Lịch trình và phương tiện xuất dương của Hải đội
Là một tổ chức chính quy do chính quyền xứ Đằng Trong thành lập vào tiền bán thế kỷ 17, Hải đội Hoàng Sa ban đầu được các chúa Nguyễn giao nhiệm vụ Lấy được hóa vật của tàu như gươm, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cùng kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và hạng định xong mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rỗi lĩnh bằng trở về.” (Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn). Trải hơn một thế kỷ rưỡi, cùng với sự phát triển của lịch sử, Hải đội Hoàng Sa dần nhận thêm những nhiệm vụ khác nữa do các vua đầu nhà Nguyễn giao cho như đo đạc thủy trình, do thám và bảo vệ vùng biển đảo khỏi sự quấy phá của cướp biển, hỗ trợ lực lượng thủy quân của triều đình và vinh quang hơn cả là cắm mốc chủ quyền quốc gia trên đảo. Trong suốt quá trình ấy, Hải đội Hoàng Sa không chỉ hoàn thành nhiệm vụ được giao mà còn hun đúc nên nhiều thế hệ lính Hoàng Sa can trường và dũng cảm với những cái tên còn vang danh sách sử như Phú Nhuận hầu Võ Văn Phú (1803), Hội Nghĩa hầu Võ Văn Khiết (1803), Cai đội Phạm Quang Ảnh (1815), Chánh Thủy quân suất đội Phạm Văn Nguyên (1835), Phạm Hữu Nhật (1854) cùng một số cai đội, suất đội khác... Đây hầu hết là những người lính đã đóng góp công lao, xương máu cho tổ quốc trong việc xác lập và bảo vệ chủ quyền đất nước trên quần đảo Hoàng Sa dưới thời các vua nhà Nguyễn. Tiếc rằng, đa phần những người lính ra Hoàng Sa vào thời các chúa Nguyễn đến nay vẫn vô danh, chưa tìm được những bộ sách sử ghi lại tên tuổi chính xác của họ.
Về thời gian thực thi nhiệm vụ, theo những tài liệu như Hoàng Việt địa chí dư, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam nhất thống chí ghi chép lại thì hàng năm đội Hoàng Sa bắt đầu đi từ tháng ba (âm lịch) đến tháng tám thì về. Riêng theo Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư hay Toản tập An Nam lộ thì lúc đi cuối Đông, không nói thời gian về. Theo Phủ biên tạp lục có bản đồ thì Hải đội thường xuất phát vào tháng Giêng và về vào khoảng tháng 8. Đó là do từ tháng 3 đến tháng 8 ở Quảng Ngãi là mùa khô, có gió Tây Nam rất thuận lợi cho việc đi biển và nhất là vùng Quảng Ngãi chỉ có bão trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 11, trong đó bão đến nhiều nhất là hai tháng 9 và 10. Như thế, việc chọn thời gian hoạt động trên của đội Hoàng Sa là một lựa chọn rất khôn ngoan của tiền nhân.
