Điện sạch từ nắng, gió Trường Sa
Ngày cập nhật 16/04/2019
Nhờ có điện, các chiến sĩ đảo Núi Le A sinh hoạt văn nghệ vui tươi, sôi nổi hơn

Nếu như trước đây, vận chuyển máy phát điện và nhiên liệu cho máy nổ để cung ứng điện năng sinh hoạt cho các đảo chìm, đảo nổi là bài toán khó, thì nay đã có lời giải từ việc ứng dụng điện gió và điện mặt trời - nguồn năng lượng vô tận từ nắng và gió Trường Sa.

Nguồn năng lượng phong phú

 

Năm 2008, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã tài trợ xây dựng hệ thống năng lượng tái tạo và chiếu sáng; tiếp đến, Công ty CP Đầu tư và Phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa (SolarBk) lắp đặt thử nghiệm thành công tấm pin mặt trời, bình ắc quy, tuabin gió, động cơ gió tại một số đảo, sau đó triển khai đến tất cả các điểm đảo, biến nắng và gió Trường Sa thành nguồn năng lượng sạch quý giá.

 

Theo các chuyên gia, ở Trường Sa, số giờ nắng cao nên pin mặt trời là nguồn cung cấp điện chính, chiếm 65%. Tài nguyên gió cũng rất tốt nhưng tùy theo mùa. Vào mùa gió thì hoàn toàn có thể dựa vào nguồn năng lượng này để phát điện và tích trữ. Đó là những điều kiện thuận lợi để phát triển và đảm bảo nguồn năng lượng điện đáp ứng nhu cầu cho phát triển kinh tế, dân sinh… Cả hai bổ sung cho nhau: mùa mưa gió nhiều, nắng ít thì điện gió chiếm ưu thế; ngược lại, mùa nắng thì cả hai cùng thuận lợi nhưng pin mặt trời thuận lợi hơn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nước biển, hệ thống, thiết bị điện nhanh hao mòn, hư hỏng nên cần phải có yêu cầu cao trong việc quản lý, vận hành cũng như bảo dưỡng.

Bảo dưỡng các tấm pin năng lượng mặt trời ở đảo Tốc Tan

Theo quan sát của chúng tôi trong chuyến ra Trường Sa vào đầu năm 2019 này, hệ thống năng lượng gió và pin mặt trời đã phủ sóng đến tất cả các đảo. Tại mỗi đảo, các trụ điện gió với cánh quạt xoay tít và trên các nóc nhà, những tấm pin năng lượng mặt trời trải rộng đã tạo một nét đặc trưng độc đáo.

 

Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) cho biết: Hệ thống điện gió và điện mặt trời đã cung cấp điện cho quần đảo 24/24 giờ, hạn chế tối đa việc sử dụng máy nổ phát điện, góp phần tiết kiệm chi phí chạy dầu diesel so với trước. Nguồn năng lượng sạch nói trên cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sẵn sàng chiến đấu, canh trực, bảo đảm đời sống, sinh hoạt, học tập, công tác của quân và dân trên các đảo. Điện sạch còn là yếu tố quan trọng trong việc triển khai hệ thống thiết bị lọc nước mặn thành nước ngọt có công suất lớn, giúp vận hành hệ thống Vsat do Tập đoàn Viettel trang bị cho 100% điểm đảo (cả đảo nổi và đảo chìm), giúp bộ đội và nhân dân xem truyền hình qua vệ tinh, được nói chuyện với người thân trong đất liền qua điện thoại; đặc biệt là kết nối internet, cập nhật thông tin trong nước và thế giới, làm cho quần đảo Trường Sa gần với đất liền, động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ an tâm công tác.

 

Tiết kiệm điện là quốc sách

 

Trước đây, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên các đảo rất khó khăn. Hệ thống chiếu sáng phục vụ trên đảo chạy bằng máy phát diesel nên mỗi tối chỉ phát 2-3 giờ. Từ khi có hệ thống năng lượng sạch, đời sống ở đảo đã có bước phát triển mạnh.

 

Chị Nguyễn Thị Dung ở đảo Sinh Tồn chia sẻ: Ở đây, điện và nước rất quý hiếm nên luôn được các hộ dân sử dụng tiết kiệm. Theo thỏa thuận của các hộ dân sống trên đảo, việc bơm nước sinh hoạt từ giếng lên cũng theo kế hoạch để tránh hao hụt điện năng một cách cục bộ, dẫn đến thiếu điện. Các gia đình cũng hạn chế tối đa việc sử dụng thiết bị điện có công suất lớn vào giờ cao điểm. Mọi người ra khỏi nhà luôn tắt điện.

 

Mỗi đảo có quy định và giải pháp tiết kiệm điện như: Cán bộ chiến sĩ không sử dụng điện lãng phí; thiết bị chiếu sáng, thiết bị lưu điện được đóng - ngắt tự động; tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời dùng cho chiếu sáng; hệ thống chiếu sáng công cộng trên các đảo thường được kiểm tra, bảo dưỡng, hạn chế đến mức thấp nhất rò rỉ, hao hụt điện năng; 100% điểm đảo và các hộ dân đều thay các bóng đèn sợi đốt, tiêu hao điện lớn bằng bóng đèn compact hoặc đèn led để tiết giảm lượng điện tiêu thụ và tăng tuổi thọ của thiết bị, đem lại hiệu quả thiết thực; cắt điện một số thời gian trong ngày, dành điện ưu tiên cho những trường hợp quan trọng và thực sự cần thiết; tất cả cán bộ, chiến sĩ và các hộ dân luôn tự giác tắt các thiết bị điện khi không dùng, xem đó là ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm minh…

 

Nhờ áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp tiết kiệm điện, mỗi năm Trường Sa tiết kiệm được gần 40% sản lượng điện tiêu thụ, góp phần dự trữ nguồn năng lượng sạch trên các điểm đảo, phục vụ tốt đời sống, sinh hoạt, quốc phòng - an ninh.

Theo "Trang thông tin điện tử Báo Phú Yên"
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm
Lượt truy cập - trang truyền thông
Truy câp tổng 979.057
Truy câp hiện tại 1.411