Tìm kiếm
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
UBND phường, xã, thị trấn

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Tại sao phải ban hành quy hoạch quản lý báo chí?
09/04/2019
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo trao đổi trong chương trình Sự kiện và Bình luận trên VTV1, sáng 6/4
Sáng ngày 6/4, tại chương trình Sự kiện và Bình luận trên VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo đã trả lời về một số nội dung của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt. 
 
 

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, với nhiều nội dung quan trọng. Quy hoạch khẳng định quan điểm: Báo chí phải bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí.
 
Một trong những mục tiêu của việc quy hoạch, phát triển báo chí toàn quốc đến năm 2025 là sắp xếp hệ thống báo chí, khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa dời tôn chỉ mục đích... Rõ ràng mục tiêu này đã phần nào phản ánh một số hạn chế của báo chí hiện nay.
 
Việc phải quản lý quy hoạch báo chí là do hiện nay báo chí ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tính đến cuối năm 2018, cả nước có 868 cơ quan báo in, báo điện tử; 66 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương; số người làm việc trong lĩnh vực báo chí khoảng 41.600 người, trong đó có hơn 19.000 nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí được cấp thẻ hành nghề. Báo chí đã luôn theo sát hơi thở cuộc sống, phản ánh tâm tư nguyện vọng của người dân. Thế nhưng cũng đã có những báo không đủ khả năng về tài chính và năng lực chuyên môn để tờ báo phát triển tốt. Thậm chí có những tờ báo để cho phóng viên đi dọa dẫm doanh nghiệp để lấy quảng cáo. Vì vậy trong 3 năm, từ 2016-2018, Bộ TT&TT đã xử phạt 138 trường hợp, đình bản 11 tờ báo, thủ hồi thẻ nhà báo 36 trường hợp.
 
Những số liệu trên cho thấy báo chí chúng ta khá cồng kềnh, vậy đây có phải là một trong những lý do chúng ta cần có quy hoạch báo chí hay không. Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo: Đó là một trong những lý do nhưng không phải là tất cả. Trong bất kỳ lĩnh vực nào đều phải có quy hoạch để bảo đảm phát triển đúng định hướng. Quy hoạch báo chí nằm trong tổng thể quy hoạch chung của cả nước.
 
Quy hoạch báo chí được xây dựng, trước hết xuất phát từ thực trạng báo chí nước ta như đã nêu ở trên. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ khắc phục tình trạng lãng phí, chúng ta muốn vươn tới xây dựng một nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại hơn. Xây dựng các cơ quan báo chí của Việt Nam mang tầm quốc gia, khu vực chứ không phải nhiều cơ quan báo chí nhưng không mạnh.
 
Thứ hai, Quy hoạch cũng nhằm cụ thể hóa khoản 5 Điều 17 Luật Báo chí, quy định về điều kiện cấp phép phù hợp với quy hoạch. Cho nên, Chính phủ phải ban hành quy hoạch này.
 
Thứ ba, xu thế phát triển khoa học công nghệ đã làm thay đổi cách thức làm báo, thay đổi độc giả và công chúng tiếp cận báo chí, cái này đòi hỏi báo chí phải thay đổi.
 
Thứ tư, hiện nay chúng ta đang thực hiện tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Báo chí là đơn vị sự nghiệp nằm trong hệ thống đó nên cũng phải thực hiện việc này.
 
Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo là quan trọng nhất
 
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý hoạt động báo chí đã có tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển của báo chí, của khoa học công nghệ như hiện nay, đôi khi có những văn bản vừa mới ban hành ra đã xuất hiện sự không phù hợp với hiện tại. Chẳng hạn như Luật báo chí vừa mới ban hành 2016 bắt đầu đã có biểu hiện lạc hậu. Có những cái chúng ta chưa quy định rõ ràng, chẳng hạn như: tạp chí điện tử là như thế nào, báo điện tử là như thế nào, những quy định trong nội dung liên kết sản xuất chương trình là như thế nào... chúng ta có quy định đó nhưng chưa rõ ràng. Cho nên có hiện tượng lách luật, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý.
 
Bộ TT&TT đang đề xuất tới đây sửa đổi luật báo chí. Và hiện đang sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính, những hành vi vi phạm, mức phạt làm sao để đủ chế tài. Tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, các quy định pháp luật dù thế nào đi chăng nữa, điều quan trọng nhất vẫn là đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Bởi vì những người làm báo nếu không có đạo đức nghề nghiệp thì dễ dẫn đến những tai hại khôn lường.
 
Trong thời gian vừa qua, các sai phạm của báo chí thường tập trung vào các báo của một số tổ chức hội. Một trong những lý do là báo của hội phản ảnh sai tôn chỉ mục đích, nói tất cả những vấn đề khác, vấn đề của hội mình không nói, do đó phải đưa về tạp chí. Tạp chí chỉ tập trung nghiên cứu và thông tin những hoạt động của hội đó thì sẽ phù hợp hơn. Nếu để tình trạng như hiện nay thì bản thân uy tín của các hội, cơ quan chủ quản cũng bị giảm sút.
 
