Hàng ngàn sự cố tràn dầu xảy ra mỗi năm, và hầu hết các vụ ô nhiễm đều không được đưa tin. Nhưng bạn sẽ được biết khi có một sự cố tràn dầu nghiêm trọng hoặc hiện tượng ô nhiễm trên diện rộng. Các cơ quan chính quyền địa phương, tiểu bang và liên bang đều gấp rút hành động để “dọn dẹp mớ hỗn độn” đó. Trong nhiều trường hợp, sau vài ngày hoặc vài tuần, những vụ việc này đều chìm dần xuống. Tuy nhiên, đây chỉ là phần mở đầu của câu chuyện, có thể mất rất nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ để các tuyến đường thủy được tái phục hồi sau vụ ô nhiễm. NOAA chỉ là một trong những cơ quan chính phủ liên bang được giao nhiệm vụ giải quyết trong thời gian trước mắt. Vai trò của họ là sử dụng khoa học để xác định chính xác những thiệt hại đã được xảy ra để các hệ sinh thái có thể được phục hồi.
Dọn dẹp những tuyến đường thủy ven biển đô thị
Bảo vệ chất lượng của đại dương thường phải được bắt đầu từ đất liền. Rác thải nhựa và các loại rác thải khác thường chưa được xử lý đúng cách đã được đưa ra đại dương. Phân bón, thuốc trừ sâu và các hóa chất khác có thể được thải ra từ các khu công nghiệp vào song hồ và đại dương. Sự ô nhiễm bắt đầu trên đất liền có thể có tác động đáng kể và lâu dài không chỉ đối với môi trường mà còn đối với cá, động vật hoang dã và người dân sống gần và dọc theo các tuyến đường thủy bị ảnh hưởng. Ô nhiễm làm cho con người kém khỏe mạnh, làm giảm chất lượng cuộc sống, giảm giá trị tài sản và làm suy yếu nền kinh tế địa phương.
Lấy ví dụ về tình trạng ô nhiễm đô thị ở Baltimore, Maryland, đã gây ra rất nhiều khó khăn trên Vịnh Chesapeake và người dân sống gần đó. Tại khu vực Vịnh Chesapeake, một bãi rác cũ bên ngoài thành phố tập kết nhiều mảnh vụn nguy hiểm và xảy ra ô nhiễm nặng. Từ những năm 1950 đến 1970, chất thải thương mại và công nghiệp, bao gồm dung môi, sơn, dầu thải và lốp xe, đã được đổ vào 07 bãi chôn lấp cũ gần vùng đất ngập nước và các con suối ở Rosedale, Maryland. Những con suối này đổ ra các dòng sông chảy về vịnh Chesapeake.
Công tác dọn dẹp những nơi này được bắt đầu vào năm 2008 và vẫn đang tiếp tục. Nghiên cứu của NOAA đã giúp tạo ra nguồn tài chính đảm bảo 3,1 triệu đô la cho một khu định cư hợp pháp để tài trợ cho các dự án này. Các nhà khoa học đã nghiên cứu nơi này và phát triển các dự án nhằm khôi phục những vùng đất và nước bị ô nhiễm, như các mảnh lưới dùng để thu gom rác thải trôi nổi ở hạ lưu các con sông. Các sáng kiến khác bao gồm kiểm soát các loài xâm lấn, tăng diện tích vùng đất ngập nước và phục hồi dòng chảy.
Dọn dẹp khu vực tích tụ chất độc hại Ngũ Đại Hồ (Great Lakes)
Ngũ Đại Hồ đôi khi được gọi là “Bờ biển thứ ba” của Mỹ, NOAA cũng thực hiện các công việc cần thiết nhằm cải thiện chất lượng của bờ biển này. Giống như những gì họ đã làm ở các vùng ven biển khác, các nhà khoa học của NOAA đã nghiên cứu để tìm hiểu và khắc phục những thiệt hại đối với dòng nước chảy vào Ngũ Đại Hồ.
Trong những năm 1970 và 1980, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) đã chỉ định một số địa điểm bên ngoài Duluth, Minnesota và Milwaukee, Wisconsin, là các địa điểm tích tụ chất thải độc hại nhất nước Mỹ (Superfund) vì chất thải nguy hại chảy qua các con song tương ứng là St. Louis và Sheboygan. Một địa điểm được xác định là Superfund cho phép EPA giám sát việc dọn sạch các khu vực này với sự tài trợ từ những cơ quan chịu trách nhiệm về thiệt hại môi trường.
Hàm lượng hóa chất công nghiệp cao trong sông Sheboygan khiến cư dân không thể ăn cá từ con sông này, hạn chế những người yêu thích câu cá địa phương. Trong nước sông St. Louis, ở bên ngoài Duluth, ngư dân có thể nhìn thấy phản chiếu ánh sáng của các loại chất hóa học và dầu loang trên mặt nước. Bơi và chèo thuyền cũng không được khuyến khích ở đây.
