Từ năm 1999 đến nay, qua 15 năm thi hành, Luật Báo chí đã phát huy tác dụng tích cực, tạo điều kiện cho báo chí nước ta phát triển mạnh mẽ cả về số lượng ấn phẩm, số kênh phát thanh, truyền hình, loại hình và chất lượng thông tin, nguồn nhân lực…, góp phần phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cụ thể:
- Về báo chí in: Tính đến 31/12/2013, cả nước có 838 cơ quan báo chí với 1.111 ấn phẩm, trong đó có 199 cơ quan báo in chiếm 24% (86 báo Trung ương và các Bộ, ngành đoàn thể; 113 báo địa phương); 639 tạp chí chiếm 76% (507 tạp chí Trung ương, các Bộ, ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu…; 132 tạp chí địa phương). Hàng năm, số lượng bản báo được phát hành ở nước ta khoảng hơn 650 triệu bản, bình quân có trên 7,22 bản báo/người/năm.
- Về báo chí điện tử: Cả nước có 90 cơ quan báo chí điện tử, 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí. Trong đó có 40 cơ quan báo chí điện tử thuộc cơ quan Trung ương và các Bộ, ngành; 26 cơ quan báo chí điện tử trực thuộc địa phương và 26 cơ quan báo chí điện tử trực thuộc các cơ quan đoàn thể.
- Về phát thanh, truyền hình: Cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình bao gồm: 02 đài trực thuộc Trung ương (Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam); 01 đài thuộc Bộ (Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC); 64 đài Phát thanh – Truyền hình địa phương (62 đài Phát thanh – Truyền hình của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; riêng Thành phố Hồ Chí Minh có 02 đài: Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh). Số lượng các kênh chương trình phát thanh, truyền hình quảng bá tính đến 31/12/2013 là 179 kênh. Có 6 kênh truyền hình hoạt động không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng gồm: Kênh truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV TV), Kênh truyền hình Công an nhân dân (ANTV), Kênh truyền hình Thông tấn (Vnews), Kênh truyền hình Quốc phòng, Kênh truyền hình Quốc hội, Kênh truyền hình Nhân dân. Hệ thống truyền hình trả tiền với 73 kênh truyền hình và 9 kênh phát thanh, số lượng đơn vị cung cấp truyền hình cáp là 33 đơn vị (tính đến 31/12/2013); số lượng kênh truyền hình nước ngoài được khai thác trên hệ thống truyền hình trả tiền là 40 kênh. Truyền hình trả tiền sử dụng 4 loại công nghệ truyền dẫn, phát sóng: cáp, số vệ tinh, số mặt đất và IPTV đạt hơn 6,6 triệu thuê bao vào năm 2013 (số lượng thuê bao truyền hình cáp chiếm khoảng 50%).
Đội ngũ nhân lực làm báo ngày càng tăng về số lượng từ 25 nghìn người (năm 2005) lên gần 40 nghìn người năm 2014. Trong đó có gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ và khoảng 5.000 phóng viên đang hoạt động báo chí nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo…. hầu hết các nhà báo có trình độ đại học trở lên.
Mặt khác, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Báo chí được phổ biến sâu rộng trong xã hội; Việc thi hành Luật Báo chí được thực hiện sâu rộng với các hình thức khác nhau, tác động tích cực đến nhận thức của các tầng lớp nhân dân; Việc thi hành Luật Báo chí của các chủ thể quy định trong Luật được thực thi nghiêm túc; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ báo chí được chú trọng; quan hệ quốc tế trong hoạt động báo chí được mở rộng (theo số liệu thống kê của Bộ Ngoại giao, hiện có 30 Văn phòng báo chí nước ngoài với 35 phóng viên nước ngoài đăng ký thường trú tại Việt Nam và trung bình hàng năm có khoảng 230 đoàn với hơn 1000 phóng viên nước ngoài vào Việt Nam tác nghiệp…).
Tuy nhiên, thực tiễn 15 năm thi hành Luật Báo chí, bên cạnh những mặt ưu điểm, tích cực là chủ yếu, Luật Báo chí năm 1999 cũng bộc lộ một số mặt chưa hoàn chỉnh, không điều chỉnh kịp thời những vấn đề mới nảy sinh, không còn phù hợp với với thực tiễn đời sống báo chí trong giai đoạn hiện nay. Đó là những quy định bất cập của Luật với thực tế phát triển của báo chí trong giai đoạn nước ta đẩy mạnh công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng. Bên cạnh đó, sự phát triển và hội tụ về công nghệ giữa viễn thông, truyền thông và Internet diễn ra mạnh mẽ, đặt ra nhiều vấn đề mới và phức tạp cần được điều chỉnh phù hợp. Nhiều vấn đề đã vượt ra ngoài các quy định của pháp luật như: cơ quan báo chí thực hiện nhiều loại hình, vấn đề liên kết trong hoạt động báo chí, vấn đề tài chính đối với cơ quan báo chí, vai trò cơ quan chủ quản, tên gọi và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí… Ngoài ra, những năm gần đây, hoạt động báo chí bộc lộ những vấn đề đáng lo ngại như: không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, thông tin sai sự thật có chiều hướng không giảm – nhất là trên các trang mạng điện tử; xu hướng “thương mại hóa” chậm được khắc phục; thông tin miêu tả tỉ mỉ các hành động dâm ô, tội ác; thông tin về những chuyện thần bí, mê tín dị đoan…
Cũng trong thời gian qua, các đơn vị chức năng của Ban, Bộ, Hội đã phát hiện nhiều sai phạm. Trung bình mỗi năm, Bộ TT&TT đã tiếp nhận và xử lý gần 300 đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực báo chí, chủ yếu là khiếu nại nội dung thông tin trên báo chí (cụ thể, năm 2012 đã xử lý vi phạm 58 trường hợp cơ quan báo chí, phạt tổng số tiền 771 triệu đồng, cảnh cáo 01 trường hợp, nhắc nhở 06 trường hợp, 01 phóng viên bị thôi việc, 01 lãnh đạo cấp phòng bị kỷ luật buộc thôi việc, 01 thư ký tòa soạn bị cảnh cáo, cách chức; năm 2013 xử lý 49 trường hợp, phạt tổng số tiền 324 triệu đồng, thu hồi thẻ nhà báo 03 trường hợp, thu hồi 3 tên miền .vn…).
