Theo Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, các Đài PT-TH địa phương cần tăng cường nội dung mang tính đặc trưng địa phương, tránh nhạt nhòa và thiếu bản sắc như hiện nay. Chấn chỉnh hơn các chương trình trình truyền hình trực tiếp, trong đó cần đào tạo hơn nữa chất lượng đội ngũ phát thanh viên, biên tập viên, tránh những “hạt sạn” đáng tiếc, gây phản cảm cho người xem.
Các Đài PT-TT đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ
Không chỉ làm tốt chức năng là phương tiện thông tin, tuyên truyền thiết yếu, cùng với các loại hình báo chí và đội ngũ những người làm báo trong cả nước, ngành PT-TH cả nước đã góp phần tích cực giữ vững ổn định chính trị, tăng cường an ninh, quốc phòng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thực hiện dân chủ hoá đời sống xã hội, được ghi nhận cụ thể qua chất lượng, nội dung thông tin, hình thức thể hiện của các chương trình tự sản xuất của các đài phát thanh, truyền hình ngày càng được nâng cao.
Nhiều tác phẩm báo chí của phát thanh, truyền hình đã đạt được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi tác phẩm báo chí và các liên hoan phát thanh, truyền hình. Sai phạm về nội dung thông tin trên các đài phát thanh, truyền hình cũng chiếm tỷ lệ thấp so với các loại hình báo chí khác.
Ngôn ngữ thể hiện trên các kênh chương trình ngày càng đa dạng. Các chương trình truyền hình, phát thanh tiếng dân tộc đã được nhiều đài tăng thời lượng. Bên cạnh các chương trình tiếng Việt, nhiều đài đã thực hiện các bản tin tiếng nước ngoài đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ thông tin đối ngoại.
Theo đánh giá, năm 2014, các chương trình giải trí trong nước đang dần chiếm ưu thế hơn so với chương trình giải trí nước ngoài trên sóng phát thanh, truyền hình. Tỷ lệ phim nước ngoài phát sóng trên nhiều đài truyền hình đã giảm một bước so với trước. Nhiều đài đã xây dựng được những chương trình có tính tương tác cao, chương trình truyền hình thực tế thu hút khán giả.
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn ghi nhận sự hưởng ứng và triển khai tích cực của các Đài PT-TH trong cả nước đối với Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/ 2011. Đồng thời, năm 2014, chúng ta đã tiếp tục triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, triển khai các giải pháp để thực hiện Đề án; hình thành được một số doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng số mặt đất trên cơ sở liên kết một số doanh nghiệp trực thuộc các đài phát thanh, truyền hình, cung cấp nhiều dịch vụ truyền hình chất lượng cao như: Công ty Cổ phần truyền dẫn, phát sóng truyền hình Đồng bằng sông Hồng, Công ty TNHH Truyền hình kỹ thuật số Miền Nam.
Thứ trưởng chia sẻ: Năm 2014, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, đầu tư của ngân sách Nhà nước hạn chế, doanh thu quảng cáo không tăng hoặc tăng thấp, trong khi chi phí sản xuất chương trình tiếp tục tăng cao, song nhiều đài phát thanh, truyền hình đã tập trung đồng bộ hóa các thiết bị sản xuất chương trình theo hướng số hóa, nâng cao chất lượng hình ảnh, âm thanh. Hầu hết các Đài đã áp dụng sản xuất chương trình trên hệ thống bàn dựng phi tuyến, lưu trữ, phát sóng tự động trên mạng internet. Một số Đài truyền hình đã bắt đầu sản xuất các chương trình truyền hình với tín hiệu HD, thích ứng với xu hướng phát triển chung của thế giới và khu vực cũng như với yêu cầu của dịch vụ truyền hình chất lượng cao. Một số Đài còn xây dựng các kênh tương tác và giao tiếp với khán giả thông qua trang thông tin điện tử của Đài, trang Youtube và các trang mạng xã hội,...
Cần khắc phục những hạn chế, yếu kém
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần nghiêm túc nhìn nhận và rút kinh nghiệm trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình.
