NHỮNG TRẬN HẢI CHIẾN XỨ ĐẰNG TRONG ( KỲ 2)
Ngày cập nhật 03/06/2021

Có thể nói, trong suốt chiều dài 143 năm tồn tại, vương triều Nguyễn đã ý thức rất rõ về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước. Từ khi hoàng đế Gia Long đăng cơ đến khi hoàng đế Bảo Đại thoái vị, các hoạt động trực tiếp hay gián tiếp bảo vệ chủ quyền biển đảo, ổn định dân sinh, dân kế nơi biên giới biển, vinh danh những người dám hy sinh để bảo vệ bình yên hải phận luôn được duy trì ở những mức độ khác nhau. Đó chính là những mốc son nhưng bên cạnh đó, từ giữa thế kỷ 19, vương triều này cũng phải chứng kiến những khoảng lặng bi hùng nơi biên giới biển đảo, đó là những trận hải chiến với người Tây dương.

 

Trước khi mất chủ quyền quốc gia, nhà Nguyễn đã chủ động triển khai nhiều hoạt động quân sự, chính trị nhằm củng cố và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Vua Gia Long củng cố và phát triển hải đội Hoàng Sa. Vua Minh Mạng cắm mốc chủ quyền Hoàng Sa và cử quân đồn trấn tại đó. Vua Thiệu Trị, vua Tự Đức tiếp tục thúc đẩy công tác hiện đại hóa hải quân mà hai vị vua đầu triều đã khởi xướng, chú trọng. Tuy nhiên, do những hạn chế mang tính thời đại và khu vực nên dù đã rất nỗ lực trong công tác hiện đại hóa hải quân nhưng triều Nguyễn cũng vẫn phải đón nhận những thất bại nặng nề, qua đó khiến chủ quyền quốc gia rơi vào tay thực dân Pháp. Hai trong số những thất bại đó là những trận hải chiến năm 1847 thời vua Thiệu Trị và 1858 thời vua Tự Đức, đều tại Đà Nẵng.

Trận hải chiến năm 1847 – bước thăm dò của thực dân Pháp

Từ năm 1825 đến năm 1839, bên cạnh việc cấm đạo, vua Minh Mạng còn khá mạnh tay với việc diệt đạo, tổng cộng có 4 giám mục, 9 linh mục ngoại quốc, 20 linh mục người Việt và hàng trăm giáo dân bị sát hại (Đỗ Bang, “Chính sách của triều Nguyễn đối với Thiên chúa giáo”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 1/2010, tr.47). Mượn cớ đó, người Pháp nhiều lần phái các tàu chiến đến thị uy và gây hấn trên vùng biển Việt Nam, đặc biệt là lần khiêu khích trước cửa biển Đà Nẵng vào năm 1847.

Tháng 3/1847, một hạm đội Pháp kéo đến Đà Nẵng để phô trương thanh thế, yêu cầu nhà Nguyễn phải cho tự do buôn bán và truyền đạo. Thuyền trưởng và giáo sĩ Pháp ngang nhiên đi thẳng vào công quán đe dọa, nhằm khiêu khích thủy quân nhà Nguyễn, lấy cớ đánh Đại Nam. Ngày 18-3-1847, hạm đội Pháp vẫn nổ súng tấn công, chỉ trong chốc lát bắn chìm 5 chiếc tàu bọc đồng của thủy quân nhà Nguyễn rồi rút chạy ra khơi. Biết tin, triều đình Huế đã gấp rút tăng cường phòng bị. Vua Thiệu Trị điều động một lực lượng thủy binh lớn với nhiều thuyền chiến từ Huế ra tăng cường cho cửa biển Đà Nẵng, huy động thêm binh lính ở các tỉnh vào phối hợp với lực lượng tại chỗ của tỉnh Quảng Nam để bảo vệ cửa biển và sẵn sàng nghênh chiến với tàu Pháp.

Sách Đại Nam thực lục chính biên chép về sự kiện này như sau: “Đinh Mùi, Thiệu Trị năm thứ 7 (1847), mùa xuân, tháng 3. Quân thuyền của người Tây dương sinh sự ở cửa biển Đà Nẵng. Vua ngự điện Vũ Hiển, sai ngay Đô thống Hữu quân Mai Công Ngôn, Tham tri bộ Hộ Đào Trí Phú đem biền binh 3 vệ Vũ Lâm, Hổ Oai, Hùng Nhuệ đều đến ngay chỗ cửa biển. Lại sai thự Chưởng vệ Thủy sư Phạm Xích, thự Lang trung bộ Binh Vũ Duy Ninh quản lĩnh 4 chiếc thuyền đồng chạy đến ngay phận bể Trà Sơn, để xa làm thanh ứng.

