Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết điều 2 luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có 12 nhóm văn bản dưới luật, trong đó nêu rõ các bộ ban hành các thông tư theo chức năng nhiệm vụ quản lí nhà nước của mình.
Thông tư 19 xuất phát từ kết luận của Bộ Chính trị về việc lập lại trật tự trong hoạt động báo chí, Bộ trưởng Son nói.
Cụ thể, ngày 11/10/2006, Bộ Chính trị có Thông báo 41 kết luận về tăng cường lãnh đạo của Đảng với công tác báo chí, trong đó ghi rõ nội dung quản lí trong việc nâng cao chất lượng báo chí, nhất là khẳng định vai trò của báo chí để không có tư nhân hóa trong báo chí, chấn chỉnh các hoạt động liên kết, không để tư nhân núp bóng trong báo chí.
“Thông báo của Bộ Chính trị nêu rõ: xử lí nghiêm các báo, tạp chí vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, tôn chỉ mục đích của tờ báo để tư nhân núp bóng, thực hiện liên doanh, liên kết bất hợp pháp. Như vậy quy hoạch báo chí có ngay từ năm 2006. Trong thông báo này cũng nêu rõ làm sao quản lí liên kết báo chí tốt hơn trong thời gian tới”, Bộ trưởng dẫn chứng.
Ngoài ra, ông cho biết điều 1 luật Báo chí cũng ghi rõ, báo chí là hệ thống truyền thông thiết yếu của xã hội, là cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng, Nhà nước và xã hội. “Như vậy doanh nghiệp không có báo chí”, Bộ trưởng Son khẳng định. Chính vì vậy chúng ta đã từng bước chuyển đổi tách hoạt động báo chí ra khỏi doanh nghiệp, đưa cơ quan báo chí về cơ quan nhà nước và để doanh nghiệp có hoạt động liên kết với báo chí.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng những năm 2005-2006 diễn ra hoạt động liên kết tự phát dẫn đến hiện tượng tư nhân núp bóng. Vì vậy năm 2007, Bộ TT&TT ra đời dưới sự chỉ đạo của Thường trực Ban bí thư giao Chính phủ đánh giá lại hoạt động báo chí nói chung, hoạt động liên kết nói riêng và cần một quy định của Chính phủ để triển khai chỉ đạo này. Đó là cần có một quy định pháp lí về hoạt động liên kết để tránh tình trạng tư nhân núp bóng báo chí.
“Như vậy chúng ta thừa nhận cần có sự liên kết để làm sao huy động nguồn lực góp phần vào hoạt động liên kết lành mạnh hơn nhưng chỉ liên kết trong trong các chương trình vui chơi, giải trí chứ không liên kết trong các vấn đề chính trị”, Bộ trưởng Son nói rõ.
Ngay trong hoạt động xuất bản chỉ liên kết in, phát hành, bản thảo sơ bộ chứ không liên kết tất cả hoàn chỉnh bản thảo. Bản thảo vẫn do cơ quan nhà nước phê duyệt. Tuy nhiên báo chí chưa có quy định về vấn đề này nên phải có văn bản dưới luật quy định về liên kết.
Bộ TT&TT được Chính phủ giao xây dựng quy chế hoạt động liên kết các chương trình của các đài phát thanh, truyền hình trình Thủ tướng tháng 10/2008. Sau đó Bộ có 2 tờ trình và Chính phủ ra văn bản giao cho Bộ nghiên cứu tiếp thu ý kiến các bộ ngành liên quan hoàn chỉnh và ban hành quy chế này.
“Như vậy cơ sở pháp lí của quy chế này xuất phát từ yêu cầu của Bộ Chính trị và Chính phủ giao Bộ xây dựng ban hành theo thẩm quyền. Chính vì vậy Bộ TT&TT xây dựng Thông tư 19 và đã xin ý kiến bộ ngành trong đó có Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp đã khẳng định Bộ xây dựng văn bản này đúng quy trình, có lấy ý kiến góp ý các đài truyền hình, phát thanh. Thông tư 19 là thông tư đúng quy định pháp luật và đang có hiệu lực thi hành”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định.
