GFCE hướng tới xây dựng một nền tảng toàn cầu nhằm thúc đẩy các sáng kiến trong việc nâng cao năng lực đảm bảo an toàn thông tin không gian mạng. Các thành viên của GFCE chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực đảm bảo an toàn thông tin trên mạng, phòng chống tội phạm mạng, bảo vệ dữ liệu và chính phủ điện tử. Thành viên ít kinh nghiệm trong lĩnh vực không gian mạng có thể được hưởng lợi từ những kiến thức và kinh nghiệm được cung cấp bởi các thành viên là quốc gia và các tập đoàn có nhiều kinh nghiệm trong các vấn đề không gian mạng.
Tại buổi ra mắt GFCE trong khuôn khổ GCCS 2015, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương quốc Hà Lan, ông Bert Koenders đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếp cận đa phương trong các sáng kiến GFCE: “Trên không gian mạng, các quốc gia không thể hành động một mình, họ cần dựa vào các quốc gia, các bên liên quan khác”. Ông Van der Steur, Bộ trưởng Bộ An ninh và Tư pháp của Hà Lan nhận định: “Trong lĩnh vực an toàn thông tin, Hà Lan có rất nhiều kinh nghiệm, công cụ và phương thức để chia sẻ nhưng chúng tôi luôn phải học hỏi để tốt hơn. Với GFCE, chúng tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm của chúng tôi nhưng đồng thời cũng học hỏi thêm từ các thành viên trong diễn đàn. Tất cả sẽ nhận được các kiến thức và bài học kinh nghiệm trên cùng một nền tảng chung. Không gian mạng sẽ tốt hơn với các sáng kiến tại GFCE”.
Diễn đàn GFCE cổ vũ mạnh mẽ các quốc gia, tổ chức quốc tế và tập đoàn đa quốc gia cùng tham gia chia sẻ kiến thức góp phần xây dựng không gian mạng Mở, Tự do và An toàn (Open, Freedom and Secure).
Global Conference on CyberSpace (GCCS)
Sau 3 lần tổ chức tại Anh (2011), Hungary (2012), Hàn Quốc (2013), năm 2015, GCCS được tổ chức tại Hà Lan với sự tham dự của đại diện đến từ hơn 120 quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế trong đó có đại diện cấp Chính phủ của 75 quốc gia, vùng lãnh thổ tập hợp lại nhằm thúc đẩy hợp tác thiết thực trong không gian mạng, tăng cường xây dựng năng lực bảo đảm an toàn thông tin trên mạng và thảo luận về trách nhiệm của từng quốc gia, tổ chức quốc tế trong không gian mạng. Hội nghị năm 2015 tìm giải pháp để toàn thế giới cùng có biện pháp phản ứng đối với những thách thức cấp bách về an toàn thông tin mạng như: Vấn đề truy tố tội phạm mạng; nâng cao hợp tác giữa các tổ chức CERT và các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ Internet. Bộ Thông tin và Truyền thông là đại diện của Chính phủ Việt Nam đã tham dự Hội nghị.
Danh sách 42 thành viên sáng lập của GFCE:
29 Quốc gia : Anh; Argentina; Ấn Độ; Bỉ; Bangladesh; Canada; Chile; Estonia; Phần Lan; Pháp; Đức; Hàn Quốc; Hà Lan; Hoa Kỳ; Hungary; Israel; Kenya; Ma rốc; Mexico; Newzealand; Nauy; Nhật Bản; Rumani; Senegal; Thụy Điển; Thụy Sỹ; Thổ Nhĩ Kỳ; Úc;Việt Nam.
13 Tổ chức: Cisco; Liên minh Châu Âu; Liên minh Châu Phi; Hội đồng Châu Âu; Europol; Hewlett Packard; Huawei Technologies; ITU; International Chamber of Commerce; Microsoft; Organization of American States; Symantec Corporation; Vodafone