Giữ vững nhà giàn bằng ý chí và sức mạnh người lính
Ngày cập nhật 18/07/2019
30 năm thành lập, xây dựng, bảo vệ và trưởng thành, lớp lớp cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1 đã viết lên truyền thống “Đoàn kết hiệp đồng, khắc phục khó khăn, kiên trì cảnh giác, giữ vững chủ quyền”. Truyền thống ấy đã thấm đẫm bao mồ hôi công sức, máu và nước mắt của thế hệ cán bộ chiến sĩ, là động lực kiên cường để cán bộ chiến sĩ vững vàng tay súng, canh giữ biển trời thềm lục địa của Tổ quốc thân yêu.
Một thời đi dựng nhà giàn
 
Chiều 2/7, tại bán đảo Long Sơn Vũng Tàu, Tiểu đoàn DK1, Bộ Tư lệnh Vùng 2 hải quân và Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức buổi giao lưu “30 năm - Những cột mốc chủ quyền trên Biển Đông” nhằm ôn lại những chiến công của người lính nhà giàn DK1 trong suốt 30 năm qua với những nhân chứng lịch sử. Trong buổi giao lưu có nhiều nhân chứng gắn bó với nhà giàn những ngày đầu tiên đi xây dựng với tinh thần “nhà giàn đi chẳng tiếc tuổi xuân” như Trung tá cựu binh Trần Văn Dũng, nguyên chính trị viên của DK1, Trung tá Bùi Xuân Bổng - người sống sót trở về sau cơn lốc cuồng phong năm 1990… Câu chuyện kể về ngày đầu đi dựng nhà giàn, về sự hi sinh anh dũng của Đại úy Vũ Quang Chương, Chuẩn úy Lê Đức Hồng, Thiếu úy Lê Đức Hồng vĩnh viễn nằm lại biển khơi trong cơn bão Fathes tháng 12 năm 1998 đã làm nhiều người xúc động…
 
Trong nhiều nhân chứng sống, có một người thuyền trưởng chở sào tre dây thừng đi khảo sát chân đế nhà giàn 30 năm trước, đó là Thượng tá Nguyễn Tiến Cường, nguyên thuyền trưởng con tàu “lá tre” 668 của Lữ đoàn 171 năm xưa. Thượng tá Nguyễn Tiến Cường kể, dưới sự chỉ huy của Trung tá Phạm Xuân Hoa, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171, biên đội tàu HQ-668 do Thượng úy Nguyễn Tiến Cường làm thuyền trưởng, tàu HQ-713 do Thượng úy Nguyễn Hồng Thưởng làm thuyền trưởng hành trình từ cảng Vũng Tàu ra thềm lục địa. Phương tiện duy nhất trong chuyến hải trình này là chiếc la bàn từ, 2 cuộn dây, 6 cây sào tre để đo độ sâu.
 
Giữa biển mênh mông sóng giữ, đời sống của các chiến sĩ vô cùng khó khăn gian khổ. Thức ăn lúc đó chủ yếu là rau muốn phơi khô và đồ hộp. Do sóng lớn, toàn bộ khoang nước ngọt dưới hầm tàu bị nhiễm mặn hòa lẫn với gỉ sét. Các chiến sĩ đã dùng áo lót căng lên mặt xô, lọc nước nhiễm gỉ sét, hoặc gạn lắng nước trong để nấu cơm. Vì không có nước ngọt nên các chiến sĩ không có “kế hoạch” tắm. Tất cả tắm bằng nước biển, nước ngọt chỉ tráng sau cùng. Ngày ấy, việc quan sát mặt biển canh gác chủ yếu là mắt thường và kinh nghiệm thực tiễn chứ không có phương tiện hiện đại như bây giờ. Để bảo đảm an toàn tuyệt đối, ngày cũng như đêm, các thủy thủ tăng cường quan sát, phát hiện những động thái từ xa, và sẵn sàng chiến đấu khí có lệnh.
 
Chuẩn bị hoa tưởng niệm các liệt sĩ nhà giàn DK1 hi sinh trên biển
 
Sau hơn một tháng chạy đua với sóng gió, ngày 10/6/1989, nhà giàn đầu tiên với tên gọi Phúc Tần hiện hữu giữa Thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Toàn bộ cán bộ chiến sĩ công binh và những người thợ lặn nhìn nhà giàn mà trào nước mắt, những giọt nước mắt sung sướng và tự hào khôn xiết.
 
