Bình đẳng giới được các nhà lãnh đạo APEC coi là một vấn đề xuyên suốt trong mọi lĩnh vực và các diễn đàn của APEC. Từ năm 1996, APEC đã thành lập Mạng lưới các nhà lãnh đạo nữ (WLN) – nhằm tập hợp các nữ lãnh đạo ở mọi lĩnh vực từ khu vực công và tư từ các nền kinh tế để cùng bàn thảo và đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ và đảm bảo vấn đề giới được thực hiện trong mọi lĩnh vực của APEC.
Năm 1998, Hội nghị đầu tiên của Bộ trưởng APEC về Phụ nữ được tổ chức tại Philipines đã thừa nhận về phạm vi và mức độ phức tạp của các vấn đề mà phụ nữ và các nền kinh tế trong khu vực APEC phải đương đầu. Hội nghị đã đề xuất với các nhà Lãnh đạo APEC về thúc đẩy lồng ghép bình đẳng giới, thực hiện cách tiếp cận thực tế và có hệ thống, đầy đủ về phụ nữ tham gia vào các quá trình và hoạt động chính của APEC. Do đó, “Khuôn khổ hội nhập phụ nữ trong APEC” được ban hành năm 1999 và Nhóm Tư vấn đặc biệt cho Hội nghị các quan chức cao cấp (SOM) về vấn đề Giới (AGGI) được thành lập để hỗ trợ việc thực hiện Khuôn khổ. Năm 2002, Nhóm AGGI được kiện toàn với tên mới là Mạng lưới đầu mối về Giới trong APEC (GFPN) để thúc đẩy tiến trình hội nhập của phụ nữ và duy trì thành tựu đạt được.
Năm 2011, cùng với sự phát triển hợp tác, liên kết kinh tế đa tầng trong APEC và trước nhu cầu về tạo các cơ hội kinh tế mới cho phụ nữ trong quá trình phát triển, APEC tiếp tục phát triển Nhóm GFPN qua việc kết hợp với Mạng lưới các nhà Lãnh đạo nữ (WLN) để thành lập một cơ chế cao hơn, ở cấp độ đối tác công – tư nhằm lồng ghép và tăng cường sự ảnh hưởng của các vấn đề phụ nữ trong APEC, đó là Nhóm Đối tác chính sách về Phụ nữ và Kinh tế (PPWE).
Từ đó đến nay, các nhà Lãnh đạo APEC đã nhất trí phải có những hành động cụ thể thúc đẩy tiềm năng kinh tế của phụ nữ. Vì vậy, , Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế (WEF) được tổ chức hàng năm với ba hoạt động không thể tách rời : (i) Hội nghị đối tác chính sách về phụ nữ và kinh tế; (ii) Đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế, và (iii) Đối thoại chính sách cấp cao về Phụ nữ và Kinh tế (tương đương Hội nghị Bộ trưởng). Năm 2011, Diễn đàn được tổ chức tại Mỹ, năm 2012 tại Nga, năm 2013 tại Indonesia, năm 2014 tại Trung Quốc, năm 2015 tại Philippines, năm 2016 tại Peru và năm 2017 tại Việt Nam. Như vậy, năm nay tại Việt Nam là lần thứ 7 Diễn đàn được tổ chức.
1. Chủ đề chính của Đối thoại chính sách cao cấp Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017 và các sự kiện liên quan
Căn cứ vào chủ đề của năm APEC 2017, các ưu tiên trọng tâm được xác định tại các Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế được các nền kinh tế thành viên khác đã tổ chức trong những năm gần đây và qua thực tiễn, xu thế phát triển kinh tế của khu vực và mối quan tâm chung của các nền kinh tế APEC, chủ đề chính của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế năm 2017 là : “Tăng cường sự hội nhập và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong một thế giới đang thay đổi”.
Chủ đề của WEF năm nay sẽ có ý đóng góp vào nỗ lực chung của APEC, đồng thời, cũng tiếp tục triển khai các khuyến nghị của các Nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC năm 2016 về hội nhập hiệu quả kinh tế, tài chính và xã hội, nâng cao quyền năng của phụ nữ cũng như tiếp cận bình đẳng của họ nền giáo dục có chất lượng và các nguồn lực kinh tế. Và đặc biệt, đóng góp vào thực hiện các ưu tiên của APEC 2017 vì thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm. Những nỗ lực này cũng góp phần thúc đẩy trách nhiệm của APEC đối với vấn đề toàn cầu.
