Hiện nay, trái đất đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng như việc khai thác, sử dụng quá mức, thiếu bền vững tài nguyên biển gây ra. Các vùng biển của trái đất đang bị đe doạ hơn bao giờ hết, với nạn ô nhiễm, đánh bắt quá mức và những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí; suy giảm đa dạng sinh học, xâm nhập mặn, cạn kiệt tài nguyên biển, xói lở và xâm thực biển đang đe dọa trực tiếp đến phát triển kinh tế, sức khỏe và sinh kế bền vững cho hàng triệu người dân, nhất là các nhóm yếu thế, đặc biệt là tất cả các mối đe dọa trên đều đang trở thành hiện trạng trên đất nước Việt Nam.
Trong khi đó, các địa phương có biển phải thường xuyên quan tâm, có các giải pháp tổng thể để hỗ trợ các điều kiện cần thiết để bảo đảm sinh kế, nâng cao đời sống nhân dân vùng biển đảo. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách về ngư dân, ngư trường, ngư nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân bám biển, phát triển kinh tế biển.
Ngoài các chiến dịch truyền thông lớn cho một vấn đề quy mô toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người Việt Nam đối với biển cả và đại dương, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2019 kỳ vọng sẽ mang đến thông tin 2 chiều, phổ biến thông tin và coi trọng tính đáp ứng của các địa phương vùng biển, hải đảo và cả những khu vực không có biển. Việc này tiến hành hàng năm, chứ không riêng gì mỗi dịp tháng 6, tháng hưởng ứng ngày môi trường toàn cầu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn nhấn mạnh việc tuyên truyền chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; các văn bản, thỏa thuận song phương và đa phương giữa Việt Nam với các quốc gia, các tổ chức quốc tế có liên quan tới biển, đảo Việt Nam. Bên cạnh đó, vấn đề quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam, phát triển các ngành kinh tế biển nhằm thu hút mạnh hơn các nguồn lực đầu tư, tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia, bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia của Việt Nam ở Biển Đông.
Đồng thời, tăng cường tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ an ninh trật tự, an toàn khu vực ven biển và trên vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Bằng nhiều hình thức, các chiến dịch tuyên truyền nhằm quảng bá, bồi đắp tình yêu, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Không nằm ngoài vấn đề được quan tâm nhất đối với môi trường toàn cầu hiện nay là tình trạng biến đổi khí hậu và cam kết hành động của mỗi quốc gia, Việt Nam nỗ lực tìm con đường thích ứng và thấu hiểu nhịp sống của đại dương hiện nay. Nói cách khác, đại dương là một cơ thể đang bị xâm hại và bị tác động xấu từ can thiệp thô bạo của con người.
“Sức khỏe” của đại dương xuống dốc và toàn bộ các quốc gia có đường bờ biển đều chung nhóm có nguy cơ cao chịu tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Việt Nam ở nhóm đầu bảng sẽ bị nước biển nhấn chìm trong tương lai. Thêm vào đó, hậu quả từ hàng chục năm qua, chất thải nhân tạo từ nhựa tổng hợp và polimer được các nhà khoa học cảnh báo sẽ giết chết đại dương thì bây giờ là thời điểm sự thật đó đang dần hiện hữu.
Sự tranh chấp giữa các sáng chế nhân tạo thông minh phục vụ đời sống tiện nghi của con người với môi trường tự nhiên rất dữ dội. Đỉnh điểm là nhân loại càng phát triển, khí thải công nghiệp đầu độc không khí và nguồn nước càng lớn, trái đất nóng lên và đại dương lấn sâu vào đất liền trước sức chống đỡ yếu ớt của nhân loại. Đối với một quốc gia có đường bờ biển dài như Việt Nam, biến đổi khí hậu được nhìn thấy rõ, gần như hậu quả cũng đến ngay và thường đi trước những dự liệu cũng như phán đoán của các nhà nghiên cứu môi trường.
Năm 2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và công bố kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam, liên tục cập nhật và chi tiết hóa qua từng năm, nhưng chưa thể theo kịp tính chất khó lường của diễn biến môi trường phức tạp.
Người ta tính toán rằng, mỗi năm dòng sông Mê Kông đã lặng lẽ bồi tụ hơn 1 triệu tấn phù sa trong lưu lượng 500 tỉ mét khối nước cho đồng bằng sông Cửu Long. Theo tài liệu quan trắc môi trường và địa chất, đồng bằng sông Cửu Long là một địa hào lớn đã từng sụt lún thúc đẩy quá trình biển tiến nhanh hơn. Sông Mê Kông từ Tây Tạng đã đổ nước về vùng cửa sông Tiền Giang và Hậu Giang hàng triệu năm và biến Nam bộ thành miền châu thổ màu mỡ.
Nhận định cho rằng, đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vị trí bị đe dọa khẩn cấp nhất của tiến trình biến đổi khí hậu trên toàn thế giới. Có cảm giác, cả đồng bằng đang thấp dần xuống, mùa lũ lành đến trễ, nước ngọt mang phù sa về ít khiến cho quá trình xâm nhập mặn diễn ra nhanh hơn.
Chế độ bán nhật triều cùng với mùa khô đã khiến nước mặn xâm nhập sâu vào đồng bằng miền Nam Việt Nam. Theo số liệu đo được, nước mặn đã vào tới 70km cách biển ở Đồng Tâm, Mỹ Tho, có lúc vào sâu tới gần 100km. Ở Bến Tre, nước mặn từ sông Hàm Luông lấn vào, từ sông Cổ Chiên chảy ngược lên kênh Mỏ Cày. Thành phố Tân An ngập mặn vì nước sông Vàm Cỏ – điều này khiến các nhà khoa học không khỏi giật mình.
Nước mặn từ các cửa sông đang chảy ngược vào các kênh rạch trên khắp đồng bằng. Vùng Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh cũng đang lao đao với hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp ngập mặn. Nếu nguồn nước ngọt từ sông lớn tiếp tục bị chặn dòng cho mục đích làm thủy điện và không có mùa lũ ngọt thì đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa của thế giới có thể sẽ trở lại thời kì hoang hóa nhanh chóng.
Những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và hành động quyết liệt trong các diễn đàn kinh tế và môi trường quy mô vùng lãnh thổ và toàn cầu để ngăn chặn những ý định xây dựng thủy điện trên đầu nguồn sông Mê Kông. Gần 2 triệu héc-ta diện tích mặt đất đồng bằng Nam bộ có nguy cơ khát nước ngọt và ảnh hưởng xấu từ nước biển dâng, chưa kể đến các vùng bờ biển hiện nay từ Nam Trung bộ đến biển Tây Nam đều bị xâm thực, bị đại dương gặm dần sự sống.
Đại dương là nhịp thở sinh trắc của nhân loại – thật không sai khi đề cập tới một thông điệp đầy hàm ý như vậy. Nếu mục tiêu đẩy mạnh thông tin 2 chiều cho một chiến dịch lớn như Tuần lễ Biển và Hải đảo, Ngày đại dương năm 2019, sự giảm thiểu tác hại thiên tai và bảo vệ môi trường biển là hoàn toàn có hy vọng.