Thương lắm Trường Sa mùa giông bão
Ngày cập nhật 10/01/2019
Dù gian nan, vất vả, hiểm nguy, lính đảo Trường Sa vẫn lạc quan, yêu đời

Đất liền đang vào mùa mưa lũ. Nhiều nơi sóng biển xâm thực. Miền núi sạt lở, lũ quét, lũ ống; đồng bằng, phố biến thành sông. Người dân phải thức cả đêm để canh triều cường, trông mưa, chống bão... Nghĩ đến càng thương các anh chiến sĩ và những hộ dân ngoài đảo xa trong mùa mưa bão.

1. Trường Sa luôn là điểm đầu “hứng trọn” tất cả những cơn bão trước khi chúng vào đất liền Việt Nam. Sự tàn phá của bão ở đất liền đã thấy kinh khủng. Sức mạnh của bão trên biển còn kinh hoàng hơn nhiều. Những lúc này, đảo như pháo đài tự nhiên, còn cán bộ chiến sĩ hải quân phải căng mình, dùng mưu trí, kinh nghiệm để chống chọi, đối phó với cơn cuồng nộ của thiên nhiên.

 

Nhớ chuyến công tác ra Trường Sa năm trước, khi tàu 571 chuẩn bị cập đảo Song Tử Tây, theo lịch trình, đoàn sẽ ở lại đảo 2 ngày để quân đội làm nhiệm vụ và cánh phóng viên có thời gian tác nghiệp. Anh em báo chí ai cũng phấn khởi vì được gặp lại “đất liền” sau hơn 2 ngày đêm lênh đênh trên biển, nhưng hơn hết là sẽ có thời gian nghỉ ngơi để tiếp xúc, ghi chép tư liệu và cảm nhận cuộc sống của chiến sĩ cùng người dân trên đảo mà lâu nay không ít người chỉ biết qua báo, đài.

 

Vậy nhưng chỉ hơn một giờ sau, kế hoạch hoàn toàn thay đổi. Trưởng đoàn, đại tá Bùi Đình Dương nối máy với đảo trưởng Song Tử Tây thông báo thay đổi kế hoạch, đoàn công tác chỉ ghé đảo chưa đầy 4 giờ đồng hồ và phải rời đảo ngay. “Toàn tàu chú ý, chú ý toàn tàu...” thông báo của trưởng đoàn khiến cánh phóng viên hụt hẫng, nhưng đây là mệnh lệnh quân đội. Tất cả thu xếp nhanh chóng xuống xuồng lên đảo, làm việc hộc tốc, quên cả cơm trưa để kịp giờ hành quân trở lại tàu.

 

Tối hôm đó, trong bữa cơm chòng chành trên tàu do thời tiết đang xấu dần, đại tá Bùi Đình Dương giải thích về việc thay đổi kế hoạch đột ngột là vì phải chạy tránh bão. Nếu ở lại Song Tử Tây, gặp bão vào sẽ phải ở lại dài ngày không đảm bảo hải trình, mà điều này gây ảnh hưởng rất nhiều khâu, nhiều bộ phận; nếu gặp bão trên biển càng nguy hiểm. Hành trình sau đó ghé các đảo chìm Đá Nam, Đá Thị cũng hết sức chóng vánh để tàu kịp hướng về đảo Sơn Ca.

 

2. Thời tiết trên biển thời điểm trước bão thật khủng khiếp. Giữa biển khơi mà trời nóng hầm hập, khiến người ta bức bối, khó thở. Trời đang quang đãng, có khi tối sầm lại, nhoay nhoáy, mưa ồ ồ, ầm ầm, ràn rạt trên mặt biển. Bão ập đến, nước biển dâng cao 7-8m, sóng đánh trắng xóa. Với những đảo chìm, sóng tuôn nước biển vào cửa sổ, cán bộ chiến sĩ phải cơ động chuyển đồ đạc và mọi sinh hoạt lên tầng hai.

 

Ở những đảo nổi, sau cơn bão là cây đổ cành gãy, các công trình, vật chất cũng te tua... Thương nhất là những luống, những vuông, những thùng xốp, khay nhựa trồng rau xanh trên đảo, ngày thường đã ám đầy hơi muối, khi có bão trở nên xơ xác, ngập trong nước biển. Sau bão, chiến sĩ và người dân chung lưng đấu cật khắc phục, ổn định cuộc sống.

 

Trước những cơn bão hay áp thấp nhiệt đới, tất cả công trình, vật chất của quân đội được đưa về trạng thái đảm bảo an toàn nhất. Trung tá Nguyễn Văn Ký ở đảo Nam Yết cho biết: “Ở đây chúng tôi đã quen với thời tiết khắt nghiệt, giông bão. Thông tin dự báo thời tiết chưa đến là mọi người đã biết có bão sắp tiến vào biển Đông, chỉ huy đảo lên phương án phòng chống, tránh trú, bảo đảm tổn thất về vật chất thấp nhất, đồng thời vẫn đảm bảo trực sẵn sàng chiến đấu”.

 

Không chỉ vậy, lính đảo còn một nhiệm vụ quan trọng nữa trong lúc giông bão càn qua là sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu các tàu đánh cá của ngư dân trên biển, kể cả tàu của nước ngoài khi họ phát tín hiệu hỗ trợ nhân đạo. Trong số các đảo ở quần đảo Trường Sa, đảo Song Tử Tây ở cánh bắc quần đảo, được xem là “rốn bão” trên biển Đông. Hầu như các cây bão đều qua khu vực này nên việc chủ động phòng tránh bão, cứu hộ tàu thuyền trở thành nhiệm vụ thường xuyên.

