Những bữa cơm cùng lính đảo Trường Sa
Ngày cập nhật 29/10/2019
Các “anh nuôi” đang chuẩn bị bữa ăn trên tàu.

Sau những chuyến hành trình đến với Trường Sa, khi trở về đất liền, một trong những điều nhớ nhất, để lại ấn tượng không thể nào quên, đó là những bữa cơm trên các đảo cùng với những người lính nơi đầu sóng ngọn gió, phên dậu biên cương của Tổ quốc.

Trong cuộc sống hàng ngày, bữa cơm gia đình người Việt luôn mang những giá trị tinh thần lớn lao. Bởi ở đó, mỗi người có thể cảm nhận được sâu sắc những khoảnh khắc sum họp, tình yêu thương của mỗi thành viên trong gia đình dành cho nhau. Còn những bữa cơm với đồng chí, đồng đội của những người lính đảo Trường Sa ra sao?

 

Mỗi ngày ăn 4 bữa chính

 

Khác với trên đất liền, bộ đội Trường Sa ăn mỗi ngày 4 bữa, gồm: sáng, trưa, chiều và đêm. Bữa sáng thường là cơm, canh với đồ hộp hoặc mì ăn liền với trứng. Bữa trưa và chiều, thực đơn chính ngoài cơm, canh, đồ hộp còn có thêm rau và lâu lâu mới có thức ăn được chế biến từ thịt tươi sống. Còn bữa đêm, để bộ đội có thêm năng lượng tuần tra, canh gác và phục hồi sức khỏe sau một ngày huấn luyện, anh nuôi thường chế biến các món chè hoặc cháo hải sản.

 

Thoạt nhìn, bữa cơm trên đảo không khác trên đất liền là mấy, cũng có thịt kho hoặc cá kho, canh, rau luộc, rau sống, nước chấm… nhưng để có một bữa ăn như thế là cả một sự cân đong đo đếm. Đơn cử, để có thịt tươi và rau ăn hàng ngày, tại các đảo nổi như Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Phan Vinh, Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, An Bang, Sinh Tồn…, bộ đội tận dụng tối đa những khoảng trống giữa các công sự để nuôi gà, heo… và trồng rau. Còn tại các đảo chìm như Tốc Tan, Đá Lát, Đá Thị, Thuyền Chài, Đá Tây, Đá Đông, Tiên Nữ…, bộ đội phải dùng thùng xốp, thùng nhựa đặt, treo lủng lẳng khắp nơi để trồng rau và phải chăm sóc từng li từng tí. Vì không có nơi để chăn nuôi nên với các đảo chìm này, nhìn chung đồ hộp là “trường kỳ chiến đấu” trong mỗi bữa ăn của bộ đội.

 

Thượng úy Nguyễn Hữu Son, Chính trị viên đảo Đá Thị (nay là đại úy, công tác tại Lữ đoàn 682), cho biết: So với trước kia, bữa ăn của bộ đội ở những đảo chìm đã được cải thiện đáng kể. Trước kia, đảo chỉ được nhận hàng hậu cần 2 lần/năm, còn sau này là 4 lần/năm. Mỗi đảo đều được trang bị tủ cấp đông, đồ tươi sống có thể bảo quản tối đa trong thời gian 3 tháng. Ngoài hàng cấp đông, các đảo cũng được bổ sung nguồn cá biển, bạch tuộc, sò tươi do tự đánh bắt hoặc ngư dân tặng. Nhờ đó, bộ đội có nhiều bữa ăn tươi hơn. “Nhưng anh em không được phép tự ý đi đánh bắt cá, chỉ khi nào được phép của người chỉ huy, bảo đảm an toàn tuyệt đối mới được “cải thiện”. Đây là quân lệnh”, thượng úy Nguyễn Hữu Son cho biết.

 

Không rượu, không bia

 

Trong những lần “đất liền” ra thăm Trường Sa, ngoài tình cảm đong đầy, chan chứa yêu thương, mỗi chuyến tàu đều chở theo hàng tấn heo thịt (nguyên con còn sống), rau củ quả các loại để tặng bộ đội và nhân dân trên các đảo, bổ sung thêm cho các tủ cấp đông.

 

Mặc dù bộ đội trên đảo ăn theo chế độ quy định và rất ít khi có những bữa ăn với thịt cá tươi, nhưng những bữa ăn của khách “đất liền” bao giờ cũng có rau xanh, thịt cá tươi và đặc sản của biển đảo. Tôi mãi ấn tượng những bữa cơm cùng lính đảo ở Song Tử Tây, Sơn Ca và Nam Yết vào đầu năm 2018. Được tin có đoàn cán bộ quân chính và nhà báo ra thăm và ở lại qua đêm, chỉ huy các đảo đã lên kế hoạch để bộ đội phối hợp với ngư dân trên đảo tổ chức câu cá, mực; lặn bắt sò, ốc nhảy… Hạt đậu xanh, đậu đen được ngâm ủ thành giá. Rau xanh các loại được thu hoạch “tăng cường”. Vì vậy, bữa cơm trên đảo chẳng khác gì một bữa đại tiệc, thoạt nhìn là muốn ăn ngay. Ăn xong còn có cả món tráng miệng là chuối hoặc bưởi. Nếu như trong bữa cơm gia đình Việt, người già và trẻ em thường được đặc biệt quan tâm. Thì ở trên đảo, khách “đất liền” được bộ đội ưu tiên hàng đầu. Những người lính đảo dành tình cảm đặc biệt và những món đặc sản, ngon nhất để mời khách.

