Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo: Vẫn cần làm rõ nhiều điểm bảo vệ môi trường biển
Ngày cập nhật 17/09/2019
Ảnh minh họa

Tháng 6/2015, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo với nhiều nội dung về bảo vệ môi trường biển được thể chế hóa, làm cơ sở quan trọng để siết chặt nhiệm vụ bảo vệ môi trường biển, đảo. Tuy vậy, qua thời gian thực hiện tại địa phương, Luật còn không ít bất cập, cần làm rõ một số vấn đề quan trọng để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ quản lý và bảo vệ môi trường biển, đảo.

 

Theo các chuyên gia, một số nội dung cần làm rõ hoặc bổ sung cho phù hợp hơn nhằm góp phần hoàn thiện thể chế trong công tác bảo vệ môi trường biển, trong đó có vấn đề nhận chìm ở biển. Đó là, xem xét ban hành Quy hoạch nhận chìm làm căn cứ cho việc nhận chìm ở biển. Mặc dù, Khoản c, Điều 49, Nghị định 40/2016/NĐ-CP quy định khu vực biển đề nghị được sử dụng để nhận chìm phù hợp với quy hoạch sử dụng biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cần đồng bộ giữa việc cấp phép nhận chìm ở biển và giao khu vực biển. Khoản b, Mục 2, Điều 61, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quy định tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép nhận chìm ở biển có nghĩa vụ nộp lệ phí cấp phép và tiền sử dụng khu vực biển để nhận chìm theo quy định của pháp luật, tuy vậy, việc cấp phép nhận chìm ở biển và cấp phép khu vực biển hiện nay vẫn riêng rẽ, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp phải hoàn thiện thủ tục xin giấy phép nhận chìm trước sau đó tiếp tục xin giấy phép sử dụng khu vực biển. Điều này gây ra sự bất tiện không đáng có, do vậy, nên sửa đổi các thủ tục hiện tại theo hướng đồng thời cấp phép nhận chìm và cấp phép sử dụng khu vực biển trên cùng một giấy phép.

 Hoàn thiện các quy định về việc lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan. Theo quy định, một số hoạt động cần phải lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan như: thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ… Tuy vậy, hoạt động nhận chìm lại chưa được nhắc đến về vấn đề lấy ý kiến các bên liên quan. Khác với trên đất liền, các hoạt động ở trên biển thường có sự ảnh rất rộng đến các bên liên quan khác nhau. Do tính chất lan truyền vật chất trong nước biển nên hoạt động nhận chìm trên biển có thể ảnh hưởng rất lớn đến các khu vực xung quanh nhận chìm. Do vậy, cần thiết phải xin ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan đối với hoạt động nhận chìm ở biển.

 Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế cho hệ thống giám sát nhận chìm. Điều 4 và Khoản 5, Điều 57, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cùng nhấn mạnh việc nhận chìm ở biển phải được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, tuy vậy, ở các văn bản dưới Luật hiện vẫn chưa quy định rõ nội dung này. Môi trường biển có nhiều yếu tố tiềm ẩn, rất khó lường, do vậy công tác giám sát trong hoạt động nhận chìm rất quan trọng. Việc giám sát khi nhận chìm cần được giám sát liên tục 24/7, thời gian giám sát cả trước, trong và sau khi nhận chìm.

 Bên cạnh đó, cần lưu ý vấn đề lượng giá các hệ sinh thái, từ đó, làm cơ sở cho việc phạt các hành vi ảnh hưởng đến môi trường biển. Thực tế cho thấy, các sự cố môi trường biển diễn ra ở phạm vi rộng, mức độ ảnh hưởng rất to lớn. Tuy vậy, việc xác định đúng giá trị thiệt hại để tiến hành đền bù lại gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, trên thế giới cũng như ở trong nước có nhiều nghiên cứu khoa học về xác định lượng giá hệ sinh thái, từ đó, làm cơ sở cho việc xác định mức phạt các hành vi ảnh hưởng đến môi trường biển. Do vậy, đây là căn cứ quan trọng để tiến hành thể chế hóa các nghiên cứu này và áp dụng vào thực tế.

 

 

Theo Tổng cục biển đảo Việt Nam (http://www.vasi.gov.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm
Lượt truy cập - trang truyền thông
Truy câp tổng 985.492
Truy câp hiện tại 8.024