Những trận hải chiến xứ Đằng Trong ( KỲ CUỐI)
Ngày cập nhật 05/06/2021

Trong hơn ba thế kỷ dòng họ Nguyễn trấn giữ xứ Đằng Trong, cửa biển Thuận An đóng một vai trò hết sức đặc biệt. Không chỉ là một thắng cảnh của đất thần kinh mà cửa biển này còn chính là điểm khởi đầu của con đương thủy dài hơn mười dặm dẫn thẳng từ biển Đông vào kinh đô Huế. Chính do vị trí quân sự đặc biệt quan trọng như trên mà đây là nơi đã chứng kiến những hải chiến quan trọng ghi dấu sự thăng trầm của các chúa Nguyễn rồi sau này là các vua Nguyễn từ đầu thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19. 

 

Cửa biển Thuận An – một thắng cảnh xứ thần kinh:

Thuận An hải khẩu được khắc trên Nghi đỉnh

Cửa Thuận An, hay dân gian còn gọi đơn giản là cửa Thuận, nằm cách trung tâm thành phố Huế ngày nay chỉ chừng 13km đường bộ hay chỉ hơn 10km đường sông. Khi mới hình thành cách đây chừng 600 năm, cửa biển này có tên gọi là cửa Eo, còn sách sử thì ghi là Yên Hải môn. Mãi đến thời vua Gia Long, năm 1819, nơi này mới đổi tên là cửa Thuận An với ý nghĩa cầu mong mọi tầu thuyền ra vào đều được bình an, thuận buồm xuôi gió. Tuy nhiên, trong 600 năm tồn tại đến ngày nay, cửa Thuận An đã trải qua 4 chu kỳ mở ra, lấp vào, thay đổi diện mạo, phần nhiều là do thiên nhiên tác động nhưng cũng có phần do con người tác động. Dẫu vậy thì cửa biển này vẫn giữ một vị trí quan trọng về giao thông vận tải, an ninh quốc phòng và là một thắng cảnh tiêu biểu của xứ Huế xưa. Phải chăng vì vai trò an ninh quốc phòng và giao thông vận tải quan trọng như thế mà vua Minh Mạng đã cho đúc hình ảnh cửa biển Thuận An (Thuận An hải khẩu) lên Cửu Đỉnh (cụ thể là trên Nghị đỉnh). Lần tìm trong sử sách và thơ văn vùng đất Huế, ta thấy, về giao thông vận tải, trong Đại Nam thực lực do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn cho biết mọi ghe thuyền chở các loại vật nặng từ các địa phương trong nước về Kinh đô Huế đều vào cửa biển Thuận An, ngược dòng sông Hương hoặc sông Phổ Lợi vào Ngự Hà và nhập hàng ở những kho bên phía bờ nam của sông này (Đại Nam thực lục – Tập 2, Nhà xuất bản Giáo dục, 2007, trang 434 và 479). Còn dưới góc nhìn của một thi sĩ yêu thiên nhiên, cảnh đẹp, vua Thiệu Trị đã vinh danh cửa biển này là một trong hai mươi cảnh đẹp nhất xứ thần kinh với bài “Thuận hải quy phàm” (Buồm về cửa Thuận) trong tập thơ Thần kinh nhị thập cảnh (Hai mươi thắng cảnh xứ thần kinh). 

Hải bất dương ba tịch chiếu quang

Viên thành kiệt các thiếu trùng dương

Tịch phiêu hảo tiếp tranh hoa điệp

Chu sử hân khan trạch mộc sương

Cẩm lãm phi hồng phao hán biểu

Nha tường tỷ tiết trục thương lang

Khấu huyền khoản khoản thanh thanh khởi

Giai thị thời điều kỷ thắng chương.

Nhà nghiên cứu Phan Thuận An và các cộng sự đã dịch bài thơ này như sau:

Biển lặng sóng yên nắng nhạt vương

Thành cao dõi mắt tận trùng dương

Buồm căng, đàn bướm giành hoa giỡn

Thuyền vút, bầy chim chọn chốn nương

Như chiếc cầu vồng, neo gấm chuyển

Tựa bàn răng lược, cột buồm giương

Hò theo tiếng gõ, đều tay nhịp

Hát những lời hay, khúc thịnh cường.

