Sự cần thiết xây dựng cơ sở dữ liệu Thông tin đối ngoại tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 05/02/2020

Trong thời gian qua, công tác quản lý thông tin đối ngoại của tỉnh luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại cũng như các cơ quan chuyên môn, ban ngành và các địa phương quan tâm triển khai, cùng chung tay với tỉnh triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh hiệu quả.

 

Các chương trình hành động, các kế hoạch được triển khai từ cấp tỉnh tới cấp xã, từ vùng biển tới miền núi biên giới, các cụm thông tin đối ngoại được hình thành nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh con người của tỉnh Thừa Thiên Huế, tình đoàn kết hợp tác với nước láng giềng như cụm thông tin đối ngoại tại khu vực cảng Chân Mây Lăng Cô, cụm Pano tuyên truyền tại cửa khẩu A Đớt – huyện A Lưới.
 
Ảnh Pano được xây dựng tại cửa khẩu A Đớt – huyện A Lưới
 
Theo đó, hệ thống thông tin quảng bá hình ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế bao gồm: “Các hoạt động đối ngoại của UBND tỉnh; Thông tin được đăng tải trên Cổng/Trang thông tin điện tử của tỉnh, các cơ quan chuyên môn, UBND cấp huyện, bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài; Hệ thống dữ liệu quảng bá hình ảnh của tỉnh, xuất bản phẩm bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài; Hệ thống thông tin đối ngoại tại các cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sắt; Các sản phẩm báo chí của các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và truyền thông nước ngoài, phổ biến qua mạng internet; Các hoạt động tiếp xúc, hợp tác với cơ quan báo chí nước ngoài; Các hoạt động truyền thông của các sự kiện lớn tổ chức tại tỉnh, thành phố và ở nước ngoài..”.
 
Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, quá trình triển khai thực tế hoạt động thông tin đối ngoại tại tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn trong công tác quản lý đặc biệt là trong việc cập nhật, tổng hợp, chia sẻ cơ sở dữ liệu (CSDL) về thông tin đối ngoại của tỉnh, cụ thể như: 
1. Hệ thống văn bản về các kế hoạch thông tin đối ngoại của các ngành, địa phương hiện tại chỉ lưu trữ trên văn bản giấy, hoặc văn bản điện tử nhưng lưu trữ trên hệ thống phần mềm quản lý điều hành tập trung của tỉnh (không thể kết nối công khai ra cộng đồng để quảng bá). Các video, hình ảnh quảng bá về tỉnh Thừa Thiên Huế của các ngành, đơn vị, địa phương sau khi thực hiện triển khai công tác thông tin đối ngoại chỉ lưu trữ tại đơn vị mình mà chưa có phương thức lưu trữ tập trung nào, đồng thời chỉ thực hiện trong một thời gian cụ thể chứ không quảng bá, công chiếu xuyên suốt thời gian trong năm. Tỉnh vẫn chưa có cơ chế chia sẻ CSDL về thông tin đối ngoại giữa các ngành và các địa phương, giữa tỉnh với các Bộ ban ngành và địa phương khác. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống CSDL vẫn đang nằm riêng lẻ trên hệ thống thông tin của Cổng thông tin điện tử của Tỉnh ủy, Cổng thông tin điện tử tỉnh (phiên bản tiếng Việt Nam, Pháp, Anh), Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Ngoại Vụ (Tiếng Anh), Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm xúc tiến đầu tư về du lịch, Báo Thừa Thiên Huế online (Tiếng Việt, Tiếng Anh), Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Trung tâm Festival, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Đại học Huế, bệnh viện Trung Ương Huế, các cơ quan chuyên môn, các địa phương... chưa tập trung vào một hệ thống thông tin cụ thể.
 
2. Công tác triển khai hoạt động thông tin đối ngoại của các ngành, địa phương trong tỉnh đều diễn ra hằng năm, tuy nhiên, các kế hoạch này chỉ được lưu trữ và luân chuyển bằng văn bản giấy hoặc được lưu trữ, chuyển văn bản thông qua hệ thống phần mềm trang điều hành tác nghiệp của tỉnh, hình thức này không được quảng bá rộng rãi về mặt thông tin theo đúng tính chất của thông tin đối ngoại. Ngoài ra sản phẩm của hoạt động thông tin đối ngoại là các video, hình ảnh quảng bá, sản phẩm báo chí,… về tỉnh Thừa Thiên Huế của các ngành, địa phương sau khi thực hiện triển khai công tác thông tin đối ngoại chỉ lưu trữ tại đơn vị mình mà chưa có phương thức lưu trữ tập trung nào, đồng thời chỉ thực hiện trong một thời gian cụ thể chứ không quảng bá, công chiếu xuyên suốt thời gian trong năm. 
 
