Muối biển nhiễm nhựa và cảnh báo nguy cơ ô nhiễm vi nhựa đối với muối ăn ở Việt Nam
Ngày cập nhật 02/07/2019
Muối nhiễm các mẩu (hạt) vi nhựa (1)

Việt Nam là một trong những quốc gia có biển, nhiều địa phương có địa hình và các đặc trưng phù hợp với nghề sản xuất muối biển. Trong vài thập niên gần đây, biển và đại dương đang vô hình chung tiếp nhận rất nhiều rác thải do con người thải ra từ đất liền. Trong số rác thải đó chủ yếu là rác thải nhựa. Dưới tác động của ánh sáng mặt trời và sóng biển, rác thải nhựa dần dần sẽ phân mảnh và trở thành các hạt vi nhựa trong môi trường biển. Các hạt vi nhựa này có mặt gần như mọi tầng nước biển từ mặt đến đáy biển. Vì vậy nguy cơ muối biển nhiễm các hạt vi nhựa là không tránh khỏi. Hiện nay, nhiều nhà khoa học đã đưa ra được những bằng chứng thuyết phục cảnh báo muối nhiễm vi nhựa hầu như có có mặt ở rất nhiều quốc gia ở mọi châu lục.

 

Phân loại mảnh rác thải nhựa

Khi rác thải nhựa bị phân mảnh thành những mảnh nhỏ, dựa vào kích thước và hình dạng của chúng người ta sẽ phân thành các loại khác nhau với các tên gọi như: 

- Macroplastic: Bất kỳ mảnh nhựa nào có kích thước dọc theo chiều dài nhất của nó lớn hơn hoặc bằng 25 mm.

- Mesoplastic: Bất kỳ mảnh nhựa nào có kích thước dọc theo chiều dài nhất của nó từ 5 mm đến dưới 25 mm.

- Plasticle: Bất kỳ mảnh nhựa nào có kích thước dọc theo chiều dài nhất của nó nhỏ hơn 5 mm.

- Microbead: Một miếng nhựa nhỏ hình cầu có đường kính từ 1 μm đến dưới 1 mm.

- Microfoam: Một miếng bọt biển hoặc vật liệu nhựa giống như bọt biển có kích thước dọc theo chiều dài nhất của nó từ 1 μm đến dưới 1 mm.

- Microfibre: Một sợi hoặc dây bằng nhựa có kích thước dọc theo chiều dài nhất của nó từ 1 μm đến dưới 1 mm.

- Microfilm: Một tấm nhựa mỏng hoặc giống như màng nhựa có kích thước dọc theo chiều dài nhất của nó từ 1 μm đến dưới 1 mm.

- Microfragment: Một miếng nhựa có hình dạng không đều có kích thước dọc theo chiều dài nhất của nó từ 1 μm đến dưới 1 mm.

- Microplastic (vi nhựa): Bất kỳ mảnh nhựa nào có kích thước dọc theo chiều dài nhất của nó từ 1 mm đến dưới 5 mm.

- Mini-microplastic (tiểu vi nhựa): Bất kỳ mảnh nhựa nào có kích thước dọc theo chiều dài nhất của nó từ 1 μm đến dưới 1 mm.

- Nanoplastic: Bất kỳ mảnh nhựa nào có kích thước dọc theo chiều dài nhất của nó nhỏ hơn 1 μm.

Một hệ thống tiêu chuẩn do Christopher Blair Crawford (2) thiết kế và đưa vào sử dụng. Hệ thống này được sử dụng để phân loại hiệu quả bất kỳ mảnh nhựa nào, dựa trên kích thước, màu sắc và bề ngoài của nó. Đây là một hệ thống hữu hiệu để đánh giá mức độ ô nhiễm rác thải nhựa trên biển, từ đó nhằm đưa ra được những kiến nghị hợp lý bảo vệ môi trường.

Các nghiên cứu về muối nhiễm nhựa ở Việt Nam

Nhận thấy biển và đại dương có nguy cơ nhiễm nhựa trên toàn thế giới. Nhiều nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu về muối nhiễm các hạt vi nhựa. Các nhà khoa học đã lấy mẫu muối ở nhiều quốc gia khác nhau và tiến hành phân tích thí nghiệm. Các loại muối được lấy chủ yếu là muối biển, muối đá và muối hồ. Đa phần các loại muối này đền nhiễm nhựa và vi nhựa.

Vi nhựa đã được tìm thấy ở các vùng biển trên khắp thế giới. Nhóm nhà khoa học đến từ Trung Quốc đã thu thập 15 nhãn hiệu muối biển, muối hồ và muối đá từ các siêu thị trên khắp Trung Quốc. Hàm lượng vi nhựa trong muối biển là 550 - 681 mẩu/kg, trong muối hồ là 43 - 364 mẩu/kg và trong muối đá là 7 - 204 mẩu/kg. Trong muối biển, các mảnh và sợi là các loại hạt phổ biến so với dạng viên và tấm. Vi nhựa có kích thước dưới 200 μm là chủ yếu, chiếm tới 55% tổng số vi nhựa và vi nhựa phổ biến nhất là nhựa PETE (polyethylene terephthalate), tiếp theo là nhựa polyethylene và giấy bóng kính trong muối biển (4). Sự phong phú của vi nhựa trong muối biển cao hơn nhiều so với muối hồ và muối đá. Nghiên cứu này là một minh chứng chỉ ra rằng các sản phẩm từ biển, chẳng hạn như muối biển, đang bị ô nhiễm bởi vi nhựa.

