Theo Sách Trắng CNTT-TT năm 2013, VNPT đang "bao sân" về thị phần dịch vụ điện thoại cố định ở mức 75,4%, còn Viettel đang áp đảo về thị phần dịch vụ điện thoại di động với mức 40,05% thị phần.
Cụ thể, về dịch vụ điện thoại cố định, VNPT vẫn chiếm thị phần cao nhất (75,4%) tăng 68,8% so với năm 2011. Tiếp đó là Viettel (22,96%), tăng 22,3%; FPT Telecom (0,23%), SPT (1,21%), VTC (0,06%).
Về dịch vụ điện thoại di động, Viettel vẫn chiếm thị phần cao nhất (40,05%). MobiFone giữ vị trí số 2 với 21,4% (năm 2011 xếp thứ 3 với 17,9%), theo sát là VinaPhone với 19,88% (năm 2011 xếp thức 2 với 30,1%), và mỗi nhà cung cấp dịch vụ này chỉ chiếm ½ số thuê bao của Viettel. Trong số các nhà mạng còn lại, Vietnamobile chiếm 10,74% thị phần, GMobile 3,93%, SFone 0,01%.
Xét riêng dịch vụ điện thoại di động 2G, Viettel dẫn đầu về tổng thị phần (45,31%), tiếp đến là MobiFone (19,81%), VinaPhone (18,55%), Vietnamobile (11,87%), GMobile (4,46%), SFone (0,01%).
Với dịch vụ điện thoại di động 3G thì 3 nhà cung cấp dịch vụ Viettel, MobiFone và VinaPhone vẫn áp đảo với số thị phần gần tương đương nhau, trong đó Viettel chiếm 34,73% , theo sát là MobiFone với 33,19% và VinaPhone 29,71%. Vietnamobile nắm giữ "miếng bánh" thị phần còn lại (2,36%).
Với dịch vụ Internet, xét về tổng thể thị trường cả truy nhập cố định và di động, hai nhà cung cấp dịch vụ truy nhập Internet chiếm vai trò chủ đạo là VNPT (62,82%) và Viettel (29,45%), theo sau là FPT (5,73%). Nhìn chung các nhà cung cấp đều tăng thị phần so với năm 2011.
Đặc biệt, VNPT dẫn đầu cả về thị phần dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định và Internet băng rộng di động 3G. Trong đó, với truy nhập Internet cố định, VNPT chiếm 57,68% (giảm so mức 63,21% của năm 2011), vượt trội so với thị phần của các nhà cung cấp còn lại: FPT Telecom 26,78%, Viettel 9,8%, SCTV 2,14%, CMC Telecom 1,93%, SPT 1,07%, Netnam 0,28%, các nhà cung cấp khác 0,31%
Còn với truy nhập Internet bằng mạng 3G, VNPT cũng áp đảo với 64,62 % (khi tính gộp cả MobiFone và VinaPhone). Viettel với 35,57% thị phần đang giữ vị trí số 2. Còn lại 1 phần rất nhỏ - 0,01% thị phần đang do HTC nắm giữ.
Trong giai đoạn 2011-2012, thị trường viễn thông có sự biến động nhỏ về số lượng nhà cung cấp dịch vụ. Cụ thể, đến hết năm 2012 đã có 9 nhà cung cấp dịch vụ cố định (tăng 3 so với trước), 6 nhà cung cấp dịch vụ di động (giảm 1) và 57 nhà cung cấp dịch vụ Internet (tăng 7).
Nhìn chung năm 2012, dù suy giảm kinh tế nhưng tổng doanh thu viễn thông vẫn đạt gần 8,5 tỷ USD, tăng trên 21% so với năm 2011. Trong đó, doanh thu dịch vụ di động tăng hơn 1 tỷ USD từ 5,4 tỷ lên 6,5 tỷ USD và vẫn chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu (chiếm 76,43% tổng doanh thu). Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu giúp thị trường viễn thông tăng trưởng. Doanh thu dịch vụ cố định và Internet cũng đều tăng song mức tăng khiêm tốn lần lượt là 394,2 triệu USD (tăng 8,9%) và 474,8 triệu USD (tăng 1,42%).
Tính đến tháng 12/2012, cả nước đạt hơn 141 triệu thuê bao điện thoại, trong đó có 9,5 triệu thuê bao cố định và 131,6 triệu thuê bao di động. Mặc dù sự phát triển số lượng thuê bao điện thoại có sự chững lại do thị trường đã bão hòa nhưng thuê bao điện thoại di động và Internet vẫn tiếp tục tăng với tỷ lệ tương ứng là 3,42% và 2,46% so với năm 2011. Ấn tượng nhất trong năm 2012, số lượng thuê bao Internet băng rộng cố định tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng 24,74%, đạt gần 4,8 triệu thuê bao. Số lượng thuê bao 3G giảm từ 16 triệu thuê bao xuống còn 15,7 triệu thuê bao, nguyên nhân không phải do số thuê bao 3G hoạt động trong thực tế bị giảm mà do các nhà mạng đã loại bỏ số thuê bao ảo. Thực chất, số thuê bao 3G vẫn tiếp tục phát triển nhờ chính sách giảm giá cước 3G cộng thêm xu hướng giảm giá các thiết bị đầu cuối và xu thế hội tụ điện tử - viễn thông – Internet.
Sách Trắng năm 2013 ngoài những nội dung cơ bản như mọi năm còn bổ sung thêm nhiều nội dung hữu ích như: số thuê bao 3G, số doanh nghiệp đăng ký trong lĩnh vực công nghệ thông tin, doanh thu lĩnh vực phát thanh – truyền hình, số liệu đào tạo nghề về công nghệ thông tin và truyền thông, nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, danh sách các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin. Đặc biệt, chuyên mục Những nội dung nổi bật năm 2012 trong Sách Trắng sẽ bao gồm các bài viết hay như: Ngành Thông tin và Truyền thông triển khai Nghị quyết Trung ương 4 về phát triển hạ tầng thông tin, Internet Việt Nam – 15 năm hội nhập và phát triển, Giới thiệu Đề án số hóa truyền hình truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020.
Sách Trắng năm 2013 được phát hành đến các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chuyên trách về công nghệ thông tin, các tổ chức nước ngoài hoạt động liên quan đến ngành công nghệ thông tin và truyền thông, các đại sứ quán có các quan hệ hợp tác về công nghệ thông tin và truyền thông với Việt Nam và các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông lớn.
Ban Chỉ đạo quốc gia về Công nghệ thông tin và Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn Sách Trắng năm 2013 tiếp tục là tài liệu quan trọng khẳng định sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đối với quốc tế, đồng thời là tài liệu tham khảo hữu ích đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Việt Nam