Về an ninh quốc phòng, trước đây các chúa Nguyễn cũng đã chú trọng trấn giữ nơi này nhưng đặc biệt dưới thời vua Gia Long đã cho dựng nơi cửa biển này một pháo đài phòng thủ đặt tên là Trấn Hải đài; đến năm 1834 thì nâng cấp thành Trấn Hải thành, xây thêm lầu Quan Hải và duy trì một ngọn đèn lồng đường kính đến 3m làm hải đăng, vừa để hỗ trợ thuyền bè ra vào an toàn, vừa gia tăng khả năng phòng thủ quân sự cho tòa thành. Nhưng cũng chính bởi vị trí đặc biệt quan trọng về quân sự, quốc phòng như trên mà cửa biển này đã chứng kiến rất nhiều những trận thủy chiến mà trong đó nổi bật nhất là hai trận chiến với người Tây dương vào các năm 1643 và 1883. Không ít ý kiến cho rằng kết cục của hai trận hải chiến này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự thịnh suy của chính quyền các chúa Nguyễn trước đây và các vua Nguyễn sau này.

Hải chiến năm 1643 với công ty Đông Ấn Hà Lan

Phá Tam Giang và cửa biển Thuận An ngày nay

Trận hải chiến cửa Eo, tức cửa biển Thuận An sau này, diễn ra vào ngày 7.7.1643 giữa hạm đội của Công ty Đông Ấn Hà Lan và thủy quân của nhà Nguyễn ở xứ Đàng Trong. Cuộc chiến này là đỉnh điểm của xung đột dai dẳng giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với xứ Đàng Trong kéo dài từ năm 1637 đến năm 1643. Đây là lần đầu đầu tiên trong lịch sử, thủy quân Việt đánh bại một hạm đội lớn của Châu Âu và sau trận chiến đó, Công ty Đông Ấn Hà Lan không dám đưa thuyền vào Đàng Trong nữa. Cũng bởi công ty Đông Ấn Hà Lan không đưa thuyền vào xứ Đằng Trong nữa nên từ đó người Nhật càng ngày càng chiếm nhiều lợi thế trong việc giao thương, buôn bán với xứ Đằng Trong, dần dần dẫn đến sự hình thành những thương cảng, đô cảng mang đậm dấu ấn văn hóa Nhật Bản tại vùng đất phía Nam này mà tiêu biểu là đô thị cổ Hội An ngày nay.

Tháng 7 năm 1643, đáp ứng yêu cầu của chúa Trịnh, đội chiến thuyền của Hà Lan tiến đến Đàng Ngoài hội quân với chúa Trịnh, đội này chia làm hai nhóm. Nhóm tàu chiến Hà Lan thứ nhất gồm 5 thuyền đến trước hợp cùng 10 vạn quân của chúa Trịnh Tráng chuẩn bị đánh Đàng Trong. Nhóm thứ hai gồm 3 tàu chiến lớn của Hà Lan dưới sự chỉ huy của Pieter Baeck khởi hành sau nhưng trên đường gặp bão, thay vì phải đến Đàng Ngoài thì lại hướng cửa Eo. Nhóm này gồm ba chiến thuyền, chiến thuyền dẫn đầu mang tên De Wijdenes do Pieter Baeck chỉ huy, thuyền thứ hai Waterhond do Jan Erntsen chỉ huy và  thuyền thứ ba doVos, chưa rõ ai điều khiển. Nhóm này do gió bão đánh dạt mà tình cờ chạy về phía cảng Eo.