Tại Việt Nam hiện chưa có nhóm nhà khoa học nào của Việt Nam công bố về mức độ ô nhiễm vi nhựa của muối biển. Nhưng cũng đã có một số bước đầu nghiên cứu của các tác giả nước ngoài. Nhóm nhà nghiên cứu khoa học ở Hàn Quốc do Ji-Su Kim và các cộng sự đăng trên tạp chí khoa học và công nghệ môi trường đã lấy 39 mẫu muối các loại từ các nước khác nhau Úc, Belarus, Brazil, Bulgaria, Trung Quốc, Croatia, Pháp, Đức, Hungary, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Hàn Quốc, Pakistan, Philippines, Senegal, Đài Loan, Thái Lan, Anh, Mỹ và Việt Nam để phân tích mức độ nhiễm nhựa trong muối (3). Trong đó 28 mẫu là muối biển, 9 mẫu muối đá và 2 mẫu là muối hồ. Đa phần các mẫu muối này đều nhiễm vi nhựa. Chỉ có ba mẫu duy nhất không chứa hạt vi nhựa là muối biển tinh luyện đến từ Đài Loan, muối đá tinh luyện đến từ Trung Quốc và muối biển chưa tinh luyện đến từ Pháp.

Các mẫu muối lấy để phân tích chủ yếu là muối làm thủ công lợi dụng năng lượng mặt trời để làm khô nước biển (ở Việt Nam hay gọi là muối cân) và một số mẫu muối tinh luyện và chưa qua tinh luyện. Tại Việt Nam được lấy 2 mẫu muối cân ở hai vùng khác nhau là miền trung và miền nam. Trong 4 nước ở Đông Nam Á thì muối ở Việt Nam được xem là ít ô nhiễm nhất. Châu Á là nơi bị nhiễm vi nhựa cao nhất so với thế giới.

Vi nhựa được tìm thấy trong 90% muối ăn. Nghiên cứu mới ước tính rằng một người trưởng thành trung bình tiêu thụ khoảng 2.000 mẩu vi nhựa mỗi năm thông qua muối (5).

Các chuyên gia y tế cho rằng việc tiêu thụ nhựa dưới mọi hình thức là không nên, vì nó có thể dẫn đến các vấn đề tiêu hóa nghiêm trọng. Các nhà nghiên cứu đã đề cập rằng hiện nay chưa có nghiên cứu nào nói về nhược điểm của việc tiêu thụ vi nhựa. Các nhà nghiên cứu đã tuyên bố rằng khoảng 85 phần trăm vi nhựa có thể được loại bỏ bằng phương pháp lọc cát đơn giản. Nếu các vựa muối sử dụng cách lọc này trước khi cho bốc hơi thì có thể loại bỏ được lượng vi nhựa đáng kể ở trong muối.

Khuyến nghị

Trong cuộc sống, vi nhựa hầu như có mặt khắp mọi nơi. Muối nhiễm vi nhựa, nước ngọt sinh hoạt hằng ngày cũng có nguy cơ nhiễm vi nhựa, không khí chúng ta hít thở cũng có vi nhựa. Vi nhựa có thể thâm nhập vào trong cơ thể con người bằng nhiều cách. Trong khi khoa học đang còn nghiên cứu về ảnh hưởng của vi nhựa đối với cơ thể con người thì việc lựa chọn thực phẩm sạch là một giải pháp an toàn, đảm bảo sức khỏe. Thay vì dùng muối thô (muối cân) thì chúng ta nên lựa chọn những loại muối đã làm mịn qua tinh chế. Đây cũng là cách hạn chế các mẩu vi nhựa đi vào cơ thể chúng ta. Hơn nữa, cũng cần chung tay, chung sức hạn chế sử dụng các đồ nhựa dùng một lần để tránh nguy cơ bị ô nhiễm lan tỏa ra ngoài môi trường.

 

Tài liệu tham khảo

1. https://www.releasemama.com/toxic-and-carcinogenic-plastics-are-found-in-fifteen-sea-salt-brands-from-different-countries/

2. Crawford, Christopher Blair, and Brian Quinn. Microplastic pollutants. Elsevier, 2017.

3. Ji-Su Kim, Hee-Jee Lee, Seung-Kyu Kim, and Hyun-Jung Kim. Global Pattern of Microplastics (MPs) in Commercial Food-Grade Salts: Sea Salt as an Indicator of Seawater MP Pollution. Environmental Science & Technology 2018 52 (21), 12819-12828. DOI: 10.1021/acs.est.8b04180.

4. Dongqi Yang, Huahong Shi, Lan Li, Jiana Li, Khalida Jabeen, and Prabhu Kolandhasamy. Microplastic Pollution in Table Salts from China. Environmental Science & Technology 2015 49 (22), 13622-13627. DOI: 10.1021/acs.est.5b03163

5. https://www.nationalgeographic.com/environment/2018/10/microplastics-found-90-percent-table-salt-sea-salt/

 

 

Theo Tổng cục biển đảo Việt Nam (http://www.vasi.gov.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm
Lượt truy cập - trang truyền thông
Truy câp tổng 976.124
Truy câp hiện tại 526