Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới
02/11/2021

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, QUÁN TRIỆT

Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị

Về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới

-----

I. TÌNH HÌNH CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Từ 4,5 triệu người ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2015, đến nay có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đại bộ phận đồng bào đã có địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống và hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại. NVNONN ngày càng gắn bó với quê hương, các hội đoàn tiếp tục được củng cố và phát triển, góp phần tăng cường đoàn kết trong cộng đồng, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, là cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam với các nước. Niềm tin của cộng đồng vào sự phát triển của đất nước ngày càng được củng cố và nâng cao. Những đóng góp của NVNONN trong đầu tư, thương mại, chuyển giao tri thức, công nghệ, kiều hồi, từ thiện, nhân đạo… là nguồn lực quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, cuộc sống của một bộ phận bà con tại một số địa bàn còn khó khăn, địa vị pháp lý chưa vững chắc; tình trạng vi phạm pháp luật của người Việt Nam tại một số địa bàn có xu hướng tăng về số lượng cũng như tính chất nghiêm trọng; một bộ phận nhỏ đồng bào còn định kiến về một số vấn đề của đất nước, cá biệt một số người còn có những hành động không phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI THỜI GIAN QUA

1. Các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị và một số chính sách, quy định pháp luật về công tác NVNONN

Công tác NVNONN luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Về tổ chức bộ máy, ngày 23/11/1959, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 416/TTg thành lập Ban Việt kiều Trung ương (tiền thân của Ủy ban Nhà nước về NVNONN). Đây là lần đầu tiên một tổ chức chuyên trách của Chính phủ được thành lập để vận động, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của bà con ta sinh sống ở nước ngoài, giúp Chính phủ theo dõi công tác về NVNONN.

Để công tác NVNONN gắn chặt hơn các hoạt động đối ngoại, ngày 06/11/1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 77/NĐ-CP đặt Ủy ban về NVNONN trực thuộc Bộ Ngoại giao.

1.1. Về hệ thống các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị trong công tác NVNONN, trước Kết luận số 12-KL/TW, Bộ Chính trị đã ban hành các nghị quyết/chỉ thị sau:

- Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 29/11/1993 của Bộ Chính trị về chính sách và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (Nghị quyết 08): Đây là Nghị quyết đầu tiên của Bộ Chính trị trong lĩnh vực này, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức trong toàn Đảng, các cấp, các ngành và địa phương về công tác NVNONN. Những quan điểm cơ bản của Nghị quyết khẳng định:

+ NVNONN là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

+ Chính sách đại đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài bắt nguồn từ truyền thống của dân tộc Việt Nam. Cơ sở của sự đoàn kết, hòa hợp là ý thức dân tộc và lòng yêu nước của mọi người Việt Nam hướng vào mục tiêu độc lập dân tộc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

+ Tiềm lực của cộng đồng NVNONN… là một lợi thế và một nguồn lực quan trọng cần phải phát huy và hỗ trợ cho sự phát triển của đất nước.

+ Công tác vận động NVNONN vừa thuộc chức năn quản lý nhà nước vừa là hoạt động mang tính quần chúng, không tách rời công tác vận động thân nhân của họ ở trong nước.

- Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài (Nghị quyết 36): Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 08, tình hình cộng đồng NVNONN đã có nhiều thay đổi mạnh mẽ theo hướng ngày càng gắn bó với quê hương, đất nước. Công tác NVNONN đã có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều chính sách được ban hành và thực hiện nhằm tạo thuận lợi và bảo đảm lợi ích chính đáng của kiều bào. Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 08, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 36. Đây là Nghị quyết công khai đầu tiên của Đảng về công tác này, có tầm quan trọng đặc biệt và ý nghĩa chiến lược lâu dài, nêu bật tư duy đổi mới về cộng đồng NVNONN và công tác NVNONN. Nghị quyết được phổ biến rộng rãi, là kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, địa phương, đồng bào ở trong và ngoài nước về công tác NVNONN trong tình hình mới. Quan điểm chỉ đạo chính của Nghị quyết gồm:

+ Công tác đối với NVNONN cần thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc.

+ NVNONN là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước.

+ Công tác đối với NVNONN cần mang tính đồng bộ, kết hợp việc xây dựng cơ chế, chính sách với công tác vận động, kết hợp các hoạt động trong nước với các hoạt động ở nước ngoài.

+ Công tác đối với NVNONN là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân.

Đến nay, những quan điểm chỉ đạo trên của Nghị quyết 36 vẫn còn nguyên giá trị và phù hợp để triển khai những nhiệm vụ về công tác NVNONN được Đại hội Đảng XIII đề ra.

- Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với NVNONN trong tình hình mới (Chỉ thị 45): Sau 10 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết 36 đã tạo bước chuyển mạnh mẽ cả về tư duy và hành động của cả hệ thống chính trị. Mặc dù những thành tựu đạt được là rất quan trọng, nhưng quá trình triển khai Nghị quyết 36 cũng bộ lộ một số hạn chế, vướng mắc. Nếu không kịp thời có biện pháp thống nhất, thích hợp để giải quyết dứt điểm, công tác NVNONN sẽ khó tạo được đột phá, không đạt được những kết quả đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, cũng như sự kỳ vọng của nhân dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài. Do vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 45 nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36 với một số điểm đáng chú ý sau:

+ Về công tác đại đoàn kết, bổ sung quan điểm: “Đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung”, “chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc”; đồng thời nhấn mạnh “Tiếp tục quan tâm, sớm có giải pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trên tinh thần cởi mở, chân thành, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Kiên trì vận động, thuyết phục những người còn giữ định kiến, mặc cảm”.

+ Nhấn mạnh việc tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong vấn đề thể chế hóa các chủ trương, phương hướng và nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết 36 (sớm cấp lại quốc tịch cho những người có đủ điều kiện; tạo thuận lợi hơn nữa trong việc sở hữu nhà ở tại Việt Nam…), dạy và học tiếng Việt (sớm triển khai chương trình dạy tiếng Việt qua mạng phù hợp với từng địa bàn), thông tin đối ngoại (tranh thủ, phát huy các phương tiện truyền thông của cộng đồng; thông qua NVNONN, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền và vận động bạn bè quốc tế), hỗ trợ hội đoàn (nghiên cứu xây dựng chính sách, hỗ trợ các tổ chức hội đoàn, lực lượng nòng cốt trong cộng đồng; nghiên cứu thí điểm công nhận các chi hội NVNONN là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam…).

