Gió mát ngày hè:
Ở Côn Đảo, để cảm nhận sự mát dịu của gió mùa hè, có lẽ không đâu bằng con đường ven biển, nơi những cây bàng di sản ngự thành một hàng dài, hướng mặt ra biển. Con đường này đã hiện diện ở đây từ khi nào, ít người còn nhớ, có lẽ là từ khi thực dân Pháp quyết tâm biến nơi đây thành một thứ pháp trường nhằm đánh gục ý chí của những người ái quốc, những người dám đứng lên chống lại chế độ bóc lột, cai trị thực dân. Và có lẽ cũng thời điểm đó, những cây bàng cũng đã xuất hiện, chứng kiến mọi thăng trầm của hòn đảo.
Cây bàng cổ thụ bên trong trại giam Phú Hải (Ảnh Đinh Lăng)
Theo ông Phan Hoàng Oanh, Chủ tịch Hội Cựu tù nhân Côn Đảo, thì những lá bàng trong sân nhà tù là chất xanh duy nhất của những người tù nơi đây bởi khẩu phần ăn toàn cơm hẩm, cá thiu còn rau củ thì không có. Ông chia sẻ rằng lá bàng chát lắm nhưng trong điều kiện như vậy, nó là thứ cứu rỗi vị giác của những người tù như ông. Lá bàng non là ngon nhất, còn không thì nhặt quả bàng khô, đập rập ra, ăn hột. Tuy nhiên, đối với cai nhục, việc người tù ăn lá bàng vẫn là điều không thể chấp nhận được, nếu chúng phát hiện thì sẽ đánh rất dã man.
|
Cây bàng không chỉ trở thành chứng nhân mà còn lặng lẽ trở thành những người trợ giúp, là chỗ dựa tinh thần, là một thứ “đặc sản” của đảo, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thử hỏi, trong hàng vạn người tù ở chốn địa ngục trần gian kia, có bao nhiêu người chưa từng ăn lá bàng để sống và để chiến đấu? Thử hỏi trong bao nhiêu lớp người dân Côn Đảo, có ai chưa từng ngồi hóng gió biển hiền hòa dưới bóng cây bàng? Thử hỏi có bao nhiêu du khách từng đến Côn Đảo mà chưa một lần nếm đặc sản hạt bàng Côn Đảo. Ngần đó thôi cũng đủ thấy những cây bàng di sản có giá trị thế nào với cùng đất nơi đây. Nhưng nếu tách cây bàng ra khỏi những cơn gió êm dịu mùa hè, chắc chắn, cây bàng di sản không còn vị trí như vậy nữa. Sớm tinh khôi, gió đưa lá bàng rung nhẹ như lời chào buổi sáng đến những người dậy sớm, tập thể dục trên bờ biển. Giữa trưa, đi ngoài nắng, lá bàng rung nhẹ trong gió như khẽ động viên những con người còn vất vả mưu sinh dưới cái nắng rực của biển đảo. Lá bàng trong gió còn như đang cố nghiêng mình phủ bóng che cho anh lính đảo vẫn nghiêm trang bồng súng hướng mắt canh giữ vùng trời, vùng biển quê hương. Gió thổi bay dải mũ anh, làm khô những giọt mồ hôi lấm tấm trên lưng anh còn từng cành bàng, lá bàng thì cố gắng ngăn những tia nắng tinh nghịch nhảy múa trên khuôn mặt vửa rắng rỏi, vừa cương nghị nhưng cũng lại rất hiền hòa của anh. Chiều về, gió và những cành bàng lại cùng nhau reo vui theo mỗi bước chân sáo của đám trẻ tan trường, rồi gió, rồi lá lại như cười hiền dịu trước trước bướng bỉnh của cậu bé ham chơi, cố nán lại bên gốc bàng thêm chút nữa dù ba mẹ đã luôn tiếng gọi về ăn cơm chiều. Tối xuống, cũng lại là những cây bàng đứng nghiêm trang che sương, che gió cho những đôi tình nhân còn mải mê thả những lời yêu thương vào trong gió, trong sóng biển, trong ánh đèn cao áp vàng dịu của con đường. Cứ thế, ở đây, gió mùa hè và những cây bàng không tách khỏi nhau và cùng nhau, chúng đem đến cho người dân xứ đảo và du khách những khoảng khắc thanh bình, dịu êm, vơi đi những lo toan, nhọc nhằn. Không còn địa ngục trần gian, cũng chẳng thấy những bộn bề sinh kế, những ngày hè, bàng và gió đem lại cho xứ đảo này một sự bình an, êm dịu mà những vùng đất nhộn nhịp khác chẳng thể nào có được.