 

Một bữa cơm trên đảo Sơn Ca. Ảnh: XUÂN HIẾU

 

Có một điều rất đặc biệt là trên tất cả các đảo đều không có rượu, bia hay bất cứ loại nước uống có men nào. Khi thấy trên bàn ăn phong phú những loại hải sản như cá bò da, ốc nhảy, bạch tuộc…, nhiều người ao ước có được ly rượu để “dễ tiêu hóa” nhưng tuyệt nhiên không tìm đâu ra, vì từ lâu bộ đội Trường Sa đã “nói không với rượu, bia”. Đại tá Nguyễn Công Sơn, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, cho biết: “Để bảo đảm an toàn cho các hoạt động tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Bộ Tư lệnh Vùng 4 nghiêm cấm tập thể, cá nhân đưa rượu, bia lên đảo… Mọi trường hợp (kể cả tiếp đón các đoàn khách) đều không được sử dụng rượu, bia. Quy định này được thực hiện nghiêm túc, góp phần không nhỏ nâng cao nền nếp chính quy, kỷ luật của các đơn vị bộ đội nơi đầu sóng, ngọn gió…”

 

Anh nuôi phục vụ tận tình

 

Không chỉ ở trên các đảo, những bữa cơm trên tàu cũng để lại trong tôi những ấn tượng khó quên. Mặc dù hải trình của đoàn trên biển dài gần 20 ngày, nhưng trong các bữa ăn, ngoài cơm, canh, thịt cá kho còn có rau củ quả và món ăn được thay đổi hàng ngày. Nhờ đó, mặc dù mệt mỏi vì say sóng, mỗi bữa ăn mọi người đều cảm thấy ngon miệng.

 

Khi tôi thắc mắc làm thế nào để bảo quản rau củ quả đủ phục vụ cả chuyến đi cho hàng trăm người ăn, anh bếp trưởng cho biết: Trước khi tàu nhổ neo 3 ngày, bộ phận bếp đã lên thực đơn các món cho từng ngày, từng bữa cũng như định lượng khẩu phần ăn. Sau khi nhập thực phẩm, bộ phận này tiến hành phân loại để bảo quản. Với rau xanh, phải chọn rau chất lượng, để ráo trong phòng mát, sau đó bọc nilon đóng kín sắp xếp vào kho lạnh bảo quản. Rau và các loại củ quả phải để riêng và không để chồng lên nhau, tránh dập nát, nhanh hỏng sẽ không còn dinh dưỡng.

 

Nhà ăn tập thể trên tàu chỉ có thể bố trí được 50-60 người, không thể ăn tập trung một lần nên đến bữa phải chia thành nhiều ca. Những trường hợp bị say sóng không đến được nhà ăn thì tổ phục vụ cử người đưa cơm đến tận phòng; trường hợp đặc biệt không ăn nổi cơm thì được anh nuôi tận tình nấu cháo thay cơm. Để bảo đảm cơm ngon canh ngọt và đúng bữa, các anh nuôi phải thức dậy từ 3 rưỡi sáng và kết thúc công việc hàng ngày vào khoảng 11 giờ đêm.

 

Công việc vất vả là vậy, nhưng các anh nuôi luôn vui vẻ, chan hòa với mọi người. Tất cả thành viên trong đoàn công tác đều rất khâm phục tinh thần, thái độ phục vụ của các anh nuôi, nhất là những khi sóng to gió lớn, con tàu cứ dập dềnh, nghiêng ngả liên tục mà vẫn có những bữa ăn ngon, đúng giờ. Trong khi đó, nhiều người trong tổ phục vụ không được đào tạo về nấu ăn, nhưng khi được phân công làm “anh nuôi” bất đắc dĩ, họ đều hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

 

Với đặc thù ở quần đảo Trường Sa, thời tiết thay đổi thất thường, địa hình bờ biển phức tạp và hàng ngày có nhiều tàu, xuồng hoạt động, việc di chuyển trên tàu, xuồng khi biển động rất nguy hiểm nên việc sử dụng rượu, bia ảnh hưởng lớn đến công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xử lý các tình huống và dễ dẫn đến mất an toàn. Vì vậy, đơn vị đã tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các lực lượng làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa và tất cả đã thực hiện tốt quy định này.

 

Đại tá Bùi Đình Dương, Phó Lữ đoàn Trưởng,

Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146

 

 

Theo: Báo Phú Yên
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm
Lượt truy cập - trang truyền thông
Truy câp tổng 976.124
Truy câp hiện tại 625