Là người gắn bó với DK1 ngay từ ngày đầu tiên, Trung tá Bùi Xuân Bổng không quên được cái ngày “thuyền gỗ sào tre đi dựng nhà giàn”. Trung tá Bùi Xuân Bổng kể: “Ngày đó đi nhà giàn khác gì chiến trận và không hẹn ngày trở lại. Chiều 4/12/1990, cơn lốc bất ngờ ập tới. Lúc đó trên nhà giàn có 9 cán bộ chiến sĩ. Trước sức tàn phá của lốc tố, anh em đã bình tĩnh lấy những miếng gỗ bung lên từ mặt sàn công tác, kết lại thành chiếc bè và rời nhà giàn. Lúc 3 giờ sáng ngày 5/12/1990, một con sóng như quả núi ập tới đánh sập hoàn toàn nhà giàn Phúc Tần cuốn theo 9 cán bộ chiến sĩ xuống biển đêm. Phó trạm trưởng chính trị, Trung úy Nguyễn Hữu Quảng đã nhường mảnh áo phao và miếng lương khô cuối cùng cho đồng đội rồi để sóng cuốn đi. Y sĩ Trần Văn Là, chiến sĩ cơ điện Hồ Văn Hiền cũng bị bão tố nhấn chìm ngay sau đó. Và đó là 3 liệt sĩ đầu tiên của DK1.
 
8 năm sau, cơn bão số 8 có tên quốc tế Fathes đã nhấn chìm nhà giàn Phúc Nguyên 2A (DK1/6). Trong trận bão lịch sử này, 3 cán bộ chiến sĩ hi sinh. Đó là Đại úy Vũ Quang Chương, Chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng và Thiếu úy Nguyễn Văn An. Đại úy Vũ Quang Chương đã ôm cờ Tổ quốc vào lòng trước lúc ngã vào lòng biển…
 
Lính nhà giàn chưa bao giờ gác súng
 
30 năm trôi qua, nhà giàn DK1 trường tồn giữa biển Đông như một bằng chứng lịch sử bất khả xâm phạm. Song, trong suốt 30 năm ấy, 10 cán bộ chiến sĩ đã hi sinh, trong đó 6 người vĩnh viễn nằm lại biển khơi, thân xác các anh hóa vào biển biếc… Kỷ niệm 30 năm thành lập DK1, thế hệ lính nhà giàn đầu tiên những năm 1989 như Trung tá Bùi Xuân Bổng, Trung tá Trần Văn Dũng, Trung tá Trang Hải Âu đến những người lính trẻ thế hệ 9X hôm nay như binh nhất Nguyễn Văn Hùng, hạ sĩ Trần Tuấn Anh… đều có một quyết tâm sắt đá: phải kiên cường bám trụ, giữ vững nhà giàn bằng ý chí và sức mạnh người lính.
 
Trung tá Trang Hải Âu chia sẻ: “Lính nhà giàn chưa bao giờ gác súng. Tôi đi nhà giàn 23 năm, không thể nói hết được gian khổ, song đó lại là thời gian vinh quang nhất. Mặc dù không còn đi nhà giàn nữa, song nhà giàn luôn trong máu thịt tôi. Ở đó, tôi được cống hiến, và luôn có ý nghĩa nhất”.
 
Kiêu hãnh nhà giàn giữa trùng khơi
 
Sĩ quan trẻ, Thiếu úy Nguyễn Hùng Cường chia sẻ: “Tôi về nhà giàn công tác được 3 năm. Tuy so với các anh đi trước thì chưa nhiều thâm niên ở nhà giàn, song tôi luôn cảm thấy mình tự hào hãnh diện. Sống ở biển, khó khăn gian khổ là dĩ nhiên. Chính những ngày sống chết với bão tố, tôi mới hiểu được giá trị của người lính nơi tuyến đầu. Biển đã ngấm vào máu thịt, nhà giàn là quê hương của chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
 
30 năm, một khoảng không dài so với dòng chảy của thời gian, cũng không thể nói hết được những khó khăn vất vả thiếu thốn, những nỗi buồn, niềm vui, vinh quang… Các anh - những người trẻ tiêu biểu cho đức hy sinh và lòng dũng cảm của triệu triệu thanh niên cả nước. Những thế hệ sau đang tiếp bước các thế hệ trước. Với trách nhiệm của những người lính hải quân ở các nhà giàn DK1 đóng quân trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc, dù sóng, dù gió có khắc nghiệt đến đâu, những nhà giàn và những người lính vẫn đứng hiên ngang giữa đất trời, là những cột mốc sống, tạo thành phên dậu, khẳng định chủ quyền đất nước trên biển Đông.
 
Cụm Kinh tế-Khoa học-Dịch vụ (gọi tắt là DK1) được ra đời ngày 5/7/1989, để đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền, biển, đảo, thềm lục địa của Tổ Quốc trong tình hình mới. Thành tích ghi nhận 30 năm của DK1 là hơn 2.000 tập thể, cá nhân được tặng bằng khen, giấy khen, chiến sĩ thi đua, chiến sĩ tiên tiến. Năm 2005, Tiểu đoàn DK1 đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới. Năm 2009 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì. Tháng 12/2013, Liệt sĩ - Đại úy Vũ Quang Chương, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/6 được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quí khác. Và dịp kỷ niệm 30 năm này, Tiểu đoàn DK1 được vinh dự đón nhận Huân chương bảo vệ Tổ quốc Hạng Nhì.
Nguồn: Thành ủy TP HCM
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm
Lượt truy cập - trang truyền thông
Truy câp tổng 976.124
Truy câp hiện tại 246