Vi phạm thì phải chế tài
Năm 2009, Bộ Chính trị giao Chính phủ xây dựng quy hoạch báo chí, như vậy nhiệm vụ quy hoạch báo chí được Bộ Chính trị giao từ 2009.
Từ đó các cơ quan sự nghiệp có thu trong đó có VTV, khi thực hiện các quyền tự chủ, liên doanh, liên kết đều phải theo quy định pháp luật, trong đó có Thông tư 19.
“Thông tư 19 đã tạo điều kiện cho các đài liên kết, thu hút nguồn lực, tạo sân chơi cho nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết không chỉ với VTV mà nhiều đài khác. Ngay VTV cũng khẳng định nguồn thu từ các chương trình giải trí trên VTV3, trong đó có nhiều chương trình liên kết bên ngoài chiếm tỉ trọng lớn”, Bộ trưởng Son nói.
Ông cũng nhìn nhận hoạt động liên kết thời gian qua cơ bản thực hiện tốt, bên cạnh đó cũng có những thực hiện chưa tốt cần có chế tài xử lí. “Vừa qua, các đài truyền hình trong cả nước nói chung và VTV nói riêng khi có sai phạm phải xử lí dựa trên các quy định hiện hành trong đó có Thông tư 19”.
Từ khi thông tư có hiệu lực năm 2009 đến nay, nhiều Đài đã có hành lang pháp lý để hoạt động liên kết, riêng VTV được cấp 168 giấy chứng nhận liên kết.
Từ 2013 đến nay VTV được cấp 118 giấy chứng nhận liên kết, riêng trong đầu năm 2015 được cấp 5 giấy. Việc liên kết góp phần quan trọng vào doanh thu của Đài.
“Như vậy cho thấy Bộ đã tạo điều kiện thông thoáng trong hoạt động liên kết này nhưng vừa qua có một số sai phạm của VTV như chưa có giấy phép đã phát sóng. Như vậy là vi phạm, phải chế tài và còn có một số nội dung chưa đúng theo quy định trong hoạt động liên kết”.
Cho liên kết nhưng không buông lỏng quản lí
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết thêm qua ý kiến của VTV, Chính phủ đã chuyển Bộ Tư pháp xem xét. Trong quá trình xem xét thì thông tư này vẫn có hiệu lực. “Mỗi văn bản pháp luật đều có tính chất lịch sử và vòng đời theo quy luật phát triển nên việc sửa đổi là điều cần thiết”. Thông tư 19 sắp tới sẽ được sửa đổi theo hướng mà Bộ Chính trị đã có hai văn bản thông báo rõ.
Bộ trưởng dẫn ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị: Báo chí không cần nhiều mà cần tinh, chất lượng thực sự có khả năng chi phối, định hướng thông tin trong xã hội. Vấn đề tự chủ tài chính cần cân nhắc cho phù hợp nhiệm vụ thông tin truyên truyền với thông tin giải trí, thương mại.
“Các cơ quan quan chủ lực như VTV, TTXVN, VOV phải làm tốt nhiệm vụ chính. Chính phủ nghiên cứu quy định tự chủ tài chính đối với một số báo còn lại theo hướng Nhà nước không bao cấp hết, khuyến khích các cơ quan làm tốt, lành mạnh tự chủ tài chính nhưng không buông lỏng quản lí. VOV, VTV cần quản lí thống nhất chặt chẽ các khâu sản xuất chương trình phát sóng bảo đảm nhiệm vụ chính trị và thực hiện theo các quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Son phân tích.
Bộ Chính trị cũng có văn bản nữa định hướng không có báo tư nhân nhưng trong hoạt động báo chí có liên kết tư nhân thì phải chỉ đạo định hướng quản lí theo đúng các quy định pháp luật hiện hành.