nhanh, khắc phục những tồn tại, yếu kém, bất cập ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đến tình hình an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, đến sự phát triển kinh tế xã hội... Qua kênh theo dõi báo chí hàng ngày, khi nhận được thông tin phản ảnh, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý sớm nhất có thể. Đây là quan điểm chung trong công tác điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh. Điều quan trọng nhất là cách thức tiến hành, hiệu quả công việc ra sao. Mong báo chí ghi nhận đó là sự hồi đáp của chính quyền sở tại bằng hành động chứ không chỉ bằng văn bản hành chính để trả lời. UBND tỉnh sẽ duy trì việc làm này một cách thường xuyên. 

Được biết, UBND tỉnh đã có chủ trương nâng tầm giải báo chí bắt đầu từ năm 2016. Ông có thể nói rõ hơn kỳ vọng của tỉnh thông qua sự đầu tư này?

Các ban ngành, địa phương cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí và cũng phân công rõ ràng người phát ngôn, thông qua người phát ngôn để có thông tin cho báo chí. Phía báo chí cũng cần tuân thủ các quy định trong quá trình tác nghiệp.

Chúng tôi đánh giá cao giải báo chí, dịp xét trao giải cũng là lúc chúng ta có thể tập hợp, đánh giá, nhìn nhận lại lực lượng báo chí... Chúng tôi kỳ vọng các nhà báo trên địa bàn tỉnh sẽ đạt những giải thưởng lớn hơn chứ không chỉ trên “sân nhà”, nhằm khẳng định vai trò cũng như nâng cao vị thế của một tỉnh rất giàu bản sắc, giàu truyền thống văn hóa như Thừa Thiên Huế.

Có được kết quả như vậy cần sự nỗ lực, chủ động của phóng viên báo chí, của Hội Nhà báo tỉnh và các chi hội nhà báo. Đã đến lúc đặt giải báo chí hàng năm ở một mức độ nào đó cho hợp lý vừa để có giá trị riêng, vừa đánh giá được tầm quan trọng của giải. UNBD tỉnh đã làm việc trực tiếp với Hội Nhà báo tỉnh và thống nhất với việc nâng tầm giải báo chí phải gắn với điều chỉnh giá trị về giải thưởng tương xứng và đặt trong mối quan hệ tổng thể với các giải thưởng trên các lĩnh vực khác. Đây là sự ghi nhận, sự đánh giá của xã hội, của chính quyền đối với báo chí…

Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông có chia sẻ, gửi gắm gì đến đội ngũ những người làm báo.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, xin gửi lời cám ơn đến những nỗ lực, cố gắng, kể cả những sự quên mình của đội ngũ phóng viên báo chí đối với nhiệm vụ phát triển của tỉnh và cám ơn sự đóng góp của các cơ quan truyền thông tỉnh, Trung ương đóng trên địa bàn. Mong rằng, chúng ta sẽ có sự hợp tác tốt nhất và sự gắn bó trong quá trình sắp tới để tiếp tục xây dựng Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển. Chúc đội ngũ báo chí Thừa Thiên Huế, báo chí Trung ương đóng trên địa bàn gặt hái được nhiều thành công!

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Báo Thừa Thiên Huế Online
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.339.591
Hiện tại 547 khách