1.2. Về một số chính sách, quy định pháp luật liên quan tới NVNONN

Kể từ năm 2004, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị liên quan tới công tác NVNONN; trong đó gần đây nhất là Nghị quyết 27/NQ-CP, ngày 05/4/2016 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với NVNONN giai đoạn 2016 - 2020 (Nghị quyết 27). Nghị quyết 27 đã đề cập 09 nhiệm vụ và giải pháp nhằm cụ thể hóa những nội dung trong Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45. Bên cạnh đó, nhiều quy định pháp luật liên quan tới NVNONN trong các lĩnh vực cụ thể đã được ban hành.

- Trong lĩnh vực quốc tịch: Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi 2014[1], Nghị định số 16/2020/NĐ-CP, ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật quốc tịch Việt Nam[2].

- Trong lĩnh vực thu hút chuyên gia trí thức, kiều bào: Luật số 29/2013/QH13 về Khoa học và Công nghệ[3], Nghị định số 27/2020/NĐ-CP, ngày 01/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP, ngày 12/5/2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP, ngày 22/9/2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là NVNONN và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam[4].

- Trong lĩnh vực sở hữu nhà ở, đất ở tại Việt Nam: Luật 34/2009/QH12 năm 2009 (Luật sửa đổi Điều 126 của Luật nhà ở và Điều 121 của Luật đất đai năm 2009)[5], Luật đất đai 2013[6], Luật nhà ở sửa đổi 2014[7], Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.

- Trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh: Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) năm 2014[8]

- Trong lĩnh vực cư trú, đi lại: Luật xuất nhập cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, Nghị định 82/2015/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 24/9/2015 về miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc công dân Việt Nam[9], Thông tư số 35/2014/TT-BCA của Bộ Công an về vấn đề hồi hương về Việt Nam[10].

2. Kết quả triển khai công tác NVNONN sau hơn 16 năm thực hiện Nghị quyết 36 và 05 năm thực hiện Chỉ thị 45

2.1. Công tác tham mưu, kiến nghị, xây dựng chính sách liên quan đến NVNONN được triển khai tương đối toàn diện. Nhiều chính sách, quy định pháp luật trong các lĩnh vực: quốc tịch, sở hữu nhà ở, xuất nhập cảnh, thu hút, trọng dụng cá nhân là NVNONN hoạt động khoa học công nghệ… đã được ban hành. Đến nay, đã hình thành hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến NVNONN tương đối đầy đủ. Các chính sách ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho NVNONN về nước làm việc, đầu tư, kinh doanh…; đồng thời tăng cường gắn kết kiều bào với quê hương.

2.2. Về công tác đại đoàn kết

Công tác đại đoàn kết, vận động NVNONN hướng về quê hương đã đạt được những bước đột phá quan trọng. Trong các chuyến đi công tác nước ngoài hoặc trong những dịp kiều bào về nước, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều rất quan tâm, dành thời gian gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng NVNONN. Kiều bào được tạo điều kiện tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề quan trọng của đất nước (04 trí thực NVNONN tại Pháp, Nhật Bản, Mỹ, Singapore tham gia Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng[11], 17 kiều bào được bầu làm Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024). Các hoạt động thường niên do Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức, như: “Xuân quê hương”, Đoàn kiều bào dự Giỗ Tổ Hùng Vương, thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Trại hè dành cho thanh niên, sinh viên kiều bào… thường xuyên được đổi mới về nội dung và hình thức, thu hút sự tham gia của đông đảo kiều bào. Với những nỗ lực trên, đồng bào ta ở nước ngoài ngày càng tin tưởng vào đường lối, chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước. Nhiều kiều bào, kể cả những người trước đây từng có định kiến, đã có những bài viết và phát ngôn tích cực về tình hình đất nước, trực tiếp phản bác những luận điệu sai trái.

2.3. Về việc hỗ trợ NVNONN có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống ở sở tại

Đây là vấn đề luôn được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm sâu sắc. Các cơ quan trong và ngoài nước cũng tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ NVNONN nâng cao địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống và hội nhập vào xã hội sở tại.

Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, mặc dù trong nước còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước ta vẫn rất quan tâm đến đồng bào ta ở nước ngoài. Các cơ quan trong và ngoài nước đã phối hợp triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp, như: tích cực vận động và phối hợp chặt chẽ với chính quyền sở tại hỗ trợ và tạo điều kiện để đồng bào ổn định cuộc sống; động viên kiều bào ta tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của nước sở tại, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau; tổ chức các chuyến bay đưa công dân bị mắc kẹt về nước an toàn; phân bổ kinh phí hỗ trợ của Nhà nước dành cho những kiều bào có hoàn cảnh khó khăn tại một số địa bàn; huy động các doanh nghiệp, địa phương trong nước và hỗ trợ được gần 01 triệu khẩu trang cùng nhiều vật phẩm y tế và nhu yếu phẩm cho cộng đồng người Việt tại hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ; kiến nghị tiêm vắc-xin cho kiều bào đang sinh sống hoặc tạm trú ở trong nước…

Các cơ quan trong và ngoài nước cũng chú trọng tăng cường hợp tác với cơ quan an ninh của nước bạn nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm luật pháp nước sở tại của NVNONN; đồng thời chú trọng công tác bảo hộ công dân, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài.

2.4. Về việc phát huy nguồn lực của NVNONN

Công tác thu hút nguồn lực của NVNONN đóng góp cho sự phát triển của đất nước ngày càng được chú trọng. Các cơ quan trong và ngoài nước đã phối hợp tổ chức thành công nhiều hội thảo, hội nghị, diễn đàn doanh nghiệp, thành lập mạng lưới liên kết trí thức, doanh nhân NVNONN, thành lập các cơ chế để NVNONN tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề lớn của đất nước; hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho kiều bào khi về nước đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học; triển khai huy động NVNONN tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài. Những nỗ lực trên đã khích lệ, động viên kiều bào có nhiều đóng góp thiết thực, hướng về quê hương.