Gặp ngay thuyền ở Kinh chạy đến ngoài biển, người Tây dương đến ngay chỗ quân Đào Trí Phú, giả cách xin hòa, Trí Phú cũng tin, đóng quân không hành động gì. Đến ngày hôm sau, giờ Ngọ, bọn Tây Dương tự nhiên nổ súng ầm ĩ, dồn bắn cả vào thuyền quan. Quan quân giở tay không kịp, 5 chiếc thuyền đồng chốc lát đều bị đắm mà vỡ cả. Lãnh binh Nguyễn Đức Chung, Hiệp quản Lý Điển đều chết ở trận, biền binh chết hơn 40 người, bị thương hơn 90 người, còn 104 người không biết trôi dạt đi đâu; súng và khí giới chìm mất rất nhiều (10 cỗ súng Chu Y bằng gang, 3 cỗ súng Chấn Hải bằng gang, 15 cỗ súng Quá Sơn bằng đồng, các khí giới chìm mất rất nhiều). Hôm sau thuyền Tây dương giương buồm chạy đi”. (Viện Sử học, Đại Nam thực lục, tập VIII, Nxb Giáo dục, 2007, tr. 983-984)

Phân tích sâu hơn về trận chiến này và căn cứ vào nguồn tư liệu ít ỏi còn lại, các nhà nghiên cứu cho rằng tàu thuyền quân sự và dân sự của nhà Nguyễn gồm 3 loại: tàu thuyền dùng mái chèo, tàu thuyền dùng buồm và tàu bọc đồng chạy hơi nước. Tàu bọc đồng chạy hơi nước có từ thời Gia Long, tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng tầu đồng này chỉ là học theo cách phương Tây và không thể hiện đại được như các tầu châu Âu. Còn trong cuốn Nguyễn Phúc tộc đế phả tường giải đồ, cuốn sách hiện vẫn còn được lưu giữ tại gia đình ông Nguyễn Phúc Ưng Viên, một hậu duệ của hoàng đế Minh Mạng thì tàu hơi nước dù rất hiện đại, nhưng cũng chỉ dùng để vận tải là chính, rất ít khi dùng làm tàu chiến. Như vậy, trận chiến này tuy không thiệt hại quá nhiều cho lực lượng hải quân cả nước nhưng nó chỉ ra ba vấn đề chính yếu. Một là dã tâm xâm lược của thực dân Pháp và cách thức xâm lược sẽ từ đường biến tiến vào. Hai là sự chênh lệch khá lớn về mặt khí tài dù trước đó triều Nguyễn cũng đã rất chú ý đến việc hiện đại hóa hải quân. Ba là triều Nguyễn luôn có ý thức và kiên cường trong việc phòng thủ biển đảo trong giai đoạn trước khi bị thực dân Pháp xâm chiếm, đô hộ. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận đây cũng chỉ là hành động gây hấn ban đầu của thực dân Pháp, mở đường cho các trận hải chiến căng thẳng tiếp theo mà đỉnh điểm là trận chiến thành Điện Hải năm Mậu Ngọ - 1858.

Trận hải chiến Điện Hải – An Hải năm 1858 – phát súng mở màn cuộc xâm lược

Đà Nẵng là một vị trí trọng yếu về chính trị, quân sự, kinh tế của nước ta. Ngay từ thế kỷ XIX, nhà Nguyễn đã nhìn nhận vai trò của Đà Nẵng như sau: “Bến Đà Nẵng rộng, tàu Tây dễ đậu, lại có núi bao bọc, không có sóng gió nên dễ neo tàu. Người Tây bấy lâu nay họ thường đậu tàu lại, không kể phép tắc triều đình. Hơn nữa, Đà Nẵng gần đường quốc lộ, gần làng mạc, gần kinh thành, Đà Nẵng là then chốt của nước ta, cho nên người Tây muốn chiếm lấy” (Dương sự thủy mạc, Bản dịch của Gs Trần Văn Giàu. Tài liệu lưu tại Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng). Từ đó, nhà Nguyễn đã đặc biệt chú trọng phòng thủ cửa biển Đà Nẵng bằng việc xây dựng hai thành trì Điện Hải và An Hải ở hai bên cửa biển Đà Nẵng nhằm canh giữ, phòng thủ, bảo vệ an ninh biên giới biển cho vùng đất này. Sách sử ghi chép lại cho biết đây là hai cụm pháo đài, thành lũy đặc biệt quan trọng của vùng đất phía nam Hải Vân quan.