Vừa qua nguy cơ mạng xã hội vượt mặt báo chí, là có thật. Tuy nhiên theo Thứ trưởng, chúng ta cũng không nên nhìn nhận mạng xã hội tiêu cực quá. Bản thân mạng xã hội cũng có rất nhiều yếu tố tích cực. Tích cực hay tiêu cực là do thái độ, cái tâm của người tham gia mạng xã hội. Báo chí không sợ mạng xã hội vượt mặt nếu báo chí làm đúng chức năng của mình. Vì báo chí có vai trò rất lớn là định hướng thông tin. Muốn định hướng thông tin thì báo chí không thể thông tin tùy tiện như mạng xã hội. Mạng xã hội mỗi người nhìn một góc, họ nhìn thế nào họ bình luận như thế. Khác với mạng xã hội là báo chí phải thẩm định thông tin phải trung thực, chính xác. Từ thông tin đó đưa ra bản chất vấn đề đó là gì.
 
Trong các cuộc họp giao ban báo chí hàng tuần, Lãnh đạo Bộ TT&TT  thường xuyên nhắc nhở các tổng biên tập là xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực. Vì có hiện tượng phóng viên gần như không đến thực tế, bị mạng cuốn đi. Đấy là trách nhiệm của tổng biên tập. Trong thực tế báo chí đôi lúc tiếp tay cho mạng xã hội, đưa thông tin không chuẩn xác.
 
Quy hoạch không chỉ giảm cơ quan báo chí, muốn xây dựng một nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại hơn, và muốn xây dựng một cơ quan báo chí chủ lực có vị trí ở quốc tế và tiếp cận được công nghệ, mô hình làm báo mới. Qua quá trình này để chúng ta thanh lọc, nâng cao chất lượng đội ngũ làm báo và trách nhiệm của cơ quan chủ quản và lãnh đạo cơ quan báo chí.
 
Cùng với đó Quy hoạch báo chí cũng nhằm không để lợi ích nhóm chi phối báo chí. Báo chí của chúng ta là báo chí của các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, mục tiêu lớn nhất là phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc. Trong thực tiễn đã có hiện tượng lợi dụng báo chí để đạt được mục đích của nhóm lợi ích, ví dụ cạnh tranh không lành mạnh. Một số doanh nghiệp mượn báo chí, thông qua báo chí phá doanh nghiệp cạnh tranh, phê phán doanh nghiệp kia nhưng trong thực tế không đến mức như thế. Báo chí của chúng ta phục vụ nhân dân, nên không thể có một nền báo chí nào để phục vụ cho một nhóm lợi ích nào mà không mang lại lợi ích cho nhân dân, cho đất nước.
 
Ngoài ra việc thực hiện sắp xếp tinh giảm này để cơ quan báo chí tránh trùng lắp, giảm gánh nặng cho cơ quan báo chí, phải nuôi một đội ngũ phóng viên trong khi đó hiệu quả không cao.
 
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, Bộ đang chỉ đạo cơ quan chức năng của Bộ xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết. Nhóm đối tượng nào sẽ thực hiện trước và thời điểm nào. Trong việc thực hiện quy hoạch cũng tính tới yếu tố đặc thù. Ví dụ như Hà Nội, TP HCM, Trung ương Đoàn TNCS HCM là các đơn vị có nhiều cơ quan báo chí không thể thực hiện cùng một lúc, một số báo đang hoạt động tốt, có hiệu quả. Do vậy cần có lộ trình, ví dụ TP HCM và Hà Nội đến năm 2020 chỉ có 5 cơ quan báo chí. Còn việc chọn cơ quan báo chí nào có ích là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Trung ương Đoàn giảm từ 5-6 cơ quan báo chí xuống còn 3 cơ quan (năm 2020). Tất cả đến năm 2025 là phải thực hiện theo đúng kế hoạch.
 
Một đặc thù nữa của quy hoạch là các báo của tôn giáo sẽ trở thành tạp chí. Nhưng qua theo dõi có 3 báo hoạt động tốt, không sai phạm gì thì để đến 2025 thực hiện sắp xếp quy hoạch.
 
Chúng ta xây dựng quy hoạch này để khắc phục cấp phép tràn lan. Vì trước đây chúng ta không có quy hoạch, mà trong điều lệ của các hội đều có cơ quan báo chí, họ xin cấp phép là Bộ TT&TT phải cấp. Với định hướng quy hoạch rõ ràng. Bộ sẽ điều chỉnh lại nội dung ghi trong giấy phép, ví dụ như tôn chỉ mục đích, đối tượng phục vụ phải rất rõ ràng. Phân biệt rõ tạp chí điện tử, báo điện tử để không nhầm lẫn, tránh tình trạng báo hóa tạp chí, trang tin điện tử tổng hợp hóa báo điện tử./.
 

Doãn Mạnh (ghi)

theo mic.gov.vn
       
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.325.859
Hiện tại 1.334 khách