Đến hết năm 2020, có 362 dự án đầu tư của kiều bào đang hoạt động tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 1,6 tỷ USD. Bên cạnh đó, có hàng nghìn doanh nghiệp có vốn góp của kiều bào. Tổng kiều hối từ 2015 - 2020 đạt 88,6 tỷ USD. Nhiều sáng kiến tập hợp, kết nối chuyên gia, trí thức người Việt tại các địa bàn đóng góp cho những vấn đề đất nước được đề xuất triển khai, như: Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam… Nhiều tổ chức của các chuyên gia, trí thức NVNONN đã được thành lập tại Pháp, Thụy Sĩ, Nga, Nhật Bản, Singapore…, như: Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), Hội Gặp gỡ Việt Nam, Nhóm Sáng kiến Việt Nam, Nhóm hành trình Việt Nam, Viện Hàn lâm trẻ Việt Nam, Mạng lưới học thuật người Việt Nam tại Nhật… Ngày càng có nhiều nhà khoa học, doanh nhân, các văn nghệ sỹ, vận động viên kiều bào về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao…[12]. Kiều bào cũng tích cực đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, quý báu vào các vấn đề cấp thiết trong quá trình phát triển đất nước, như: xây dựng Chính phủ kiến tạo, đô thị thông minh, chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo… Cộng đồng có nhiều hoạt động thiết thực nhằm quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc ra thế giới, thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước và tổ chức.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, mặc dù đời sống gặp nhiều khó khăn, nhưng kiều bào luôn đồng lòng, chia sẻ với đồng bào trong nước. Đến nay, kiều bào đã quyên góp hơn 60 tỷ đồng cùng nhiều trang thiết bị, vật phẩm y tế ủng hộ cho Quỹ vắc-xin và công tác phòng chống dịch ở trong nước. Nhiều kiều bào đã hợp tác với trong nước để chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch, nghiên cứu và thử nghiệm vắc-xin, dành cơ sở vật chất của mình tại Việt Nam cho địa phương làm nơi cách ly tập trung người nhiễm bệnh. Kiều bào ở nhiều nước đã tích cực phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai ngoại giao vắc-xin, vận động nước sở tại hỗ trợ vắc-xin, vật phẩm y tế cho Việt Nam.

2.5. Về việc giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Các cơ quan trong và ngoài nước đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cộng đồng duy trì tiếng Việt và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, như: hỗ trợ sách giáo khoa, tài liệu dạy và học tiếng Việt, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên kiều bào, vận động chính quyền sở tại đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy của các trường phổ thông, đại học, cử các đoàn văn nghệ trong nước đi biểu diễn phục vụ kiều bào…

Từ năm 2013 đến nay, đã tổ chức 06 khóa tập huấn, bồi dưỡng cho 200 giáo viên kiều bào để trở thành nòng cốt trong phong trào dạy và học tiếng Việt của cộng đồng ở sở tại; từ năm 2016 đến nay, đã hỗ trợ lương cho 32 giáo viên người Việt tại Campuchia với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng; hỗ trợ 15 dự án xây dựng trường tại Lào và Campuchia với tổng số tiền hơn 3,3 tỷ đồng; tính đến cuối tháng 6/2020, hơn 70.000 bộ sách tiếng Việt và nhiều loại văn hóa phẩm khác đã được chuyển tới các nước để phục vụ công tác dạy và học tiếng Việt.

Kết quả là, việc dạy và học tiếng Việt ngày càng được cộng đồng quan tâm, có sức lan tỏa rộng rãi ở nhiều địa bàn. Các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc vẫn được bà con gìn giữ và truyền lại cho thế hệ sau, qua đó tăng cường sự gắn kết giữa nhiều thế hệ kiều bào với cội nguồn dân tộc.

2.6. Về công tác thông tin đối ngoại hướng tới NVNONN

Công tác thông tin đối ngoại đối với NVNONN được xác định là một nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011 - 2020. Các chương trình truyền hình dành cho kiều bào có nội dung ngày càng phong phú, nhiều báo viết và báo điện tử tiếng Việt có chuyên trang, chuyên mục về các vấn đề liên quan đến NVNONN và những vấn đề bà con quan tâm, như: tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, chủ quyền biển đảo, nhân quyền, tự do tôn giáo, tín ngưỡng… Các cổng, trang điện tử của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, nhiều tỉnh, thành phố cũng có những thay đổi mạnh mẽ về nội dung và hình thức, trở thành những kênh thông tin quan trọng để kiều bào tìm hiểu, nắm bắt các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NVNONN, các hoạt động liên quan đến kiều bào cũng như tình hình đất nước. Các cơ quan đại diện thường xuyên cung cấp thông tin chính thống tới kiều bào qua các website hoặc qua các bản tin định kỳ của cơ quan đại diện. Phương thức thông tin cho cộng đồng NVNONN được thực hiện đồng bộ, sâu rộng qua nhiều hình thức, nhiều loại ngôn ngữ, trong đó đã chú trọng việc phát triển nội dung trên nền tảng số để đồng bào ta trên toàn thế giới có thể dễ dàng tiếp cận mọi lúc, mọi nơi. Đáng chú ý, ngày càng nhiều phóng viên kiều bào về nước tác nghiệp, đưa tin, góp phần giúp cộng đồng nắm được những thông tin chính xác, khách quan về tình hình trong nước.

2.7. Về cơ chế phối hợp và tổ chức bộ máy làm công tác NVNONN

Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong nước, giữa các cơ quan trong nước với các cơ quan đại diện trong công tác NVNONN tiếp tục củng cố và hoàn thiện. Tổ chức bộ máy làm công tác này cũng được kiện toàn. Một số bộ và tỉnh, thành phố đã lập bộ phận giúp lãnh đạo hoặc cử cán bộ chuyên trách về công tác đối với NVNONN. Tất cả các cơ quan đại diện đều có bộ phận công tác cộng đồng và cán bộ chuyên trách làm công tác cộng đồng (tại các địa bàn có đông kiều bào) hoặc cử cán bộ kiêm nhiệm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác NVNONN còn một số hạn chế:

- Có lúc, có nơi công tác NVNONN chưa được các cơ quan, tổ chức quan tâm đúng mức. Ở một vài nơi, nhận thức của cấp ủy, chính quyền về vai trò và nguồn lực của NVNONN chưa thực sự sâu sắc dẫn đến việc triển khai thực hiện một số chính sách, quy định pháp luật liên quan đến NVNONN chưa đồng bộ, thống nhất, gây khó khăn, vướng mắc cho kiều bào.

- Công tác nắm tình hình cộng đồng, tham mưu, kiến nghị và phối hợp triển khai chủ trương, chính sách chưa sâu sát, chặt chẽ và kịp thời.

- Chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của đồng bào ta ở nước ngoài. Việc thu hút hiện nay mới chỉ tập trung một phần nguồn lực kinh tế, chưa phát huy hiệu quả nguồn lực tri thức và vai trò của kiều bào trong việc nâng cao hình ảnh của Việt Nam ở sở tại, cũng như tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước.

III. MỘT SỐ KẾT QUẢ NỔI BẬT TRONG THỰC HIỆN CÔNG TÁC NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI THỜI GIAN QUA Ở THỪA THIÊN HUẾ

Những năm qua, số lượng Việt kiều về nước, đến hoạt động trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng; cư trú khắp các châu lục và vùng lãnh thổ, đặc biệt nhiều nhất là Việt kiều Mỹ, Canada, Châu Âu, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Lào và Thái Lan. Phần lớn các Việt kiều đã có những đóng góp tích cực cho tỉnh trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, nghệ thuật, từ thiện nhân đạo, để lại những hình ảnh tiêu biểu trong cộng đồng người Việt.

