Vịnh đẹp thế giới Lăng Cô: khẳng định danh hiệu trong phát triển du lịch
Ngày cập nhật 07/05/2019
Toàn cảnh Vịnh đẹp thế giới Lăng Cô nhìn từ trên cao (ảnh: Thanh Toàn)

     Với tiềm năng, lợi thế về địa lý, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hữu tình, Lăng Cô (huyện Phú Lộc) từ lâu đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trên Con đường Di sản miền Trung, trên trục hành lang kinh tế Đông Tây. Đặc biệt, sau được tổ chức Worldbays Club bình chọn là một trong những Vịnh biển đẹp nhất thế giới (tháng 5 năm 2009), Lăng Cô nói riêng và Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô nói chung đã có những chuyển biến khá mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, nhất là dịch vụ, du lịch, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế đến đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ.

Khẳng định danh hiệu  

Với những giá trị của vùng sinh thái biển và tiềm năng lớn để phát triển du lịch, những năm qua, Tỉnh Thừa Thiên Huế có chủ trương phát triển Lăng Cô trở thành đô thị dịch vụ, du lịch biển năng động phía Nam của tỉnh. Theo đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung quảng bá, khai thác, phát huy lợi thế tiềm năng của vùng đất này để phát triển mạnh mẽ lĩnh vực dịch vụ, du lịch song song với việc gìn giữ môi trường, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của vịnh biển mang tầm thế giới này. Với tiềm năng, lợi thế về địa lý, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, Lăng Cô nói riêng và Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô nói chung ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, điển hình là dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế Laguna Lăng Cô của Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) đã đầu tư xây dựng trên quy mô diện tích gần 280ha và đưa vào hoạt động giai đoạn 1 vào năm 2013 với các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp 5 sao. Laguna Lăng Cô đã khai thác lợi thế và tiềm năng của vùng biển ngay bên cạnh vịnh Lăng Cô để tạo sự độc đáo cho sản phẩm du lịch, trở thành điểm đến nghỉ dưỡng biển đẳng cấp quốc tế hàng đầu tại Việt Nam. Mới đây, Khu du lịch này cũng đã được đồng ý cho nâng vốn đầu tư lên 2 tỷ đô la Mỹ và bổ sung hoạt động kinh doanh casino.

Đáng chú ý trong thời gian cuối năm 2018 đầu năm 2019, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã thực sự trở nên sôi động khi nhiều dự án, công trình lớn được đầu tư, khởi công xây dựng. Theo Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh cho biết, hiện đã có 21 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, với tổng vốn đăng ký gần 67.000 tỷ đồng.

Tấp nập và nhộn nhịp nhất là Dự án Khu du lịch quốc tế Minh Viễn - Lăng Cô do Công ty CP quốc tế Minh Viễn làm chủ đầu tư, với số vốn lên đến 368 triệu USD. Dự án được xây dựng trên diện tích 102ha, bao gồm hệ thống khách sạn, khu resort, trung tâm hội nghị và các dịch vụ bổ trợ đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành, đưa vào hoạt động vào quý I/2024, trong đó giai đoạn I sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động vào cuối năm 2019 với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng.

Với hình hài đang hiện ra khá rõ ràng sau một thời gian triển khai xây dựng, Khu du lịch nghỉ dưỡng mang phong cách “Huyền thoại Địa Trung Hải” (với thương hiệu Movenpick) do Tập đoàn Vicoland làm chủ đầu tư hiện đã hoàn thành xây dựng các hạng mục chính giai đoạn I đến hơn 90%, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn I vào cuối quý III/2019, sau đó cũng sẽ tiếp tục xây dựng giai đoạn II với vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng (tổng mức đầu tư là hơn 1.100 tỷ đồng).

Khu du lịch phong cách “Huyền thoại Địa Trung Hải” tại Lăng Cô đang triển khai xây dựng, chuẩn bị hoàn thành giai đoạn 1

Mới đây, ngày 05 tháng 12 năm 2018, dự án Khu phức hợp du lịch và dịch vụ Đăng Kim Long cũng được động thổ tại Tổ dân phố Lập An thuộc địa bàn thị trấn Lăng Cô, với tổng vốn đầu tư lên đến 3.730 tỷ đồng trên diện tích gần 60 ha  với các dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, điểm dừng chân... Ngoài ra, một số dự án lớn khác tại khu vực Lăng Cô - đầm Lập An và khu vực Bãi Cả cũng được hoàn tất thủ tục để được cấp phép đầu tư.

Không chỉ các nhà đầu tư lớn, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như người dân Lăng Cô cũng đã tập trung đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ. Một số doanh nghiệp đến vùng đất này từ rất sớm như Thanh Tâm, Hương Giang – Lăng Cô,… ngày càng phát triển quy mô, đa dạng sản phẩm dịch vụ, khẳng định thương hiệu và uy tín chất lượng của mình, kết nối các điểm du lịch sinh thái trong tam giác vàng du lịch Bạch Mã – Cảnh Dương – Lăng Cô và vùng đầm phá Tam Giang Cầu Hai, góp phần thu hút du khách đến với vùng đất xinh đẹp đầy tiềm năng ở phía cực Nam của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cơ hội để cất cánh