Phát biểu chỉ đại tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ, đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh: Luật Báo chí 1989 và Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999 đã tạo hành lang pháp lý cần thiết để thực hiện hoạt động báo chí và hoạt động quản lý báo chí, qua đó thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân trong khuôn khổ pháp luật và luật định. Báo chí Việt Nam thời gian qua phát triển mạnh mẽ về số lượng, ấn phẩm, loại hình và chất lượng thông tin, qua đó phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Báo chí đã làm tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của tổ chức Đảng, Nhà nước là diễn đàn của nhân dân; kịp thời phản ánh thông tin, tuyên truyền và triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, góp phần xây dựng và củng cố tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng, nhằm đáp ứng nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, những thành tích là chủ yếu thì hoạt động của báo chí và công tác quản lý nhà nước về hoạt động báo chí còn có những hạn chế bất cập như: số lượng cơ quan báo chí tăng nhưng chất lượng thông tin chưa tương xứng với yêu cầu. Đặc biệt, xuất hiện hiện tượng “tư nhân hóa báo chí”, “thương mại hóa báo chí” trong quá trình hoạt động báo chí đã làm giảm chất lượng chính trị, văn hóa, khoa học, chất lượng nghiệp vụ của báo chí; lãnh đạo cơ quan báo chí còn buông lỏng công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, quy trình biên tập, duyệt tin bài chưa được coi trọng và thực hiện nghiêm túc. Cá biệt có trường hợp không qua thẩm định, xác minh dẫn tới một số cơ quan báo chí, nhà báo đưa thông tin thiếu chính xác, thiếu trách nhiệm và thông tin sai nhiều nhưng không cải chính, vi phạm đạo đức người làm báo, lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi, thậm chí có trường hợp vi phạm Luật Báo chí… Mặt khác, vai trò của cơ quan chủ quản chưa được phát huy một cách đầy đủ theo quy định của Luật Báo chí, các biện pháp, chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí có lúc bị xem nhẹ; việc cung cấp thông tin cho báo chí chưa kịp thời, gây khó khăn cho hoạt động báo chí.
Bộ trưởng chỉ rõ: Công cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của Internet, sự phổ cập ứng dụng CNTT đã có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển thông tin và truyền thông nói chung và đời sống của báo chí nói riêng. Hội nhập quốc tế ngày nay càng mở rộng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với sự phát triển và nhiệm vụ của quản lý đối với sự nghiệp báo chí. Thực tiễn hoạt động của báo chí trong thời gian qua đặt ra nhiều vấn đề mới vượt ra ngoài quy định của Luật Báo chí hiện hành.
Trong thời gian tới, việc xây dựng Luật Báo chí cần phải bám sát các quy định của Hiến pháp năm 2013. Bên cạnh đó, phải thể chế hóa hơn nữa, cụ thể hóa hơn nữa, chi tiết hơn nữa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác báo chí đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước hoạt động theo luật pháp, phát triển báo chí đi đôi với quản lý báo chí. Luật Báo chí cần có những quy định tăng cường quản lý của nhà nước đối với báo chí, tạo cơ chế, chính sách để tận dụng các nguồn lực trong xã hội, đề cao tính trách nhiệm của cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí….
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung đóng góp ý kiến làm rõ những vấn đề, những quy định còn bất cập của Luật Báo chí hiện hành liên quan đến mối quan hệ giữa các nhóm chủ thể; từ góc độ quyền hạn và trách nhiệm của các chủ thể. Đặc biệt, Hội nghị cần tập trung bàn kỹ hai nhóm vấn đề: Nhóm thứ nhất, tình hình thi hành Luật Báo chí hiện hành trong xã hội và chủ thể được quy định trong Luật Báo chí như cơ quan báo chí, nhà báo, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí; làm rõ những mặt tích cực, tồn tại, nguyên nhân của những tồn tại, từ đâu, do cơ chế chính sách, do quy định của pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn hay là nhận thức trong quá trình thi hành, áp dụng Luật Báo chí còn những bất cập. Nhóm thứ hai là, đưa ra những kiến nghị, giải pháp sửa đổi, bổ sung các điều trong Luật Báo chí để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của phát triển báo chí trong bối cảnh toàn cầu hóa thông tin trên cơ sở quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Đảng và các quy định khác của pháp luật.
Tại Hội nghị đã có nhiều tham luận đóng góp vào quá trình dự thảo sửa đổi Luật Báo chí trong thời gian tới.