Một cây bàng di sản bên trong nhà Chúa đảo (Ảnh Đinh Lăng)
Theo Ban Quản lý di tích Côn Đảo, hiện trên địa bàn có hàng trăm cây bàng cổ thụ, nhiều nhất là ở con đường ven biển và một số ở trong các trại giam Phú Hải, Phú Sơn. Đặc biệt, có 53 cây có tuổi đời khoảng từ 130 -150 dựa trên xét nghiệm và vân gỗ. “Về hình thể, cây bàng ở Côn Đảo có những đặc điểm khá khác với các cây bàng trong đất liền. Thân cây bàng Côn Đảo thường vươn thẳng đứng, lá dày, xanh biếc hơn so với phần lớn lá bàng trong đất liền. Cả hạt bàng cũng tròn hình elip đều đặn, to hơn so với hạt bàng trong đất liền thường mỏng dẹt” - bà Phan Thị Tám – Trưởng ban Quản lý di tích Côn Đảo chia sẻ thêm.
|
Gió chướng Côn Sơn:
Cách đây chỉ mấy năm thôi, điện là vấn đề nan giải ở Côn Đảo. Còn nhớ từ năm 2012 đến năm 2016, khi chúng tôi tới Côn Đảo tổ chức chương trình ca nhạc Nghĩa tình Côn Đảo – một sự kiện văn hóa thường niên được người dân Côn Đảo trân trọng, đón nhận – thì khi chương trình diễn ra, để đủ nguồn điện, lãnh đạo và nhân dân địa phương đã tình nguyện… cắt điện nửa huyện đảo. Thế mới biết, nguồn điện ở đảo khan hiếm làm sao. Trước năm 2016, khi đến đây, chúng tôi nhận thấy nguồn điện chính của Côn Đảo đến từ nhà máy nhiệt điện An Hội và nhà máy diện trung tâm nằm ngay trên Côn Sơn. Tuy nhiên, nguồn điện đó không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân trên đảo nên điện sinh hoạt thường chỉ có khi trời đã dần tối, phần còn lại thì ưu tiên các cơ sở y tế, giáo dục và hành chính trên đảo. Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo khi đó nhận xét rằng tất cả các nhà máy điện trên mới chỉ đáp ứng được 50% tổng nhu cầu sử dụng điện trên đảo. Năm 2016, thật vui khi người dân trên đảo báo tin nguồn điện lưới đã đến với người dân, đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt của mọi người. Tuy nhiên, nhìn ở một tầm chiến lược lâu dài, đó mới chỉ là nguồn điện mang tính thụ động, nhận được từ đất liền trong khi tiềm năng về một nguồn điện nội sinh trên đảo còn rất lớn, chỉ có điều chưa được khai thác. Ông Hoàng, một ngư dân kỳ cựu trên đảo cho rằng do vị trí địa lý đặc thù, Côn Đảo còn rất nhiều tiềm năng phát triển điện gió và điện mặt trời. Ông còn nói vui với chúng tôi rằng Côn Đảo có mùa gió chướng, gió đó thừa sức quay những turbine gió, còn nắng thì theo ông, Côn Đảo cũng rực rỡ nắng như bao hòn đảo khác của Việt Nam mà ông đã có dịp đặt chân đến. Và ông tin rằng, nắng gió Côn Đảo, nếu biết khai thác đúng cách, sẽ đem lại dòng diện xanh, sạch và bền vững cho xứ đảo. Trong ánh mắt của lão ngư dân ánh lên một niềm tin vào một nguồn năng lượng sạch được tạo nên trên chính quê hương mình. Một lần nữa, cũng là gió nhưng là ngọn gió của một tương lai tươi sáng, một tương lai xanh mát trên xứ đảo mến yêu này.
Xây dựng Nhà máy điện mặt trời tại Côn Đảo (Ảnh - Baochinhphu.vn)
Với mỗi ai nặng lòng Côn Đảo hẳn sẽ dễ dàng nhận ra bức tranh tứ bình của gió ở xứ đảo này. Gió ở đây đa sắc mầu, đa tính cách hơn người ta tưởng. Gió gắn liền với những nét đặc trưng chỉ xứ đảo này mới có, từ những hàng dương kiên trung tới địa hình cong cong hình con gấu dỗi hờn quay lưng vào đất liền hay mỏm Cá Mập đỏng đảnh, từ những hàng bàng cao lớn, già nua vừa dịu hiền, vừa khắc khổ như ông như bà, như cha như mẹ đến làn gió tương mát đầy thanh xuân như những chàng trai, cô gái đang vươn mình ra biển lớn, tới tương lai. Phải chăng vì vậy, đã không quá khi nói rằng gió chính là một đặc sản, một thành tố không thể tách dời khỏi vùng biển đảo quê hương này.