Sau nhiều năm dài lăm le, gây hấn tìm cách xâm lược nước ta, ngày 31/8/1858, quân Pháp liên minh với Tây Ban Nha đem 14 tàu chiến, 3.000 quân, dưới sự chỉ huy của Rigault de Genouilly tiến vào cửa biển Đà Nẵng. Sáng ngày 01/9/1858 Rigault de Genouilly lập tức gửi tối hậu thư cho viên tấn thủ Đà Nẵng, hẹn trong 2 giờ phải nộp ngay các pháo đài cho Pháp. Phía Nam triều im lặng không trả lời. Sau 2 giờ đồng hồ, Rigault lập tức lệnh cho các pháo hạm triển khai đội hình tấn công quân Việt. Tất cả các tàu chiến của Pháp chia làm hai cánh đồng loạt bắn phá các đồn bót, thành lũy Việt. Cờ Pháp rồi cờ Tây Ban Nha được lần lượt kéo lên trên đỉnh cột buồm lớn nhất của soái hạm Némésis, đó là hiệu lệnh cho tất cả các tàu đồng loạt nổ súng. Các thành Điện Hải, An Hải nhanh chóng trở thành mục tiêu bắn phá của đại bác địch từ các chiến hạm vào. Sau nửa tiếng đồng hồ nã pháo dữ dội và hoàn toàn trúng đích, tất cả các pháo đài của nhà Nguyễn tại Đà Nẵng bị tắt ngấm, kể cả thành Điện Hải. Quân đổ bộ của các tàu Némésis, Phlégéton và Primauguet và một nửa số quân của đội công binh Pháp dưới sự chỉ huy của Đại tá Reybaud lập tức nhảy lên bờ đánh chiếm hai thành lũy này. Rigault cũng theo cánh quân này  đánh thẳng vào chính diện Thành Điện Hải, An Hải và các đồn phụ cận. Tuy nhiên, việc quân Pháp áp sát và chiếm đồn lũy của nhà Nguyễn không dễ dàng. Phía ngoài lũy được vây bọc bởi những hàng rào tre dày đặc, kết nối với các lùm bụi um tùm và rậm rịt; trước và bề mặt chiến lũy quân Nam bố trí rất nhiều chướng ngại vật và cắm chông bằng thân tre vót nhọn hun lửa, thêm vào đó, lính Nam với giáo dài, cung tên ẩn nấp đằng sau chiến lũy đang sẵn sàng nghênh chiến. Cuộc chiến tại thành Điện Hải diễn ra khá ác liệt. Trong đêm ngày 1 rạng ngày 02/9/1858, để chuẩn bị cho cuộc tấn công quyết định vào thành Điện Hải ngày hôm sau, thuyền trưởng Reybaud cùng với kỹ sư thủy đạo Ploix đã dùng thuyền nhẹ tiến hành đo độ sâu của vịnh Đà Nẵng về phía tây nam. Trong những ngày đầu tiên đánh Đà Nẵng, quân viễn chinh Pháp luôn có nhiều phương tiện để thăm dò lực lượng Nam triều trước khi tấn công, thậm chí đã dùng cả khinh khí cầu để do thám cách bày binh bố trận của đối phương.

