Báo cáo của UBND huyện Phú Lộc cho biết, năm 2013 UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo điều hành công tác CCHC, trong đó đã xây dựng đề án một cửa điện tử trình UBND tỉnh phê duyệt, đồng thời đầu tư, mua sắm các trang thiết bị làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước nhằm từng bước phục vụ tốt cho công tác chuyên môn của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Thực hiện cơ chế một cửa, tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (TN&TKQ), huyện đã bố trí 08 công chức (gồm một Phó Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện làm Trưởng bộ phận, một cán bộ chuyên trách và 06 cán bộ thuộc các phòng ban chuyên môn) để tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của 07 lĩnh vực: Tư pháp, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kinh tế tập thể -HTX, Công thương, Nông nghiệp và PTNT, Tài chính - Kế hoạch với 132 thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa.
Đối với việc ứng dụng CNTT và ISO, huyện đã trang bị khá đầy đủ hạ tầng mạng, hệ thống máy tính, cài đặt các phần mềm dùng chung và các phần mềm khác để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của UBND huyện. Các phần mềm dùng chung được cài đặt tại Văn phòng HĐND - UBND huyện và Trung tâm tin học hành chính gồm 03 phần mềm: Quản lý hồ sơ một cửa, quản lý Hồ sơ công việc, Đăng ký lịch và Phát hành giấy mời qua mạng. UBND huyện cũng đã xây dựng quy trình hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO trong điều hành của UBND huyện, trong giải quyết các thủ tục hành chính và đã áp dụng thực hiện từ ngày 15/5/2013, gồm 70 quy trình và 105 thủ tục hành chính thuộc 13 lĩnh vực (Tư pháp, Văn hoá - Thông tin, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính - Kế hoạch, Giáo dục và Đào tạo, Thi đua khen thưởng, Lao động - Thương binh và Xã hội…).
Kết quả kiểm tra thực tế của đoàn kiểm tra tỉnh về CCHC cho thấy, bộ phận TN&TKQ của huyện Phú Lộc đã thực hiện nghiêm túc Quyết định số 2446/QĐ-UBND ngày 22/12/2012 của UBND tỉnh về công bố bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện gồm: niêm yết công khai thủ tục, thời gian giải quyết, phí và lệ phí theo từng lĩnh vực của các TTHC. Việc quản lý, giám sát tiến độ giải quyết hồ sơ giữa các bộ phận của các phòng và các cơ quan chuyên môn được thể hiện qua quy trình giải quyết hồ sơ, phiếu theo dõi giải quyết hồ sơ, nối mạng điện tử và phần mềm quản lý hồ sơ một cửa, đảm bảo thuận tiện cho tổ chức và cá nhân đến giao dịch.
Tuy nhiên, theo đánh giá của đoàn kiểm tra thì quy trình tiếp nhận, giải quyết và giao trả kết quả của các phòng, ban chuyên môn còn chưa tuân thủ đúng theo quyết định số 1735/QĐ-UBND ngày 24/9/2012 và Quyết định số 13/QĐ-UBND ngày 11/12/2012 của UBND tỉnh, cụ thể là việc trả, điều chỉnh, bổ sung hồ sơ chưa có văn bản của Bộ phận TN&TKQ; việc chuyển hồ sơ giữa các phòng, ban liên quan để thụ lý và giải quyết, chưa cập nhật đầy đủ để tạo thuận lợi cho việc theo dõi, kiểm tra, giám sát và đôn đốc cũng như xử lý những trường hợp chậm trễ nhằm hạn chế việc giải quyết quá hạn cho các trường hợp đã thụ lý giải quyết…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng CCHC là công việc lâu dài, là phương tiện, công cụ phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch UBND và UBND huyện một cách thông suốt, đảm bảo tính minh bạch và công khai. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo huyện cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ toàn huyện, nhất là đội ngũ công chức, viên chức trực tiếp thực hiện giải quyết các công việc liên quan đến thủ tục hành chính; đồng thời quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng mạnh mẽ CNTT và nâng cấp các phần mềm dùng chung để thực hiện tốt hơn công tác cải cách hành chính trong bộ máy cơ quan hành chính nhà nước.