Quy chế pháp lý của Biển cả (High seas)
Ngày cập nhật 06/08/2019

Trên cơ sở Công ước Geneva về Biển cả năm 1958 và các tập quán quốc tế, qua các thảo luận, đàm phán thương lượng tại các Hội nghị Luật biển do Liên hợp quốc tổ chức, các quy định về Biển cả đã được thông qua, quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Biển cả là một trong 07 vùng biển được quy định quy chế pháp lý trong UNCLOS (gồm: Nội thủy, Lãnh hải, Tiếp giáp lãnh hải, Vùng đặc quyền kinh tế, Thềm lục địa, Vùng và Biển cả).

 

Biển cả là (bao gồm) tất cả những vùng biển không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải hay nội thủy của một quốc gia cũng như không nằm trong vùng nước quần đảo của quốc gia quần đảo (Điều 86 của UNCLOS). Theo quy định trước đó, tại Điều 1 của Công ước Geneva về Biển cả năm 1958 thì Biển cả chỉ bao gồm các vùng biển không thuộc lãnh hải hay nội thủy của một quốc gia. Bởi vì, trước UNCLOS, các quốc gia ven biển có 03 vùng biển là nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải (chưa có quy định về vùng đặc quyền kinh tế, vùng nước quần đảo) nên Biển cả bao gồm vùng tiếp giáp lãnh hải và tất cả các vùng nước bên ngoài lãnh hải của một quốc gia. Tuy nhiên, tại Hội nghị Luật biển lần thứ ba (1973 - 1982), các quốc gia đã đồng ý có vùng đặc quyền kinh tế, vùng nước quần đảo do đó phạm vi Biển cả đã bị thu hẹp và bị đẩy ra xa bờ biển hơn trước tới gần 200 hải lý (vì có thêm vùng đặc quyền kinh tế với chiều rộng đến 188 hải lý tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải). Mặc dù vậy, Biển cả vẫn rất rộng lớn, chiếm khoảng 2/3 diện tích đại dương và 95% thể tích đại diện.

Các quy định về Biển cả được tập trung tại Phần VII của UNCLOS, từ Điều 86 đến Điều 120, ngoài ra các điều khác của UNCLOS cũng được dẫn chiếu, áp dụng liên quan đến Biển cả.

Quy chế pháp lý của Biển cả bao gồm tất cả các quy định liên quan đến hoạt động của các quốc gia trên Biển cả mà trọng tâm là tự do trên Biển cả (freedoms of high seas). Tự do Biển cả là nguyên tắc mà cha đẻ của luật biển quốc tế và luật pháp quốc tế nói chung là Hugo Grotius (Hà Lan) đã nêu ra trong cuốn sách kinh điển của ông - Mare Liberum (1609).

Quyền tự do trên Biển cả được quy định tại Điều 87 của UNCLOS, cụ thể như sau:

1. Biển cả được để mở cho tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển. Quyền tự do trên Biển cả được thực hiện trong những điều kiện do các quy định của Công ước này và các quy định khác của pháp luật quốc tế trù định. Tự do trên Biển cả dành cho các quốc gia có biển và không có biển, quyền tự do đặc biệt này bao gồm:

a) Tự do hàng hải;

b) Tự do hàng không;

c) Tự do lắp đặt cáp và ống dẫn ngầm tuân thủ theo quy định của Phần VI;

d) Tự do xây dựng các đảo nhân tạo và các công trình nhân tạo khác được pháp luật quốc tế cho phép tuân thủ theo quy định của Phần VI;

đ) Tự do đánh bắt hải sản trong các điều kiện được quy định trong mục 2 của phần này (phần VII);

e) Tự do nghiên cứu khoa học tuân thủ theo quy định của Phần VI và XIII.

2. Mỗi quốc gia khi thực hiện các quyền tự do này phải tính đến lợi ích của việc thực hiện quyền tự do trên Biển cả của các quốc gia khác cũng như đến các quyền được Công ước thừa nhận liên quan đến các hoạt động trong Vùng.”

So với Công ước Geneva về Biển cả năm 1958, quyền tự do trên Biển cả được bổ sung thêm hai quyền là (i) tự do xây dựng các đảo nhân tạo và các công trình nhân tạo và (ii) tự do nghiên cứu khoa học. Trên Biển cả, các quốc gia được hưởng 06 quyền tự do cơ bản nêu trên. Tuy nhiên, tại Điều 88 của UNCLOS quy định, Biển cả phải được sử dụng vào các mục đích hòa bình. Theo quy định tại Điều 87, trên Biển cả, tất cả các quốc gia đều có các quyền tự do biển cả, nhưng “Quyền tự do trên Biển cả được thực hiện trong những điều kiện do các quy định của Công ước này và các quy định khác của pháp luật quốc tế trù định”. Như vậy, quyền tự do trên Biển cả còn phải tuân thủ các quy định của (1) pháp luật quốc tế như: quyền tự do hàng hải cần tuân thủ các quy định về an toàn hàng hải trong tập quán quốc tế hay các công ước của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO); quyền tự do hàng không cần tuân thủ các quy định về an toàn hàng không trong tập quán quốc tế hay các công ước của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) hoặc phải tuân thủ (2) các quy định tại UNCLOS như: quyền tự do lắp đặt cáp và ống dẫn ngầm phải tuân thủ các quy định tại Điều 113 (Mọi quốc ra đều định ra các luật và quy định cần thiết để coi là hành động vi phạm có thể bị trừng phạt: một chiếc tàu mang cờ của quốc gia đó hay một người thuộc quyền tài phán của quốc gia đó đã cố ý hay do cẩu thả mà làm cho một đường dây cáp cao thế hay một đường ống dẫn ngầm ngoài biển cả bị đứt đoạn hay hư hỏng một đường dây cáp điện báo hay điện thoại ngầm trong chừng mực có nguy cơ làm rối loạn hay làm gián đoạn thông tin điện báo hay điện thoại), Điều 114 (Mọi quốc ra đều định ra các luật và quy định cần thiết để trong trường hợp một dây cáp hay một ống dẫn ngầm ở biển cả bị đứt đoạn hay hư hỏng do việc đặt một dây cáp hay một ống dẫn ngầm khác của một người có quyền tài phán của mình, người này phải chịu những phí tổn để sửa chữa những thiệt hại mà mình gây ra), Điều 115 (Bồi thường những thiệt hại gây ra do việc tránh làm hư hỏng một dây cáp hay ống dẫn ngầm) và quy định tại Điều 79 Phần VI về thềm lục địa (như quy định: Khi đặt các dây cáp và ống dẫn ngầm, các quốc gia phải tính đến các dây cáp và ống ngầm đã được đặt trước. Đặc biệt họ cần lưu ý không làm phương hại đến khả năng sửa chữa các đường dây cáp và ống dẫn đó); quyền tự do xây dựng các đảo và công trình nhân tạo phải tuân thủ các quy định tại Điều 80 Phần VI về thềm lục địa (được dẫn chiếu tới Điều 60, như quy định: Không được xây dựng những đảo nhân tạo, thiết bị hoặc công trình, không được thiết lập các khu vực an toàn xung quanh các đảo, thiết bị, công trình đó khi việc đó có nguy cơ gây trở ngại cho việc sử dụng các đường hàng hải đã được thừa nhận là thiết yếu cho hàng hải quốc tế); quyền tự do đánh bắt hải sản phải tuân thủ các quy định cụ thể của Mục 2 Phần VII (như các quy định được dẫn tới tại các điều từ Điều 63 đến Điều 67 của UNCLOS); quyền tự do nghiên cứu khoa học phải tuân thủ các quy định tại Phần VI về thềm lục địa và Phần XIII về nghiên cứu khoa học (như quy định: Công tác nghiên cứu khoa học đuợc tiến hành nhằm vào những mục đích hoàn toàn hòa bình; đuợc tiến hành bằng cách dùng các phương pháp và phương tiện khoa học thích hợp phù hợp với Công uớc; không cản trở một cách vô lý những việc sử dụng biển hợp pháp khác phù hợp với Công uớc và nó phải đuợc quan tâm đến trong các việc sử dụng này; được tiến hành theo đúng mọi quy định tương ứng đuợc thông qua để thi hành Công uớc, kể cả các quy định nhằm bảo vệ và giữ gìn môi truờng biển).

Điều 89 của UNCLOS quy định, không một quốc gia nào có thể đòi hỏi (yêu sách) chủ quyền đối với bất kỳ một bộ phận (vùng biển) nào thuộc Biển cả.  

Các quy định về Biển cả trong UNCLOS dành nhiều quy định liên quan đến tàu thuyền như các quy định về: quốc tịch của tàu thuyền (Điều 91), điều kiện pháp lý của tàu thuyền (Điều 92), các nghĩa vụ của quốc gia mà tàu thuyền mang cờ (Điều 94), quyền truy đuổi, khám xét tàu (Điều 110, Điều 111),...

Quy định về Biển cả cũng có nhiều quy định về cướp biển như các quy định về: định nghĩa cướp biển (Điều 101), định nghĩa một tàu hay một phương tiện bay cướp biển (Điều 103), nghĩa vụ hợp tác để trấn áp nạn cướp biển (Điều 100), bắt giữ một chiếc tàu hay phương tiện bay cướp biển (Điều 105), các tàu và phương tiện bay có đủ tư cách để thực hiện việc bắt giữ vì lý do cướp biển (Điều 107),... 

UNCLOS cũng quy định cụ thể về quyền đánh bắt ở Biển cả (Điều 116), ghĩa vụ của các quốc gia có các biện pháp bảo tồn tài nguyên sinh vật của biển cả đối với các công dân của mình (Điều 117), sự hợp tác của các quốc gia trong việc bảo tồn và quản lý tài nguyên sinh vật biển (Điều 118), việc bảo tồn tài nguyên sinh vật của biển cả (Điều 119).

Trong UNCLOS cũng quy định về nghĩa vụ giúp đỡ (Điều 98), buôn bán trái phép các chất ma túy và các chất kích thích (Điều 108), phát sóng không được phép từ biển cả (Điều 109) trên Biển cả./.

 

 

Theo Tổng cục biển đảo Việt Nam (http://www.vasi.gov.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm
Lượt truy cập - trang truyền thông
Truy câp tổng 976.124
Truy câp hiện tại 1.496