1. Về các văn bản chỉ đạo của tỉnh

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX “Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”, Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị “Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”, Nghị quyết số 27/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị trong tình hình mới giai đoạn 2016-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 197/KH-UBND, ngày 26/12/2016 về thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-CP, ngày 05/4/2016 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020, đề ra 8 nhiệm vụ chủ yếu: (1) Tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết số 36-NQ/TW; và Chỉ thị số 45-CT/TW và Nghị quyết 27/NQ-CP ngày 5/4/2016 của Chính phủ; (2) Đề xuất các chính sách phù hợp để hỗ trợ và thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài; (3) Hỗ trợ cộng đồng duy trì tiếng Việt, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam; (4) Đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả các hình thức tập hợp, vận động người Việt Nam ở nước ngoài và thân nhân; (5) Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư và vận động các nguồn viện trợ của người Việt Nam ở nước ngoài; (6) Khen thưởng người Việt Nam ở nước ngoài có thành tích đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc; (7) Phối hợp với Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động về thông tin tuyên truyền, các sự kiện văn hóa có sự tham gia của người Việt Nam ở nước ngoài; (8) Thực hiện đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Ngoài ra, hàng năm UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch để tổ chức thực hiện: Kế hoạch 01/KH-UBND, ngày 04/01/2018 về công tác về người Việt Nam ở nước ngoài năm 2018; Kế hoạch 211/KH-UBND, ngày 21/12/2018 về công tác về người Việt Nam ở nước ngoài năm 2019; Kế hoạch 58/KH-UBND, ngày 24/02/2020 về công tác về người Việt Nam ở nước ngoài năm 2020…

2. Công tác tuyên truyền, vận động

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế đã tích cực tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về chủ trương, chính sách của Đảng về người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam, là nguồn lực của dân tộc ở nước ngoài. Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thành và Truyền hình tỉnh, các cơ quan thông tấn, báo chí đóng trên địa bàn thường xuyên bám sát các sự kiện chính trị, ngoại giao lớn của đất nước để có các tin, bài, hình ảnh kịp thời thông tin, tuyên truyền đến với kiều bào trong và ngoài nước.

Thường xuyên tổng hợp các thông tin, các dự án để vận động doanh nghiệp kiều bào tham gia đầu tư xây dựng quê hương. Phối hợp với Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài nhằm tập hợp, đoàn kết và làm cầu nối giữa đồng bào trong nước với người thân ở nước ngoài. Hướng dẫn bà con Việt kiều có nhu cầu trợ giúp về các thủ tục hành chính tại địa phương liên quan đến thân nhân.

Đã tổ chức trên 10 cuộc họp định kỳ hàng quý nhằm trao đổi với đại diện các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế, các hội, đoàn, các tổ chức nước ngoài có sự tham gia hoạt động của các kiều bào. Tổ chức tập huấn tuyên truyền công tác về người Việt Nam ở nước ngoài cho hơn 100 đại biểu là đại diện các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã trên địa bàn toàn tỉnh. Tổ chức làm việc với các huyện, thị xã và thành phố Huế để nắm số lượng cũng như tình hình triển khai Kế hoạch 197 của các địa phương.

3. Công tác tham mưu đề xuất các chính sách

Thường xuyên quan tâm, trao đổi và giải đáp các tâm tư nguyện vọng của các kiều bào thông qua các cuộc điện thoại, các buổi gặp gỡ trao đổi trực tiếp. Đã có các buổi tiếp xúc, làm việc với các Việt kiều và nhân sỹ, trí thức là Việt kiều. Tiếp tục cung cấp các văn bản pháp luật và hướng dẫn các thủ tục hành chính liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài bao gồm đăng ký lưu trú, cấp thẻ tạm trú, thường trú, hồi hương, quốc tịch, hộ tịch, thừa kế, kết hôn...

Tiếp tục hỗ trợ giải quyết cho các Việt kiều có nhu cầu xác minh kết hôn. Hướng dẫn các bà con Việt kiều có nhu cầu trợ giúp về các thủ tục hành chính tại địa phương liên quan đến thân nhân; phối hợp giải quyết các vụ Việt kiều vi phạm pháp luật tại tỉnh Thừa Thiên Huế...

4. Đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả các hình thức tập hợp, vận động người Việt Nam ở nước ngoài và thân nhân

Hằng năm, đã tổ chức buổi Gặp mặt kiều bào nhân dịp Tết Cổ truyền của dân tộc với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các tổ chức trong và ngoài nước, nhằm tri ân những đóng góp của bà con kiều bào hiện đang sinh sống, làm việc ở tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng cũng như kiều bào ta đang sinh sống, làm việc và học tập ở nước ngoài nói chung về quê ăn Tết; đồng thời kêu gọi tinh thần đoàn kết, tình yêu quê hương đất nước, kêu gọi sự chung tay góp sức của bà con. Quan tâm, động viên, khuyến khích kiều bào bằng các hình thức khen thưởng những tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Chỉ đạo Sở Ngoại vụ, Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh tỉnh phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tốt hoạt động “Trại hè Việt Nam” hàng năm dành cho thế hệ trẻ kiều bào ở khắp nơi trên thế giới về nước gặp gỡ giao lưu với thanh niên trong nước, trao đổi kiến thức tiếng Việt, nâng cao kiến thức về lịch sử văn hóa, truyền thống dân tộc, tìm hiểu đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Qua đó, nhằm tăng cường sự gắn kết giữa thanh niên kiều bào giữa các địa phương và với quê hương, đất nước, góp phần khơi dậy tinh thần dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước trong các Việt kiều, nhất là thế hệ trẻ. Năm 2018, tỉnh phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Chương trình trại hè dành cho đoàn thanh niên kiều bào tại Thừa Thiên Huế với 120 đại biểu kiều bào đang sinh sống và học tập ở nước ngoài.

Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã có nhiều hoạt động tích cực như tổ chức trưng bày triển lãm tác phẩm mỹ thuật Lê Bá Đảng với chủ đề “Mùa xanh muôn một” tại Trung tâm Văn hóa đền Huyền Trân. Phối hợp với Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi (Người Mỹ gốc Việt) tổ trức triển lãm mỹ thuật chủ đề “Ký ức quê nhà” và nhiều hoạt động có ý nghĩa khác.

5. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư và vận động các nguồn viện trợ của người Việt Nam ở nước ngoài

Hàng năm, có một số lượng lớn kiều bào về thăm quê tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ tình cảm gắn bó đối với quê hương, tùy theo hoàn cảnh, khả năng của mình mà từng cá nhân hoặc từng nhóm kiều bào đã tham gia góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Nhiều kiều bào đã thực hiện công việc này hơn mười năm nay và thực sự đã tạo ra được những kết quả rất có ý nghĩa và đáng khích lệ, như: làm cầu nối liên lạc với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; tổ chức kêu gọi, vận động và tài trợ các dự án trên nhiều lĩnh vực. Nổi bật là các dự án hỗ trợ giáo dục mầm non và tiểu học như xây dựng cơ sở hạ tầng nhà trẻ Vĩnh Lợi, nhà trẻ Phú Xuân, Trung tâm giáo dục và hướng nghiệp trẻ em mù; bảo trợ trẻ em khuyết tật, trẻ em đường phố; cung cấp trang thiết bị học tập cho học sinh nghèo. Tổ chức kêu gọi, vận động, tài trợ các dự án y tế để thực hiện các chương trình mổ tim; các dự án giúp trẻ khuyết tật và nạn nhân nhiễm dioxin; hỗ trợ Bệnh viện thành phố Huế sửa chữa Khoa sản và Khoa nhi, xây dựng phòng vui chơi cho trẻ em tại Khoa nhi Bệnh viện Trung ương Huế. Đó là các dự án về xây dựng trạm y tế Hương Vân, trường học Quảng Lợi, Phong Thu, về đào tạo nghề cho cô giáo hệ mầm non tiểu học, phát triển sinh kế cho hàng trăm hộ nông đân nghèo tại các xã vùng trung du của Hương Trà, vùng cát nội đồng của Quảng Điền, nâng cao năng lực cho nhiều đối tượng khác nhau. Đó là những dự án về chăm sóc y tế cộng đồng, cung cấp chân tay giả và xe lăn cho hàng trăm người khuyết tật, cấp học bổng cho hàng ngàn học sinh nghèo vượt khó vươn lên. Những buổi giao lưu ấm áp nghĩa tình như giao lưu thanh niên sinh viên Huế và thanh niên sinh viên Việt kiều Mỹ từ tổ chức FHF, tổ chức lao động hè tình nguyện cho thế hệ gia đình bố mẹ và con cái từ tổ chức SM đã thành công rực rỡ. Tiêu biểu trong thực hiện các dự án này là Hội Người yêu Huế (Mỹ), ông Lê Huy Cận, bà Nguyễn Khoa Song Xuân (Hội Người yêu Huế), bà Tuyết Ba Rioux (Hiệp hội SOS/ESF), bà Bùi Cẩm Hà Lê Thái (Hiệp hội Enfance Espoir); Trung tâm Khuyến khích tự lập (CESR), tổ chức VNHelp, SAP-VN, DCM, Pacific Link, Our One World, quỹ Hoa Hướng Dương (SMF); Từ Canada có Tổ chức Trợ giúp Trọn vẹn Ước mơ (DFRO); Từ Pháp có Hội Người yêu Huế, Hội Zebunet; Từ Singapore có Tổ chức GFO… và các Hội Việt kiều từ Đông Bắc Thái Lan, Lào.

Nhiều trí thức Việt kiều đã có công trong nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị các công trình văn hóa - nghệ thuật. Tiêu biểu như Giáo sư Trần Văn Khê đã giúp đỡ trong lĩnh vực nghiên cứu và bảo tồn âm nhạc dân tộc, đào tạo giảng viên âm nhạc; đặc biệt, đã đóng góp công sức lớn trong việc lập hồ sơ, trình UNESCO công nhận Nhã nhạc Cung đình Huế là Kiệt tác Di sản Phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Nhà Nghiên cứu Trịnh Bách đã nghiên cứu, phục chế đồ mỹ nghệ Cung đình và truyền thống; tích cực tham gia các cuộc triển lãm để quảng bá những thành tựu văn hóa phi vật thể của Việt Nam trên trường quốc tế. Ông Nguyễn Trí Dũng, tiến sĩ phân phối quản lý kinh tế quốc dân và kinh tế kế hoạch làm chuyên gia tư vấn, hợp tác trong trao đổi văn hóa, khoa học, kỹ thuật giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với Nhật Bản; tư vấn kêu gọi hợp tác đầu tư nước ngoài, các dự án kêu gọi viện trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông Lê Bá Đảng, là họa sỹ nổi tiếng có tên tuổi trên thế giới đã thành lập Trung tâm trưng bày nghệ thuật Lê Bá Đảng tại thành phố Huế, tổ chức trao tặng gần 230 tác phẩm có giá trị nghệ thuật, nhằm giới thiệu, quảng bá nghệ thuật và văn hoá của Việt Nam, văn hóa Huế.

Một số Việt kiều đã có nhiều đóng góp cho tỉnh trên các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo. Tiêu biểu là ông Hoàng Anh Dũng - Việt kiều Bỉ đã có nhiều hoạt động đóng góp cho tỉnh Thừa Thiên Huế trong lĩnh vực y học. Đã tích cực huy động tài trợ của Cộng đồng nói tiếng Pháp tại Bỉ để thực hiện Chương trình “Dự án ung thư tại Đại học Y khoa Huế và Bệnh viện Trung ương Huế” 2001 - 2006; tham gia xây dựng các đơn vị ghép thận và đào tạo các kỹ thuật viên về ghép thận tại Bệnh viện Trung ương Huế và nhiều bệnh viện lớn trong nước. Tiến hành hỗ trợ trang thiết bị cho các đơn vị như Bệnh viện Trung ương Huế, Trường Đại học Y Dược Huế, Bệnh viện thành phố Huế, Sở Y tế Thừa Thiên Huế.         

Nhiều chuyên gia, Việt kiều trí thức đã có những đóng góp tích cực trong việc xúc tiến các hoạt động liên kết giáo dục với các trường đại học nước ngoài. Một số chuyên gia, trí thức, kiều bào là những nhà khoa học có tên tuổi, uy tín đã và đang hợp tác với tỉnh, trực tiếp giảng dạy trong các trường thuộc Đại học Huế và có những đóng góp đáng kể trong nghiên cứu khoa học, tặng học bổng cho sinh viên Đại học Huế.

Trong 03 năm 2017, 2018 và 2019, học bổng Gặp gỡ Việt Nam - Odon Vallet 2017 - 2019 (Đoàn giáo sư Trần Thanh Vân) đã trao học bổng cho 708 học sinh, sinh viên tài năng đến từ các trường THPT và đại học trên địa bàn tỉnh với trị giá 7 tỷ 350 triệu đồng; 20 sinh viên nhận học bổng tài năng Đại học Sư phạm Huế đi học tại Pháp. Giáo sư Ngô Bảo Châu đã có chương trình giảng dạy 20 học sinh do Quỹ Odon Vallet tài trợ học bổng tại Trường ĐHSP Huế; tham gia giảng dạy tại trường THCS Nguyễn Tri Phương và Làng Trẻ em SOS Huế.

