Ảnh hưởng tiêu cực rác thải nhựa đại dương và túi nhựa tới các loài rùa biển
Ngày cập nhật 27/06/2019
Rùa không phân biệt được túi nhựa và sữa biển (Ảnh từ Internet).

Rùa là một trong những linh vật thuộc bộ tứ linh Long (rồng), Lân (kỳ lân), Quy (rùa), Phụng (phượng) bắt nguồn từ bốn vị thần linh mang tên: Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ và Chu Tước. Nhiều loài rùa biển là động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam, thuộc danh mục các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn thế giới. Ngày nay, số lượng và cá thể rùa biển đang có nguy cơ giảm thiểu do các hoạt động đánh bắt trái phép trên biển và do nguy cơ sa mạc hóa biển ngày càng tăng. Bên cạnh đó ô nhiễm về rác thải đại dương và nhất là các túi nhựa, bóng bay, lưới đánh bắt cá cũ,.... đang góp phần gây ảnh hưởng xấu tới môi trường biển và các loài rùa biển.

 

Túi nhựa ảnh hưởng đến rùa biển như thế nào?

Có đến tám mươi phần trăm các mảnh vụn nhựa trên đại dương đến từ đất liền, số còn lại là do các hoạt động diễn ra trên biển. Rác thải nhựa tấn công đại dương bằng nhiều con đường khác nhau. Rác thải nhựa trôi ra biển từ các bãi biển, đường phố và các con đường khác nhau. Rác thải nhựa cũng có thể thoát ra từ cống thoát nước và chảy ra suối ra sông rồi cuối cùng sẽ ra biển. Rác thải nhựa là một chất gây ô nhiễm đáng kể, theo thời gian, các loại nhựa này sẽ phân hủy thành các mảnh nhỏ hơn (vi nhựa), độc hại hơn. Một số nhựa có chứa các chất phụ gia độc hại khi trôi dạt vào môi trường biển dễ xâm nhập vào chuỗi thức ăn trong môi trường biển.

 Túi nhựa dễ dàng trôi nổi trong cả môi trường không khí và nước và có khả năng di chuyển rất xa. Các túi nhựa khi đi vào môi trường biển, chúng sẽ trông gần giống với các con sữa biển. Còn các lưới đánh bắt cá bỏ đi sẽ trông giống với rong biển. Rùa biển rất dễ nhầm lẫn túi nhựa và lưới đánh bắt cá với thức ăn của chúng là sữa biển và rong biển. Những quả bóng bay bơm khí hidro cũng rất dễ dàng bay ra biển theo chiều gió thổi, các sinh vật biển cũng rất dễ nhầm lẫn bóng bay là thức ăn của chúng. Trong môi trường nước biển, túi nhựa cũng có thể trôi nổi, lập lờ trong nước hoặc chìm dần xuống đáy biển theo thời gian. Túi nhựa gần như có khắp đại dương và đang lan tỏa dần xuống đáy biển. Đài quan trắc dưới biển sâu của viện Alfred Wegener ở eo biển Fram đã chụp lại được hình ảnh của chiếc túi nhựa tại Hausgarten ở độ sâu 2500m bằng hệ thống camera OFOS (1).

Bài viết của Sharon Jacobsen chỉ ra rằng, trung bình mỗi người sử dụng khoảng 83 túi nhựa mỗi năm (2). Nếu gia đình có bốn người thì con số đó là 332 túi nhựa mỗi năm. Bao nhiêu phần trăm trong số đó sẽ kết thúc hành trình ở biển. Nên nhớ rằng cần đến khoảng 20 năm để phân hủy hoàn toàn túi nhựa trong môi trường biển.

Nhiều rùa biển đã bị chết do chúng tiêu thụ các mảnh vụn nhựa, trong dạ dày chúng có chứa túi nhựa hoặc dây câu, một số mảnh vụn chỉ nhỏ bằng một nửa móng tay. Rùa biển đặc biệt dễ bị tổn thương bởi việc tiêu thụ các mảnh vụn do cấu trúc của cơ thể chúng. Chúng có các gai hướng xuống dưới trong cổ họng, điều này gây khó khăn cản trở khả năng nôn ra của chúng. Các mảnh vụn bị mắc kẹt trong dạ dày của chúng, sẽ ngăn chúng nuốt thức ăn đúng cách và có thể dẫn đến chết đói.

Rùa biển là một trong những động vật đầu tiên được ghi nhận là ăn phải mảnh vụn nhựa, một hiện tượng xảy ra ở mọi khu vực trên thế giới và trong cả bảy loài rùa biển. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng một con rùa có 14 mảnh vụn bằng nhựa trong ruột của nó, có khả năng 50% sẽ gây ra cái chết. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là một con rùa sẽ không chết nếu chúng tiêu thụ ít hơn 14 mảnh vụn nhựa (3). Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 52% các loài rùa biển đã ăn nhựa.