Cuối năm 2013, Lăng Cô kết nối cùng Cảnh Dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một trong 4 khu du lịch quốc gia nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. 5 năm sau, ngày 19/12/2018, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia (DLQG) Lăng Cô - Cảnh Dương, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm đưa Lăng Cô - Cảnh Dương phát triển xứng tầm một điểm đến mang tầm cỡ quốc tế với những sản phẩm du lịch nổi bật về nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, các sự kiện văn hóa - thể thao, cảng quốc tế, hình thành được thương hiệu Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương, nâng cao sức cạnh tranh, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Theo quy hoạch, Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương nằm trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, thuộc thị trấn Lăng Cô và xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc có diện tích khoảng 9.490 ha. Trong đó, diện tích vùng lõi tập trung phát triển du lịch là 1.350 ha. Đến năm 2025, Khu du lịch Lăng Cô - Cảnh Dương trở thành điểm đến quan trọng hàng đầu của tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, môi trường đầu tư hấp dẫn thu hút được các dự án đầu tư phát triển du lịch, đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu DLQG; phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch Lăng Cô - Cảnh Dương trở thành điểm đến mang tầm cỡ quốc tế.

Được quy hoạch phát triển là Khu du lịch quốc gia, Lăng Cô - Cảnh Dương sẽ có nhiều cơ hội để cất cánh trong thời gian tới

Theo định hướng, Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương sẽ phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo gồm: nghỉ dưỡng; sinh thái; du lịch golf, thể thao, vui chơi giải trí công nghệ cao và phát triển các sản phẩm du lịch phụ trợ. Sẽ tập trung phát triển 08 phân khu du lịch chính. Trong đó, Phân khu du lịch đầm Lập An, tại Đầm Lập An, thị trấn Lăng Cô (Phân khu A, diện tích khoảng 70 ha) là trung tâm dịch vụ du lịch của Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương, ưu tiên phát triển trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, ẩm thực trên cơ sở khai thác lợi thế mặt nước của đầm Lập An. Phân khu du lịch biển Lăng Cô, dải ven biển Lăng Cô thuộc địa phận thị trấn Lăng Cô và một phần diện tích xã Lộc Vĩnh (Phân khu C, diện tích khoảng 540 ha) là phân khu du lịch động lực của Khu DLQG; ưu tiên phát triển du lịch biển và du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu văn hóa và trải nghiệm cuộc sống của người dân khu vực thị trấn Lăng Cô. Phân khu bảo vệ cảnh quan Nam Hải Vân, phía Nam đèo Hải Vân (Phân khu H, diện tích khoảng 40ha) là khu vực bảo vệ nghiêm ngặt về cảnh quan, các loài động thực vật của khu vực phía Nam đèo Hải Vân. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm về sinh thái, du lịch mạo hiểm và tham quan thắng cảnh, di tích...

Phát triển đa dạng các loại hình lưu trú, chú trọng phát triển các loại hình lưu trú cao cấp tiêu chuẩn 4 - 5 sao. Trong đó, Khu nghỉ dưỡng cao cấp, biệt thự du lịch, khách sạn cao cấp gắn với chăm sóc sức khỏe và vui chơi giải trí cao cấp tập trung chủ yếu tại khu vực Cù Dù - Cảnh Dương, Lăng Cô, khu vực bãi Cả, bãi Chuối, đầm Lập An. Khách sạn thấp tầng và các dịch vụ gắn với đô thị, bến du thuyền, các khu vui chơi giải trí đêm phát triển tại khu vực phía Nam đầm Lập An. Khách sạn nghỉ dưỡng, công viên vui chơi giải trí, thể thao và các dịch vụ gắn với cảng du lịch tập trung phát triển tại khu vực ven biển Lăng Cô, khu vực cảng Chân Mây; phát triển bến du thuyền, nhà nghỉ nổi trên biển gắn với các hoạt động thể thao biển như lặn biển, ngắm san hô, lướt ván, chèo thuyền, vui chơi giải trí cao cấp phát triển tại khu vực đảo Sơn Chà. Các dịch vụ homestay gắn với dịch vụ du lịch phát triển tập trung ở khu vực thị trấn Lăng Cô, khu dân cư Hói Mít, Hói Dừa.

Ông Nguyễn Văn Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, với những chủ trương và định hướng phát triển của Trung ương cũng như sự quan tâm của Tỉnh dành cho Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và vùng đất Lăng Cô – Cảnh Dương thì trong tương lai gần Lăng Cô sẽ thay đổi và phát triển mạnh mẽ; sẽ là đô thị du lịch mới ở phía Nam của tỉnh, với hạ tầng du lịch đa dạng, phong phú, góp phần thu hút khách du lịch đến Thừa Thiên Huế nhiều hơn. Năm 2019 này là tròn 10 năm mà Lăng Cô được công nhận danh hiệu “Vịnh đẹp thế giới”. Để ghi nhận bước tiến trong phát triển du lịch, vào giữa tháng 5 này, chúng tôi sẽ tổ chức Lễ hội “Lăng Cô - Vịnh đẹp thế giới”. Đây sẽ là dịp để tôn vinh cảnh quan, môi trường sinh thái của vịnh Lăng Cô; đồng thời khẳng định vị thế và tiềm lực phát triển của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; qua đó hướng đến mục tiêu xây dựng thương hiệu du lịch Lăng Cô mang tầm quốc gia và quốc tế, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

                                                                                                                                                                                                                          
                                                                                                                                                                                                                                                                          
 
 
 
 
www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm
Lượt truy cập - trang truyền thông
Truy câp tổng 976.124
Truy câp hiện tại 392