Hội người Việt Nam tại Thái Lan đã ủng hộ trên 130 triệu đồng cho đồng bào tỉnh Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng do bão lụt trong năm 2017. Trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa Việt Nam do VNHELP tài trợ đã hỗ trợ xây dựng 15 trường học tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tổ chức Tran Tien Foundation, cũng như các kiều bào ta ở nước ngoài đã có những đóng góp lớn lao cho nền y học tỉnh nhà bằng việc giảng dạy, tập huấn y tế, trao đổi y khoa cho các sinh viên, thực hiện nhiều ca phẫu thuật, trao tặng thiết bị y tế cho Bệnh viện Trung ương Huế… Tổ chức Phuc’s Fond với sự tài trợ của kiều bào đã tài trợ và tổ chức Chương trình “Trung thu cho em” năm 2019 cho gần 400 em đang được nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

6. Thực hiện đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

Tiếp tục kêu gọi, cổ vũ và hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của bà con Việt kiều khi về Huế nhằm thực hiện đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc. Thể hiện qua các hoạt động như tiếp tục phát triển mối quan hệ và kết nối với các tổ chức Việt Nam ở nước ngoài, như: Dreams Fullfiled Relief Organisations (DFRO, Canada), Phuc’s Fond (PF, Na Uy), Sunflower Mission Foundation (SFM, Hoa Kỳ) và Dental Mission for Children (DMC, Hoa Kỳ).

Tập hợp, đoàn kết và làm cầu nối giữa đồng bào trong nước với người thân ở nước ngoài, tổ chức đón tiếp kiều bào về thăm tỉnh. Qua đó, đưa những thông tin về thời sự, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến kiều bào, liên hệ với những tổ chức kiều bào ở nước ngoài đặc biệt những địa phương có đông kiều bào. Năm 2018, đoàn công tác của tỉnh Thừa Thiên Huế sang thăm và làm việc với chính quyền địa phương và Hội Người Việt Nam tại các tỉnh Salavan, Sêkông, Champasak và Savannakhet nhằm tìm hiểu và nắm tình hình người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống tại các tỉnh.

Tích cực đầu tư, cử các giáo viên dạy tiếng Việt cho các tỉnh kết nghĩa của các nước bạn Lào, Thái Lan; trao đổi các cán bộ sang đào tạo tiếng Lào và các bạn Lào sang tỉnh Thừa Thiên Huế để học văn hoá và tiếng Việt. Quan tâm hỗ trợ xây dựng trường học, hỗ trợ trang thiết bị dạy và học cho Việt kiều của ta tại một số địa phương các tỉnh Nam Trung Lào. Thường xuyên đón tiếp và tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật với các đoàn nghệ thuật thanh niên kiều bào của các tỉnh kết nghĩa có đường biên giới với tỉnh Thừa Thiên Huế, nhất là trong các dịp lễ hội, kỷ niệm các sự kiện quan trọng của quê hương, đất nước, các dịp Festival Huế.

7. Về cơ chế phối hợp và tổ chức bộ máy làm công tác NVNONN

Trên địa bàn toàn tỉnh, hiện có nhiều cơ quan có bộ phận trực tiếp làm công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, như: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, Sở Ngoại vụ, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị tỉnh, Trung tâm hợp tác quốc tế thành phố Huế, Công an tỉnh…

Tỉnh có Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (Tiền thân là Hội thân nhân Việt kiều tỉnh Thừa thiên Huế), được thành lập với mục đích tập hợp, đoàn kết và làm cầu nối giữa đồng bào trong nước với người thân ở nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào phát huy lòng yêu quê hương đất nước và khả năng góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng phát triển giàu mạnh. Với các thành viên chủ chốt là người có mối liên hệ chặt chẽ với các cá nhân và tổ chức Việt kiều, Hội đã góp phần làm cho kiều bào hiểu rõ tình hình chung của đất nước và Tỉnh nhà; chính sách đại đoàn kết dân tộc và các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; luôn hướng về quê hương, đồng tâm hiệp lực góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt nam nói chung và Thừa thiên Huế. Hội góp phần thúc đẩy quan hệ giao lưu giữa kiều bào với người thân. Hội còn là nơi thu thập ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của kiều bào để phản ánh với Đảng và Nhà nước; đồng thời kiến nghị với Đảng và Nhà nước những vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách về tình hình nhiệm vụ chung và  công tác đối với kiều bào. 

Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài đã đón tiếp và làm việc với nhiều bà con Việt kiều Mỹ và Thụy Sỹ, đặc biệt là các nhóm Việt kiều từ mạng lưới VA-NGO (Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ của người Việt Nam tại Mỹ) về thăm và tài trợ những công trình có ý nghĩa, như: xây cầu, các dự án nước sạch, hỗ trợ bà mẹ và trẻ em, phổ biến kiến thức y tế đến người dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ những hạn chế, khó khăn:

- Việc tuyên truyền phổ biến về người Việt Nam ở nước ngoài chưa được thường xuyên, nhận thức và triển khai thực hiện công tác về người Việt Nam ở nước ngoài chưa tương xứng với nhu cầu công tác Việt kiều trong tình hình mới.

- Công tác nắm tình hình Việt kiều còn thiếu kịp thời và chưa sâu; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài còn thiếu kịp thời, công tác khen thưởng Việt kiều có thành tích đóng góp cho quê hương, đất nước còn hạn chế và thiếu đồng bộ.

- Mặc dù số lượng người Việt Nam ở nước ngoài của tỉnh Thừa Thiên Huế khá đông so với các địa phương khác trong cả nước; tuy nhiên tiềm lực kinh tế của Việt kiều nhìn chung không lớn; đầu tư của Việt kiều tại địa phương còn hạn chế. Số lượng chuyên gia, trí thức, kiều bào đang làm việc trong lĩnh vực giáo dục và các viện nghiên cứu khoa học đến làm việc tại tỉnh còn ít.

- Các hoạt động giao lưu, gặp gỡ với kiều bào và các Hội người Việt Nam ở nước ngoài tại các nước không được thường xuyên; chưa có nhiều cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ trí thức, nhà khoa học, nhà đầu tư nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu Việt kiều nên khó khăn trong công tác phân loại, đánh giá tiềm năng tri thức, thế mạnh kinh tế để định hướng vận động, kêu gọi đầu tư, tài trợ.  

IV. KẾT LUẬN SỐ 12-KL/TW VÀ MỘT SỐ ĐIỂM MỚI ĐÁNG CHÚ Ý

1. Sự cần thiết ban hành Kết luận số 12-KL/TW

- Những biến chuyển của bối cảnh quốc tế, tình hình trong nước và tình hình cộng đồng NVNONN đòi hỏi phải điều chỉnh một số nhiệm vụ và giải pháp trong công tác NVNONN để phù hợp hơn với thực tiễn.