2. Các sự kiện chính thức và bên lề của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế trong APEC năm 2017.
Diễn đàn phụ nữ và kinh tế trong APEC năm 2017 được tổ chức với 3 sự kiện chính sau:
- Hội nghị Đối tác chính sách về Phụ nữ và Kinh tế APEC lần thứ 2, ngày 26-27/9/2017 (PPWE) (Hội nghị lần thứ nhất đã tổ chức tháng 5/2017): khoảng 160 đại biểu, họp kín cấp làm việc, cập nhật, thảo luận và thống nhất nội dung công tác hàng năm của Diễn đàn, hoàn thiện Văn kiện chính thức, Dự thảo Tuyên bố Bộ trưởng năm 2017 để trình lên các Bộ trưởng (tại Đối thoại cao cấp). Chủ trì: Lãnh đạo cấp Vụ.
- Đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế APEC vào ngày 28/9/2017 (PPD WE): Sự kiện do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức; với hơn 500 đại biểu, họp mở rộng với sự tham dự đại diện Chính phủ và đông đảo khu vực tư nhân.
Dự kiến mời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự và phát biểu tại Diễn đàn ; Chủ trì Đối thoại là Chủ tịch Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế Bộ trưởng Đào Ngọc Dung; đồng chủ trì là Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC Vũ Tiến Lộc; các diễn giả chính và khách mời cao cấp khác là Phó Tổng Giám đốc điều hành của UN Women, Chủ tịch Diễn đàn Phụ nữ (W20) của Nhóm các nền kinh tế lớn (G20) năm 2016 là Thổ Nhĩ Kỳ và Chủ tịch W20 năm 2018 là Achentina, và các Nữ tổng giám đốc và Giám đốc Điều hành một số tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam và thế giới.
- Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế, ngày 29/9/2017 (HLPD-WE): Là cuộc họp kín, thường niên để các Bộ trưởng 21 nền kinh tế thống nhất đưa ra Tuyên bố với những khuyến nghị chính sách thúc đẩy phụ nữ tham gia kinh tế trình lên Hội nghị Thượng đỉnh các nhà Lãnh đạo APEC 2017 vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng. 250 đại biểu tham dự gồm Bộ trưởng/Trưởng đoàn và đại biểu của 21 nền kinh tế APEC. Chủ trì Đối thoại là Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.
Ngoài các sự kiện chính thức trên, Diễn đàn sẽ có 8 sự kiện bên lề (gồm cả hội nghị, hội thảo chuyên đề, diễn đàn và sự kiện văn hóa). Cụ thể nhưsau:
- Hội thảo Phụ nữ APEC vận dụng khoa học công nghệ và phát huy sức mạnh sáng tạo ngày 26/9: Khoảng 40 đại biểu, do Đài Bắc Trung Hoa chủ trì.
- Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu về phụ nữ trong kinh doanh bao trùm ngày 26/9/2017: Khoảng 100 đại biểu, do Philippines chủ trì.
- Diễn đàn Phụ nữ và Giao thông vận tải APEC ngày 27/9: 150 đại biểu, do Mỹ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam chủ trì.
- Giải thưởng kinh doanh thành công trong APEC ngày 27/9: 150 đại biểu, do Nga phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì.
- Sự kiện Ẩm thực - Văn hóa - Sản phẩm của doanh nghiệp xã hội (ăn chay và trưng bày sản phẩm, biểu diễn văn nghệ) từ 18h-21h ngày 27/9: mời 200 đại biểu của các hội nghị dự sự kiện, do Quỹ Hòa Bình và Phát triển TP. Hồ Chí Minh chủ trì. Sự kiện được tổ chức Bảo tàng Văn hoá Huế.
- Đối thoại công – tư về Kế hoạch hành động quốc gia nâng cao tỷ lệ lãnh đạo nữ trong APEC ngày 28/9/2017: Khoảng 35 đại biểu, do Nhật Bản chủ trì.
- Hội thảo Nữ doanh nhân APEC và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ngày 28/9/2017: Khoảng 60 đại biểu, do Hàn Quốc chủ trì.
- Họp báo sau khi kết thúc Diễn đàn chiều ngày 29/9.