Sáng ngày 02/9/1858, 5 pháo hạm Alarme, Avalanche, Fusée, Daragonne, Mitraille cùng chiến hạm El Cano của Tây Ban Nha dưới quyền chỉ huy của Reybaud đã tđồng loạt tấn công thành Điện Hải, làm sập một góc thành này và nổ tung kho thuốc súng ở đây. Thành bị thủng, Thiếu tá Jaure Guiberry xua quân tiến sâu vào cửa sông Hàn, đồng thời đưa chiến thuyền đậu sát thành Điện Hải. Toàn bộ hệ thống phòng ngự của nhà Nguyễn tại tả ngạn sông Hàn và thành An Hải cũng đã thất thủ trước đó. Tuy nhiên Jaure Guiberry không dám mạo hiểm chiếm giữ Điện Hải, sau khi phá thành, y đưa quân về đóng tại căn cứ trên bán đảo Tiên Sa. Để bảo vệ sườn trái của quân viễn chinh, 2 tàu chiến Dragonne và El Cano rời Vũng Thùng ra thả neo gần bán đảo Tiên Sa, trong khi sườn phải dựa vào thành An Hải ở phía đông được 2 đơn vị bộ binh Pháp và một nửa đơn vị Tây Ban Nha đóng giữ đề phòng Nam triều đánh úp. Sau hai ngày tấn công liên quân Pháp - Tây làm vô hiệu hóa các pháo đài, đồn, bảo kiên cố nhất trong hệ thống phòng thủ Đà Nẵng của nhà Nguyễn, thu giữ 450 khẩu đại bác bằng đồng và bằng sắt, trong số đó có nhiều khí tài thu tại thành Điện Hải: “Đại bác bằng đồng nhiều hơn và nói chung là rất đẹp. Các đại bác của đối phương vừa mới đặt lên giá cao. Trang bị pháo binh của họ rất hoàn chỉnh và tốt hơn nhiều so với những gì tôi thấy ở Trung Hoa. Pháo đài phía Tây (Điện Hải) gồm một xưởng pháo binh lục chiến, những đại bác bằng đồng cỡ bằng 6 và 9, giá súng đặt trên những bánh xe cao, rất phù hợp với đường sá gồ ghề của xứ này” (Nguyễn Phan Quang, “Việt Nam thế kỷ XIX” (1802-1884), Nxb thành phố HCM 1999. Tr. 367-368). Số chiến lợi phẩm thu được, những đại bác bằng sắt thì bị quân Pháp phá hủy, đại bác bằng đồng thì chúng chở ra các chiến hạm. Rigault cũng chọn hai khẩu đại bác bằng đồng rất đẹp để dâng lên nữ hoàng Tây Ban Nha và vua Pháp.

Khi quân triều Nguyễn do Đào Trí chỉ huy tiến đến Đà Nẵng thì cả An Hải và Điện Hải đều rơi vào tay giặc. Vua Tự Đức một mặt giao quyền cho Đào Trí chỉ huy quân lực nơi đây, mặt khác cho luận tội những người để thất thủ các thành và bảo ở Đà Nẵng. Tôn Thất Phan trấn thủ thành An Hải, Tôn Thất Cháy trấn thủ Thành Điện Hải và tám viên quan khác đều bị cách chức nhưng cho cơ hội lập công chuộc tội. Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận là tuy Nam triều thất bại trong cuộc hải chiến này nhưng tinh thần và quyết tâm chiến đấu binh lính Nam triều không hề suy giảm. Bằng chứng là chỉ một thời gian ngắn sau, khi Nguyễn Tri Phương đến trấn nhậm nơi này, ông đã áp dụng chiến thuật “Giặc lấy chiến làm lợi, ta lấy thủ làm lợi. Xin lấy thủ làm chiến, đắp thêm đồn luỹ, để dần dần tiến đến gần giặc” (Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, Tập 7, Bản dịch của Viện Sử học, Tái bản lần thứ nhất, NXB Giáo Dục, HN. Tr.584) và ngăn chặn thành công bước tiến của thực dân Pháp trong 18 tháng liên tiếp. Cuối cùng, tháng 3 năm 1860, thực dân Pháp đành phải rút quân khỏi Đà Nẵng và không quay lại tiến công quân sự nơi này thêm lần nào nữa.

            Không chỉ các nhà sử học trong nước mà chính các nhà sử học nước ngoài cũng có chung quan điểm rằng sức mạnh khí tài và quân sự của các vua nhà Nguyễn về sau ngày càng trở nên yếu thế trước người Tây dương. Điều này thể hiện khá rõ nét qua những nhận định của Tiến sĩ sử học Tsuboi Yoshinaru trong cuốn sách Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (Nhà xuất bản Trẻ xuất bản lần đầu tại Việt Nam năm 1999). Như vậy, cùng với những vấn đề nội tại như sự bảo thủ, khép kín của triều đình, mâu thuẫn với nhân dân lao động khiến các cuộc khởi nghĩa nông dân xảy ra khắp nơi làm suy yếu phần nào thực lực của triều đình thì sự chênh lệch về khoa học công nghệ, kỹ thuật chính là những nguyên nhân khiến nhà Nguyễn nhanh chóng thất thủ trước thực dân Pháp.

( Còn tiếp)

Đinh Lăng
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm
Lượt truy cập - trang truyền thông
Truy câp tổng 976.124
Truy câp hiện tại 400