- Sự phát triển của nền kinh tế tri thức và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng rộng rãi của công nghệ thông tin vào tất cả các mặt của đời sống đặt ra yêu cầu đổi mới và đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ, vận động, thu hút nguồn lực của NVNONN. Ở trong nước, 05 năm tới là giai đoạn then chốt trong việc thực hiện các mục tiêu do Đại hội XIII của Đảng đề ra. Trong bối cảnh đó, cần huy động mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực của NVNONN nhằm hiện thực hóa khát vọng và tầm nhìn phát triển đất nước. Nghị quyết Đại hội Đảng XIII nhấn mạnh việc “phát triển mạng lưới kết nối nhân tài người Việt Nam, thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học NVNONN”, “xây dựng, triển khai các chương trình cụ thể để thu hút và phát huy có hiệu quả các nhà khoa học, chuyên gia giỏi là người nước ngoài và NVNONN”.

- Trong khi đó, cộng đồng NVNONN ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Đại bộ phận đồng bào đã có địa vị pháp lý và cuộc sống ổn định, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại. Đồng bào luôn hướng về quê hương, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nguồn lực quan trọng đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, cộng đồng đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Điều này đòi hỏi tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác NVNONN để hỗ trợ xây dựng cộng đồng đoàn kết, phát triển, hội nhập ở sở tại và luôn hướng về quê hương.

Trước bối cảnh, yêu cầu, nhiệm vụ nêu trên, nhằm phát huy những kết quả đạt được; đồng thời khắc phục những hạn chế, ngày 12/8/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 12.

2. Ý nghĩa của việc ban hành Kết luận số 12-KL/TW

Việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 12-KL/TW có nhiều ý nghĩa quan trọng:

- Tiếp tục khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán và đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về củng cố vững chắc đại đoàn kết toàn dân tộc; trong đó cộng đồng NVNONN là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân ở trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài nhằm phát huy mạnh mẽ sức mạnh toàn dân tộc cho phát triển đất nước.

- Góp phần thúc đẩy việc thực hiện công tác NVNONN toàn diện và mạnh mẽ hơn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị; trong đó tập trung hỗ trợ NVNONN có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển và hội nhập xã hội sở tại, giúp kiều bào tiếp tục nâng cao tự hào, tự tôn dân tộc và hướng về cội nguồn, đồng thời có chính sách phù hợp để đồng bào đóng góp hiệu quả vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

- Tiếp tục thể hiện rõ tình cảm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng NVNONN; đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đồng bào, từ đó động viên, khích lệ đồng bào ta tiếp tục nỗ lực vươn lên, khơi dậy tiềm năng, phát huy nguồn lực to lớn và tinh thần yêu nước hướng về quê hương.

3. Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tiếp tục thực hiện tốt, hiệu quả hơn Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài

Về quan điểm chỉ đạo, Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục thực hiện tốt và hiệu quả hơn Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 về công tác đối với NVNONN; đồng thời nhấn mạnh việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trong tình hình mới phải thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng NVNONN, khuyến khích, tạo điều kiện để đồng bào hướng về quê hương.

Trên cơ sở đó, Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị đề ra 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp:

- Tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện có hiệu quả chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào Việt Nam ở nước ngoài. Đổi mới, đa dạng hoá các hình thức, linh hoạt trong triển khai vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ, gắn bó với quê hương, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nước sở tại, trở thành cầu nối, góp phần thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước. Kiên trì vận động những kiều bào còn có định kiến để củng cố niềm tin, yên tâm hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc. Tiếp tục coi trọng, quan tâm hỗ trợ và phát huy vai trò của các lực lượng nòng cốt, những người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, phù hợp với pháp luật của nước sở tại và pháp luật Việt Nam; kịp thời tôn vinh, động viên, khích lệ người Việt Nam ở nước ngoài có đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của nước sở tại, triển khai các biện pháp tổng thể chăm lo, hỗ trợ đồng bào, nhất là ở những địa bàn khó khăn để đồng bào có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, tuân thủ pháp luật và hội nhập thuận lợi vào xã hội sở tại. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, quản lý lao động, du học sinh... Tăng cường lực lượng, biện pháp và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp, an ninh, phòng, chống tội phạm, ngăn chặn hiệu quả nạn buôn người, xuất nhập cảnh, cư trú trái phép, qua đó hỗ trợ bảo đảm an ninh trong cộng đồng; xử lý triệt để, đẩy lùi tình trạng người Việt Nam vi phạm pháp luật nước sở tại.

- Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và triển khai đồng bộ các chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài khi về nước làm việc, thường trú; tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh... Giải quyết nhu cầu chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài liên quan đến quốc tịch phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và tinh thần của Nghị quyết 36. Hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đội ngũ trí thức, cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.

- Đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ đồng bào Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Chú trọng hợp tác với nước sở tại, đổi mới, nâng cao hiệu quả, phương thức tổ chức dạy và học tiếng Việt; tập trung thúc đẩy đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy ở các cơ sở giáo dục tại địa bàn có đông người Việt Nam sinh sống; nghiên cứu đầu tư, xây dựng trung tâm văn hoá của người Việt tại các địa bàn này. Nghiên cứu lựa chọn Ngày tôn vinh tiếng Việt hằng năm để khuyến khích, cổ vũ đồng bào, nhất là thế hệ trẻ học tập và giữ gìn tiếng Việt.

- Đổi mới nội dung, phương thức và tư duy về công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại. Kịp thời thông tin về tình hình đất nước và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông đa dạng của cộng đồng; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp, phản ứng nhanh, kịp thời phản bác những luận điệu sai trái, không đúng sự thật về tình hình đất nước.

- Hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng tham gia công tác người Việt Nam ở nước ngoài; kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài; giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức và người lao động tham gia công tác người Việt Nam ở nước ngoài có đủ bản lĩnh, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tâm huyết. Trong đó, chú trọng các bộ phận làm việc trực tiếp tại nước sở tại theo hướng sâu sát, thực chất, hiệu quả, kịp thời đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại. Ngăn chặn và phòng ngừa việc lợi dụng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài để trục lợi, chống phá đất nước, ảnh hưởng đến uy tín và lợi ích quốc gia - dân tộc.

4. Một số điểm mới, đáng chú ý trong Kết luận số 12-KL/TW

- Về công tác đại đoàn kết:

+ Bên cạnh khẳng định việc tiếp tục nâng cao nhận thức, Kết luận nhấn mạnh hơn ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc đối với NVNONN.

+ Nhấn mạnh việc vận động hướng tới đối tượng kiều bào trẻ, đồng thời tiếp tục coi trọng, quan tâm hỗ trợ và phát huy vai trò của các lực lượng nòng cốt, những người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng.

+ Đối với những kiều bào còn định kiến, trên cơ sở kế thừa những quan điểm nêu trong Nghị 36 và Chỉ thị 45, Kết luận 12 nhấn mạnh việc kiên trì vận động để giúp kiều bào củng cố niềm tin, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc.