Đó là, chương trình tự sản xuất còn ít (tỷ lệ sử dụng chương trình nước ngoài còn cao, ít Đài tự sản xuất được trên 40% trở lên thời lượng phát sóng. Theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, chương trình tự sản xuất và chương trình sản xuất trong nước phải từ 70% thời lượng phát sóng trở lên, chương trình nước ngoài chỉ còn khoảng 30%).
Tỷ lệ giữa tin tức, chương trình thiết yếu phục vụ nhiệm vụ chính trị so với giải trí chưa cân đối: nhiều Đài có nguồn thu cao chủ yếu là chiếu phim, ca nhạc, giải trí... Đặc biệt chiếu quá nhiều phim nước ngoài (mà chủ yếu là phim Trung Quốc, Hàn Quốc). Tỷ lệ phim nước ngoài tuy có giảm, song mức giảm chưa đạt được như kỳ vọng. Một số Đài vẫn thực hiện phát sóng các thông tin quảng cáo quá tần suất, thời lượng theo quy định, quá tính năng, tác dụng của hàng hóa; quảng cáo sản phẩm chức năng có nội dung không rõ ràng gây hiểu lầm đó là sản phẩm thuốc, tác động xấu cho người tiêu dùng, gây bức xúc trong dư luận xã hội hoặc vẫn tiếp tục quảng cáo những hàng hóa không được quảng cáo trong “giờ vàng”…. Trong năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhiều lần nhắc nhở trực tiếp tại giao ban báo chí và nhắc nhở bằng văn bản các trường hợp sai phạm về quảng cáo trên truyền hình; thậm chí có nhiều trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính.
Về chất lượng chương trình: Tin tức phát thanh, truyền hình có quá nhiều tin lễ tân, ít có các phóng sự, điều tra có chất lượng. Là đài phát thanh, truyền hình địa phương, song ở một số đài, bản sắc địa phương không rõ nét (thậm chí có đài, nếu không nhìn vào logo của đài, thì không biết đây là đài của địa phương nào, vì nội dung không thể hiện rõ đặc trưng của địa phương mình). Ngày càng nhiều chương trình trực tiếp của các đài, nhưng việc chuẩn bị không kỹ, kể cả MC, nhiều khi gây phản cảm cho công chúng xem truyền hình.
Những hạn chế trên đã được phân tích, nhắc nhở khá kỹ trong nhiều Hội nghị về báo chí, song việc thực hiện và quản lý các chương trình truyền hình liên kết của một số đài vẫn còn bị buông long. Nhiều kênh, chương trình phát sóng không đúng tôn chỉ mục đích theo giấy phép đã cấp. Việc lựa chọn nội dung một số chương trình phát trên các kênh thiết yếu, kênh quảng bá chưa phù hợp, thiếu chọn lọc.
Ngoài ra, việc bổ nhiệm lãnh đạo một số đài phát thanh, truyền hình chưa được thực hiện và tuân thủ theo đúng quy định. Có một số đài phát thanh, truyền hình phát sóng thêm kênh chương trình mới, hoặc tăng thời lượng kênh chương trình mà không thực hiện thủ tục đề nghị cấp phép theo quy định.
Đối với phong trào thi đua, hưởng ứng phong trào thi đua do Bộ Thông tin và Truyền thông phát động trong năm 2014, 64 đài phát thanh, truyền hình địa phương thuộc 10 cụm thi đua đã xây dựng được nội dung thi đua phù hợp với từng vùng, miền, gắn với nhiệm vụ tuyên truyền thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh, củng cố quốc phòng, tăng cường tuyên truyền biển, đảo, bảo vệ chủ quyền biên giới trên biển và trên đất liền; tuyên truyền sâu rộng các sự kiện trọng đại, các ngày kỷ niệm lớn của đất nước và của các tỉnh, thành phố. Trong quá trình thực hiện phong trào thi đua, đã có nhiều tập thể và cá nhân được Bộ Thông tin và Truyền thông khen thưởng đột xuất và thông qua hiệp y khen thưởng.