 

Gian khổ, hiểm nguy nhất mỗi khi bão đến đối với các chiến sĩ Trường Sa có lẽ là lúc ở các đảo chìm. Gió rít, mưa gầm, chớp giật, sóng đánh cao phủ cả mái nhà... trên đảo. Những chú chó, heo được đưa xuống hầm, những khay rau xanh mang vào phòng ngủ, cán bộ chiến sĩ phải thức trực 24/24 để nắm tình hình thời tiết...

 

3. Sẽ thật thiếu sót khi nói về bão biển ở Trường Sa mà không nhắc đến những chiến sĩ không quân hàm đang làm nhiệm vụ “bắt mạch thời tiết” và “soi đèn trên biển”.

 

Trung bình mỗi năm có từ 12-13 cơn bão và hàng chục cơn áp thấp nhiệt đới quét qua quần đảo Trường Sa, cũng ngần ấy thời điểm cán bộ trạm khí tượng nơi đây phải đối mặt với hiểm nguy. Họ lặng lẽ, cần mẫn “đếm gió, đo mưa” để thông tin cho đất liền. Các trạm khí tượng ở Trường Sa được coi là “con mắt” báo bão sớm nhất, trước khi bão ập vào đất liền.

 

Với các cán bộ trạm khí tượng trên đảo, theo quy định, mỗi ngày họ phải 4 lần thu thập các số liệu thời tiết gửi về đất liền. Những ngày có áp thấp nhiệt đới hay bão, anh em vẫn phải đội mưa gió ra vườn quan trắc lấy số liệu, đo mực nước biển và báo cáo số liệu về đất liền với tần suất 30-40 phút/lần.

 

“Nửa đêm, trong mưa tuôn gió thét, sóng gào, anh em quan trắc vẫn phải lao ra vườn khí tượng để lấy số liệu. Những cơn bão lớn, gió giật ầm ầm, bước ra ngoài là người muốn quăng ngã nhưng anh em phải trực suốt đêm không dám ngủ”, anh Hoàng Trọng Vó, “bác sĩ thời tiết” trên đảo Song Tử Tây tâm sự.

 

Một câu chuyện cảm động, đau thương vẫn được anh em khí tượng ghi nhớ và kể lại về người đồng nghiệp của mình đã ra đi mãi mãi trong một lần làm nhiệm vụ. Anh là quan trắc viên Hoàng Văn Nghĩa. Nghĩa mất khi đang làm nhiệm vụ trong một đêm mưa gió bão bùng năm 2010 khi anh mới 24 tuổi. Hiện mộ phần của anh ở nghĩa trang trên đảo Trường Sa Lớn, giữa bốn bề gió sóng.

 

Những người làm nhiệm vụ gác đèn ở các trạm hải đăng trên các đảo cũng gặp nhiều hiểm nguy trong mùa mưa bão. “Công việc kể ra cũng bình thường, nhưng những ngày mưa bão thì sợ lắm”, anh Nguyễn Quốc Tiến, “đèn trưởng” trên đảo Song Tử Tây nói. Anh Tiến thuộc hàng “lính thâm niên” với 20 năm giữ đèn biển, trong đó có 17 năm đón Tết trên đảo và đã làm nhiệm vụ ở 9 ngọn đèn biển.

 

Công việc hàng ngày của những người gác đèn biển là lau chùi vệ sinh đèn và cả bên ngoài lồng kính. Ngày nào cũng phải vệ sinh đèn chính, đèn phụ, nhà pha vào buổi sáng. Giữa đêm phải leo lên tháp đèn để kiểm tra hiệu lực đèn, bất kể mưa bão. Hình dung thôi cũng đủ sợ, vì ở độ cao của tháp đèn, trong gió bão mình cứ như bị quăng quật xuống biển.

 

Anh Đặng Văn Thanh, người cũng có hơn 20 năm gác đèn biển, trải qua hết các trạm đèn ở đảo chìm, cho biết: “Công nhân các trạm đèn ở đảo chìm điều kiện sinh hoạt khó khăn và hiểm nguy rình rập. Như tháp đèn ở đảo Đá Lát cao 42m, giữa biển, mỗi khi biển động, tháp đèn rung bần bật. Những nhân viên gác đèn ở Trường Sa gắn bó với nghề vì tình yêu biển, đảo, vì sự an toàn trong hành trình những con tàu và trên hết là vì tình yêu Tổ quốc”.

 

Những khó khăn, khắt nghiệt của đời sống và thời tiết ở Trường Sa không ngăn được tình yêu biển đảo, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng của các anh bộ đội Trường Sa, những “chiến sĩ không quân hàm” làm công việc quan trắc khí tượng, gác đèn biển và cả những cư dân trên đảo. Trong giông bão giữa ngàn khơi, các cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo vẫn lạc quan, tin tưởng; bằng kỷ luật, kinh nghiệm và tình yêu, họ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ gìn biển đảo quê hương.

Nguồn: Báo Phú Yên
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm
Lượt truy cập - trang truyền thông
Truy câp tổng 981.596
Truy câp hiện tại 354