Gió thiêng thùy dương:
Mảnh đất ấy từng là địa ngục trần gian, là trường học cách mạng cho những con người kiên trung. Có thời điểm, số lượng tù nhân ở Côn Đảo lên đến gần 10.000 người, trong đó phần nhiều và nổi bật là tù chính trị. Dù theo tư tưởng cứu quốc nào thì những con người từng bị giam cầm, từng nằm xuống nơi đây đều là những đấng anh hùng “lừng lẫy làm cho lở núi non”. Phan Chu Trinh, Lưu Chí Hiếu, Tôn Đức Thắng, Võ Thị Sáu…, trong hàng vạn những con người như thế, có những người còn quay lại đất liền nhưng cũng có vô số những con người vĩnh viễn ở lại, có những anh hùng hữu danh và có vô vàn những anh hùng vô danh. Thân xác họ vùi xuống, chí khí họ bay lên.
Mảnh ký ức về địa ngục trần gian (Ảnh Đinh Lăng)
Có đứng tại Cầu tầu 914, cầu Ma Thiên Lãnh, Chuồng cọp, chuồng bò, các trại giam kiểu Pháp, kiểu Mỹ hay chính nghĩa trang Hàng Dương trong ngày nắng hạ, ngẩng mặt đón những cơn gió trưa mới thấy gió không hề u uất, gió không hề bi ai mà trong gió có sự quật cường, trong gió có reo hoan như tiếng reo của hàng dương trước biển. Ở Côn Đảo, có một tập tục lạ, hầu hết du khách và cả người dân địa phương đều đi viếng nghĩa trang Hằng Dương vào ban đêm, càng nửa đêm càng đông. Dường như đó là lúc hiện tại và quá khứ, thực tế và tâm linh được kết nối với nhau một cách rõ ràng, gần gũi, dễ cảm nhận nhất. Nhờ đâu? Nhờ những cơn gió nhẹ nhàng xuyên qua hàng thùy dương, nhẹ nhàng đưa đẩy làn khói hương kết nối tấm lòng của người đương thế với cha ông, với những người vị quốc vong thân, những người hữu danh và vô danh nằm đan xen giữa nghĩa trang trải dài như vô tận. Có phải vì những khoảng khắc đó chăng mà người ta nói Côn Đảo là vùng đất thiêng, nơi người ta dễ dàng cảm nhận được sự hiện diện của cha ông, nơi quá khứ và hiện tại dễ dàng đang xen, cảm nhận lẫn nhau… và gió, vâng, chính gió, là chất xúc tác để tất cả gặp được nhau, cảm nhận được sự hiện diện của nhau.
Cầu tàu 914 (Ảnh Đinh Lăng)
Gió chướng Côn Sơn:
Côn Đảo vốn là một quần đảo với 16 hòn đảo cận kề nhau với tổng diện tích hơn 80km vuông, trong đó Côn Sơn là hòn đảo lớn nhất. Tổng thể, Côn Sơn có dáng hình như một con gấu nằm cong người về phía đất liền còn gió chướng, nôm na, chính là cách mà người dân Nam Bộ gọi các cơn gió mùa đông bắc. Do hình thế địa lý khác đặc biệt của Côn Đảo và Côn Sơn nên từ cuối tháng 10 đến tháng 4 năm sau, gió chướng thổi về, quẩn quanh trong vùng quần đảo và đặc biệt là quẩn quanh trong vùng địa thế cong cong của Côn Sơn. Những cơn gió ấy bị các dãy núi ở Côn Sơn ngăn lại, quẩn quanh không theo ý của người dân đảo, phá hư nhiều vật dụng ngoài trời của ngoài trời, thậm chí cả làm bay mái, tốc nóc những ngôi nhà đơn sơ. Gió không chỉ khiến cuộc sống trên đất liền gặp nhiều khó khăn mà đến cả tầu cá cũng không dám khơi, tầu từ đất liền cũng khó ghé đảo, sân bay Cỏ Ống ít máy bay lên xuống.
Mũi Cá Mâp (Ảnh Trần Văn An)
Những ngày ấy, cuộc sống trên đảo gặp nhiều khó khăn hơn nhưng ở một góc nhìn nào đó, Côn Đảo mùa gió chướng lại trở về với sự nguyên sơ vốn có. Trong một chiều gió chướng năm 2016, người viết cùng với một người bạn là cư dân trên đảo đã có một chuyến hành trình bằng xe máy từ trung tâm Côn Sơn ra cảng Bến Đầm. Với chúng tôi, gọi đây là một chuyến hành trình cũng không có gì là quá đáng bởi lẽ con đường tuy không xa, chỉ gần 20km nhưng là ngược gió. Gió mạnh lắm, gió lạng tay lái, gió giật, gió quẩn, gió liên hồi, gió không muốn nghỉ… Và chúng tôi đã thực sự muốn bỏ cuộc khi xe tới con dốc dẫn đến mũi Cá Mập. Dốc cao, gió ngược khiến tay lái chòng chành dù rằng xe tốt và người lái cũng nhiều kinh nghiệm. Cuối cùng, chúng tôi đành phải dừng lại ở một góc khuất gió, đợi những cơn gió chướng qua đi mới tiếp tục lên đường. Mà phải chăng, Côn Đảo biết mình đã lỡ “khó tính” với khách phương xa nên ngay sau đó đã đền bù cho tôi một cảnh quan tuyệt mỹ. Đứng trên mũi Cá Mập, một mũi đất nhô ra biển, nhô cao và xa hơn cả những bãi bồi, những mũi đất xung quanh, mà ngắm gió, ngắm hoàng hôn thì không có gì đẹp và khoáng đãng hơn. Xung quanh là những bãi cỏ cháy, là những bãi đá ngổn ngang, phía dưới là những con sóng đua nhau táp bờ. Người Côn Đảo gọi đây là mũi Cá Mập bởi xưa kia, khi tầu thuyền chưa nhiều, vào mùa, cá mập thường đến nơi đây sinh sản. Lại cũng có người nói do nhìn từ phía biển, mũi đất này như mũi của một con cá mập to lớn đang từ đất liền lao ra đại dương. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì họ đều thống nhất với nhau rằng vào mùa gió chướng, đây là con đường khó đi nhất của Côn Đảo, không phải vì đường xấu mà vì gió – gió là lý do duy nhất. Tuy nhiên, với những người dân trên đảo, gió chướng là một phần của cuộc sống, là một phần dòng chảy của đảo và họ đón nhận gió theo một cách đơn giản và bình tĩnh nhất.
Mũi Cá Mập mùa gió chướng (Ảnh Thanh Tùng)
Nói đến Côn Đảo, nhiều người vẫn nhớ đây là địa ngục trần gian. Trong cái ký ức đó, gió cũng mang những sắc mầu, những tính cách vừa bi vừa tráng. Nhưng cũng vẫn là những cơn gió biển đảo ấy, trong mùa cuối năm, lại đỏng đảnh, lại dằn dỗi khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, nếu gió chỉ có thế, chắc chắn gió không trở thành một thứ đặc sản được người dân xứ đảo yêu thương mà gió còn có nhiều tính cách, sắc mầu khác, đem lại sự thảnh thơi, dễ chịu và cả tương lai cho người dân xứ đảo. Câu chuyện về gió sẽ còn được kể tiếp…