Mô hình thuyền câu của Hải đội Hoàng Sa
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ – Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, người đã bảo vệ xuất sắc luận văn tiến sĩ chủ đề Lễ khao lề thế lính ở Lý Sơn, thì trước đây có một số ý kiến cho rằng hải đội Hoàng Sa dùng ghe bầu để ra khơi bảo vệ chủ quyền lãnh hải nhưng cũng theo nhiều cứ liệu lịch sử thì từ 4 thế kỷ trước, ghe bầu thường chỉ dùng trong buôn bán nội địa. “Thuyền câu mới chính là phương tiện của hải đội Hoàng Sa thường sử dụng để đi khai thác biển Đông, thực thi nhiệm vụ cắm cột mốc khẳng định chủ quyền lãnh hải trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”. Năm 2010, nghệ nhân Võ Hiển Đạt tại Lý Sơn, Quảng Ngãi đã tái hiện thành công mô hình thuyền câu của Hải đội, theo ông Đạt, thuyền câu xưa dài khoảng 8m và ngang khoảng 2,5m (tức là gấp đôi mô hình ông Đạt đã thực hiện), thuyền có bảy đòn tre, bảy sợi dây mây và một đôi chiếu. Xưa kia, theo Phủ biên tạp lục, mỗi lần ra biển, Hải đội chỉ gồm 70 người và đi trên 5 chiếc thuyền câu như vậy. Với những phương tiện còn thô sơ và lực lượng mỏng như thế, ra Hoàng Sa là vô cùng nguy hiểm, nhưng điều đó cũng không làm những lính trong Hải đội Hoàng Sa chùn bước, họ vẫn ra đi và vẫn trở về, chỉ là trở về bằng nhiều cách khác nhau…
“Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây” và những ngôi mộ gió
Trở lại với những ngôi mộ hướng mặt ra biển của Lý Sơn, đó là những ngôi mộ gió và chủ nhân của những ngôi mộ ấy, hầu hết, là những người lính trong Hải đội Hoàng Sa. Theo các dòng họ sinh sống lâu đời trên đảo Lý Sơn, có truyền thống đóng góp tinh anh cho lực lượng Hải đội như dòng họ Võ Văn, Phạm Văn, Phạm Hữu thì hằng năm, khi Hải đội Hoàng Sa ra khơi, hành trang mang theo ra biển của mỗi người lính là 6 tháng lương thực, 1 đôi chiếu, 7 nẹp tre, 7 sợ mây buộc dài và 1 thẻ bài ghi rõ danh tính, bản quán và phiên hiệu đề phòng khi trên biển có lỡ mất đi thì sẽ dùng chiếu, nẹp, dây mây để bó xác thả xuống biển và nhờ sóng biển đưa trôi dạt về bờ để người dân biết mà chôn cất và thờ cúng họ, đúng như câu hát: “Hoàng Sa lắm bể nhiều cồn / Chiếc chiếu bó tròn mấy sợ dây mây”. Nhưng bù lại, triều đình cũng luôn có những chính sách dành cho người ra biển như sẽ chu cấp, đảm bảo cho những gia đình người đi lính Hoàng Sa được miễn thuế hằng năm, được trợ cấp lương thực như: gạo, muối, nước uống..., ngoài ra còn chỉ đạo cho làng cấp đất cho gia đình đó trồng hành, tỏi mưu sinh. Tuy nhiên, những người đã bỏ thân nơi sóng dữ, chẳng mấy ai có được cái may mắn trở về đất mẹ trong cái chiếu bó tròn, hầu hết đều chỉ có vong linh của họ là trở về với đất mẹ, trở về trong lòng những người ở lại. Và để tưởng nhớ công đức những người lính đã gửi thân nơi biển cả, những ngôi mộ gió hướng mặt ra biển đã dựng lên.
Mộ gió, còn gọi là “mộ chiêu hồn”, hiểu nôm na, là những ngôi mộ không chôn cất thi thể người quá cố mà chỉ là những nấm đất tượng trưng do người thân trong gia đình đắp lên, và nhờ sự giúp sức bằng hình thức tâm linh phù phép, rước vong… để tưởng niệm người đã khuất khi không tìm được thi thể để an táng. Mộ gió thường là của những người chết trên biển, sông nước hay trong rừng sâu, đầm lầy; chết giữa trận tiền… mà không tìm được thi thể. Trong tâm thức người dân trên đảo Lý Sơn xưa kia, mộ gió, đơn giản, là mộ của những người lính trong hải đội Hoàng Sa và lập mộ gió là để hồn phách của những người gửi thân nơi biển cả không mãi long đong vô định trên đầu sóng ngọn gió mà được trở về với quê hương, tiên tổ. Và trách nhiệm của lập mộ là chăm lo cho những ngôi mộ đó bởi đấy cũng chính là người thân, là con dân trên đảo. Ban đầu, người dân trên đảo thống kê danh sách những người đi lính Hoàng Sa không về và lập nên những hình nhân, kèm theo đó là làm những nấm mộ gió để đưa linh hồn người chết về yên nghỉ. Rồi kể từ đó, 13 dòng tộc trên đảo có người đi lính Hoàng Sa tiến hành lập danh sách và mời thầy phù thủy về cúng bái chiêu hồn và lập nên những ngôi mộ gió cho người thân như để làm tròn phận sự của người còn đối với người đã mất.
