Theo đó, sau 10 năm thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể hao và Du lịch đã tích cực thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác thực thi, tuyên truyền và xây dựng văn bản pháp luật, tập huấn…Riêng ở lĩnh vực bản quyền phần mềm máy tính, lực lượng thanh tra đã phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết 100% yêu cầu xử lý vi phạm.
Tính từ 2006-2015, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành thanh tra 541 doanh nghiệp, kiểm tra 27.602 máy tính, lập 499 biên bản xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 8,613 tỷ đồng, chuyển một hồ sơ sang cơ quan điều tra. Trong số các doanh nghiệp vi phạm, có nhiều đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Minh cũng nhận định, qua công tác thanh kiểm tra, ý thức chấp hành của các doanh nghiệp ngày càng tăng lên. Sau kiểm tra, hành vi vi phạm được chấm dứt. Các doanh nghiệp, tổ chức có các hành vi vi phạm tự giác gỡ bỏ chương trình phần mềm ra khỏi máy tính, chủ động làm việc với chủ sở hữu để giải quyết trách nhiệm dân sự của mình, chấp hành nghiêm các quyết định xử lý vi phạm; bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu; chủ động tìm đến đại lý, đại diện chủ sở hữu mua các chương trình phần mềm hợp pháp để phục vụ hoạt động của mình.
“Theo đánh giá của Liên minh phần mềm BSA, năm 2004 tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính tại Việt Nam là 92% đến năm 2014 chỉ còn 81%,” ông Minh cho biết.
Ông Roland Chan, Giám đốc cấp cao phụ trách Chương trình Tuân thủ, khu vực châu Á-Thái Bình Dương của BSA thì nhận định, Việt Nam đã đầu tư nhiều nguồn lực vào bảo vệ và thúc đẩy việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Và, các nguồn này sẽ phát huy hiệu quả khi các doanh nghiệp nắm vững khi tham gia vào sân chơi quốc tế.
Đại diện của BSA cũng cho hay, bên cạnh việc vi phạm pháp luật, việc sử dụng phần mềm không bản quyền cũng dẫn đến những hậu quả khó lường về nguy cơ mất an toàn an ninh thông tin và đây là điều doanh nghiệp cần phải tính tới để bảo đảm bí mật kinh doanh, tránh những thiệt hại do hacker gây ra.
* TPP đặc biệt quan tâm tới sở hữu trí tuệ
Theo ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, một lĩnh vực mà TPP đặc biệt quan tâm là bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ - một thành tố quan trọng quyết định thành bại trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Dũng cũng cho biết, hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong những năm qua của Việt Nam đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Ban chỉ đạo 389 các tỉnh/thành phố; Chương trình hành động phòng, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của 9 bộ, ngành Trung ương (Chương trình 168).
Tuy đạt được thành tựu nhất định, song việc xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay vẫn còn gặp nhiều thách thức. Do đó, ông hy vọng các cơ quan, doanh nghiệp tại hoạt động kinh doanh Việt Nam phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh chống các hành vi này để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp.