HUYỀN THOẠI PHÁ TAM GIANG
Ngày cập nhật 30/12/2020

Nhắc đến phá Tam Giang ngày nay, nhiều người sẽ nhớ đến một vùng đầm phá phong cảnh bình yên, nên thơ, trữ tình với sóng nước mênh mang. Lại cũng có người nhớ đến đôi câu ca “Yêu em, anh cũng muốn vô / Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”. Nhưng ít ai nhớ được rằng, bên bờ đầm phá ấy còn nhiều câu chuyện vừa là lịch sử, vừa là huyền sử phản ánh những mảng lịch sử, văn hóa của vùng đầm phá cận đô này.

 

 

Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang

Cầu Tam Giang (Ảnh Đinh Lăng)

Truông nhà Hồ là một vùng đất rộng bạt ngàn, cây cối um tùm nằm giữa xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh, Quảng Trị và xã Sen Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình ngày nay. Xưa kia, đây là nơi có nhiều băng cướp ẩn náu, cướp bóc của dân chúng rồi giết người, phi tang trong vùng mảng rừng rậm rạp. Còn Phá Tam Giang, rộng trên 52km vuông, là một vùng đầm nước lợ, nằm cách thành phố Huế ngày nay khoảng 15km và cách cửa biển Thuận An chừng trên dưới 10km, là nơi hợp lưu của ba con sông là sông Hương, sông Ô Lâu và sông Bồ. Ngày nay, phá nằm trên địa phận 4 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà và Phú An. Bởi là vùng nước hẹp, hợp lưu của ba con sông như nói trên nên xưa kia sóng ở đây cuộn và rất lớn, đặc biệt là trong những ngày gió cả nên thuyền của dân, của quan qua đây thường bị đắm nhiều. Cả hai vùng đất truông nhà Hồ, phá Tam Giang đã trở thành địa danh gắn liền với nguy hiểm và sự sợ hãi của người dân bấy giờ. Tuy nhiên, có một nhân vật đã phá giải sự sợ hãi  của người dân ở truông, ở phá. Đến phá Tam Giang, khi nghe người dân đồn thổi về ba con sóng là sóng Ông, sóng Bà và sóng Con, quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng không tin, bèn sai người đi tìm hiểu, nghiên cứu địa hình đầm phá, cửa sông. Phát hiện sóng xoáy là do nước ba con sông hợp lưu lại tại khu vực hẹp, ông bèn nghĩ cách sai người phao tin sẽ dùng thần công trị sóng dữ. Hôm sau, ông cho lính chĩa súng lớn bắn xuống sông rồi cho người khéo thả phẩm màu xuống khiến dòng sông có màu đỏ máu rồi tuyên bố đã bắn chết sóng dữ. Sau đó, ông sai quân và dân trong vùng khơi rộng đất hai bên cửa sông với lý do tìm xác sóng dữ nhưng kỳ thực là khơi rộng eo đất cho sóng không còn quẩn, còn cuộn nữa. Sau đó, nhờ công sức khơi rộng cửa sông đó mà những tai nạn, hiểm nguy không còn, con đường thủy dẫn vào vùng Thuận Hóa, Phú Xuân được bình lặng, an yên. Từ đó, trong dân gian, câu ca về một vùng đầm phá ven biển đầy hiểm nguy đã không còn nguyên nghĩa như trước, người dân lại truyền tai nhau câu hát:  “Phá Tam Giang ngày rày đã cạn / Truông nhà Hồ nội tán dẹp yên”. 

Nội tán Nguyễn Khoa Đăng sinh năm Canh Ngọ (1690), mất năm Ất Tỵ (1725), làm quan 17 năm dưới triều chúa Nguyễn Phúc Chu. Các chức vụ cao nhất mà ông đảm nhận là Nội Tán kiêm Án Sát Sứ, Tổng Tri Quân Quốc Trọng Sự, tước Diên Tường hầu. Sách Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam cho biết: Tính ông cương trực, khiến đám quần thần và bọn cường hào ác bá đều kiêng oai. Tuy nhiên do quá cứng rắn, thiếu cảnh giác, ông bị kẻ cướp giết chết… Theo giáo sư Tôn Thất Bính, để trị đám cướp ở truông nhà Hồ, quan Nội tán đã dùng mưu cho người đánh dấu sào huyệt của toán cướp rồi bất thần đem quân tập kích, phá tan, trả lại bình yên cho vùng đất này.


