Tại hội nghị phát triển kinh tế miền Trung được tổ chức ngày 20/8 tới đây, các đại biểu sẽ thảo luận các giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển các ngành kinh tế biển mũi nhọn của vùng miền Trung theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đóng góp lớn hơn vào quy mô kinh tế của cả nước.
Vùng miền Trung là mặt tiền biển của Việt Nam, chiếm 50% số tỉnh giáp biển của cả nước (14/28 tỉnh, thành phố) với chiều dài đường bờ biển 1.900 km, chiếm gần 60% chiều dài bờ biển cả nước, là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển theo Nghị quyết số 36-NQ/TW.
Các lĩnh vực, ngành kinh tế biển và ven biển của vùng miền Trung đang tập trung phát triển là: Du lịch và dịch vụ biển; phát triển các cảng biển nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các khu liên hợp công nghiệp; khai thác, chế biến dầu khí; nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành du lịch vùng miền Trung đang trở thành động lực tăng trưởng, ngành công nghiệp không khói của vùng. Năm 2018, toàn vùng đã đón được trên 54 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 11,9 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu nhập từ du lịch đạt gần 121.670 tỷ đồng, bằng 39,8% số lượt khách quốc tế, 32,6% lượt khách nội địa đi lại giữa các địa phương ở Việt Nam và bằng 19,4% tổng thu nhập du lịch cả nước.
Về khai thác các cảng biển khu vực miền Trung, theo quy hoạch, vùng miền Trung có 14 nhóm cảng biển, trong đó 8 nhóm cảng biển loại I là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực.
Tuy nhiên, thực tế trừ một số cảng đã quá tải như cảng Tiên Sa, Đà Nẵng và các cảng chuyên dụng tại Nghi Sơn, Dung Quất thì hoạt động của nhiều cảng biển trong khu vực chỉ dưới dạng gom hàng, sau đó chuyển đến các cảng lớn như Hải Phòng, TP.HCM… xuất đi các nước. Do đó, hiệu quả kinh tế không cao, hoạt động không hết công suất.
Nguyên nhân do vùng thiếu các khu công nghiệp lớn, có khả năng sản xuất hàng hóa lớn phục vụ cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Với việc thiếu những nhà đầu tư lớn tầm cỡ, thiếu các khu công nghiệp mạnh, lợi thế cảng biển chưa phát huy hiệu quả như mong muốn.
Về công nghiệp biển, khai thác dầu khí, hiện nay trên địa bàn có 2 dự án lọc dầu quy mô lớn đang hoạt động là Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa). Ngoài ra, còn có nhà máy sản xuất polypropylene Dung Quất, công suất 150.000 tấn/năm đi vào vận hành thương mại từ tháng 7 năm 2010.
Tại Khu vực mỏ khí Cá Voi Xanh, các mỏ đã và đang chuẩn bị đưa vào khai thác, hằng năm sẽ cung cấp, bảo đảm sản lượng khí cho Trung tâm điện lực Miền Trung (Khu kinh tế Chu Lai và Dung Quất), đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, đóng góp cho nguồn thu ngân sách nhà nước.
Về nuôi trồng và khai thác hải sản, chất lượng và hiệu quả nuôi trồng có nhiều chuyển biến; đã hình thành một số vùng nuôi tôm thâm canh theo mô hình VietGAP với quy mô diện tích lớn. Số lượng tàu cá khai thác hải sản xa bờ tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng; số lượng tàu cá đóng mới có công suất lớn tăng nhanh, đặc biệt là loại tàu có công suất trên 400 CV.
Vùng miền Trung có tiềm năng về điện mặt trời, điện gió. Tính cuối tháng 6/2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, với tổng công suất đạt 4.543,8 MW, trong đó, riêng 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện có 38 nhà máy điện gió, điện mặt trời với tổng công suất đặt 2.027 MW. Dự kiến, đến tháng 12/2020, công suất điện gió và điện mặt trời ở 2 tỉnh này sẽ tăng lên 4.240 MW.
Lũy kế đến hết tháng 6/2019, 11 khu kinh tế trên địa bàn miền Trung có 209 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 31,942 tỷ USD, vốn thực hiện là 24,156 tỷ USD; 1.005 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 587,615 nghìn tỷ đồng, vốn thực hiện là 258,981 nghìn tỷ đồng.
Tổng giá trị sản xuất công nghiệp tại các khu kinh tế trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 8,213 tỷ USD; giá trị xuất nhập khẩu đạt 12,046 tỷ USD và nộp ngân sách đạt 17,602 nghìn tỷ đồng…
Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội biển đảo gắn với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo được duy trì. Xây dựng lực lượng bảo vệ biển, đảo ngày càng vững mạnh, gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Các tổ chức nghề cá như nghiệp đoàn, tổ đoàn kết, hợp tác xã, tổ hợp tác ngày càng được cũng cố, nhân rộng nhằm gắn kết hỗ trợ nhau trong khai thác hải sản xa bờ, cứu hộ, cứu nạn, đồng thời góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đánh giá, phát triển kinh tế biển miền Trung vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Trong đó, hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, cơ sở vật chất chưa đồng bộ, đặc biệt kết nối hạ tầng đường ven biển, các sân bay quốc tế tại các trung tâm du lịch (Huế, Đà Nẵng) đã quá tải và thiếu cảng biển du lịch.
Nguồn lực huy động cho phát triển du lịch còn hạn chế; liên kết phát triển du lịch du lịch giữa các địa phương trong vùng còn nặng về hình thức, sự phối hợp giữa du lịch với các ngành liên quan chưa chặt chẽ; nguồn nhân lực du lịch đã qua đào tạo, chất lượng cao còn thiếu chưa đáp ứng và bắt kịp tốc độ phát triển du lịch của vùng.
Được xác định là một trong các trung tâm lọc hóa dầu quốc gia, tuy nhiên, hiện tại, trên địa bàn khu kinh tế Dung Quất chỉ mới hình thành 02 Nhà máy sản xuất liên quan lĩnh vực lọc, hóa dầu; sản phẩm chủ yếu là xăng, dầu và hạt nhựa PP; các nhà máy sản xuất từ sản phẩm lọc hóa dầu chưa nhiều. Qua đó, có thể thấy các điều kiện cần thiết để phát triển thành cụm ngành lọc hóa dầu, trung tâm lọc hóa dầu trên địa bàn khu kinh tế Dung Quất còn gặp nhiều khó khăn.
Về cảng biển nước sâu, mặc dù có lợi thế về cảng nước sâu lượng hàng thông qua cảng đạt khối lượng lớn (hơn 18 triệu tấn trong năm 2018), tuy nhiên, lượng hàng chủ yếu là xăng dầu, xi măng, thép, còn lại chủ yếu là dăm gỗ. Hàng hóa thông qua cảng chưa đa đạng; hàng container rất ít; dịch vụ vận tải biển chậm phát triển; chưa tận dụng lợi thế cảng nước sâu để phát triển logistic, vận tải biển cho vùng và các địa phương thuộc hành lang kinh tế Đông – Tây với các nước Lào, Campuchia, Thái Lan. Chi phí vận tải còn cao hơn các vùng khác.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến năm 2018, qua số liệu thống kê, các chỉ tiêu tổng hợp có thể thấy 14 tỉnh miền Trung chiếm tỷ lệ thấp so với 14 tỉnh giáp biển còn lại, đặc biệt là các chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người, kim ngạch xuất khẩu…