Theo Cục Tin học hóa, từ năm 2008, Bộ Thông tin và Truyền thông đã liên tục công bố Báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các tỉnh, thành phố dựa trên nguyên tắc bảo đảm tính khách quan, minh bạch. Ông Lê Quốc Hưng, đại diện Cục Tin học hóa, nhận định việc triển khai đánh giá mức độ ứng dụng CNTT giai đoạn 2008-2013 đã cung cấp cho Bộ Thông tin và Truyền thông số liệu quản lý về ứng dụng CNTT, đánh giá được mức độ hoàn thành các chỉ tiêu ứng dụng CNTT theo các chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT, đồng thời tạo động lực cho lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương quan tâm hơn tới ứng dụng CNTT. Ngoài ra, ứng dụng CNTT còn trở thành tiêu chí đánh giá thi đua khen thưởng. Việc đánh giá cũng góp phần tìm ra các Bộ ngành, địa phương điển hình trong ứng dụng CNTT, gồm có Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Ngoại giao, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Hà Nội, Tp.HCM, Quảng Bình, An Giang.
Cũng theo ông Lê Quốc Hưng, bên cạnh Đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện và công bố hàng năm, Hội Tin học Việt Nam cũng thực hiện Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - TT Việt Nam (Vietnam ICT Index). Vietnam ICT Index đánh giá chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam của các Bộ ngành, các tỉnh thành, ngân hàng thương mại, tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn. Mặc dù có sự khác biệt về phương pháp thực hiện đánh giá, xếp hạng, nhưng Đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông và Vietnam ICT Index có sự tương đồng về sự tăng/giảm thứ hạng của các cơ quan.
Năm 2015: Việc kiểm tra, đánh giá mức độ ứng dụng CNTT sẽ được giao cho một đơn vị độc lập, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ban hành tiêu chí đánh giá?
Theo Cục Tin học hóa, trong năm 2015, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thay đổi cách thức tổ chức thực hiện đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ban hành phương pháp đánh giá, trên cơ sở đó, các cơ quan nhà nước tự đánh giá và gửi kết quả về Bộ. Đối với công tác kiểm tra, đánh giá mức độ ứng dụng CNTT thì có hai phương án: Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ giao cho một đơn vị chức năng của Bộ thực hiện hoặc giao cho một đơn vị độc lập thực hiện. Sau đó, Bộ sẽ thẩm định kết quả và trình Chính phủ.
Ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử Bộ Công thương khẳng định rằng các đánh giá, xếp hạng về ứng dụng CNTT dù chính thống hay không chính thống đều có tác động lớn đến các cơ quan, đơn vị được xếp hạng. Ông Nguyễn Thế Quang đề xuất “Đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của Bộ Thông tin và Truyền thông ngoài việc đánh giá, xếp hạng cần phân tích sâu hơn về việc tại sao thứ hạng của các đơn vị lại tăng/giảm, nguyên nhân, thậm chí có thể làm việc trực tiếp với các cơ quan, đơn vị này để giúp họ cải thiện mức độ ứng dụng CNTT trong những năm tiếp theo”. Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử ủng hộ phương án Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành tiêu chí đánh giá còn việc đánh giá, xếp hạng nên giao cho một tổ chức phi chính phủ thực hiện.
Tuy nhiên, đại diện Cục CNTT Bộ Tài chính băn khoăn nếu việc đánh giá, xếp hạng giao cho một đơn vị độc lập thực hiện thì cần phải thẩm định năng lực của đơn vị này. Đơn vị này phải có đội ngũ chuyên nghiệp, có khả năng thu thập thông tin và thực hiện việc đánh giá xếp hạng khách quan, chính xác.
Còn Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng kiến nghị việc công bố kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT cần phải được đẩy nhanh tiến độ. Nên chăng là tháng 1 năm tiếp theo cần công bố kết quả đánh giá của năm trước để những thông tin này mang tính thời sự, giúp các cơ quan, đơn vị kịp thời đưa ra những chính sách phù hợp nhằm cải tiến mức độ ứng dụng CNTT.