Những ngôi mộ gió trên đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi
Để hoàn thành một ngôi mộ chiêu hồn lính Hoàng Sa phải trải qua nhiều công đoạn. Những hình nhân thế mạng được thầy phù thủy làm bằng đất sét đặc biệt tại vùng Giếng Tiền trên đảo. Đó là loại đất sét đặc dẻo quánh và nóng, khô cằn đến nỗi không có bất cứ loài thực vật nào mọc nổi được. Theo lời kể của bậc lão niên ở Lý Sơn, trước khi làm lễ chiêu hồn, người thân của chiến sĩ đã hy sinh phải thuê 1 pháp sư cúng vái rồi đích thân vị pháp sư lên núi Giếng Tiền lấy loại đất sét dẻo quánh, khô nóng để nặn hình nhân. Lượng đất sét mang về phải vừa đủ nặn hình nhân, nếu thừa bỏ đi là không nên, vì nó là hiện thân của thịt da người đã khuất, không được lãng phí. Đất sét mang về được nhào trộn với bông gòn, sau đó cho vào cối giã đến nhuyễn. Đến khi vị pháp sư tiến hành nắn hình nhân thì người thân của tử sĩ phải đứng bên cạnh, mô tả hình dáng người sẽ được chiêu hồn, vị pháp sư cứ thế nặn cho đến khi thật giống từ gương mặt đến thân thể người đã khuất. Hình nhân phải được pháp sư dùng 7 cành đâu đã chẻ đôi xếp vào bụng làm xương sườn, dùng sợi tơ tằm hoặc vỏ dâu xếp làm những sợi gân. Các lóng xương sống, xương tay chân đều được làm bằng cành dâu. Hình nhân phải có đủ lục phủ, ngũ tạng, kể cả bộ phận sinh dục. Xong phần nặn hình nhân, vị pháp sư dùng lòng đỏ trứng gà phết khắp hình nhân để khi khô đi, lớp lòng trứng sẽ là hình nhân trông giống như da người. Tiếp theo đó, người thân trong dòng họ mặc quần áo và đồ liệm cho hình nhân rồi đưa vào quan tài. Một cỗ thuyền cúng với những mâm lễ vật, vàng bạc và lương thực được đưa xuống biển để dâng lên các vị thần và cúng linh hồn người đã khuất. Khi các nghi lễ chiêu hồn đã hoàn tất, những người thân an tâm bởi tin rằng linh hồn người chết đã từ biển trở về nhập vào hình nhân và lúc bấy giờ họ đặt quan tài xuống huyệt mả và an táng. Vì không thể biết lính trong Hải đội Hoàng Sa gặp nạn vào ngày nào, vì thế người ta lấy ngày xuất binh làm ngày giỗ, thắp hương tảo mộ như những ngôi mộ bình thường. Đó là chu trình của một lễ chiêu hồn và dựng lên một ngôi mộ gió.
Nhưng không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc ngôi mộ, không để gió cát vùi lấp, người Lý Sơn còn tổ chức nhiều hoạt động tưởng nhớ những người lính Hải đội, những người con của mình một cách trang nghiêm, độc đáo và đầy nhân văn thông qua lễ hội Khao lề thế lính hàng năm mà chúng tôi sẽ đề cập trong kỳ 3 của chuỗi bài viết Hải đội Hoàng Sa - Bằng chứng hùng hồn về chủ quyền biển đảo.