- Về việc hỗ trợ NVNONN có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống ở sở tại:

+ Yêu cầu triển khai các biện pháp tổng thể chăm lo, hỗ trợ đồng bào ta, nhất là ở những địa bàn khó khăn. Điều này thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng NVNONN.

+ Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, quản lý lao động, du học sinh…; xử lý triệt để, đẩy lùi tình trạng người Việt Nam vi phạm pháp luật sở tại.

- Về việc phát huy nguồn lực của NVNONN:

Khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những giải pháp trọng tâm được đưa ra gồm: tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và triển khai đồng bộ các chính sách liên quan đến NVNONN về nước làm việc, thường trú, đầu tư, sản xuất, kinh doanh… Giải quyết nhu cầu chính đáng của kiều bào ta liên quan đến quốc tịch phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật và tinh thần của Nghị quyết 36. Hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của trí thức, chuyên gia và doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.

- Về việc giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc:

Những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: hợp tác với nước sở tại, đổi mới, nâng cao hiệu quả, phương thức tổ chức dạy và học tiếng Việt; thúc đẩy đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy ở các cơ sở giáo dục tại các địa bàn có đông người Việt Nam sinh sống; nghiên cứu đầu tư, xây dựng trung tâm văn hóa của người Việt tại các địa bàn này; nghiên cứu lựa chọn Ngày Tôn vinh tiếng Việt hằng năm.

- Về công tác thông tin đối ngoại hướng tới NVNONN:

Nhấn mạnh việc đổi mới nội dung, phương thức và tư duy về công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại. Những nhiệm vụ trọng tâm gồm: kịp thời thông tin về tình hình đất nước và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến cộng đồng NVNONN; phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông đa dạng của cộng đồng; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp; phản ứng nhanh, kịp thời phản bác những luận điệu sai trái, không đúng sự thật về tình hình đất nước.

- Về cơ chế phối hợp và tổ chức bộ máy làm công tác NVNONN:

Một số nhiệm vụ trọng tâm gồm: hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng tham gia công tác NVNONN; kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác NVNONN; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ cán bộ làm công tác NVNONN, trong đó chú trọng các bộ phận làm việc trực tiếp ở nước sở tại theo hướng sâu sát, thực chất, hiệu quả, kịp thời đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cộng đồng NVNONN. Ngăn chặn và phòng ngừa việc lợi dụng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với công tác NVNONN để trục lợi, chống phá đất nước, ảnh hưởng đến uy tín và lợi ích quốc gia - dân tộc./.

 

 


[1] Điểm mới quan trọng của Luật là hủy bỏ quy định về thủ tục, thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, theo đó NVNONN sẽ không mặc nhiên bị mất quốc tịch Việt Nam nếu không thực hiện việc đăng ký giữ quốc tịch; đồng thời quy định rõ NVNONN chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không còn giấy tờ chứng minh quốc tịch có thể được xác định quốc tịch và cấp hộ chiếu nếu có nguyện vọng và đủ điều kiện. Như vậy, NVNONN nếu chưa mất quốc tịch Việt Nam thì có thể làm thù tục để được cấp hộ chiếu Việt Nam trng khi vẫn giữ quốc tịch nước ngoài.

[2] Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định: “Người xin nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người thỏa mãn các điều kiện sau đây, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép”. Nghị định 16 hướng dẫn đầy đủ và chi tiết về tiêu chí “trong trường hợp đặc biệt”.

[3] “Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài được khuyến khích tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam; được hưởng các quyền lợi và nghĩa vụ như các nhà khoa học, trí thức Việt Nam” và được hưởng ưu đãi các ưu đãi theo quy định của luật này”. (Điều 24).

[4] Nghị định bổ sung một số điểm cụ thể hóa, tạo thuận lợi hơn cho các nhà khoa học NVNONN về chính sách lương, tiếp cận thông tin, kinh phí hoạt động khoa học, quyền tham gia các chương trình, đề án đẩy mạnh hợp tác, thu hút NVNONN và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

[5] Mở rộng quyền sở hữu nhà, sử dụng đất cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài; trong đó quy định người có quốc tịch Việt Nam được sở hữu nhà không hạn chế số lượng, được nhận quyền sử dụng đất ở không hạn chế số lượng trong dự án phát triển nhà ở (người gốc Việt Nam thuộc diện nhà đầu tư, nhà văn hóa – khoa học, người có công, người có kỹ năng đặc biệt, người kết hôn với công dân Việt Nam ở trong nước có quyền tương tự); người gốc Việt Nam không thuộc diện trên chỉ được sở hữu một nhà ở hoặc một căn hộ. Tất cả các đối tượng trên đều phải được phép cư trú ở Việt Nam từ 3 tháng trở lên.

[6] Quy định NVNONN mà thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì sẽ được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua việc mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở.

[7] Nới rộng điều kiện cho thuê mua nhà đối với cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân người nước ngoài. Theo đó, đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam là có quyền sở hữu nhà ở mà không bị hạn chế về số lượng và loại nhà ở được sở hữu.

[8] Trong hai lĩnh vực này, hiện nay Luật không có quy định riêng biệt cho đối tượng doanh nghiệp/nhà đầu tư là NVNONN. Đối với doanh nghiệp/nhà đầu tư là NVNONN có quốc tịch Việt Nam thì áp dụng quy định như nhà đầu tư trong nước, còn doanh nghiệp/nhà đầu tư là NVNONN chỉ có quốc tịch nước ngoài thì áp dụng quy định như nhà đầu tư nước ngoài.

[9] Thời hạn tạm trú của người nhập cảnh bằng giấy miễn thị thực tăng từ 90 ngày lên 6 tháng. Các trường hợp có nhu cầu ở Việt Nam trên 6 tháng nếu đủ điều kiện sẽ được xem xét, gia hạn tạm trú.

[10] Người Việt Nam định cư ở nước ngoài muốn về thường trú ở Việt Nam thì CQĐD cần làm thủ tục xác định quốc tịch Việt Nam và xác minh nhân thân của họ. Sau khi xác định đương sự đủ điều kiện được cấp hộ chiếu phổ thông thì CQĐD cấp hộ chiếu để họ về Việt Nam làm thủ tục đăng ký thường trú trực tiếp với cơ quan chức năng trong nước (công an cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương).

[11] PGS, TS. Trần Ngọc Anh (Mỹ), GS, TS. Nguyễn Đức Khương (Pháp), PGS, TS. Vũ Minh Khương (Singapore) và GS, TS. Trần Văn Thọ (Nhật Bản).

[12] Hiện mỗi năm có khoảng 300 - 500 lượt trí thức NVNONN về nước công tác thường xuyên.

 

Anh Uyên
       
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.327.159
Hiện tại 2.497 khách