Rùa có khả năng sống cả trên cạn và dưới nước, hàng năm có đến hàng trăm con rùa biển chết do vướng vào rác thải nhựa trên đại dương và trên các bãi biển, bao gồm cả những túi nhựa đục lỗ và các dụng cụ câu cá bỏ đi. 84% trong số 106 chuyên gia được khảo sát trên bờ biển Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Địa Trung Hải và Ấn Độ cho biết họ đã tìm thấy những con rùa bị vướng vào rác, bao gồm các mảnh vụn nhựa và ngư cụ bị mất hoặc bị vứt bỏ (4).

Một số giải pháp nhằm hạn chế rác thải nhựa đại dương.

Nhu cầu sử dụng đồ nhựa của con người ngày càng tăng cao do nhựa dễ dàng sản xuất và có giá thành tương đối rẻ. Hơn nữa các sản phẩm từ nhựa được tái chế cũng rất khiêm tốn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho đại dương ngày càng tích lũy nhiều về rác thải nhựa. Vì vậy mà tất cả các quốc gia có biển hay không có biển cần có những chính sách hợp lý để có thể kiểm soát được ô nhiễm từ rác thải nhựa. Trên toàn thế giới, hơn 30 quốc gia và hai tiểu bang Hoa Kỳ đã cấm túi nhựa sử dụng một lần. Gần đây, chuỗi siêu thị lớn nhất ở Hoa Kỳ là Kroger đã công bố kế hoạch loại bỏ túi nhựa vào năm 2025 (5). Nhiều nước cũng đã đánh thuế sử dụng túi nhựa ở các siêu thị.

Ngày nay, những phát minh về túi phi nhựa hay túi sinh thái đang được nhiều nhà khoa học quan tâm. Đặc điểm của những chiếc túi này là khi bị thải ra môi trường sẽ nhanh chóng bị phân hủy, thân thiện với môi trường và có những loại có thể ăn được. Các túi này hoàn toàn an toàn cho động vật nếu chúng ăn phải. Ngay tại Ấn Độ, một doanh nhân là Ashwath Hegde đã chế tạo chiếc túi như túi nhựa do anh phát triển từ các sản phẩm tự nhiên như tinh bột tự nhiên và các dẫn xuất dầu thực vật. Ashwath Hegde tin rằng túi nhựa hữu cơ của mình có thể giúp giảm 15 triệu tấn nhựa tiêu thụ hàng năm của Ấn Độ (6). Một công ty khởi nghiệp ở Indonesia mang tên Avani  đang thực hiện nhiệm vụ loại bỏ túi nhựa ra khỏi thế giới đã phát triển một loại túi có thể phân hủy sinh học và ăn được thay thế cho túi nhựa (7).

Công ty Avani không chỉ tạo ra chiếc túi mơ ước này mà còn phát triển một loạt các sản phẩm hoàn toàn phân hủy sinh học khác, như hộp đựng và cốc dùng một lần, với ý định thay thế nhựa trong cuộc sống hàng ngày.  Công ty hy vọng sẽ thay thế nhựa bằng các giải pháp dựa trên thiên nhiên và tất cả các sản phẩm của họ được làm từ các nguồn tài nguyên tái tạo.

Để ngăn chặn ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Ngoài việc giảm thiểu sử dụng đồ nhựa và túi nhựa dùng một lần thì cũng cần khuyến khích người dùng sử dụng các loại túi phi nhựa và túi sinh thái. Mặc dù các loại túi này đắt hơn túi nhựa một ít nhưng rẻ hơn nhiều khi bỏ ra một khoản kinh phí không hề nhỏ để khắc phục ô nhiễm rác thải nhựa trên biển.

 

Tài liệu tham khảo

1. https://www.newsdeeply.com/oceans/articles/2017/05/12/global-plastic-waste-is-piling-up-in-the-arctic-2

2. http://dpw.lacounty.gov/epd/PlasticBags/Articles/Googobits_07-21-05.pdf

3. https://www.csiro.au/en/News/News-releases/2018/How-much-plastic-does-it-take-to-kill-a-turtle

4. https://www.exeter.ac.uk/news/research/title_629352_en.html

5. https://bigthink.com/politics-current-affairs/australia-bans-plastic-bags-80-percent?rebelltitem=1#rebelltitem1

6. https://www.theguardian.com/global-development/2017/mar/02/burn-dissolve-eat-solution-india-waste-problem-plastic-bags-ashwath-hegde

7. https://www.livekindly.co/edible-biodegradable-bag/

 

Theo Tổng cục biển đảo Việt Nam (http://www.vasi.gov.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm
Lượt truy cập - trang truyền thông
Truy câp tổng 976.124
Truy câp hiện tại 535