Từ ngày 06/10/2020 đến nay, tại các khu vực miền Trung liên tiếp có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 300 đến 500 mm, đặc biệt tại một số nơi ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế tổng lượng mưa từ 700 đến 900 mm, một số khu vực đã xảy ra ngập sâu, chia cắt giao thông.Theo dự báo, mưa lớn còn tiếp tục xảy ra trong thời gian tới, lũ trên các sông ở Quảng Bình đến Quảng Ngãi sẽ lên rất nhanh, nhiều nơi trên mức báo động 3, nguy cơ cao rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng nghiêm trọng trên diện rộng tại các vùng thấp trũng, nhất là khu vực các huyện Hướng Hóa, Đắk Rông, Hải Lăng, Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị), Đại Lộc, Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế), Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình).
Thực hiện Công điện số 1372/CĐ-TTg ngày 08/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ, để chủ động ứng phó với mưa, lũ lớn, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của nhân dân, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Công điện số 08/CĐ-BTTTT ngày 08/10/2020 về việc tập trung ứng phó với mưa lũ lớn tại các tỉnh miền trung, trong đó yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai ngay các nhiệm vụ sau:
1. Cục Báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử chỉ đạo phát sóng, đưa tin kịp thời về tình hình mưa lũ từ cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, nội dung chỉ đạo ứng phó với mưa lũ của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên taitrên các phương tiện thông tin đại chúng.
2. Cục Bưu điện Trung ương phối hợp với Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai triển khai xe thông tin cơ động phục vụ thông tin liên lạc chỉ đạo, điều hànhtheo yêu cầu.
3. Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh:
- Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, đài phát thanh, truyền hình địa phương cập nhật diễn biến mưa lũ, đưa tin kịp thời cho các cấp chính quyền ở địa phương và người dân theo dõi và chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
- Làm đầu mối chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn đảm bảo thông tin liên lạc cho chính quyền địa phương chỉ đạo, điều hành ứng phó với mưa lũ.
4. Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông:
-Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống thông tin liên lạc, chuẩn bị lực lượng, vật tư sẵn sàng khôi phục nhanh hệ thống thông tin liên lạc khi xảy ra sự cố để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai và sớm ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân.
- Khẩn trương rà soát, triển khai ngay các phương án khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại khu vực chịu ảnh hưởng của mưa lũ trên địa bàn các tỉnh nói trên; kiểm tra ngay tình trạng hoạt động của các bưu cục, nhà trạm, phòng máy, cột anten; triển khai phương án phòng chống đề phòng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng có thể xảy ra.
- Các doanh nghiệp thông tin di động triển khai hệ thống sẵn sàng tổ chức nhắn tin cảnh báo tình hình của mưa lũ và chỉ đạo ứng phó với mưa lũ tới các thuê bao trên địa bàn các tỉnh nói trênkhi có yêu cầu; tăng cường các xe thông tin lưu động đến các địa điểm có nguy cơ bị mất liên lạc di động, sẵn sàng ứngcứu thông tin trong trường hợp giao thông các tỉnh bị chia cắt.
5. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam: chuẩn bị sẵn sàng phương án đảm bảo thông tin liên lạc bằng các phương thức thông tin vệ tinh phục vụ chỉ đạo, điều hành công tác ứng phó với mưa lũ của Trung ương và chính quyền địa phương các tỉnh nói trên.
6. Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone: đảm bảo an toàn hệ thống cơ sở hạ tầng mạng lưới, đảm bảo thông tin liên lạc công cộng bằng mạng cố định, di động, Internet....
7. Các đơn vị triển khai và thực hiện nghiêm chế độ trực lãnh đạo, trực ban chỉ huy PCTT&TKCN và trực ứng cứu thông tin; theo dõi sát tình hình diễn biến của mưa lũ; báo cáo kịp thời tình hình hoạt động của mạng lưới bưu chính, viễn thông và đảm bảo thông tin liên lạc; đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn về Bộ Thông tin và Truyền thông./.