Nghiên cứu của NOAA đang dần thay đổi điều đó, giúp mang lại chất lượng nước tốt hơn tới những người chèo thuyền, ngư dân và người đi bơi. Thử nghiệm các chất gây ô nhiễm và những bất thường về chất lượng nước, trầm tích, cá và động vật hoang dã ở sông Sheboygan, phần nào đó, đã dẫn đến yêu cầu phải hành động. Việc này cần được giải quyết từng bước, cung cấp hàng triệu đô la vốn cho các dự án phục hồi để bảo vệ môi trường sống của cá và tăng khả năng tiếp cận tới hồ Michigan.
NOAA cũng hợp tác với Minnesota để phát triển các kế hoạch phục hồi cho khu vực sông St. Louis. Các kế hoạch này sẽ cải thiện môi trường sống, loại bỏ các loài xâm hại, phát triển các loài bản địa và tăng khả năng tiếp cận cho ngư dân và nhữn người chèo thuyền. Mục tiêu khác của kế hoạch này là tái khôi phục ruộng lúa tại nơi này, điều cũng sẽ mang đến cơ hội giáo dục văn hóa cho cộng đồng địa phương và xung quanh Duluth, tuyên truyền tầm quan trọng của ruộng lúa đối với chất lượng của sông St. Louis và truyền thống văn hóa của những người bản địa.
Dọn dẹp biển và vùng ven bờ
Hình ảnh những mặt biển và bờ biển loang đầy dầu – trong khi các cộng đồng sinh vật và con người đều sống ở đó – điều đáng buồn là đều đã quen thuộc với nhiều người. Việc hành động ngay lập tức sau sự cố tràn dầu nghiêm trọng đòi hỏi các cơ quan nhà nước và liên bang cùng hợp tác để giảm thiểu hậu quả. Nhưng tác động lên hệ sinh thái sau một sự cố tràn dầu thường kéo dài, và công tác phục hồi có thể mất nhiều năm. Các nhà khoa học của NOAA ghi nhận thiệt hại khi sự cố tràn dầu xảy ra để thông báo những nỗ lực phục hồi lâu dài.
Năm 2003, một chiếc xà lan đâm vào một bãi cạn ở Vịnh Buzzards, ngoài khơi Massachusetts và Đảo Rhode. Sự va chạm đã khiến thân xà lan bị vỡ, đổ gần 100.000 gallon nhiên liệu đốt ra gần 100 dặm dọc bờ biển quanh đó. Hàng ngàn con chim đã chết, và loài sò đã ngậm vỏ suốt gần sáu tháng. NOAA đã khảo sát bờ biển ấy và động vật hoang dã quanh đó để đo lường thiệt hại sau sự cố tràn dầu.
Năm 2016, một đường ống dẫn dầu từ đáy biển lên mặt biển ngoài khơi Louisiana đã rò rỉ hơn 80 nghìn gallon dầu vào Vịnh Mexico. Lần này, các nhà khoa học của NOAA đã sử dụng vệ tinh và quan sát từ máy bay để ghi lại tình trạng dầu loang và tác động của nó đối với cá, động vật không xương sống, chim và cá heo dưới đại dương.
Cả hai vụ tràn dầu này đều xảy ra vào năm 2018 – huy động 13,3 triệu đô la cho Vịnh Buzzards và 3,6 triệu đô la ở Vịnh Mexico. Những khoản tiền này được sử dụng để khôi phục môi trường về trạng thái trước khi tràn dầu. Ví dụ, trong Vịnh Buzzards, việc bảo vệ môi trường sống đối với các tổ chim được lên kế hoạch để cải thiện số lượng những loài chim bị ảnh hưởng trực tiếp. Các dự án để bảo tồn động vật có vỏ và tăng khả năng tiếp cận đối với cộng đồng đã và đang được tiến hành.
Khôi phục Biển và Vùng Ven Bờ
Biển và vùng ven biển phải đối mặt với nhiều mối đe dọa, bao gồm các mảnh vụn trôi nổi, ô nhiễm công nghiệp và sự cố tràn dầu. Ô nhiễm đồng nghĩa với việc cá không thể ăn được, người dân không thể thưởng thức bãi biển sạch đẹp còn các nền kinh tế địa phương thì bị ảnh hưởng. Các nhà khoa học của NOAA đảm bảo rằng thiệt hại đối với các tài nguyên vô giá này cần phải được xác định chính xác để đưa ra các kế hoạch khắc phục hiệu quả, ngay cả khi những việc này phải mất nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ. Từ Bờ Đông đến Bờ Vịnh và từ Bờ Tây đến “Bờ biển Thứ ba”, nghiên cứu của NOAA sẽ giúp cải thiện chất lượng nước biển, vùng ven biển và Ngũ Đại Hồ sạch hơn và an toàn hơn./.