3. UBND tỉnh vẫn chưa có cơ chế, quy định về việc cập nhật, cung cấp, chia sẻ, tích hợp CSDL về thông tin đối ngoại giữa các ngành và các địa phương, giữa tỉnh với các Bộ ban ngành và địa phương khác trong cả nước. Đồng thời, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chưa có một kênh thông tin chính thức về thông tin đối ngoại để các địa phương, ngành hoặc các đối tác với tỉnh quốc tế biết về Thừa Thiên Huế.
 
4. Các hệ thống thông tin hiện có của tỉnh vẫn chưa đáp ứng việc cập nhật, tổng hợp, chia sẻ và cung cấp thông tin quảng bá hình ảnh chung của tỉnh, chính vì vậy, cần thiết xây dựng một ứng dụng tập trung nhằm cung cấp thông tin, quảng bá hình ảnh rõ nét hơn về tỉnh Thừa Thiên Huế.
 
Một góc Đại Nội Huế
Từ những khó khăn, bất cập trong việc quản lý về CSDL thông tin đối ngoại trên, việc triển khai kế hoạch xây dựng hệ thống CSDL thông tin đối ngoại và làm sao tập trung các CSDL của thông tin đối ngoại về một mối hiện nay là hết sức cần cần thiết. Khi triển khai xây dựng kế hoạch sẽ hình thành một hệ thống quản lý về hình ảnh, video, bài viết, các kế hoạch, danh mục về thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh với mục đích chính việc xây dựng này nhằm: 
 
- Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND tỉnh, sự quản lý và điều hành thống nhất của UBND tỉnh, sự hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Trung ương và địa phương nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. 
 
- Quảng bá về con người, tiềm năng thế mạnh của tỉnh Thừa Thiên Huế; Thông tin cho quốc tế biết nhiều hơn nữa về Thừa Thiên Huế; 
 
- Thông tin để giải thích và làm rõ các luận điệu để làm rõ vấn đề, phản biện với những thông tin trái chiều với tình hình của Thừa Thiên Huế. Thông qua hệ thống dữ liệu về thông tin đối ngoại thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giới thiệu, quảng bá hình ảnh của quê hương, đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, bản sắc Việt Nam nói chung và của Thừa Thiên Huế nói riêng; thông tin về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhằm thu hút đầu tư về hoạt động thông tin đối ngoại; thông tin giải thích và làm rõ vấn đề, phản biện với những thông tin trái chiều với tình hình của Thừa Thiên Huế; khai thác cập nhật, thẩm định, bổ sung những thông tin tốt đẹp, hữu ích về Thừa Thiên Huế do hệ thống thông tin đại chúng ngoài tỉnh, ngoài nước đăng tải. 
 
- Tập hợp các CSDL thông tin đối ngoại nằm rải rác, phân tác ở các đơn vị địa phương thành một hệ thống được sàn lọc, kiểm định, phân loại bài bản, khoa học, phục vụ tốt công tác đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Hoàn thiện CSDL thông tin đối ngoại tỉnh Thừa Thiên Huế để chủ động đồng bộ, kết nối với hệ thống CSDL thông tin đối ngoại quốc gia trong thời gian tới. 
 
- Thiết lập bổ sung, lưu trữ một hệ thống CSDL về thông tin đối ngoại chính thống của tỉnh Thừa Thiên Huế, qua đó có thể cập nhật, chia sẻ dữ liệu này để tiếp cận được nhiều đối tượng trong hoạt động thông tin đối ngoại sát với tình hình thực tế của địa phương, phục vụ công tác tra cứu, tìm hiểu, nghiên cứu về địa phương, tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.
 
Đầm Lập An – Lăng Cô
 
Trên cơ sở những phân tích trên, cần thiết xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin đối ngoại là hệ thống dữ liệu sau khi được số hóa, tích hợp từ các hệ thống dữ liệu của các cơ quan ban ngành, của tỉnh nhằm phục vụ nhiệm vụ thông tin đối ngoại. Xác định rằng cơ sở dữ liệu về thông tin đối ngoại là nguồn cung cấp thông tin chính thức của địa phương cho các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và nước ngoài, phục vụ công tác tra cứu, tìm hiểu, nghiên cứu về tỉnh nhà, ngoài ra dữ liệu này là một tư liệu quý để các ngành và địa phương cùng nhau khai thác truyền thông rộng rãi trong thời gian tới.
 
Quang Huy
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm
Lượt truy cập - trang truyền thông
Truy câp tổng 976.124
Truy câp hiện tại 380