3. Các kết quả mong đợi
- Tuyên bố Bộ trưởng về Phụ nữ và Kinh tế sẽ được thông qua. Tuyên bố chung này sẽ đưa ra những khuyến nghị chính sách cho 21 nền kinh tế thành viên APEC về 3 nội dung ưu tiên lớn của năm 2017 với những nội dung trọng tâm là: 1) Thúc đẩy bình đẳng giới vì tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; 2) Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ: 3) Thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực.
Bản Tuyên bố này sau đó sẽ được trình lên các Nhà Lãnh đạo APEC tại Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng;
- Sáng kiến của Việt Nam cho Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và kinh tế trong APEC và các sự kiện, đối thoại liên quan được các nền kinh tế nhất trí thông qua: (i) Hướng dẫn lồng ghép giới trong APEC - văn kiện khuyến kích áp dụng đối với tất cả các Diễn đàn của APEC và tại các nền kinh tế thành viên; (ii) Xây dựng và duy trì bản tin định kỳ về phụ nữ và kinh tế trong năm đăng cai APEC 2017 và bổ sung vào kết quả đầu ra của Kế hoạch chiến lược PPWE giai đoạn 2015 - 2018 về trách nhiệm của nền kinh tế đăng cai đảm nhiệm công tác này;
- Sự tham gia của khoảng hơn 700 đại biểu ở các sự kiện chính và bên lề là đại biểu đại diện khu vực công và tư, các CEO, đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến từ 21 nền kinh tế APEC, Diễn đàn sẽ góp phần làm cho mối quan hệ đối tác giữa Chính phủ và khu vực tư nhân ngày càng khăng khít hơn. Khu vực tư nhân ngày càng có cơ hội được bày tỏ, chia sẻ về những khó khăn, thách thức, đề xuất nhu cầu, nguyện vọng lên Chính phủ. Đồng thời đây cũng là dịp để Chính phủ của các nền kinh tế APEC được lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng chung của khu vực tư nhân, cùng với khu vực tư nhân bàn cách tháo gỡ, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ.
- Diễn đàn cũng sẽ mang lại là cơ hội quảng bá, xúc tiến đầu tư quý báu cho Việt Nam. Đồng thời nâng cao vị thế của Viêt Nam, góp phần quảng bá về văn hóa, con người và du lịch Việt Nam thông qua thực hiện thành công về dấu ấn tổ chức, văn hóa dân tộc, ẩm thực và du lịch.
- Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phụ nữ và kinh tế và hội nhập quốc tế đối với bộ ngành, cơ quan và khu vực tư nhân của Việt Nam tham gia Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và kinh tế trong APEC và các sự kiện liên.
Những kết quả đó sẽ góp phần tăng cường sự kết nối giữa các doanh nhân nữ APEC; tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa khu vực công và khu vực tư; tạo thêm các cơ hội cho các doanh nghiệp, doanh nhân nữ tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung - ứng của khu vực; thúc đẩy hơn nữa sự hội nhập và quyền năng kinh tế của phụ nữ khu vực APEC theo 5 trụ cột ưu tiên của APEC về: 1) Tiếp cận vốn và tài sản; 2) Tiếp cận thị trường; 3) Tăng cường kỹ năng, năng lực và sức khỏe; 4) Tăng cường sự lãnh đạo, tiếng nói và phát huy tiềm năng kinh doanh của phụ nữ; 5) Tăng cường đổi mới sáng tạo và tiến bộ công nghệ.
4. Thành phần tham dự của Diễn đàn:
- Lãnh đạo Đảng, Nhà nước (dự kiến mời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân)
- Nữ lãnh đạo một số Bộ, ngành và địa phương;
- Trưởng đoàn (cấp Bộ trưởng) và các đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC
- Đại sứ và trưởng đại diện các tổ chức quốc tế có liên quan tại Việt Nam;
- Ban Thư ký APEC quốc tế, quốc gia; Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC; các nhóm công tác khác nhóm các người bạn của Chủ tịch;
- Đại diện Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ các bộ ngành, tỉnh thành của Việt Nam, Đại diện Sở Lao động -Thương binh và Xã hội và Sở Ngoại vụ một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, đại biểu đầu mối các nhóm công tác APEC của Việt Nam, các trường đại học, các viện nghiên cứu;
- Doanh nhân nữ, CEO của các tập đoàn lớn của 21 nền kinh tế, mạng lưới nữ doanh nhân ASEAN-AWEN, mạng lưới Doanh nhân nữ của Việt Nam;
Dự kiến sẽ có khoảng hơn 700 đại biểu tham dự Diễn đàn.