Phá Tam Giang, cửa Thuận An với lễ cầu ngư

Một trong những lễ hội dân gian lớn nhất ở vùng phá Tam Giang và vùng cửa biển Thuận An là lễ hội cầu ngư ba năm một lần. Thuận An là tên cửa biển do vua Gia Long ban cho cái cửa biết cắt ngang lưỡi cát chạy dọc phía đông phá Tam Giang vào năm 1814. Lễ hội cầu ngư diễn ra trong hai ngày 11 và 12 tháng Giêng âm lịch, có hai phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ sẽ diễn ra vào tối ngày 11, hàng trăm bô lão khăn áo chỉnh tề tiến về đình Thai Dương dâng hương, đọc văn tế đầu tiên cầu xin mưa thuận gió hòa, đây đó an vui.

Đình làng Thai Dương Hạ (Ảnh internet)

Đêm 11, rạng 12, khi chuông trống vang lên, vị chủ tế sẽ đọc bài văn tế thứ hai ca ngợi công đức tiền nhân đã khai phá, xây dựng và bảo vệ vùng đất Thuận An và cả vùng phá Tam Giang. Trời tỏ rạng ngày 12, một bô lão được kính trọng trong vùng bước lên đài, tung vãi những nắm tiền làm bằng giấy mầu ngũ sắc tượng trưng cho mồi câu cá xuống sân. Hàng trăm em nhỏ tầm sáu đến tám tuổi mặc áo có hình cá tôm ùa vào sân thi nhau nhặt tiền tượng trưng cho cảnh đàn cá ăn mồi. Lúc đó, một số vị trung niên mặc áo ngư dân mầu đen, đầu chít khăn đỏ làm động tác tung câu và giật cần lia lịa. Cùng lúc, một đám chừng 30 thanh niên khỏe mạnh mang một chiếc ghe tượng trưng bằng tre sẽ chạy từ ngoài vào, chạy vòng quanh đàn cá, làm động tác bửa lưới, vây lấy đàn cá. Người ta chọn ra con cá to nhất dẫn vào đình tượng trưng cho việc cúng những sản vật mình chài lưới được lên cho các bậc tiền bối. Những “con cá” còn lại được “ban” cho các bà, các cô bán cá gọi là “rồi”. Các “rỗi” hồ hởi trả tiền “mua cá” tượng trưng cho các ngư dân rồi “đặt” “cá” vào quang gánh, gánh vòng quanh sân đình tượng trưng cho việc mang cá ra chợ bán.

"Rỗi" và "Cá" trong lễ hội Cầu ngư làng Thai Dương

Sau khi diễn tích bắt cá ở trên cạn, người ta lại kéo nhau ra vùng đầm phá Tam Giang, nơi hàng chục tầu đánh cá thật đã đợi sẵn và những ngư dân sẽ khéo léo diễn lại các kỹ năng đánh bắt trên sông nước trước sự chứng kiến của hàng hàng người. Trò diễn càng hào hứng thì người tham gia càng đông và niềm tin “được mùa tôm cá” lại càng cao. Lễ hội cầu ngư ở Thuận An – Tam Giang ngoài ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa, được mùa tôm cá còn là cơ hội để người dân tụ hội, vui chơi, giữ gìn bản sắc của vùng đất cửa biển.

"Cá" nhảy múa trong lễ hội Cầu ngư làng Thai Dương

 