Ngày 7.7.1643, Thế tử Nguyễn Phúc Tần dẫn 50 thuyền tiến thẳng ra cảng Eo. Khi nhìn thấy đội thuyền Đông Ấn Hà Lan, thủy binh nhà Nguyễn chủ động lao thẳng vào tấn công. Với số lượng vượt trội, đội thuyền chúa Nguyễn nhanh chóng bao vây ba chiến hạm Hà Lan và đánh phá quyết liệt. Thủy quân chúa Nguyễn đã tràn lên boong chiến hạm lớn nhất của Hà Lan do thuyền trưởng Pieter Baek chỉ huy, bẻ bánh lái, chặt gẫy cột buồm khiến chiến hạm này bị tê liệt hoàn toàn. Bị dồn vào bước đường cùng, thuyền trưởng Hà Lan cho châm lửa đốt kho thuốc súng, khiến tàu nổ tung. Hầu như toàn bộ những người có mặt trên tàu, gồm quân chúa Nguyễn và 200 binh sĩ Hà Lan cùng thuyền trưởng thiệt mạng. Hai chiến hạm còn lại bỏ chạy, một chiếc bị đâm đá chìm xuống biển. Thủy quân của chúa Nguyễn đã giành chiến thắng nhưng chìm 7 thuyền và mất 700-800 binh sĩ.

Nói về trận hải chiến này, Tiến sĩ sử học Li Tana (sinh năm 1953, hiện đang công tác ở Trường Nghiên cứu Châu Á và Thái Bình Dương, Đại học Quốc gia Australia, tác giả cuốn Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 1999) đã viết: “Những người Hà Lan sống sót đã chỉ trích nặng nề viên chỉ huy của họ là đã không lường trước được cuộc tấn công của kẻ địch. Trong cả hai trận chiến (năm 1642 và 1643), các cuộc tấn công bất ngờ của họ Nguyễn đã đặt người Hà Lan vào thế thủ ngay từ giây phút đầu. Theo Tiền biên, họ Nguyễn đã chuẩn bị kỹ lưỡng vì đã nhận được báo cáo từ một đội đặc biệt gọi là tuần hải, thêm vào là các trạm gác dọc bờ biển…”.

Hải chiến năm 1883 với thực dân Pháp xâm lược

Trận hải chiến cửa Thuận An diễn ra vào ngày 20 tháng 8 năm 1883. Có thể nói một cách hình tượng, nếu trận chiến thành Điện Hải (Đà Nẵng) diễn ra vào ngày 1/9/1858 là phát súng mở đầu cho việc xâm lược nước ta từ phía biển thì trận hải chiến tại thành Trấn Hải chính là phát súng hoàn tất công cuộc xâm lược đó. Thành Trấn Hải là tòa thành án ngữ cửa biển Thuận An, một công trình quân sự đặc biệt được nhà Nguyễn đặc biệt chú trọng. Thời điểm thực dân Pháp tiến đánh cửa Thuận An, thành Trấn Hải đã được xây dựng theo kiến trúc Vauban (kiểu công trình quân sự của phương Tây, lấy theo tên kỹ sư Vauban người Pháp – thực chất ông tên là Sébastien Le Prestre (1633-1707), được phong Hầu tước xứ Vauban thuộc tỉnh Saône-et-Loire, vùng Bourgogne, Pháp nên nhiều người gọi ông là Vauban) với diện tích khoảng 5.000m2, bố phòng rất vững chắc, đễ thủ khó công. Thành được xây bằng gạch, chu vi 302,04m, cao 4,40m, dày 12,60m, có hai cửa: cửa chính nhìn về hướng nam, cao 2,60m, rộng 2,16m và cửa phụ ở mặt sau. Trên thành bố trí 99 ụ súng. Quanh chân thành là hệ thống hào rộng 9,04m, sâu 2,40m.

Về phía thực dân Pháp, thời điểm tấn công cửa Thuận An là khi chúng đã chiếm Gia Định (1859) và các tỉnh Nam Kỳ (1867) sau đó đánh chiếm Bắc Kỳ hai lần vào các năm 1873 và 1882. Cuối cùng, khi biết tin vua Tự Đức băng hà và triều đình kucj đục, tận dụng thời cơ đó, thực dân Pháp quyết định tấn công vào cửa biển Thuận An nhằm uy hiếp kinh đô Huế, ép nhà Nguyễn phải ký hòa ước theo sự sắp đặt của chúng. Trong trận chiến năm 1883 này, lực lượng đổ bộ của Pháp có khoảng 1000 lính dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Amédée Courbet tiến công các pháo đài ven biển có nhiệm vụ bảo vệ đường thủy tiến vào kinh đô Huế.

