Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT, nếu nhìn vào các thống kê của ngành CNTT sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 58, có rất nhiều con số ấn tượng như các lĩnh vực phần mềm, đào tạo nhân lực, phát triển Internet và điện thoại di động. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực, ngay cả những lĩnh vực có kết quả ấn tượng, cũng tồn tại những hạn chế cần sớm có lời giải thỏa đáng.
Ứng dụng CNTT: Chưa đạt mức tiên tiến trong khu vực
Trước năm 2000, các bộ ngành và địa phương hầu như chưa có trang tin/cổng thông tin điện tử chính thức và không có dịch vụ hành chính công nào. Đến nay, tất cả các bộ và cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Quốc phòng) và 61/63 tỉnh/thành phố đã có trang tin/cổng thông tin điện tử cung cấp thông tin và dịch vụ hành chính công qua mạng. Về dịch vụ hành chính công, các bộ ngành và địa phương hiện cung cấp tới 263 dịch vụ mức 3 (cho phép người dân điền và gửi trực tuyến các mẫu đơn, hồ sơ).
Ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp và xã hội cũng phát triển rất nhanh. Hầu hết doanh nghiệp đã ứng dụng CNTT vào quản lý và sản xuất kinh doanh. Khoảng 50-60% doanh nghiệp đã kết nối Internet băng rộng, 22% có website. Ở lĩnh vực thương mại điện tử, cả nước hiện có tới 50 sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, hầu hết các trường học trên cả nước đã được kết nối Internet.
Mặc dù ứng dụng CNTT hiện đã trở thành xu hướng và công cụ không thể thiếu với các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân, nhưng sau 10 năm, lĩnh vực này vẫn chưa đạt được mục tiêu của Chỉ thị 58 đặt ra (đạt mức trung bình của các nước trong khu vực vào năm 2005 và mức tiên tiến vào năm 2010). Theo báo cáo của Liên hợp quốc, chỉ số sẵn sàng về Chính phủ điện tử của Việt Nam trong năm 2010 mới đạt điểm trung bình của khu vực và quốc tế, đứng thứ 90/200 quốc gia. Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 6, chỉ tăng được một bậc (vượt được Indonesia) sau 10 năm. Như vậy, có thể thấy mục tiêu đạt trình độ tiên tiến trong khu vực về ứng dụng CNTT vẫn đang là thách thức lớn.
Công nghiệp CNTT: Doanh thu tăng 10 lần
Sau 10 năm, ngành công nghiệp CNTT đã tăng khoảng 10 lần doanh thu (từ 635 triệu USD vào năm 2001 lên 6,16 tỷ USD vào năm 2009) và có tốc độ tăng trưởng hàng năm gấp 3 lần tăng trưởng GDP, khoảng 20-25% mỗi năm. Đặc biệt, Việt Nam đã hình thành được ngành công nghiệp phần mềm và nội dung số có tốc độ phát triển cao. Doanh thu từ sản phẩm và dịch vụ phần mềm đã đạt 850 triệu USD vào năm 2009, tăng 17 lần doanh thu so với năm 2000 (50 triệu USD), trong đó xuất khẩu chiếm 340 triệu USD. Công nghiệp nội dung số cũng tăng 6,5 lần doanh thu chỉ sau 4 năm, từ 105 triệu USD vào năm 2005 lên 700 triệu USD vào năm 2009.
Ở lĩnh vực công nghiệp phần cứng và điện tử, thành quả nổi bật sau 10 năm là đã thu hút số lượng lớn doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư. Tính đến hết tháng 7/2010, cả nước còn 650 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 5,7 tỷ USD. Nếu tính cả các dự án đầu tư mới đây của Intel, Canon, Fujitsu và Samsung, tổng đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp phần cứng và điện tử ước đạt khoảng 10 tỷ USD. Lĩnh vực này cũng luôn đứng đầu trong top 10 ngành công nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu cao của Việt Nam, đạt 2,8 tỷ USD trong năm 2008. Tuy nhiên, phần lớn doanh thu từ xuất khẩu trong lĩnh vực là từ các công ty nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT, công nghiệp phần mềm tuy đạt chỉ tiêu về sản lượng nhưng chỉ tiêu về xuất khẩu và thu hút số lượng chuyên gia lập trình chưa đạt. Mục tiêu hình thành các khu công nghiệp CNTT tập trung mạnh cũng chưa đạt được khi mà đến nay mới có một điểm sáng duy nhất là khu công viên phần mềm Quang Trung. Ở lĩnh vực phần cứng, Việt Nam cũng thất bại trong việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và tăng hàm lượng giá trị gia tăng từ nội địa. Gần đây, một số doanh nghiệp như FPT, Viettel hay Công ty viễn thông An Bình bắt đầu tham gia vào các công đoạn có giá trị cao hơn (thiết kế và tích hợp) trong lĩnh vực sản xuất điện thoại.
Nhân lực: đạt chỉ tiêu số lượng
Với sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng cơ sở đào tạo nhân lực CNTT, chỉ tiêu đào tạo thêm 50.000 chuyên gia về CNTT ở các trình độ khác nhau trong Chỉ thị 58 đề ra đã đạt được. Trong giai đoạn từ năm 2000-2010, số lượng cơ sở đào tạo đại học về CNTT đã tăng lên 5 lần, từ 42 lên 206; cao đẳng tăng 6 lần từ 36 lên 205 trường. Cả nước hiện có 271 trường đào tạo CNTT trình độ đại học, cao đẳng và 220 trường đào tào trình độ trung cấp. Bên cạnh đó, đào tạo tin học đã trở thành môn học bắt buộc ở các trường trung học.
Mặc dù đạt chỉ tiêu về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực CNTT còn hạn chế, đặc biệt trình độ ngoại ngữ và khả năng làm việc còn yếu, đòi hỏi người tuyển dụng phải tái đào tạo. Kết quả giám định kỹ năng của các kỹ sư CNTT theo tiêu chuẩn Nhật tại Trung tâm sát hạch CNTT và hỗ trợ đào tạo (VITEC) từ năm 2001 đến 2006, chỉ có 16,6% đạt tiêu chuẩn (367 người trong số 2285 kỹ sư tham gia).
Tổng doanh thu và tốc độ tăng trưởng ngành CNTT.
Viễn thông: Vượt chỉ tiêu
Phát triển Internet đã vượt chỉ tiêu mà Chỉ thị 58 đề ra là có tỷ lệ người sử dụng Internet đạt mức trung bình thế giới. Tính đến tháng 6/2010, Việt Nam có 24,7 triệu người sử dụng Internet, cao hơn mức trung bình của thế giới (26,6%). Ở lĩnh vực viễn thông, tính đến tháng 12/2009, mật độ điện thoại đã đạt 133,5 máy/100 dân với 115,7 triệu thuê bao điện thoại. Mạng viễn thông nông thôn cũng phát triển mạnh: 100% số xã đã có điện thoại, 8025 xã có điểm bưu điện văn hóa cung cấp dịch vụ điện thoại, bưu chính và Internet.
Viễn thông là ngành đóng góp tới 7,4% GDP cả nước trong năm 2009 với doanh thu 6,8 tỷ USD. Trong năm 2010, doanh thu ngành viễn thông ước đạt 8,8 tỷ USD, tăng gần 30%