Theo Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, với trách nhiệm là cơ quan báo chí của cấp ủy Đảng, chính quyền các tỉnh, thành phố, Thứ trưởng đề nghị các đài phát thanh, truyền hình cần duy trì phong trào, đổi mới hình thức thi đua với các nội dung được Bộ Thông tin và Truyền thông phát động và chú ý tới một số vấn đề sau: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước; kịp thời tuyên truyền các giải pháp của Chính phủ trong điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao trong triển khai thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2015; Tập trung tuyên truyền Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, phải xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, xuyên suốt năm 2015 và đầu năm 2016; đồng thời, chủ động đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm, thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đại hội Đảng, chống phá Đảng và Nhà nước, gây chia rẽ Đảng với dân. Các đài phát thanh, truyền hình cần chủ động trong việc cung cấp thông tin chính thống kịp thời và đầy đủ; bám sát và tuyên truyền các sự kiện quan trọng của đất nước và quốc tế trong năm 2015 theo định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam; đẩy mạnh tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo và các nhiệm vụ an ninh quốc phòng. Tuyên truyền có hiệu quả việc “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và các đợt sinh hoạt chính trị, các cuộc vận động khác của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc như “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”...
Song song với việc quan tâm xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, biên tập, kỹ thuật theo hướng chuyên nghiệp, cần tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh và truyền hình. Trong đó, tăng thời lượng chương trình tự sản xuất theo hướng phát triển nội dung lành mạnh, những nội dung thuần Việt; chủ động rà soát chặt chẽ chương trình quảng cáo theo quy đúng quy định; giảm thời lượng các chương trình khai thác, chương trình phim của nước ngoài; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền cổ vũ, động viên, phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, những tấm gương có thành tích xuất sắc trong lao động, học tập, sản xuất, công tác... trong các lĩnh vực; đồng thời tích cực đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, việc làm và lời nói đi ngược lại lợi ích của cộng đồng và dân tộc.
Đứng trước yêu cầu mới, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: Để bắt kịp với sự phát triển về khoa học công nghệ phát thanh, truyền hình đang có những bước tiến rất nhanh, các Đài cần tranh thủ mọi nguồn đầu tư, trong đó có nguồn thu sự nghiệp để mở rộng điều kiện tác nghiệp, năng lực sản xuất chương trình, trang thiết bị kỹ thuật theo hướng hiện đại, đồng bộ, đúng quy hoạch. Tiếp tục thực hiện quyết liệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020 và Đề án số hóa truyền dẫn, phát thanh truyền hình mặt đất đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các Đài phát thanh, truyền hình trên toàn quốc phải tiếp tục tập trung tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về đề án này, từng bước chuyển đổi mô hình tổ chức để tập trung vào nhiệm vụ sản xuất và nâng cao chất lượng nội dung chương trình, bảo đảm để người dân sẽ được xem các chương trình truyền hình với chất lượng thông tin, hình ảnh, âm thanh tốt hơn và chuẩn bị tiền đề để tham gia tích cực hơn nữa vào việc cung cấp các nội dung gia tăng khác trên dịch vụ truyền hình số.
Cũng theo Thứ trưởng, năm 2015, cũng là năm Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục triển khai thực hiện việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về báo chí trong đó có phát thanh, truyền hình. Hai văn bản pháp luật quan trọng liên quan trực tiếp đến hoạt động và sự phát triển của ngành, đó là việc xây dựng Dự án Luật Báo chí sửa đổi; hoàn thiện Quy hoạch phát triển báo chí toàn quốc đến năm 2025 trình cấp có thẩm quyền ban hành. Ngoài ra, trong năm 2015, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trình Chính phủ Nghị định về quản lý và cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình. Bộ rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các Đài đối với các dự thảo đang xây dựng, để nội dung các quy định được ban hành luôn bám sát với cuộc sống và có tính khả thi cao. Đồng thời, đề nghị các Đài cũng chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện khi các văn bản này được ban hành.