Tháng 8, Đô đốc Courbet rời vịnh Hạ Long chỉ huy các tàu chiến Bayard, l’Atalante, le Chateau-Renaud, l’Annamite, le Drac, cùng với 2 hộ tống hạm le Lynx và la Vipère. Các tàu chiến chở quân đổ bộ là tàu Bayard và l’Atalante. Tàu le Chateau-Renaud chuyển vận hai đại đội thủy - bộ binh, một đại đội lính tập người An-nam dưới quyền chỉ của các sĩ quan đại úy Pháp Monniot, Sorin và Radiguet - một sĩ quan chỉ huy doanh trại thống đốc, hai đội trọng pháo do đại úy hải pháo Luce - sĩ quan tiếp vận của thống đốc - chỉ huy và 100 lao công người An-nam. Tổng cộng hạm đội Pháp có khoảng 1000 người. Ngày 16 tháng 8 năm 1883, hạm đội Pháp vào cảng Đà Nẵng, tới ngày 18 tháng 8, đoàn tàu chiến thả neo trong vùng cảng Thuận An.

Trấn Hải thành ngày nay

Vào lúc 5h sáng ngày 20/8, Courbet ra lệnh pháo kích các hải đồn phòng thủ của biển Thuận-An. Ba mươi phút sau đó, đội quân thủy - bộ đầu tiên do Poidloue phó hạm trưởng tàu l’ Atalante chỉ huy đổ bộ lên bờ và tiến chiếm ngay hai hải đồn. Đến 8 giờ sáng ngày 20/8, tất cả đại đội thủy bộ binh đều đổ bộ lên bờ và tiến sâu vào làng và bao vây đại hải đồn Trấn Hải. Quân Pháp chỉ có một sĩ quan và năm binh sĩ bị thương. Quân Nam bắn lại suốt ngày hôm đó nhưng do vũ khí quá thua kém nên đến cuối ngày các pháo lũy đều bị phá hủy, lực lượng phòng thủ bị tổn thất hết mà quân Pháp không bị thiệt hại gì. Các hải đồn ở đảo Cây Dừa và ở mặt phía Nam chống trả mạnh mẽ nhưng cũng bị tàu chiến và hải quân Pháp bắn hạ vào buổi sáng ngày 21/8. Cuộc đánh chiếm Thuận An hoàn tất. Phía quân binh triều đình Huế có 600 tử trận và vô số bị thương. Các quan phòng giữ các hải đồn như quan trấn thành là Lê Sĩ, Lê Chuẩn tử trận, Lâm Hoành, Trần Thúc Nhân nhảy xuống sông tự tử. Quan thương bạc của triều đình Huế là Nguyễn Trọng Hợp yêu cầu ngưng chiến nhưng chỉ được quân Pháp chấp thuận với điều kiện là quan binh Đại Nam phải rút lui ra khỏi tất cả các đồn phòng thủ cửa biển Thuận An và các đồn bót dọc trên tuyến đường Thuận An đi vào Huế cũng như phải trả lại hai tàu chiến le Scorpion và le D’ Entrcasteaux mà người Pháp đã trao tặng cho hoàng đế Tự Đức năm 1874. Sau khi mất cửa Thuận An, dưới sức ép quân sự của Pháp, ngày 25 tháng 8, nhà Nguyễn phải chấp thuận ký hòa ước Harmand với Pháp, theo đó chấp thuận sự bảo hộ của Pháp tại Bắc Kỳ.

     Trong hơn 600 năm tồn tại tính đến ngày nay, cửa Thuận An không chỉ chứng kiến hai cuộc chiến bảo vệ biên giới, biển đảo của người Việt mà còn nhiều nữa những trận đánh khác chống trả, đánh đuổi cướp biển, bảo vệ sự bình yên của người dân và đất nước. Hai cuộc chiến với người Tây dương trong lịch sử, thắng có, thua có nhưng dù kết quả có thế nào thì ánh lên trong ngàn lớp sóng biển Đông vẫn là tinh thần bất khuất, là quyết tâm đánh đuổi ngoại xâm của người dân đất Việt và tinh thần ấy vẫn sẽ trường tồn với đất nước, với con người Việt Nam mãi mãi.

 

Đinh Lăng
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm
Lượt truy cập - trang truyền thông
Truy câp tổng 980.506
Truy câp hiện tại 1.775