Vùng đất Tam Giang, Thuận An và dấu ấn văn hóa Chăm

Một trong những điểm cư dân cổ xưa và lâu đời bậc nhất ở vùng Tam Giang, Thuận An là làng Thai Dương. Trong làng có một di tích văn hóa, tâm linh gắn bó với đời sống tâm linh của người dân là đền thờ Thai Dương phu nhân hay còn gọi nôm na là đền Bà Dương, đền Bà Dàng. Về gốc gác Thai Dương phu nhân, Ô Châu cận lục do Dương Văn An nhuận sắc năm 1555 chép: Thai Dương phu nhân người gốc Chiêm, mồ côi cha mẹ, nghèo khó, nhà có hai anh em. Một lần giận em gái, người anh lấy dao khía vào gáy em, làm em bị thương. Sợ hãi, người anh bỏ đi biệt xứ. Nhiều năm sau, khi đã giầu có, người anh trở về. Gặp lại em nhưng không nhận ra, người anh thấy thuận mắt, bèn xin kết làm vợ chồng. Khi vợ mang thai, một lần sờ gáy vợ, thấy vết sẹo, người anh bèn hỏi do đâu mà có. Người em thật thà kể lại. Người anh sợ hãi và ân hận nhưng vẫn giấu kín thân phận. Đêm đó, người anh lại một lần nữa bỏ quê đi biệt xứ. Người em đợi mãi không thấy chồng về, bèn ra bờ biển khóc thương, khóc mãi rồi hóa thành khối đá. Một đêm nọ, có ngư dân tên Bố trên đường ra biển, thấy trời còn sớm nên dựa vào tảng đá mà ngủ. Trong giấc mơ, thấy có người đàn bà đến lay dậy, bảo ra chỗ khác ngủ, đừng gối đầu lên bụng bà làm ảnh hưởng cái thai. Giật mình tỉnh dậy, không thấy ai xung quanh, ngư phủ sợ hãi bèn vái tảng đá tạ tội và khấn “Thần linh thiêng, xin phù hộ cho tôi đánh được nhiều cá!” Quả nhiên lời ứng nghiệm, lần nào ra khơi cũng được nặng lưới. Dần dần, người dân trong vùng biết chuyện, đến thắp hương cầu khẩn và thường được như ý. Người dân bèn lập đền thờ tảng đá và vinh xưng tảng đá là bà Dương, bà Dàng. Sau này, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, vì tin bà có công giúp mưa thuận gió hòa, thuyền bè ra biển vào phá được bình an nên chúa phong bà là Thai Dương, Linh Ứng, Đoan Thục, Nhu Thuận, Trinh Ý, Từ Huệ, Ý Đức, Cẩn Hạnh phu nhân chi thần, lại cho người sửa lại đền thờ, làm lễ Tam sanh. Hàng năm, từ ngày 20 đến ngày 23 tháng Chạp, trong đó ngày 23 là ngày chính hội, người dân làng Thai Dương vẫn thành kính tổ chức lễ rước Thai Dương phu nhân. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã có cùng nhận định là ẩn sau câu chuyện huyền thoại về Thai Dương phu nhân đó là tín ngưỡng nữ thần kết hợp với tục thờ đá vốn đã rất thịnh hành ở Trung bộ, Nam Trung bộ và trong nền văn hóa Chăm trước kia.

Tượng đá Mỵ Châu tại Am Mỵ Châu, Khu di tích Cổ Loa, Hà Nội

Về tục thờ đá gắn liền với tín ngưỡng nữ thần và yếu tố nước thì trên khắp Việt Nam, có nhiều những câu chuyện huyền thoại có cùng mô-tuýp như thế. Câu chuyện về tảng đá mang dáng hình nàng Mỵ Châu mất đầu trôi ngược dòng nước từ Mộ Dạ (Nghệ An) về đến Cổ Loa (Hà Nội) được dân Cổ Loa vớt lên, thờ trong am Mỵ Châu hay câu chuyện về hai tảng đá mang dáng hình Hai Bà Trưng nổi trên sông Hát (Vĩnh Phúc xưa, nay thuộc địa phận Hà Nội) và trôi ngược về làng Đồng Nhân (quận Hai Bài Trưng, Hà Nội) và được người dân vớt lên thờ tự tại đền Đồng Nhân là những ví dụ điển hình, giống với câu chuyện huyền thoại về Thai Dương phu nhân ở Huế.

Với chiều dài hơn 3.300km bờ biển, với hàng chục quần đảo lớn nhỏ trải dài khắp Bắc Nam, những câu chuyện biển đảo của Việt Nam là vô cùng đa dạng, phong phú. Đó không nhất thiết phải là câu chuyện đổ máu nơi chiến trường để gìn giữ từng tấc đất, tấc biển quê hương mà còn là những câu chuyện về văn hóa, tâm linh trong đời sống thực, những câu chuyện về việc người có trách nhiệm cần am hiểu khoa học, hiểu lòng dân, khéo léo hướng người dân vào việc có ích cho đất nước mà không làm xáo trộn đời sống, tâm tư, tình cảm của người dân. Dẫu là huyền sử, dẫu là lịch sử thì chuyện của vùng phá Tam Giang, cửa Thuận An không chỉ là những câu chuyện mua vui, nó còn là câu chuyện luận cổ suy kim, còn là bài học mở đất, giữ đất, là tài sản tinh thần mà cha ông để lại cho chúng ta hôm nay.

Hoài Hương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm
Lượt truy cập - trang truyền thông
Truy câp tổng 976.124
Truy câp hiện tại 380