Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Hội nghị Tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí ngày hôm nay là hội nghị rất quan trọng. Trải qua 15 năm qua kể từ khi Luật Báo chí được sửa đổi, bổ sung, báo chí cách mạng Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, không chỉ tính số lượng các cơ quan báo chí, các loại hình báo chí, số lượng phóng viên mà điều quan trọng nhất là báo chí đã mang thông tin đến mọi ngõ ngách, phản ánh mọi mặt của đời sống, không chỉ ở trong nước mà vươn ra toàn thế giới. Báo chí đã đóng góp một phần rất quan trọng trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Đồng thời, báo chí đã giúp hoạch định chính sách được sát với yêu cầu của thực tiễn.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta đã nhận ra những bất cập trong quá trình phát triển. Những bất cập đó có cái do luật, có những cái không hẳn do luật. Phó Thủ tướng mong muốn các đồng chí Tổng biên tập, các vị đại biểu thực sự đào sâu suy nghĩ với tất cả trách nhiệm, xem Luật Báo chí vừa qua đáp ứng được yêu cầu đến đâu, bây giờ cần gì, phải sửa như thế nào cho phù hợp và Luật phải có tuổi thọ lâu dài.
Mặt khác, chúng ta sửa Luật Báo chí lần này phải đảm bảo nguyên tắc báo chí cách mạng Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Mục tiêu trên hết của việc sửa Luật Báo chí là để báo chí phát triển mạnh mẽ hơn; phục vụ tốt hơn cho việc hoạch định đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong xây dựng và bảo vệ đất nước; góp phần để nhân dân thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của mình.
Cũng theo Phó Thủ tướng, hiện nay, Bộ TT&TT đang xây dựng Quy hoạch báo chí cũng phải trên tinh thần chung là như vậy. Điểm gì mạnh, đúng thì chúng ta phát huy, điểm gì hạn chế thì ta khắc phục. Đặc biệt phải rất bình tĩnh trước những bất cập của hoạt động báo chí, không nên chỉ vì một vài biểu hiện tiêu cực, chúng ta thấy giật mình rồi đưa ra ngay những quy định để bịt hết lại. Tinh thần sửa Luật Báo chí lần này là hoàn toàn không phải như vậy. Việc sửa Luật lần này phải dự báo được xu thế phát triển mạnh mẽ về công nghệ, xu thế hội tụ thông tin…
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ TT&TT cần triển khai sớm dự thảo Luật Báo chí theo chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2014 và năm 2015, theo Nghị quyết số 70/2014/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 30/5/2014 được giao chủ trì xây dựng Luật Báo chí thay thế Luật Báo chí năm 1989 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999 và trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2015.
Thay mặt các đồng chí chủ trì Hội nghị và lãnh đạo Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã trân trọng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và các ý kiến phát biểu tại Hội nghị với những điểm mới đa dạng, phong phú và chất lượng, mang đầy hơi thở thời sự của đời sống báo chí, cung cấp nhiều thông tin quan trọng và bổ ích.
Cũng theo Bộ trưởng, những ý kiến phát biểu tại Hội nghị đều trúng và đúng hướng với yêu cầu của Hội nghị đề ra. Ban Soạn thảo, cơ quan quản lý nhà nước tiếp thu, bổ sung vào dự án Luật Báo chí tới đây mang tính khả thi nhất. Bộ trưởng đề nghị các đồng chí Tổng biên tập, các phóng viên là những người đầu tiên đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật khi được lấy ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan và lấy ý kiến toàn dân.
Phát biểu kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh: Với tinh thần làm việc đầy trách nhiệm, Hội nghị đã đi đến thống nhất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí hiện hành, song phải trên cơ sở quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 162-TB/TW, Thông báo số 41-TB/TW và Thông báo số 68-TB/TW về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa X về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới và các văn bản, chỉ thị khác của Đảng đối với hoạt động báo chí, đặc biệt là những định hướng lớn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí hiện hành, không để những tư tưởng sai trái, đi ngược lại quan điểm của Đảng nhân cơ hội này để chống phá việc sửa Luật Báo chí.